XÉT NGHIỆM SINH HOÁ DINH DƯỠNG LÀ GÌ, BAO GỒM NHỮNG NỘI DUNG KIỂM TRA NÀO?
Một trong những nội dung quan trọng của điều tra dinh dưỡng.
Dùng các phương pháp sinh hóa để phân tích hàm lượng chất dinh dưỡng trong máu, nước tiểu cùng các thành phần hữu cơ khác để xác minh xem có các triệu chứng cận lâm sàng của thiếu dinh dưỡng hay không.
Nếu dinh dưỡng đưa vào thiếu chưa đến mức nghiêm trọng, mà là tạm thời, thì thường không nhất định là sẽ xuất hiện các thể chứng của bệnh thiếu dinh dưỡng, thông qua các xét nghiệm sinh hóa sẽ có được những phán đoán tương đối chuẩn xác, giúp ích cho việc kịp thời áp dụng các biện pháp để điều chỉnh cho hợp lí.
Máu thường được lấy ở tĩnh mạch, hiện nay, do kĩ thuật phân tích tiên tiến, chỉ cần một lượng máu nhỏ là được. Nước tiểu lấy trong 1 ngày đêm là tốt, nhưng khó thực hiện được cũng nên dùng nước tiểu tải lượng trong 4 tiếng để kiểm tra hàm lượng chất dinh dưỡng hoặc các chất chuyển hóa của nó trong nước tiểu.
Ngoài ra, còn nên kiểm tra cả hàm lượng chất dinh dưỡng trong tóc. Nội dung kiểm tra có xét nghiệm tải lượng protein, vitamin và muối vô cơ trong máu và muối vô cơ, vitamin trong nước tiểu.
Protein huyết tương
Máu do 2 bộ phận cấu thành là tế bào hữu hình (hồng cầu, bạch cầu), và huyết tương vô hình. Trong huyết tương có chứa nhiều chất hữu cơ, trong đó protein chiếm một bộ phận rất lớn. Chức năng sinh lí của portein huyết tương bao gồm điều tiết độ axit-bazơ trong máu, tăng cường sức đề kháng của cơ thể đối với các bệnh truyền nhiễm, vận chuyển chất dinh dưỡng đến các tổ chức trong toàn thân, có tác dụng quan trọng đối với các hoạt động sinh lí bình thường trong cơ thể. Protein huyết tương không ngừng được phân hủy và tổng hợp ở trạng thái cân bằng động. Tổng hợp protein huyết tương đòi hỏi phải lấy protein trong thức ăn để bổ sung, nếu protein đưa vào không đủ, sẽ ảnh hưởng đến sự tổng hợp nó, dẫn đến nồng độ protein huyết tương giảm. Nồng độ protein toàn phần huyết tương thường biến động trong khoảng 6 - 8g/100ml, protein huyết tương biến động trong khoảng 3,5 - 5,5g/100ml. Khi protein huyết tương hạ xuống đến 2,8g, sẽ xuất hiện phù nề, lúc này còn có thể thấy bị tiêu lớp mỡ dưới da, teo cơ trẻ nhỏ chậm lớn,...
Vì vậy, bằng việc kiểm tra nồng độ protein huyết tương, sẽ phán đoán được tình trạng dinh dưỡng của protein trong cơ thể.
Tiêu chuẩn để phán đoán ở người lớn là cứ trong 100ml huyết tương, protein toàn phần > 6,5g thuộc loại bình thường, 6,0 - 6,4g thuộc loại không đủ, < 6,0g thuộc loại thiếu. Ở trẻ thơ, cứ trong 100ml huyết tương protein toàn phần > 5,5g thuộc loại bình thường, < 5,5g thuộc loại không đủ.
Hemoglobin
Một loại protein do globin kết hợp với hemoglobin có chứa sắt tạo thành. Hemoglobin (Hb) tồn tại trong hồng cầu, theo máu chảy khắp toàn thân, vận chuyển oxy đến các tổ chức và cơ quan, và thải cacbonđioxit được sản sinh ra qua trao đổi chất ra ngoài cơ thể theo đường hô hấp ở phổi. Trong tình trạng bình thường kết hợp giữa hemoglobin với oxy rất lỏng lẻo, tạo ra oxy hemoglobin (oxyhemoglobin). Khi phân áp oxy tăng vùng phổi, thì 2 thứ kết hợp. Khi phân áp giảm (trong các mô của cơ thể) thì 2 thứ phân li. Oxy sau khi phân li sẽ được cung cấp cho tế bào sử dụng. Hemoglobin lại càng dễ kết hợp với cacbonđioxit, lực kết hợp của chúng lớn gấp hàng trăm lần oxy, chỉ cần trong không khí có cacbon oxit tồn tại, là hemoglobin trong tế bào máu sẽ kết hợp với cacbon oxit; khi lượng kết hợp của chúng quá lớn thì sẽ xảy ra tức thở, như độc khí than chẳng hạn.
Nồng độ hemoglobin ở người bình thường tương quan dương với số lượng hồng cầu, khi hồng cầu nhiều, nồng độ hemoglobin cũng cao. Khi thiếu máu, số lượng hồng cầu và nồng độ hemoglobin cũng giảm.
Nếu trong chế độ ăn thiếu nguyên tố sắt, hoặc việc hấp thu tận dụng nguyên tố sắt kém, thì sẽ dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt, lúc này nồng độ hemoglobin giảm đi rất nhiều, còn số lượng hồng cầu không nhất định sẽ bị giảm.
Vì thế, nên thông qua xét nghiệm nồng độ hemoglobin để đánh giá xem có bị thiếu máu do thiếu sắt hay không. Trị số bình thường của hemoglobin (g/lít): dưới 6 tuổi là 110, trên 6 tuổi là 120, nữ người lớn là 110, nam người lớn là 120.
Chất khoáng trong máu
Một trong những hạng mục sinh hóa trong xét nghiệm máu, thông qua việc xét nghiệm lượng chất khoáng trong máu, sẽ tìm hiểu được tình trạng dinh dưỡng của khoáng chất trong cơ thể. Sau khi đưa các loại chất khoáng có chứa trong thức ăn vào trong cơ thể, máu sẽ mang đến các cơ quan, tổ chức.
Nồng độ chất khoáng trong máu có liên quan với hàm lượng chất khoáng trong thể ăn. Nếu hàm lượng chất khoáng của một vài loại thức ăn trong ăn uống cao, thì hàm lượng chất khoáng này trong máu cũng tăng cao tương ứng.
Nhưng cơ thể có khả năng làm cho chất khoáng trong máu được duy trì ở một mức nhất định, khi đưa chất khoáng vào quá nhiều thì ngoài việc dự trữ, số còn thừa đều bị thải ra ngoài cơ thể. Đưa vào không đủ trong thời gian dài sẽ làm cho nồng độ chất khoáng trong máu giảm.
Chất khoáng trong thức ăn được phân bố tương đối rộng, thường đều có thể thỏa mãn được nhu cầu. Nhưng nhân tố môi trường địa lí ở một số vùng nào đó và các nhân tố khác cũng sẽ dẫn đến thiếu một số nguyên tố nào đó. Các chất khoáng bị thiếu thường gặp có canxi, sắt, iot. Trị số bình thường của chất khoáng trong máu ở người lớn khỏe mạnh là cứ trong 100ml máu có kali 13,7 - 21,4mg, natri 310 - 340mg, canxi 8,5 - 11,5mg, magie 1,7 - 2,8mg, sắt 0,06 - 0,15mg, kẽm 0,07 - 0,15mg, đồng 0,07 – 0,15mg.
Vitamin và chất chuyển hóa trong máu, nước tiểu
Xác định hàm lượng vitamin và chất chuyển hóa của nó trong máu và nước tiểu là 1 phương pháp xét nghiệm sinh hóa để đánh giá tình trạng dinh dưỡng vitamin trong cơ thể. Phần lớn vitamin không thể tổng hợp được trong cơ thể mà phải do thức ăn cung cấp. Sau khi vitamin đưa vào cơ thể sẽ do ruột non hấp thu đi vào máu, rồi tiếp tục vận chuyển đến các tổ chức, tham gia vào các quá trình chuyển hóa, sau khi mất đi hoạt tính sẽ được thải ra ngoài cơ thể. Khi vitamin được cung cấp từ thức ăn tương đối phong phú, một lượng dư thừa sẽ được dự trữ tạm thời, một lượng còn lại khác sẽ được thải ra ngoài cơ thể. Khi lượng vitamin do thức ăn cung cấp ít, thì sẽ tiêu hao phần dự trữ trong các tổ chức, lúc này trong máu vẫn có thể duy trì được mức hàm lượng như cũ.
Nếu trong ăn uống thiếu một loại vitamin nào đó trong thời gian tương đối dài, thì loại vitamin dự trữ trong các tổ chức sẽ bị tiêu hao hết, không thể tìm thấy được trong máu và sẽ phát sinh các triệu chứng của bệnh thiếu vitamin.
Vì thế dựa vào hàm lượng vitamin trong máu, nước tiểu sẽ đánh giá được mức vitamin trong cơ thể. Dưới đây xin giới thiệu phương pháp đánh giá một số loại vitamin:
1) Vitamin A. Là thành phần cấu tạo nên chất cảm quang trong tế bào thị giác. Trong chuyển hóa ở cơ thể là retine (retinene), izotretinoin (isotretinoin). Hàm lượng vitamin A sau khi đi vào máu tương đối ổn định, có thể dựa vào đó để phản ánh tình trạng cung cấp vitamin A trong thức ăn, nhưng không được chính xác lắm. Đó là vì vitamin A sẽ tồn trữ lại trong gan, có lúc hàm lượng của nó tuy nằm trong phạm vi bình thường, nhưng vì có thể là đã sử dụng cả lượng dự trữ trong gan, cho nên rất khó dựa vào để khẳng định là tình trạng dinh dưỡng vitamin A tốt. Tiêu chuẩn đánh giá là ở người lớn, cứ trong 100ml huyết tương, hàm lượng vitamin A > 20μg là bình thường, 10 - 19μg là không đủ, < 10μg là thiếu, > 90 μg là quá nhiều. Ở trẻ em, cứ trong 100ml huyết tương 30 - 70μg là bình thường, < 30μg là không đủ, > 90μg là quá nhiều.
2) Vitamin D. Sẽ thúc đẩy việc hình thành xương. Vitamin D sau khi vào cơ thể qua gan, thận, chuyển hóa thành chất có hoạt tính [1,25 (OH)2 D3] thúc đẩy việc hấp thu và chuye63n hóa canxi, photpho, vì thế nên thông qua kiểm tra nồng độ 1,25 (OH)2 D3 trong máu để đánh giá mức dinh dưỡng vitamin D. Phương pháp xưa nay vẫn được dùng để kiểm tra hoạt lực của ankalin photphotaza (alkaline phophatase) trong huyết thanh do tiêu chí này mang tính không riêng biệt, các nhân tố gây ảnh hưởng tương đối nhiều, nên gần đây đã ít dùng. Tiêu chuẩn đánh giá là cứ trong 100ml huyết tương có chứa 1,25 (OH)2 D3 3 - 6μg là trị số bình thường. Nói chung, vitamin D sẽ không bị thiếu lắm.
3) Vitamin E. Còn gọi là tocoferol, hàm lượng trong thức ăn tương đối phong phú. Tocoferol mang hoạt tính có 8 loại, mà hoạt tính của α –ticoferol là mạnh nhất. Hấp thu tocoferol tương đối dễ lại còn có thể dự trữ được, nên cơ thể thường khó xảy ra bệnh thiếu vitamin E. Hàm lượng bình thường trong huyết tương ở người lớn là 0,8 - 1,4mg/ 100ml.
4) Vitamin B1. Là thành phần quan trọng của một coenzim nào đó trong cơ thể, thường sử dụng hoạt tính của transketolaza (transketolase) trong hồng cầu (E - TKA) để đánh giá tình trạng dinh dưỡng vitamin B1. Tổng lượng vitamin B1 có trong các tổ chức cơ thể là khoảng 25mg, đòi hỏi phải bổ sung liên tục từ trong ăn uống, đưa vào quá nhiều sẽ bị thải ra qua nước tiểu. Cũng có thể thông qua kiểm tra hàm lượng vitamin B1 trong nước tiểu để đánh giá tình trạng dinh dưỡng vitamin B1, nhưng do việc lấy nước tiểu tương đối vụn vặt đồng thời hàm lượng của nó còn bị ảnh hưởng của chế độ ăn trong thời gian dài vì vậy phương pháp kiểm tra này không lí tưởng lắm. Nên thông qua xác định hàm lượng vitamin B1, trong nước tiểu tải lượng để tiến hành đánh giá, tức cho người được xét nghiệm uống 5 mg vitamin B1, sau đó lấy nước tiểu trong vòng 4 tiếng, rồi xác định hàm lượng vitamin B1 trong đó. Lượng vitamin B1 thải ra trong nước tiểu người lớn 200 - 399μg là bình thường, 100 - 199μg là không đủ, < 100μg là thiếu.
5) Vitamin B2. Thành phần cấu thành của các coenzim trong cơ thể, không thể dự trữ được trong cơ thể, đưa vào quá nhiều sẽ thải ra ngoài qua nước tiểu. Khi thiếu, chuyển hóa bị rối loạn, biểu hiện là các triệu chứng thiếu nhiều loại. Hiện nay áp dụng phương pháp xác định hoạt tính của glutathion ređuctaza (glutathione reductase) trong máu toàn phần.
Ngoài ra, cũng nên áp dụng phương pháp xác định hàm lượng riboflavin (B2) trong hồng cầu. Có thông tin cho biết 16 tháng, sau khi thiếu hàm lượng riboflavin trong hồng cầu là 14μg/ 100ml. Ngoài phương pháp kiểm tra hàm lượng trong máu ra, cũng nên áp dụng phương pháp uống riboflavin 5mg, kiểm tra nước tiểu tải lượng trong vòng 4 tiếng để đánh giá tình trạng dinh dưỡng. Lượng thải ra trong nước tiểu tải lượng ở người lớn 800 - 1300μg là bình thường, 400 -799μg là không đủ, <400μg là thiếu.
6) Vitamin C. Tham gia vào nhiều hoạt động chuyển hóa trong cơ thể. Trong cơ thể chủ yếu tồn tại 2 dạng oxy hóa và oxy hóa khử. Vitamin C trong nước tiểu và trong máu cũng tồn tại ở 2 dạng này. Hàm lượng vitamin C trong huyết tương có liên quan tới hàm lượng trong ăn uống, khi đưa vào nhiều, hàm lượng vitamin C trong huyết tương sẽ cao. Nhưng hàm lượng vitamin C trong huyết tương giảm không hề có mối liên quan tất yếu với việc xuất hiện các triệu chứng thiếu vitamin C. Khi xét nghiệm không tìm thấy vitamin C trong huyết tương, trong vòng 4 tháng vẫn không thấy xuất hiện các triệu chứng, chứng tỏ lượng vitamin C trong huyết tương chỉ đại diện cho tình trạng đưa vitamin vào trước đó vài lần. Lượng vitamin C trong nước tiểu cũng tương quan dương với ăn uống. Khi kiểm tra không tìm thấy vitamin C trong nước tiểu, nó vẫn có thể tồn tại trong huyết tương. Lượng vitamin C trong huyết tương và trong nước tiểu không thể thuyết minh cho trạng thái của cơ thể, mà chỉ có thể thuyết minh về tình trạng ăn uống nói chung. Hàm lượng vitamin C trong bạch cầu không chịu ảnh hưởng của hàm lượng vitamin C trong ăn uống ở thời gian gần, đồng thời có liên quan với việc xuất hiện triệu chứng. Hàm lượng vitamin C trong bạch cầu (mg/100g) khi là 20-30, biểu thị hàm lượng vitamin C trong các tổ chức đã đạt tới bão hòa, khi hàm lượng là 2 là không đủ, khi hạ xuống đến 0 thì sẽ xuất hiện triệu chứng thiếu vitamin C. Trị số bình thường của vitamin C toàn phần trong 100ml huyết tương là 0,4 - 0,8mg, < 0,4 là thiếu. Vitamin C còn được tiến hành đánh giá thông qua phương pháp kiểm tra lượng thải ra trong nước tiểu. Áp dụng kiểu nước tiểu tải lượng, tức cho uống 500mg, rồi lấy nước tiểu trong vòng 4 tiếng, nếu người có hàm lượng 5 - 13mg là bình thường.
7) Vitamin PP. Còn gọi là niacin, là thành phần cấu thành các coenzim trong cơ thể sau khi chuyển hóa được thải ra dưới dạng N-methyl nicotinic amid. Lượng chất chuyển hóa vitamin PP trong nước tiểu người lớn bình thường là trên 5mg, nếu đưa vào không đủ chất chuyển hóa trong nước tiểu sẽ giảm xuống. Đánh giá mức dinh dưỡng vitamin PP nên dùng phương pháp làm xét nghiệm tải lượng tức cho người được xét nghiệm uống 50mg vitamin PP, đồng thời lấy nước tiểu trong vòng 4 tiếng để tiến hành làm xét nghiệm. Lượng thải ra bình thường của chất chuyển hóa vitamin PP là 3,0 - 3,9mg.
Ở những vùng dùng ngô làm lương thực chính do vitamin PP trong ngô khó được hấp thu tận dụng nên dễ xảy ra bệnh thiếu vitamin PP.
Xét nghiệm tải lượng vitamin
Một loại xét nghiệm sinh hóa thường dùng để đánh giá tình trạng dinh dưỡng trong thời gian gần của cơ thể. Hàm lượng của các loại vitamin trong cơ thể có một phạm vi nhất định nếu đưa vào quá nhiều lượng vitamin dư thừa sẽ bài tiết ra ngoài cơ thể, ngược lại nếu đưa vitamin vào không đủ, lượng thải ra trong nước tiểu sẽ giảm đi. Khi tiến hành xét nghiệm tải lượng vitamin, trước tiên cho người được làm xét nghiệm vào lúc đói, cho uống thuốc có chứa vitamin B1 5mg, vitamin B2 5mg, vitamin PP 50mg, vitamin C 500mg, trước khi uống cho thải hết nước tiểu, sau khi uống lấy nước tiểu trong vòng 4 tiếng trộn lắc đều rồi đo lượng thải ra của các loại vitamin nói trên. Nếu hàm lượng vitamin trong chế độ ăn phong phú, lượng thải vitamin trong nước tiểu sẽ cao, còn ngược lại sẽ thấp. Vì vậy, nên dùng phương pháp này để gián tiếp phán đoán tình trạng dinh dưỡng của vitamin.
Enzim máu
Một trong những thành phần hoạt tính trong máu, có tác dụng xúc tác sự trao đổi chất trong cơ thể. Chủng loại các enzim trong cơ thể rất nhiều. Enzim dạng kết hợp ngoài việc có chứa một phần protein ra, còn chứa vitamin, tức bộ phận không phải protein (còn gọi là coenzim). Khi vitamin được cung cấp không đủ hoạt tính của enzim sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, bằng việc đo hoạt tính của enzim, sẽ gián tiếp phán đoán được tình hình cung cấp một số chất dinh dưỡng nào đó. Phương pháp kiểm tra xác định enzim thường dùng hiện nay có 3 loại: Đo hoạt tính của ankalin photphataza (alkaline phosphatase) trong huyết thanh (AKP), đo hoạt tính của transketolaza trong hồng cầu và glutathionn ređuctaza trong máu.
1) Đo ankalin photphataza tronghuyêt thanh (AKP). Enzim này tồn tại trong các tổ chức và dịch thể của cơ thể, do tế bào tạo xương sinh ra, tác dụng của nó là thúc cho chất canxi dồn tích vào trong bộ xương. Mức độ hoạt động mạnh yếu của enzim này đánh dấu tình trạng hoạt động của tế bào tạo xương đồng thời cũng có thể nói rõ về sự hình thành chất xương, nên dùng để đánh giá dinh dưỡng vitamin D. Hàm lượng ankalin photphataza trong huyết thanh ở người lớn bình thường là 25 - 92 đơn vị quốc tế.
2) Đo hoạt tính của transketolaza (ETKA) trong hồng cầu. Còn gọi là phép hiệu ứng TPP, là một phương pháp đánh giá tình trạng dinh dưỡng của thiamin (B1). Độ cao thấp về hoạt tính của transketolaza trong hồng cầu chịu ảnh hưởng của coenzim (TPP). Thiamin (B1) là một bộ phận cấu thành của coenzim khi không đủ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản sinh các coenzim và cũng ảnh hưởng đến hoạt tính của transketolaza trong hồng cầu. Dựa vào nguyên lí này, cho máu đã qua xét nghiệm dịch thể có TPP, nếu hoạt tính của transketolaza trong hồng cầu tăng hơn hoạt tính của enzim vốn có (tác dụng này gọi là hiệu ứng TPP) thì biểu thị phần tăng lên bằng %. Hoạt tính tăng lên càng nhiều chứng tỏ hàm lượng thiamin (B1) trong cơ thể càng ít - Hiệu ứng TPP 0 - 15% là bình thường, 15 - 25% là không đủ, > 25% là thiếu.
3) Đo hệ số hoạt tính của glutathion ređuctaza trong máu (AC). Trị số này được dùng để đánh giá tình trạng dinh dưỡng vitamin B2 trong cơ thể. Phương pháp này mang tính riêng biệt mạnh. Vitamin B2 là một trong những thành phần coenzim của ređuctaza, khi không đủ sẽ ảnh hưởng tới sự sản sinh coenzim từ đó làm giảm hoạt tính của enzim. Khi tiến hành đo, cho coenzim vào trong máu của người được làm xét nghiệm, lấy hoạt tính glutathion ređuctaza vốn có làm cơ sở, rồi đối chiếu với hoạt tính sau khi đã cho thêm coenzim vào. Khi thiếu riboflavin (B2), trị số AC sẽ tăng cao, sau khi bổ sung riboflavin (B2) thì trị số AC sẽ hạ xuống tới mức bình thường. Tiêu chuẩn đánh giá: < 1,20 là dồi dào, 1,21 - 1,5 là đủ, 1,51 - 1,8 là không đủ, > 1,8 là thiếu.
Lipit huyết tương
Lipit huyết tương bao gồm các chất triglixerit, lipit, sterol,... là một loại phức chất có cấu trúc phức tạp, được lấy từ thức ăn đưa vào và từ lượng tồn trữ trong cơ thể. Sau khi lipit đi vào cơ thể và kết hợp với một lượng protein nhất định, thì được vận chuyển đến các cơ quan, tổ chức trong toàn thân tiến hành quá trình chuyển hóa, số lipit dư thừa sẽ được tồn trữ trong cơ thể. Ngoài ra, đường và protein cũng sẽ chuyển hóa thành lipit. Bằng việc đo kiểm tra hàm lượng lipit huyết tương có thể tìm hiểu được chế độ ăn có hợp lí hay không, ngăn không cho đưa quá nhiều chất béo vào trong cơ thể, dẫn đến các bệnh nhà giàu như chứng mỡ máu cao,... Trị số bình thường của triglixerit trong huyết thanh là <120mg/ 100ml, trị số bình thường của cholesterol trong huyết thanh là <250mg/100ml.