VỚI CÁC BỆNH VỀ HỆ TIẾT NIỆU, CẦN QUY ĐỊNH CÁC CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG RA SAO?
Viêm thận
Gồm 2 loại cấp tính và mãn tính.
Viêm thận cấp. Còn gọi là viêm cầu thận cấp, thường được cho là một loại phản ứng do các hợp chất kháng nguyên kháng thể lắng đọng trong tiểu cầu thận sau khi sản sinh ra các phản ứng miễn dịch đối với một số nhân tố gây bệnh nào đó của cơ thể (thường gặp nhất là liên cầu khuẩn tan trong máu) gây nên, nó đồng thời cũng gây ra chứng viêm và các tổn thương ở tiểu cầu thận. Bệnh này có thể phát sinh ở bất kì độ tuổi nào, nhưng gặp nhiều ở trẻ nhỏ biểu hiện lâm sàng là đái ít, đái ra máu, anbumin – niệu, phù nề, huyết áp cao,… thường trong vòng 4 - 6 tuần là dần dần hồi phục, một số ít có biến chứng thể tiến triển diễn biến thành viêm thận mãn.
Người bệnh phải tiến hành trị liệu bằng ăn uống, mục đích là: giảm thiểu gánh nặng cho thận, giảm thiểu sự tăng cao mức nitơ trong huyết thanh do sự phân hủy protein nội sinh gây nên, giảm bớt phù nề, làm cho huyết áp tăng cao được hạ xuống, tiết kiệm được protein trong bữa ăn, giúp ích cho việc hồi phục các tổ chức.
Nguyên tắc trị liệu bằng ăn uống:
Với nguyên tắc này cần căn cứ theo mức anbumin - niệu và trạng thái chức năng thận của người bệnh mà quyết định, đồng thời phải chú ý đến tình trạng phù nề, huyết áp cao,... của người bệnh. Nội dung chủ yếu bao gồm:
1) Dựa vào lượng tiểu nhiều hay ít mà quyết định lượng nước đun vào mỗi ngày. Thường ngoài việc bù lại lượng tiểu thải ra ở ngày hôm trước ra, cần đưa thêm vào 500ml nữa. Nếu nhân tiểu ít, thì lượng nước đưa vào mỗi ngày cần hạn chế, trong khoảng 500 - 700ml, khi cần thiết, hạn chế lượng protein đưa vào.
2) Với bệnh nhân bị chứng urê-huyết, cần áp dụng cách ăn uống hạn chế protein, lượng cung cấp protein trong bữa ăn mỗi ngày là 15 - 20g, hoặc mỗi kilogam cân nặng 0,2 - 0,3g, đồng thời dùng loại protein chất lượng cao và có giá trị sinh học cao như sữa bò, trứng gà,… Khi lượng tiểu của người bệnh tăng lên đến trên 1000ml mỗi ngày thì nên tăng dần lượng protein trong bữa ăn, nhưng tốt nhất không quá 0,8g protein 1 ngày cho mỗi kilogam cân nặng.
3) Những bệnh nhân có triệu chứng phù nề và huyết áp cao cần tùy theo từng mức độ khác nhau mà phân biệt áp dụng cách ăn uống ít muối, không muối, hoặc ít natri. Nấu nướng cả ngày cho chế độ ăn uống ít muối với lượng muối ăn không quá 2 - 3g (xì dầu 10 - 15ml). Tất cả những thức ăn có chứa nhiều muối natri như dưa, dưa muối xổi, rau dầm tương xì dầu, đậu phụ nhự, trứng muối, thịt muối,... và các loại thức ăn đồ hộp khác đều cần tránh ăn. Ăn uống không muối ngoài việc cả ngày không cho thêm muối ăn và xì dầu ra, còn cần tránh ăn những thức ăn có chứa natri cao, như các loại bánh bao, bánh ngọt, bánh quy có thêm kiềm hoặc xút,... Các loại rau mà trong 100g có chứa trên 200mg natri thì đều cần tránh ăn, lượng natri cả ngày không quá 500mg là vừa.
4) Nếu bị vô niệu hoặc tiểu ít, cần hạn chế đưa vào kali, tránh ăn những thức ăn có chứa lượng kali cao, như rau xanh và trái cây,...
5) Áp dụng chế độ ăn năng lượng cao, tức trong ăn uống lấy cacbohiđrat và lipit làm nguồn năng lượng chủ yếu, để tiết kiệm và bảo vệ lượng protein hữu hạn, nâng cao tỉ lệ tận dụng protein. Thường đặt ra mức khi nằm nghỉ tại giường, mỗi ngày cung cấp 6,70 - 8,37MJ (1600 - 2000kcal) năng lượng, tức 0,105 - 0,126MJ (25 - 30kcal)/ kg cân nặng.
6) Cung cấp đầy đủ thức ăn có chứa các loại vitamin đặc biệt là vitamin A, nhóm B và C, ăn nhiều rau tươi và trái cây, phương pháp trị liệu bằng ăn uống của Đông y là sữa cừu, bí đao, dưa hấu, cá chép,… có tác dụng lợi tiểu tiêu phù, có thể ăn nhiều được.
Viêm thận mãn: còn gọi là viêm tiểu cầu thận mãn. Một nhóm bệnh tiểu cầu thận có phản ứng chứng viêm miễn dịch là chính. Có thể là nguyên phát hoặc là thứ phát từ các bệnh khác. Biểu hiện lâm sàng là anbumin - niệu, huyết niệu dưới kính soi, huyết áp cao, phù nề và tổn hại chức năng thận. Đại đa số bệnh nhân là phát bệnh ngầm, bệnh tình tiến triển chậm. Có những bệnh nhân có thể do chứng anbumin niệu dần dần nặng thêm mà phát sinh hội chứng bệnh thận, hoặc huyết áp dần dần tăng cao, làm cho chức năng thận kém đi, một số bệnh nhân bệnh tình tiến triển tương đối nhanh, chỉ sau vài tháng là đã bước vào thời kì chứng urê - huyết. Những người bệnh tình nhẹ cũng có thể tự khỏi dần, một số bệnh nhân bị viêm thận mãn bệnh có thể kéo dài 20-30 năm, ở trạng thái tương đối ổn định hoặc tiến triển chậm.
Trị liệu bằng ăn uống có thể khống chế được huyết áp cao, điều chỉnh được sự chuyển hóa khác thường, giảm phù nề và ngăn chặn không cho protein bị phân hủy thêm nữa, để giảm thiểu sự sản sinh ra urê cùng các phế chất chuyển hóa protein khác. Vì vậy cần tùy theo sự tiến triển của bệnh tình mà điều chỉnh chế độ ăn cho bệnh nhân.
Nguyên tắc trị liệu bằng ăn uống:
1) Tùy theo tình trạng tổn hại chức năng thận mà quyết định lượng protein đưa vào. Nếu chức năng thận tổn thương vẫn chưa nghiêm trọng, thì nội dung ăn uống có thể tạm thời chưa hạn chế nghiêm ngặt, lượng protein đưa vào thường không quá 1g/kg cân nặng/ngày là vừa, trong ăn uống nên chọn dùng thức ăn có chứa nhiều loại vitamin. Nếu lượng nitơ urê trong máu bệnh nhân tăng cao, cần hạn chế lượng protein đưa vào đến mức mỗi ngày dưới 40g, ăn nhiều thức ăn có protein chất lượng cao và giá trị sinh học cao như sữa bò, trứng gà,…
2) Nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu là cacbohiđrat, lipit. Với bệnh nhân người lớn, lượng cung cấp năng lượng mỗi ngày khoảng 8,40 - 9,24MJ (2000 - 2200kcal), tức khoảng 0,126 -0,146MJ (30 -35kcal).
3) Với bệnh nhân bị phù nề cần hạn chế lượng natri đưa vào, ngăn không để ứ đọng dịch thể. Đồng thời chú ý kiểm tra mức natri trong cơ thể, do ở thời kì đa niêu viêm thận mãn natri sẽ thải ra nhiều lên, hàm lượng natri trong cơ thể không đủ, cũng cần chú ý kiểm tra mức kali trong cơ thể.
4) Khi bệnh tình xấu đi hoặc phát bệnh cấp cần lập tức xử lí theo nguyên tắc của trị liệu bằng ăn uống cho viêm thận cấp.
5) Nếu người bệnh xuất hiện anbumin niệu nhiều thì cần xử lí theo nguyên tắc trị liệu bằng ăn uống cho bệnh thận.
Bệnh thận
Hội chứng bệnh thận do gia tăng thẩm thấu tiểu cầu thận một lượng lớn anbumin trong huyết tương bị mất đi qua đường nước tiểu gây nên. Đồng thời không đi tiểu không ra máu, huyết áp cao và tổn hại chức năng thận. Gặp nhiều ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các khả năng là hậu quả của tiểu cầu thận cấp chứng ban đỏ luput, phản ứng biến thái, bệnh đái tháo đường, viêm thận do di truyền hoặc ngộ độc thủy ngân. Triệu chứng chủ yếu là xuất hiện anbumin - niệu nhiều, phù nề nặng, anbumin trong huyết tương giảm đồng thời thường kèm theo chứng mỡ máu cao. Bệnh nhân còn có các biểu hiện lâm sàng là đau ngực, mệt mỏi,...
Người bệnh phải tiến hành trị liệu bằng ăn uống, mục đích là: bù đắp lại lượng protein nhất là anbumin đã bị mất đi; giảm bớt phù nề, hạn chế lượng natri đưa vào, ngăn không cho phát triển chứng huyết - cholesterol cao và triglixerit tăng cao. Với những bệnh nhân sử dụng một vài loại thuốc lợi tiểu nào đó, cần chú ý theo dõi xem có thiếu kali không để bổ sung cho hợp lí.
Nguyên tắc trị liệu bằng ăn uống:
1) Chế độ ăn protein cao. Mỗi ngày mỗi kilogam cân nặng đưa vào 2g protein, cố gắng chọn dùng protein chất lượng cao như sữa, thịt, cá và chế phẩm đậu,…
2) Với những bệnh nhân xuất hiện phù nề, cần hạn chế lượng natri đưa vào. Tùy theo mức độ phù nề nặng nhẹ mà quyết định khi nấu nướng không cho muối (clorua natri) hoặc mỗi ngày 2 - 3g muối (tương đương với 10 - 15ml xì dầu); Tất cả những thức ăn có chứa nhiều muối natri, như dưa muối, đồ ngâm dầu, trứng muối, trứng mặn, thịt muối,... đều phải kiêng ăn. Khi nấu nướng không nên dùng mì chính (glutamic natri), có thể dùng các đồ gia vị như giấm, tương vừng, sốt cà chua,... để tăng thêm sự ngon miệng, cũng nên ăn nhiều sữa bò và các chế phẩm sữa có chứa natri thấp.
3) Không cần phải hạn chế lượng chất lỏng. Trong đồ uống nên cho thêm vỏ dưa hấu, hạt bí đao, vỏ bí đao, vỏ quít,... vào nấu cùng để lợi tiểu tiêu phù.
4) Ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi có chứa nhiều vitamin, chọn ăn thức ăn chứa nhiều sắt, vitamin A, riboflavin (B2) và vitamin C như gan động vật, cà rốt, rau xanh,... Do một lượng lớn anbumin – niệu bị thải ra trong nước tiểu dễ làm cho cơ thể bị thiếu canxi mà dẫn đến loãng xương, nên trong ăn uống cần phải chú ý bổ sung chất canxi.
5) Chọn dùng các thức ăn khai vị để kích thích bệnh nhân ăn nhiều lên, khi cần thiết nên áp dụng phương pháp cho ăn qua ống truyền, để đảm bảo cho bệnh nhân năng lượng đưa vào mỗi ngày đạt tới 0,167 - 0,251MJ (40 - 60kcal) cho mỗi kilogam cân nặng.
6) Đối với bệnh nhân cholesterol và triglixerit tăng cao, lượng cholesterol đưa vào mỗi ngày cần hạn chế trong khoảng 300 - 500mg, ít ăn thức ăn có chứa nhiều cholesterol, như lòng đỏ trứng, gan, bầu dục, óc, trứng muối, trứng cá,...
Theo phương pháp trị liệu bằng ăn uống của Đông y nên chọn dùng các loại thuốc tiêu nước giảm phù và bổ dưỡng. Như tỏi hấp dưa hấu, cá chép hầm tỏi, canh cá quả bí xanh, sa nhân nấu với cá giếc, gà mái nấu với hoàng kì, vịt già nấu tỏi, ba ba hầm suông, sữa cừu, sữa đậu nành,... Trị liệu bằng ăn uống có tác dụng quan trọng đối với việc khống chế quá trình bệnh và trợ giúp cho việc trị liệu bằng thuốc men.
Sỏi thận
Một trong những bệnh thường gặp về hệ tiết niệu. Thành phần chủ yếu của nước tiểu trong cơ thể là tinh thể, cơ chất và nước. Khi lượng và chất của một thành phần nào đó trong nước tiểu bị biến đổi, một vài tinh thể từ trạng thái hòa tan lắng đọng lại mà hình thành sỏi. Căn cứ theo thành phần tinh thể chủ yếu trong sỏi có thể chia thành sỏi canxi oxalat, sỏi canxi photphat, sỏi niệu và sỏi axit uric, sỏi xistin,... Nguyên nhân gây ra sỏi có rối loạn chuyển hóa, tăng năng tuyến cận giáp, chứng canxi - huyết cao, thiếu vitamin A, nhiễm trùng thận, tắc niệu đạo mất nước mãn tính, phẫu thuật cố định dài ngày và nhân tố di truyền,...
Về lâm sàng, có những người bị sỏi thận qua vài năm không thấy có triệu chứng hoặc chỉ thấy thỉnh thoảng đau vùng thắt lưng, cũng có người khi sỏi di động hoặc cơ thể bị va đập mới phát sinh đau nhói thận. Kiểu đau dữ này khởi đầu từ vùng thắt lưng, theo ống dẫn tiểu chuyển đến khe bẹn rồi lan ra cơ quan sinh dục ngoài, đồng thời có phát sinh đái ra máu. Nếu bị biến chứng nhiễm trùng sẽ xuất hiện sốt, rùng mình.
Mục đích của việc tiến hành trị liệu bằng ăn uống cho người bệnh là:
1) Tùy theo thành phần sỏi đã hình thành để điều chỉnh chế độ ăn cho tương ứng để ngăn chặn những bệnh nhân có chiều hướng kết sỏi sẽ bị kết sỏi nặng hơn, hoặc sau khi phẫu thuật lấy sỏi thận, sỏi lại phát tác.
2) Tăng thêm lượng dịch thể đưa vào để làm loãng nước tiểu, tăng thải loại chất khoáng, cứ 24 tiếng, lượng cung cấp dịch thể nên đạt tới trên 2500ml.
Nguyên tắc trị liệu bằng ăn uống:
1) Bệnh nhân trong sỏi có thành phần canxi oxalat, canxi phôtphat là chính thì nên dùng loại nước uống tính axit để làm cho nước tiểu bị axit hóa, như nên ăn nhiều các loại thịt như thịt lợn, thịt gà, thịt vịt và cá, trứng các loại,... Đồng thời hạn chế thức ăn tính kiềm như sữa bò, rau xanh, trái cây,... Với những người bị sỏi canxi oxalat, nên áp dụng cách ăn uống có oxalat thấp, canxi thấp để giảm bớt sự thải ra oxalat canxi, tránh dùng thức ăn có canxi cao như sữa bò, chế phẩm đậu, ốc đồng, tôm nõn,... và những thức ăn có hàm lượng oxalat cao như rau cải ngọt, rau giền, rau chân vịt, tỏi xanh, hành tây, củ măng, măng, ca cao, nước chè,... thức ăn có chứa nhiều vitamin D trong bữa ăn cũng nên ít dùng.
2) Bệnh nhân bị sỏi có thành phần xistin là chính, cần cố gắng chọn chế độ ăn có hàm lượng xistin, xistein, methionin thấp, hạn chế những thức ăn tính axit có chứa methionin cao như trứng, thịt, cá tôm,... đồng thời ăn nhiều thức ăn tính kiềm và tăng thêm lượng nước uống.
Sỏi xistin thường do khiếm khuyết di truyền gây nên, xistin - niệu là kết quả của trở ngại chuyển hóa protein ngoài việc kiềm hóa nước tiểu thông qua điều tiết ăn uống ra nên uống thêm thuốc để xistin hòa ban, giảm thiểu thải xistin trong nước tiểu.
3) Sỏi có nhân phần chính là axit uric, là do trở ngại chuyển hóa purin gây nên, người bệnh cần cố gắng tránh đưa vào những thức ăn có purin cao, như óc, nội tạng, canh thịt đặc, canh gà đặc, lá sacđin, nấm, đậu Hà Lan, đậu côve, súp lơ. Nước tiểu của người bị sỏi axit uric phần lớn là có tính axit, cho nên cần ăn nhiều thức ăn tính kiềm, để làm cho nước tiểu kiềm hóa, tránh để các tinh thể axit uric tách ra.
Ngoài ra những người bệnh dùng thuốc lợi tiểu, loại thiazine để thúc sỏi thải ra, cần theo dõi mức kali - huyết khi cần thiết phải bổ sung thức ăn chứa kali.
Suy thận
Bao gồm 2 loại: cấp tính và mãn tính.
Suy thận cấp. Hội chứng urê - huyết phát sinh nhanh cấp, bao gồm 3 loại là tiền thận, thận và hậu thận. Nguyên nhân gây bệnh của loại tiền thận có mất máu nặng, choáng ngất, bị bỏng và bị thương do chèn ép, chứng nhiễm trùng huyết nặng,...; nguyên nhân gây bệnh của loại thận có viêm tiểu cầu thận cấp, viêm thận -bể thận chứng nặng, viêm thận kẽ cấp viêm mạch máu thận cấp, hoại tử tiểu cầu thận cấp, ngộ độc thận,... Nguyên nhân gây bệnh của loại hậu thận có tắc đường tiểu hoàn toàn,... Sự phát sinh suy thận thường trải qua 3 giai đoạn sau:
1) Giai đoạn tiểu ít (khoảng 10 ngày), lượng tiểu mỗi ngày của bệnh nhân ít dưới 400ml.
2) Giai đoạn tiểu nhiều (thường 1 - 3 tuần), lượng tiểu của bệnh nhân dần dần tăng lên, lượng tiểu mỗi ngày thường sẽ lên tới 3000 - 5000ml.
3) Giai đoạn hồi phục (sau khi bị bệnh 1 tháng đến nửa năm), bệnh nhân hồi phục dần dần, lượng tiểu cũng dần dần hồi phục bình thường, nhưng sẽ để lại một vài tổn thương chức năng lâu dài, một số ít người bệnh sẽ chuyển thành suy thận mãn.
Các biểu hiện lâm sàng của suy thận mãn có: chán ăn buồn nôn, da ngứa ngáy thèm ngủ, mệt mỏi, nhìn không rõ, đau đầu, suy yếu và khó thở,…
Mục đích của việc trị liệu bằng ăn uống là: Phối hợp điều trị bệnh nguyên phát, thúc đẩy việc hồi phục chức năng, duy trì cân bằng axit - bazơ, cân bằng nước, chất điện giải và chất khoáng trong cơ thể, ngăn ngừa hoặc điều chỉnh chứng urê - huyết, giảm bớt sản sinh các chất thải chuyển hóa (urê, axit uric, axit creatin, thành phần đất điện giải...) nhằm giảm bớt gánh nặng cho thận.
Khi trị liệu bằng ăn uống, cần cung cấp các thành phần dinh dưỡng khác nhau cho phù hợp với các biểu hiện khác nhau trong các giai đoạn lâm sàng.
Giai đoạn tiểu ít:
1) Protein là năng lượng. Giai đoạn đầu phát bệnh cần hạn chế chặt chẽ lượng protein đưa vào, không cho hoặc chỉ cho ít protein chất lượng cao. Để thỏa mãn được nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng của người bệnh ngăn không cho phát sinh chứng xeton và phân huỷ protein trong cơ thể, cần cung cấp năng lượng đầy đủ, thường qui định khi nghỉ ngơi tại giường, năng lượng đưa vào mỗi ngày cần duy trì ở mức 4,2 - 6,3MJ (1000 - 1500kcal). Nguồn năng lượng dùng cacbohiđrat dễ tiêu hóa là chính, nên ăn nhiều tinh bột, rau, dầu mỡ trái cây, đường ăn,... cũng nên ăn nhiều thức ăn chứa đường cao, như kem, nước trái cây và thạch trái cây,...
2) Chất khoáng. Để hạn chế đưa natri vào cần tùy theo các mức độ phù nề khác nhau, tình trạng đi tiểu và đo lượng natri - huyết để phân biệt áp dụng các chế độ ăn uống muối thấp, không muối, hoặc natri thấp. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình trạng kali - huyết, khi thấy xuất hiện mức kali - huyết cao cần phải khống chế chặt chẽ lượng muối kali đưa vào trong ăn uống chú ý chọn dùng các loại rau chứa kali thấp, như bí đỏ, bầu, bí đao, mướp, cà, rau cần, rau cải trắng,... Kiêng ăn trái cây và nước trái cây. Do trong các loại thức ăn đều có chứa kali, nên ngoài việc tránh ăn những thức ăn có chứa lượng kali cao ra còn phải bằng các phương pháp để đông lạnh ngâm vào nước hoặc luộc xong đổ bỏ nước rau,... để giảm bớt hàm lượng kali trong thức ăn.
3) Lượng chất lỏng đưa vào cần căn cứ vào lượng nước tiểu thải ra để tính toán và khống thế chặt chẽ. Thường lượng chất lỏng đưa vào mỗi ngày bằng lượng chất lỏng thải ra của ngày hôm trước (chỉ nước tiểu, phân, chất nôn ra và nước thấm ra ở vết thương) cộng thêm 500ml nước mất đi không rõ (chỉ lượng chất lỏng mất không rõ được thải ra từ da, qua hô hấp).
Giai đoạn tiểu nhiều. Lượng protein trong bữa ăn mỗi ngày hạn chế ở mức 05 - 0,8g/kg cân nặng. Lượng chất lỏng đưa vào được quyết định bởi lượng tiểu thải ra của ngày hôm trước. Lúc này lượng natri, kali đưa vào trong bữa ăn cần được tăng lên, để bù đắp lại lượng đã bị mất đi trong nước tiểu.
Giai đoạn hồi phục. Khi lượng tiểu thải ra có chiều hướng dần trở lại thường triệu chứng lâm sàng có giảm sau khi bệnh tình ổn định được một thời gian, sẽ khôi phục ăn uống lại bình thường, lượng protein đưa vào mỗi ngày khoảng 1g/kg cân nặng, lượng cung cấp năng lượng nên khoảng 0,125 - 0,146MJ (30 - 35kcal)/kg cân nặng.
Suy thận mãn. Là biểu hiện ở giai đoạn cuối của nhiều loại bệnh thận mãn tính, có tích động sản phẩm chuyển hóa nitơ là loạn nước và chất điện giải, mất cân bằng axit - bazơ, thường nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân dẫn đến suy thận mãn có rất nhiều, thường gặp là do viêm thận mãn, viêm thận - bể thận mãn, và xơ tiểu cầu thận. Ngoài ra, còn có thể gặp ở lao thận, khối u thận, tắc sỏi đường tiết niệu, các bệnh phong thấp, viêm thận kẽ,... Biểu hiện lâm sàng là đau đầu nặng, khó thở, phù các chỗ lõm của chân tay, trở ngại thị giác, chán ăn, buồn nôn, ói mửa, đau bụng, viêm loét khoang miệng, nấc, đau khớp, mệt mỏi, co giật chứng u - huyết và viêm màng ngoài tim. Nếu trị liệu bằng ăn uống đúng cách thì có thể khống chế được triệu chứng duy trì được cân bằng chất điện giải, giảm thiểu các biến chứng như chứng huyết – nitơ vàn gộ độc axit... hạ thấp chuyển hóa phân hủy trong cơ thể, đẩy lùi sự tiến triển của bệnh kéo dài sinh mệnh.
Nguyên tắc trị liệu bằng ăn uống:
1) Tùy theo triệu chứng và mức độ tổn hại chức năng thận của người bệnh mà quyết định lượng cung cấp protein trong bữa ăn, thường mỗi ngày 0,26 - 06g/kg cân nặng là vừa. Khi bị suy thận nặng cần hạn chế lượng protein đưa vào đến xuống dưới 0,5g/kg cân nặng lí tưởng/ngày. Nếu có 3/4 lượng protein được lấy từ loại protein có giá trị sinh học cao, thì lượng cung cấp protein cho người bệnh nên khoảng 20 – 30g, cố gắng chọn dùng sữa bò, trứng, thịt nạc,... đồng thời chú ý hạn chế loại protein có giá trị sinh học thấp, tránh ăn đậu các loại cùng các chế phẩm từ đậu, vì trong đó có chứa lượng axit amin không cần thiết tương đối cao.
Do sự tổng hợp histiđin và tyrosin trong cơ thể người bệnh bị ức chế cho nên ngoài 8 loại axit amin cần thiết ra, vì histiđin và tyrosin cũng thuộc loại cần thiết, phải được cung cấp đầy đủ, để nâng cao mức hemoglobin và duy trì cân bằng nitơ.
2) Năng lượng đưa vào cần đầy đủ, để ngăn ngừa chuyển hóa phân hủy các tổ chức, nâng cao hiệu suất tận dụng protein. Năng lượng đưa vào mỗi ngày ở người bệnh tốt nhất là đạt tới 8,4 - 12,6MJ (2000 - 3000kcal) tức mỗi ngày mỗi kilogam cân nặng phải đạt 0,167MJ (40kcal). Nguồn năng lượng bằng cacbohiđrat là chính nên dùng loại tinh bột có protein thấp làm thức ăn chính. Muốn cho protein chất cao lượng ít được tận dụng hết, tốt nhất nên ăn thức ăn loại cacbohiđrat cùng với thức ăn loại protein. Khi bệnh tình tương đối nặng không thể ăn được hoặc lượng ăn quá ít nên bổ sung dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch.
3) Khi bệnh nhân xuất hiện phù nề và huyết áp cao, cần hạn chế lượng natri đưa vào xuống mỗi ngày 1,5 - 2g. Nếu bệnh nhân bị kali - huyết cao, cần thận trọng khi dùng loại thức ăn thay thế muối có chứa kali, đồng thời, trong ăn uống nên ít dùng trái cây và rau xanh, khi nấu nướng nên dùng phương pháp cho nhiều nước và luộc nhiều lần, để loại bỏ phần muối kali trong thức ăn. Chứng photpho - huyết cao sẽ làm cho chức năng thận xấu đi, đồng thời làm cho lượng canxi trong huyết thanh giảm xuống, cho nên ngoài việc áp dụng cách ăn uống photpho thấp ra, còn nên dùng thuốc aluminium hydroxide,... để giảm bớt sự hấp thu photpho. Khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng do canxi - huyết quá thấp gây nên cần ăn uống canxi cao, nên uống calcium gluconate, calcium lactate, calcium carbonate để nâng cao mức canxi - huyết, nhưng không thể đồng thời ăn cả các thức ăn có chứa nhiều photpho để tránh làm ảnh hưởng đến hấp thu. Bệnh nhân bị suy thận do quá trình hoạt hóa vitamin D bị trở ngại, việc hấp thu tận dụng canxi không tốt dẫn đến thiếu canxi trong xương nên trong chế độ ăn phải bổ sung vitamin D.
4) Lượng chất lỏng đưa vào mỗi ngày cho người bệnh cần bằng lượng chất lỏng thải ra của ngày hôm trước cộng thêm 500ml lượng chất lỏng mất đi không rõ.
5) Bệnh nhân rất dễ bị ỉa chảy do viêm dạ dày, viêm ruột, thậm chí đại tiện ra phân có lẫn máu, vì vậy nên cho ăn cơm canh mền, dễ tiêu hóa, để phòng ngừa dạ dày ruột bị kích thích cơ giới mà làm nặng thêm bệnh tình. Và cũng vì bệnh nhân thường bị thiếu máu do thiếu sắt, nên còn cần cho ăn các thức ăn chứa nhiều sắt và vitamin C. Mặt khác, bệnh nhân bị suy thận mãn có khả năng sẽ thay đổi khẩu vị phải dùng những thức ăn mà bệnh nhân ưa thích để tăng thêm sự ngon miệng.