Tài liệu: Với các bệnh về da, cần qui định các chế độ dinh dưỡng ra sao?

Tài liệu
Với các bệnh về da, cần qui định các chế độ dinh dưỡng ra sao?

Nội dung

VỚI CÁC BỆNH VỀ DA, CẦN QUY ĐỊNH CÁC CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG RA SAO?

 

Bệnh vảy nến

Một loại bệnh về da dạng vảy ban đỏ do chứng viêm mãn tính thường gặp, tỉ lệ phát bệnh cao, dễ phát bệnh nhiều lần, hay phát sinh ở độ tuổi 30 - 40 tuổi.

Mối quan hệ giữa dinh dưỡng với bệnh vảy nến:

1. Sự tổng hợp anbumin trong gan bị ảnh hưởng. Tổng lượng protein, anbumin trong huyết thanh của người bệnh giảm, globulin α và β tăng, có 61,3% người bệnh chức năng gan kém, ảnh hưởng đến sự tổng hợp anbumin trong gan.

2. Trở ngại chuyển hóa lipit. Hàm lượng lipit, cholesterol và lipin trong huyết thanh tăng lên rất nhiều.

3. Trở ngại chuyển hóa đường. Có khoảng 25% bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường.

4. Thiếu vitamin. Hàm lượng vitamin B1 và C trong huyết thanh của người bệnh giảm. Hàm lượng axit folic trong huyết thanh và trong vảy da cũng thấp hơn bình thường.

5. Trở ngại chuyển hóa lưu huỳnh và muối vô cơ. Hàm lượng sunfidryl (sulfydryl) trong lớp chất sừng của người bệnh tăng nhiều, lượng kali trong huyết thanh ở thời kì hoạt động và lượng kali trong da tổn thương đều tăng lên rõ.

6. Có một số công trình nghiên cứu đã phát hiện thấy hoạt tính của một số oxiđoređuctaza (oxydoreductase) trong máu như lactic đehiđrogenaza (lactic dehydrogenase) và oxiđaza sắc tố tế bào tăng cao, còn hoạt tính của suxinat đehiđrogenaza (succinate dehydrogenase) lại giảm, cũng có người phát hiện thấy hoạt tính của photphorilaza (phosphorylase) trong tế bào da của người bị bệnh vảy nến giảm làm ảnh hưởng đến chuyển hóa glicogen.

7. IgA, IgE trong huyết thanh và IgA dạng bài tiết trong nước bọt đều cao hơn so với người bình thường.

Biện pháp trị liệu bằng dinh dưỡng:

1. Lượng protein đưa vào không dưới 1g cho mỗi kilogam cân nặng mỗi ngày. Nên chọn loại protein chất lượng cao như trứng gà, sữa bò, thịt lợn nạc, cá, đậu cùng chế phẩm đậu.

2. Ăn uống lipit thấp. Tổng lượng lipit mỗi ngày hạn chế ở khoảng 50g, không nên ăn thịt mỡ và mỡ động vật, nội tạng và trứng cá có chứa cholesterol cao.

3. Tăng lượng đưa vào nhiều loại vitamin - như vitamin A sẽ thúc đẩy sự tổng hợp glycoprotein, tăng cường chức năng miễn dịch, ngoài ra còn bảo vệ được tế bào biểu mô, có tác dụng trị liệu bệnh vảy nến. Vitamin B12 có thể nâng cao được tỉ lệ tận dụng axit folic (B9), gia tăng sự tổng hợp axit nucleic và protein. Axit folic còn là loại coenzim không thể thiếu được trong chuyển hóa lipit. Vitamin B6 tham gia vào phản ứng của hơn 60 loại enzim trong cơ thể, và có mối quan hệ chặt chẽ với quá trình chuyển hóa protein và lipit, cho nên cung cấp đầy đủ B6 sẽ giúp ích cho chuyển hóa lipit và giảm cholesterol. Ngoài ra, vitamin C, E cũng có tác dụng phụ trợ nhất định cho việc trị liệu bệnh vảy nến. Có ý kiến còn cho rằng vitamin K4 có thể điều tiết được rối loạn chức năng thần kinh thực vật và gián tiếp nâng cao hàm lượng ađenosin photphat (adenosine phosphate) trong tế bào, thúc đẩy sự phân chia tế bào, ức chế sự sinh sôi tế bào giúp ích cho việc chữa bệnh vảy nến.

4. Tránh uống rượu, uống nước chè đặc và ăn thức ăn cay, tránh các kích thích của các chất lí tính, hóa chất và thuốc men.

Bệnh bạch biến

Một loạt bệnh về da thường gặp, có biểu hiện da cục bộ mất sắc tố. Màu thật da ở mặt và cổ bị trắng ra, khác với màu thịt không đau ngứa. Quá trình biến chứng chủ yếu là tế bào hắc sắc tố bị hủy hoại gây ra mất sắc tố. Cũng có ý kiến cho rằng trong quá trình huỷ hoại tế bào hắc sắc tố có liên quan đến tác dụng của thần kinh da. Bạch biến ở rất nhiều bệnh nhân được phân bố theo từng đoạn đến dây thần kinh nhất định. Điều này chứng tỏ nhân tố hóa học thần kinh đóng vai trò chủ yếu trong việc làm mất sắc tố. Khoảng 20 - 30% bệnh nhân bạch biến có kèm theo các bệnh về miễn dịch tự thân, như viêm tuyến giáp, nhược cơ chức năng.

Tế bào hắc sắc tố trong cơ thể người nhờ tác dụng oxy hóa của tirosinaza (tyrosinaza) làm cho tirosin oxy hóa thành DOPA rồi lại oxy hóa hợp thành dopaquinon (dopaquinone) trải qua nhiều lần phản ứng, tự nhiên oxy hóa thành benzpiron (benzpyrole) và gốc tự do, benzpiron tụ hợp lại thành hắc sắc tố. Các sản phẩm trung gian của hắc sắc tố sinh tổng hợp (phenol đơn hoặc phenol kép), được quá độ sản sinh ra và tụ hợp trong tế bào hắc sắc tố có thể làm sát thương tế bào hắc sắc tố khiến cho sắc tố sợi mất. Vì thế các loại thuốc cystine, cysteine, glulathione dimercaprol, penicillin,... là rất bất lợi cho bệnh nhân bị bệnh bạch biến.

Biện pháp trị liệu bằng dinh dưỡng:

1. Chế độ ăn cân đối, cung cấp đầy đủ protein, như thịt lợn nạc, nội tạng động vật, đậu và chế phẩm đậu.

2. Ăn các thức ăn có chứa đồng, kẽm, sắt, như trứng gà, gan, tim, bầu dục lợn và rau xanh, trái cây tươi,... sẽ giúp ích cho việc thúc đẩy chuyển hóa sắc tố.

3. Thường xuyên ăn vừng đen, hạnh đào, nho khô,… cũng sẽ hữu ích cho chức năng của tế bào hắc sắc tố.

4. Tránh tiếp xúc với những hóa chất độc hại làm hủy hoại tế bào hắc sắc tố.

Như các chế phẩm hydioquinone monopropyl ether, phenol, diphenyl phenol sẽ làm mất sắc tố ở da tay; tert butyl phenol sẽ xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp và da thông qua tác động toàn thân mà dẫn đến bạch biến.

5. Proralea corylifolia có tác dụng trị liệu đối với bệnh bạch biến nhưng hiệu quả là không như nhau.

Bệnh eczema

Một loại bệnh về da do phản ứng biến thái cấp tính, bán cấp hoặc mãn tính. Đặc trưng của bệnh là có nhiều loại tổn thương như ban đỏ, sần mụn nước, vỡ loét, rỉ nước, da bì lên và liken hóa (hằn cổ trâu) có chiều hướng rỉ thấm ngứa ngáy nhiều, thường tái phát nhiều lần.

Mối quan hệ giữa dinh dưỡng và bệnh eczema:

Nguyên nhân gây bệnh eczema rất phức tạp, thường được cho là chủ yếu do phản ứng biến thái. Các chất gây dị ứng dẫn đến phản ứng biến thái bao gồm thức ăn (trứng cá, tôm, cua, sữa bò, thịt bò, thịt cừu, măng tre,...), các chất hít phải (phấn hoa, tro bụi, lông cừu,…), nhiễm khuẩn ổ bệnh (viêm túi mật mãn, viêm amiđan,...), kí sinh trùng, thuốc men và các chất tiếp xúc (hàng dệt tơ lụa, lông vũ động vật, sợi nhân tạo, nhiên liệu). Các nhân tố khác như nhân tố tính thần, rối loạn nội tiết, trở ngại chuyển hóa, rối loạn chức năng ruột dạ dày, tuyến bã nhờn và tuyến mồ hôi bài tiết không đểu,... cũng sẽ kích thích phát bệnh. Gãi ngứa, tắm nước nóng, uống rượu và thức ăn cay sẽ làm cho bệnh nặng hơn. Dinh dưỡng mất cân đối hoặc trong cơ thể thiếu một số chất dinh dưỡng nào đó, như vitamin B6, các axit béo cần thiết và nguyên tố vi lượng kẽm,... cũng dễ gây phát bệnh eczema hoặc làm cho bệnh nặng thêm.

Biện pháp trị liệu bằng dinh dưỡng:

1. Loại bỏ nhân tố gây bệnh, như một với loại thức ăn, thuốc men, ổ bệnh,...

2. Thường xuyên ăn thức ăn có chứa vitamin B6, như men khô, gan động vật, thịt gà, thịt bò, thịt lợn, hạt hướng dương, hạnh đào, đậu tương, cà rốt,...

3. Ăn uống nên thanh đạm, chọn những thức ăn có chứa vitamin C, tránh uống nước chè đặc, cà phê và rượu.

4. Ăn thức ăn có chứa nhiều axit béo cần thiết, nhất là thức ăn có chứa nhiều axit linoleic như hạt hướng dương, hạnh đào, dầu đậu nành, dầu vừng,...

5. Ăn thức ăn có chứa nhiều kẽm, như gan, gia cầm, thịt, cá, sữa bò,...

6. Với trẻ sơ sinh, khi cho ăn tăng thêm loại thức ăn mới nào đó, phải bắt đầu từ lượng ít khi đã thích ứng dần mới tăng lượng. Nếu dị ứng với sữa bò, thì nên đun sôi sữa bò nhiều lần, để cho lacto anbumin biến tính đã rồi mới cho ăn, cũng có thể dùng sữa cô đặc, sữa mẹ, sữa đậu nành,... Nếu dị ứng với trứng gà thì chỉ nên ăn lòng đỏ, cũng có thể luộc chín trứng gà, bóc bỏ lớp màng mỏng giữa lòng trắng và lòng đỏ trứng gà (là chất ovomucoit (ovomucoid) ăn vào dễ bị dị ứng), rồi mới ăn. Nếu dị ứng với sữa mẹ, thì người mẹ tạm thời không ăn hoặc ít ăn các thức ăn dễ gây dị ứng.

7. Theo đông y, bệnh eczema chủ yếu là do thấp nhiệt đang lưu lại gây nên, nguyên nhân là do ăn uống không hợp lí mà thấp sinh ra từ trong. Nên chọn thức ăn tính bình, lạnh hoặc hơi hàn, có thể thanh nhiệt lợi thấp và kiên trì tiêu thực như rau sam, rau muống,... cũng có thể dùng cây diếp cá 30g, củ cải 30g nấu canh ăn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, trừ thấp mát huyết.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2965-02-633565283936941643/Benh-tat-voi-dinh-duong/Voi-cac-benh-ve-d...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận