Tài liệu: Với các bệnh về hệ tiêu hóa, cần qui định các chế độ dinh dưỡng như thế nào?

Tài liệu
Với các bệnh về hệ tiêu hóa, cần qui định các chế độ dinh dưỡng như thế nào?

Nội dung

VỚI CÁC BỆNH VỀ HỆ TIÊU HOÁ, CẦN QUY ĐỊNH CÁC CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG NHƯ THẾ NÀO?

 

Viêm dạ dày

Chứng viêm cấp tính và mãn tính niêm mạc dạ dày do nhiều nguyên nhân gây nên.

Viêm dạ dày cấp. Được chia thành 2 loại lớn là ngoại lai và nội sinh. Các bệnh thường gặp mang tính ngoại lai có nhân tố hóa học (bao gồm ethanol và thuốc men), nhân tố vật lí (nhiệt độ và máy móc) cùng vi khuẩn hoặc độc tố vi khuẩn. Các nguyên nhân gây bệnh mang tính nội sinh phần nhiều là do các bệnh nhiễm khuẩn (bạch hầu, scalatin, viêm phổi, cảm cúm,...) chứng urê huyết, xơ gan, bệnh tim phổi, suy hô hấp và các biến chứng ứng kích,... dẫn đến chứng viêm cấp ở niêm mạc dạ dày. Viêm dạ dày cấp phát bệnh tương đối nhanh, triệu chứng cũng tương đối nghiêm trọng, thường thấy đau bụng trên, thở gấp, buồn nôn, ói mửa và kém ăn,... quá trình bệnh ngắn, thường chỉ trong vòng vài ngày là khỏi.

Viêm dạ dày cấp do thức ăn nhiễm khuẩn hoặc độc tố vi khuẩn dẫn đến có thời gian ủ bệnh ngắn.

Khi tiến hành trị liệu bằng dinh dưỡng đối với viêm dạ dày cấp cần loại trừ các kích thích tiếp diễn và tổn thương ở niêm mạc dạ dày của các nhân tố gây bệnh đồng thời nằm nghỉ tại giường. Những người bị đau bụng và ói mửa nhiều nên tạm thời nhịn ăn, bổ sung đầy đủ nước, năng lượng và chất điện giải qua đường tĩnh mạch. Ăn uống bằng chất lỏng là chính, mới đầu cho ăn chất lỏng thanh đạm trước, như nước cơm, bột ngó sen, trà hạnh nhân, rồi dần dần tăng thêm sữa bò, trứng các loại. Sau khi bệnh tình chuyển biến tốt, cho ăn thức ăn sền sệt, tiếp đến cho ăn cơm nát. Về phương thức ăn nên ăn ít chia làm nhiều bữa, cố gắng giảm bớt gánh nặng cho dạ dày, để dạ dày được nghỉ ngơi đầy đủ. Nếu có kèm theo viêm ruột, ỉa chảy, cần giảm bớt lượng lipit, cấm dùng các thức ăn gây đầy hơi như sữa bò, sữa đậu nành, sucroza,... Bị viêm dạ dày cấp do ngộ độc thức ăn gây nên, vì nôn mửa, ỉa chảy mà bị mất nước tương đối nhiều nên cần uống nhiều nước để bổ sung dịch thể, để khỏi mất nước và thúc cho chất độc thải nhanh ra ngoài. Đồng thời chú ý bổ sung chất điện giải.

Viêm dạ dày mãn. Chỉ viêm dạ dày teo mãn và viêm dạ dày thể nông mãn. Ở trong cùng 1 dạ dày, cả 2 loại có thể cùng tồn tại đồng thời. Nguyên nhân gây viêm dạ dày mãn đến nay vẫn chưa được làm rõ. Có ý kiến cho rằng có khả năng có liên quan tới các nguyên nhân như viêm dạ dày cấp phát bệnh nhiều lần, thường xuyên ăn những thức ăn quá thô hoặc có tính kích thích, uống một vài loại thuốc nào đó trong thời gian dài (aspirin, tiêu viêm giảm đau, ilotycin, sulfonamide,...) protein và vitamin nhóm B cung ứng không đủ trong thời gian dài, uống rượu và hút thuốc trong thời gian dài. Biểu hiện chủ yếu là chán ăn, buồn nôn, thở dốc, đau buốt hoặc đầy tức bụng trên nhất là sau khi ăn. Viêm dạ dày teo mãn thường là dịch vị giảm, một người sẽ kèm theo thiếu máu do thiếu sắt hoặc thiếu máu ác tính. Có những người lúc bình thường không có bất cứ triệu chứng gì, chỉ khi kiểm tra X-quang hoặc soi dạ dày mới phát hiện được. Trị liệu bằng dinh dưỡng là biện pháp chủ yếu để chữa viêm dạ dày mãn, nếu có thể chú ý đến ăn uống được trong thời kì dài, thì thường làm cho viêm dạ dày thể nông mãn có chiều hướng khỏi dần. Cung cấp năng lượng cho người bị viêm dạ dày mãn nên cao hơn người bình thường một chút, ăn uống cần đa dạng, tăng sự ngon miệng đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và cân đối nhưng phải hạn chế thích đáng những thức ăn có chứa nhiều mỡ động vật. Đưa protein vào cần chú ý phối hợp giữa protein động vật (trứng, cá, thịt nạc,...) với protein thực vật (chế phẩm đậu,...). Thực phẩm cần dễ tiêu hóa, ít bã, ăn ít chia làm nhiều bữa, thức ăn thô phải chế biến cho nhỏ, cố gắng giảm thiểu các kích thích đến niêm mạc dạ dày. Khi ăn cần luyện thành thói quen nhai chậm nuốt kỹ. Tránh ăn những thức ăn sống lạnh, rán dầu mỡ, chua cay, cứng có tính kích thích. Rượu và thuốc lá không có lợi cho niêm mạc dạ dày, nên không dùng.

Viêm dạ dày teo mãn tính nên ăn canh cá đặc, nước thịt ép, để kích thích cho dịch vị tiết ra, giúp cho tiêu hóa; nếu đồng thời có kèm theo thiếu máu do thiếu sắt thì trong ăn uống cần tăng thêm các thức ăn chứa lượng sắt tương đối nhiều như gan lợn, lòng đỏ trứng, bột đậu nành, rau cần,...

Đồng thời tăng thêm trái cây và rau tươi để cung cấp vitamin C, giúp cho việc hấp thu sắt. Với trường hợp có kèm theo viêm dạ dày teo mãn do thiếu máu ác tính, vì trong cơ thể có sự trở ngại về hấp thu vitamin B12, cho nên phải cung cấp vitamin B12 bằng phương pháp tiêm bắp.

Loét tiêu hóa

Loét do niêm mạc đường ruột dạ dày, trong một tình huống nào đó, bị dịch tiêu hóa dạ dày tiêu hóa mất gây nên. Phát sinh ở thực quản, dạ dày và tá tràng, cũng có thể phát sinh ở vùng phụ cận khớp nối giữa dạ dày với ruột chay và túi thừa Meckel có niêm mạc dạ dày. Loét dạ dày và tá tràng là thường gặp nhất. Triệu chứng chủ yếu là đau bụng trên từng cơn, có tính chu kì mãn tính. Đau trong loét dạ dày phần nhiều xảy ra sau bữa ăn nửa tiếng đến 2 tiếng, đến trước bữa ăn sau thì hết đau. Đau trong loét tá tràng thì xuất hiện sau bữa ăn 3 - 4 tiếng, kéo dài cho đến bữa ăn sau.

Ăn vào sẽ khiến cho đau giảm bớt hoặc đỡ dần, cho nên còn gọi là đau bụng đói, loét tá tràng có khi đau lúc nửa đêm.

Mối quan hệ giữa dinh dưỡng với loét tiêu hóa

Trạng thái cân bằng giữa nhân tố xâm thực gây loét với nhân tố bảo vệ chống loét mà loại nhân tố sau chiếm ưu thế bị hủy hoại, là nguyên nhân cơ bản phát sinh loét tiêu hóa. Nhân tố hình thành loét dạ dày phần lớn là do lớp màn chắn niêm mạc dạ dày bị rão ra, loét tá tràng thì phần nhiều do dịch vị tiết ra tăng lên mà gây ra. Nguyên nhân về dinh dưỡng gây loét tiêu hóa chủ yếu có:

1) Hút thuốc có thể làm cho mạch máu niêm mạc dạ dày bị teo gây thiếu dinh dưỡng làm cho natri bicacbonat (sodium bicarbonate) (dịch tụy) do tuyến tụy tiết ra giảm, nicôtin có trong thuốc lá sẽ làm giảm trương lực của cơ thắt môn vị, khiến dịch mật phản lưu vào trong dạ dày, gây tác dụng xâm thực niêm mạc dạ dày và còn làm cho dịch vị tiết ra nhiều lên.

2) Ăn lipit cao. Lipit có khả năng ức chế sự bài tiết của dạ dày, khiến cho thức ăn bị tích lại trong dạ dày quá lâu, kích thích dịch vị tiết ra quá nhiều, lipit còn có thể làm cho dịch mật phản lưu mạnh hơn.

3) Các thức ăn quá nóng, quá lạnh, thô và nước chè đặc, cà phê, gia vị mạnh (như tỏi, ớt cay),... đều sẽ kích thích dịch vị tiết ra nhiều lên, và gây tổn thương trực tiếp tới niêm mạc dạ dày. Axetalđehit (acetaldehyde) do cồn sinh ra trong cơ thể có tác dụng gây tổn hại trực tiếp đến niêm mạc dạ dày, nghiện rượu trong thời gian dài và ăn uống không hợp lí sẽ làm yếu đi tác dụng che chắn của niêm mạc dạ dày.

4) Ăn uống không điều độ. Sẽ phá vỡ nhịp điều tiết của dạ dày.

5) Tính tình thất thường khi ăn uống. Sẽ gây rối loạn chức năng dạ dày, làm yếu nhân tố bảo vệ kháng loét.

6) Thói quen ăn uống. Khi ăn nếu không nhai kĩ thì nước bọt tiết ra ít, mà nước bọt sau khi vào dạ dày không chỉ bảo vệ được niêm mạc dạ dày, mà các nhân tố sinh trưởng biểu mô có trong đó ức chế dịch vị tiết ra và kích thích niêm mạc dạ dày tái sinh (loại tác dụng sau không mạnh).

Trị liệu bằng dinh dưỡng cho loét tiêu hóa

Mục đích là kích thích cho viêm loét chóng lành, ngăn không cho tái phát và phát sinh biến chứng. Phương pháp chủ yếu của trị liệu bằng dinh dưỡng có:

1) Ăn đúng giờ, đúng lượng, ăn ít chia làm nhiều bữa. Nên tùy theo bệnh tình mà mỗi ngày ăn 4 - 6 lần, ăn ít sẽ tránh cho dạ dày khỏi bị căng quá mức, ít kích thích tiết gastrin từ đó giảm tiết dịch vị. Ăn nhiều bữa không chỉ bổ sung được lượng dinh dưỡng còn thiếu do ăn ít, mà còn làm cho trong dạ dày thường xuyên giữ được lượng thức ăn vừa phải để trung hòa dịch vị, giúp ích cho việc liền bề mặt loét.

2) Đặt ra kế hoạch ăn uống hợp lí. Phải tùy theo sức dung nạp của mỗi người mà bố trí ăn uống, đồng thời chú ý đầy đủ năng lượng, chế độ cân đối, khống chế hợp lí lượng lipit đưa vào. “Ăn uống cho bệnh loét” theo lối truyền thống là theo phương thức cung cấp dinh dưỡng protein cao, lipit thấp và cacbohiđrat thấp. Sữa bò có tác dụng trung hòa dịch vị hơi yếu nhưng lại là một chất kích thích mạnh để tiết ra dịch vị. Vì thế có uống sữa bò hay không phải tuỳ vào sở thích và khả năng dung nạp của bệnh nhân mà quyết định lượng không nên quá nhiều. Mỡ động vật như thịt mỡ nên ăn ít nếu muốn nâng cao lượng lipit, thì nên ăn dầu thực vật như dầu đậu, dầu lạc, dầu cải,...

3) Ăn uống nên thanh đạm. Nên ăn những thức ăn có tính kích thích yếu, như gạo tẻ, bột mì, sữa bò, sữa đậu nành, trứng gà, bột ngó sen, thịt nac, cá,... Phương pháp nấu nướng áp dụng cách hấp, luộc, hầm, ninh là chính. Cần thái nhỏ nấu mềm. Kiêng dùng những thứ kích thích như thuốc lá, rượu, nước chè đặc, cà phê đặc hoặc ca cao, tiêu bột, bột cari,... cũng không nên ăn thức ăn thô ráp, khó tiêu, như các loại quả vỏ cứng, rau cần, ngó sen và thức ăn rán dầu mỡ, thức ăn tái, sống, hun khói, ngâm giấm,... Ngoài ra, còn nên cấm dùng những thức ăn sinh hơi như hành sống, củ cải sống, tỏi sống,... để tránh làm cho dạ dày bị giãn mang tính cơ giới, thúc đẩy cho dịch vị tiết ra. Những loại thức ăn khác mà người bệnh trước đây sau khi ăn dễ làm cho triệu chứng loét nặng thêm cũng cần tránh ăn. Ngoài ra còn phải khống chế hợp lí việc sử dụng đồ gia vị, thức ăn không nên quá chua, quá ngọt hoặc quá mặn.

4. Chủ trương phương thức ăn chậm nhai kỹ để tập trung tinh thần khi ăn. Thức ăn trong khoang miệng khi được nhai kĩ sẽ giảm thiểu được những kích thích cơ giới với đường tiêu hóa, đồng thời có thể làm cho nước bọt tiết ra nhiều hơn trung hòa được dịch vụ. Tránh để tinh thần căng thẳng hoặc trầm uất để ngăn ngừa rối loạn chức năng dạ dày đường ruột, giúp ích cho việc chữa khỏi loét,...

Viêm ruột kết

Chứng viêm ruột kết do nhiều nguyên nhân gây nên. Ruột kết nằm ở giữa ruột thừa và trực tràng, được chia thành 4 bộ phận: ruột kết trên, ruột kết ngang, ruột kết dưới và ruột kết xích ma. Chức năng sinh lí chủ yếu là hấp thu nước và chất điện giải, cất giữ cặn bã thức ăn, hình thành phân. Khi bị viêm ruột kết chức năng sinh lí bình thường của ruột kết bị yếu đi hoặc mất, vì thế không thể hấp thu được nước và chất điện giải trong nước phân từ ruột hồi và cũng không thể đẩy dòng phân tiến dần vào trực tràng, cơ thể chỉ còn có thể nhờ vào cơ bắp hậu môn để hạn chế số lần đại tiện. Khi niêm mạc ruột kết bị chứng viêm lan tỏa, protein sẽ bị mất đi nhiều từ trong dịch thấm.

Về mặt lâm sàng, bệnh nhân viêm ruột kết thường có biểu hiện ỉa chảy, đau bụng, sốt,... có trường hợp phát sinh ra chứng protein huyết thấp.

Mục đích của phương pháp trị liệu bằng dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm ruột kết là điều chỉnh sự mất cân bằng dịch thể và chất điện giải đảm bảo cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, tránh để kích thích vào đường ruột quá nhiều: Ăn uống theo nguyên tắc mềm, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, có đầy đủ năng lượng, nên ăn ít chia làm nhiều bữa, đồng thời bổ sung đầy đủ vitamin. Trong thời kì chứng viêm phát bệnh cấp phải dùng chế độ ăn chay để giảm bớt thể tích phân với hạn độ lớn nhất, khi cần thiết nên dùng phương thức dinh dưỡng ngoài đường ruột hoàn toàn, rồi dần dần áp dụng cách ăn uống thanh đạm, ít bã theo tiến triển của bệnh.

Nguồn năng lượng thì cung cấp cacbohiđrat là chính, bổ sung protein thỏa đáng, nên ăn nhiều thức ăn có chứa nhiều protein chất lượng cao như trứng gà, thịt lợn nạc, thịt bò, tim gan lợn, tôm cá,...

Trong ăn uống phải cố hết sức giảm bớt gánh nặng cho đường ruột, tránh để kích thích đường ruột. Cấm những đồ kích thích như thuốc lá, rượu mạnh và gia vị hương liệu. Tránh ăn thức ăn có nhiều chất xơ như loại quả vỏ cứng, hạt quả đậu, các loại trái cây và rau,... Đồng thời tránh ăn sữa bò và chế phẩm sữa các loại khác, vì bệnh nhân viêm ruột kết thường không chịu được sữa bò. Bổ sung vitamin và chất khoáng thì nên dùng canh rau, nước trái cây,... khi cần thiết, nên cung cấp bằng thuốc.

Những người bị ỉa chảy nặng sẽ bị mất nước đồng thời kèm theo mất nhiều các ion kali, clo, natri cần tiếp nước qua đường tĩnh mạch.

Viêm túi mật

Chứng viêm ở túi mật. Rất nhiều bệnh lây nhiễm, nhiễm khuẩn mãn tính, trở ngại bài tiết ở túi mật (như sỏi đường mật hoặc tắc mật kí sinh trùng, dịch tụy phải lưu vào túi mật,... đều sẽ dẫn đến viêm túi mật. Túi mật là kho tồn trữ dịch mật trong thời gian không tiêu hóa, nước mật bài tiết ra từ gan liên tục chảy tích trữ vào túi mật. Sau khi ăn, các sản phẩm phân giải protein và lipit trong thức ăn được thải vào ruột tá tràng sẽ khiến cho tế bào niêm mạc ruột tiết ra một loại chất kích thích mật từ máu chuyển vào túi mật, thúc túi mật co bóp, làm cho nước mật từ ống mật chảy vào ruột non. Cholat (cholate) trong dịch mật sẽ giúp cho việc tiêu hóa và hấp thu lipit. Ngoài ra dịch mật còn có thể thúc đẩy việc hấp thu các vitamin tan trong mỡ (vitamin A, D, E và K), bệnh nhân viêm túi mật phần lớn có biểu hiện rối loạn chức năng túi mật làm ảnh hưởng đến việc tích trữ và thải dịch mật. Khi bệnh nhân đưa lipit vào túi mật sẽ cơ bóp mạnh khiến cho bệnh nhân cảm thấy đau khó chịu, đồng thời do thiếu dịch mật mà việc tiêu hóa, hấp thu lipit bị trở ngại, bệnh nhân sẽ có cảm giác no căng hoặc không thấy đói.

Viêm túi mật được chia thành 2 loại cấp tính và mãn tính, khi phát bệnh nên tạm thời nhịn ăn, và cung cấp dinh dưỡng hoàn toàn ngoài đường ruột, dạ dày. Tránh ăn những thức ăn có tính kích thích và có chất béo, ăn thức ăn lỏng có cacbohiđrat cao trong thời gian ngắn như cháo gạo, bột ngó sen, sữa đậu nành,... Nên cho ăn các thức ăn lỏng hoặc thức ăn mềm lipit thấp, ít bã khi bệnh đã chuyển biến tốt dần, như bột cháo gạo tẻ hoặc cơm nát, cá hấp suông, chế phẩm đậu rau,... Nhưng phải hạn chế những thức ăn có chứa nhiều lipit như thịt mỡ, thức ăn rán dầu mỡ,... Viêm túi thận mãn phần nhiều có kèm theo sỏi mật, vì vậy nên thường xuyên áp dụng cách ăn uống lipit thấp, cholesterol thấp.

Mỗi ngày lượng lipit đưa vào nên khống chế trong khoảng 40g, tránh ăn các thức ăn rán dầu mỡ và các thức ăn có chứa nhiều cholesterol như óc, gan, bầu dục, lòng đỏ trứng,…

Protein mỗi ngày mỗi kilogam cân nặng khoảng 1g là vừa, nên ăn nhiều protein thực vật chế phẩm đậu. Cacbohiđrat dùng gạo tẻ, bột mì, ngô là chính. Đồng thời cần ăn ít chia làm nhiều bữa, để kích thích dịch mật tiết ra. Đồng thời mỗi ngày cho uống khoảng 1500ml nước quả để làm loãng dịch mật, ngăn không cho dịch mật ứ đọng. Cứ cách 2 - 3 tiếng cung cấp 1 lần. Tránh các thứ kích thích như ớt, cari, rượu, nước chè đặc, cà phê.

Sỏi mật

Một loại bệnh thường gặp phát sinh ở túi mật hoặc ống mật. Ở các nước Âu Mỹ hay gặp sỏi túi mật, ở một số nước Đông Nam Á hay gặp sỏi ống mật. Ở các độ tuổi đều có thể phát sinh, nhưng ít gặp ở trẻ dưới 10 tuổi. Cùng với sự tăng lên của độ tuổi, tỉ lệ phát sinh bệnh cũng dần dần tăng cao. Sỏi mật được chia thành các loại: sỏi cholesterol (cholesterol là chính) sỏi sắc tố (chủ yếu chứa bilirubin calcium) và sỏi hỗn hợp,… Sự hình thành sỏi mật có liên quan tới nhân tố ăn uống, chuyển hóa trong cơ thể thay đổi, dịch mật ứ đọng, kí sinh trùng đường mật, nhiễm khuẩn và tan máu quá độ,...

Nguyên tắc cơ bản của việc trị liệu bằng dinh dưỡng cho bệnh sỏi mật là:

1. Hạn chế cholesterol thỏa đáng. Việc hình thành sỏi mật có liên quan tới việc đưa vào quá nhiều cholesterol trong thức ăn. Cholesterol quá nhiều phần lớn sẽ bài tiết lại trong dịch mật, làm cho nồng độ cholesterol dịch mật ở trạng thái quá bão hòa, dẫn đến lắng đọng cholesterol, hình thành sỏi cholesterol. Vì vậy, lượng cholesterol đưa vào ở người bị sỏi mật thường mỗi ngày dưới 300mg là vừa, với những người bị chứng cholesterol - huyết cao độ nặng thì cần khống chế mức dưới 200mg. Ít ăn hoặc tránh ăn những thức ăn có chứa nhiều cholesterol, như thịt mỡ, óc, trứng cá, lòng đỏ trứng, nội tạng động vật.

2. Bổ sung lipin. Thành phần chủ yếu của dịch mật là clolat (axit mật hoặc muối axit mật), chiếm khoảng 50 - 70%, bilirubin chiếm 3 - 5%, cholesterol tự do chiếm 3 - 6%, lipin (lecithin là chính) chiếm 25 - 30% - Cholesterol trong mật đòi hỏi phải được giữ ở một tỉ lệ nhất định với clolat và lipin. Hàm lượng cholesterol trong mật quá cao hoặc hàm lượng clolat và lipin hạ thấp thì mật sẽ trở thành loại dịch mật quá bão hòa cholesterol - dẫn đến mật sỏi, sẽ có khả năng tách ra các vi hạt cholesterol trong dịch mật lắng đọng lại hình thành sỏi. Lipin trong mật của bệnh nhân sỏi cholesterol chỉ có 1/3, tỉ lệ lipin/ cholesterol là 2,3 – 3,1 còn ở người bình thường là 6,6. Các thực nghiệm trên lâm sàng cho thấy bệnh nhân sỏi cholesterol (sau phẫu thuật phải lưu trên người ống dẫn lưu hình chữ T) mỗi ngày uống 10g lecithine, tỉ lệ cholat/cholesterol sẽ từ 3,1 tăng lên đến 5,2 nói lên khi uống lecithine sẽ có thể tăng được khả năng tan trong mật của cholesterol.

3. Cung cấp lipit hợp lí. Mỗi ngày lượng lipit đưa vào nên là 50 - 60g, chiếm khoảng 20 - 30% tổng năng lượng. Tỉ lệ axit béo không no nhiều lần: axit béo không no đơn: axit béo no là 1:1:1 là tốt nhất. Cho nên cần tăng thêm dầu thực vật vừa lượng. Nếu thiếu hoặc trở ngại về chuyển hóa các axit béo cần thiết sẽ làm cho quá trình chuyển hóa cholesterol thành clolat trở ngại. Khi cho axit triglixerit vào sẽ thấy hàm lượng clolat và lecithin trong mật tăng lên.

4. Dùng cacbohiđrat hỗn hợp là chính. Sự hình thành sỏi cholesterol cũng có liên quan tới việc chuyển hóa đường. Trị số đường huyết ở bệnh nhân sỏi cholesterol có chiều hướng cao lên, đường cong dung nạp đường phần nhiều thể hiện là loại bệnh đái tháo đường hoặc bệnh đái tháo đường ẩn tính, quá trình glucoza chuyển hóa thành cholesterol và axit béo tăng cường. Điều này cho thấy thói quen ăn uống có mối liên quan tới việc phát sinh sỏi mật. Cần dùng loại cacbohiđrat hỗn hợp như gạo tẻ, bột mì, ngô, khoai tây,... làm nguồn chủ yếu hạn chế thỏa đáng lượng đưa vào loại đường đơn giản như đường cát, glucoza.

5. Khống chế năng lượng. Khi đưa năng lượng vào quá nhiều thể hiện trạng thái vượt tải thì dễ dẫn đến béo phì, mà sỏi mật lại thường gặp ở những người béo phì. Các nghiên cứu cho thấy cùng với sự tăng lên của cân nặng, sự hợp thành cholesterol trong gan cũng tăng lên theo. Do cholesterol quá thừa không dễ chuyển hóa thành clolat, nên một bộ phận tương đối nhiều vẫn tồn tại trong mật dưới dạng cholesterol, điều này có thể là một trong những nguyên nhân chủ yếu hình thành nên sỏi cholesterol.

6. Tăng thêm xơ thức ăn. Ăn nhiều các thức ăn có tính bảo vệ, có tác dụng hạ thấp cholesterol như lương thực khô, trái cây và rau tươi, hành tây, tỏi tây, nấm hương, mộc nhĩ,... Chất xơ thực vật sẽ phụ bám vào axit mật trong đường ruột, lại có thể thúc cho ống ruột nhu động mà làm giảm sự hấp thu axit mật làm cho axit mật bị thải ra nhiều lên, từ đó thúc đẩy cholesterol chuyển hóa thành axit mật.

7. Tăng thêm protein một cách thỏa đáng, lượng cung cấp mỗi ngày mỗi người 1 - 1,2g/kg cân nặng là vừa, cần ăn nhiều protein thực vật như chế phẩm đậu. Protein sẽ thúc cho túi mật co bóp, giúp ích cho việc bài tiết ở túi mật, đồng thời làm cho lượng glucoza điaxit - 1,4 lacton (glucose diacid - 1,4 - lactone) trong mật tăng lên, từ đó giúp ích cho việc ngăn chặn sự phân giải bilirubin kết hợp và lắng đọng bilirubin canxi để hình thành sỏi.

8. Uống nhiều đồ uống để ngăn chặn mật ứ đọng. Mỗi ngày lượng nước uống sẽ đạt tới 1000 - 1500ml. Tránh ăn các thức ăn kích thích và gia vị đậm, nóng đặc như ớt cay, cari, nước chè đặc, rượu, cà phê,... Khi nấu nướng nên dùng phương pháp nấu, ninh hầm, luộc,... tránh rán, xào dầu, mỡ,... đồng thời chú ý vệ sinh ăn uống, ngăn không cho đường ruột và đường mật bị nhiễm khuẩn và  kí kinh trùng (như giun đũa, giun kim, giun móc,...).

Chứng không dung nạp lactoza

Trở ngại tiêu hóa hấp thu lactoza do bị thiếu lactaza (lactase) trên bề mặt biểu mô niêm mạc ruột non gây nên. Có trường hợp do bẩm sinh, có trường hợp phát sinh khi bị các bệnh về đường ruột dạ dày khi có phản ứng biến thái với thức ăn, sử dụng thuốc kháng sinh,...

Người bệnh sau khi ăn thức ăn có chứa lactoza thì xuất hiện triệu chứng ỉa chảy, nôn mửa, đầy bụng, ruột dạ dày khó chịu,...

Sau khi loại bỏ lactoza trong thức ăn triệu chứng sẽ mất đi nhanh chóng. Vì thế những người bị chứng không dung nạp lactoza cần tránh ăn sữa các loại, các lại thức ăn khác có chứa lactoza và các loại thuốc đã bổ sung đệm thêm lactoza. Các bệnh nhi nên nuôi bằng các chế phẩm sữa không có chứa lactoza (sữa chua, lactoanbumin) và các thức ăn phối chế khác.

Viêm gan mãn

Bệnh gan mãn tính với chứng viêm gan kéo dài trên 6 tháng. Do nhiều nguyên nhân dẫn đến. Thường được chia thành 2 loại lớn là viêm gan không tiêu tan mãn tính và viêm gan hoạt động mãn tính. Virút viêm gan B (HBV) và virut viêm gan không A, không B làm nguyên nhân gây bệnh chủ yếu của viêm gan không tiêu tan mãn tính; Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu của viêm gan hoạt động mãn tính là virut viêm gan (HBV là chính), miễn dịch tự thân và thuốc men,... Những người bị viêm gan mãn có các triệu chứng mệt mỏi, yếu, ăn không ngon miệng, sợ mỡ, đầy bụng vùng gan hoặc bụng trên đau tức, thói quen đại tiện bị thay đổi,...

Mục đích chung của việc trị liệu bằng dinh dưỡng cho viêm gan mãn là tránh tạo gánh nặng và gây tổn hại cho gan, thúc đẩy sự tái sinh của các mô gan, ngăn không cho gan phát sinh biến chứng lâu dài, lan rộng, để kích thích hồi phục chức năng gan.

Nguyên tắc cơ bản bao gồm:

1. Khống chế năng lượng. Mức năng lượng thỏa đáng sẽ giúp ích cho việc phục hồi tổ chức gan và chức năng gan. Nhưng nếu nhấn mạnh quá mức tới năng lượng cao thì dễ dẫn đến béo phì, và làm cho viêm gan mãn biến chứng thành gan mỡ. Thường người lớn mỗi ngày cung cấp 8,4 - 10,5MJ (2000 - 2500kcal) là vừa. Nên tùy theo cân nặng và tình trạng bệnh mà điều chỉnh cho hợp lí.

2. Nhu cầu về protein. Protein là nguyên liệu chủ yếu cần thiết cho sự tái sinh tế bào gan. Lượng cung cấp protein cho bệnh nhân viêm gan mãn cần chiếm 15% tổng năng lượng, tương đối cao hơn so với người khỏe mạnh. Nên chọn dùng protein chất lượng cao và chế phẩm đậu (như sữa đậu nành, gà chay, đậu phụ,...) và protein động vật (như sữa bò, thịt nạc, gà, cá, trứng,...). Các loại thực phẩm nên ăn thay đổi nhau theo lượng ngang nhau, để tăng thêm sự ngon miệng, như 100g đậu phụ = gà chay 25g = gà hoặc cá 75g.

3. Nhu cầu về cacbohiđrat. Lượng cacbohiđrat cung cấp mỗi ngày nên chiếm 60 - 70% tổng năng lượng là vừa, dùng thức ăn gạo, bột,... là chính. Cacbohiđrat với lượng vừa phải sẽ làm cho gan dự trữ đủ đường gan, để duy trì chức năng gan và bảo vệ gan.

Nhưng nếu nhấn mạnh quá mức đến việc ăn đường cao, ăn quá nhiều đường glucoza, sucroza, fructoza thì không những không có lợi mà ngược lại còn có hại. Bởi vì ăn đường quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự ngon miệng làm cho dạ dày ruột đầy hơi nặng thêm, đồng thời dễ dẫn đến tích tụ lipit trong cơ thể.

4. Nhu cầu về lipit. Lipit cần chiếm 20 - 30% tổng năng lượng, trong bữa ăn nên chọn dùng vừa phải loại dầu thực vật có chứa các axit béo cần thiết, như dầu đậu nành, dầu lạc, dầu cải,... axit béo cần thiết sẽ giúp ích cho việc hồi phục tổ chức gan. Chất béo vừa phải sẽ làm tăng thêm vị ngon của thức ăn, kích thích việc hấp thu các vitamin tan trong mỡ.

5. Nhu cầu về vitamin. Bệnh nhân viêm gan mãn cần cung cấp vitamin các loại phong phú, nên dùng rau và trái cây tươi, như rau chân vịt, cà chua, táo quít, chuối tiêu,…

Bệnh nhân viêm gan mãn cần thay đổi thói quen ăn uống để thích ứng được với việc trị liệu bằng ăn uống, tránh để thiếu hoặc mất cân đối năng lượng và chất dinh dưỡng trong bữa ăn, đồng thời nên ăn ít chia làm nhiều bữa, cấm không ăn uống lấy được, rất bất lợi cho việc hồi phục chức năng gan, cần kiêng rượu.

Xơ gan

Bệnh hóa cứng chất thực do một hoặc nhiều nguyên nhân nào đó gây tổn thương đến gan trong thời kì dài hoặc nhiều lần dẫn đến. Căn cứ theo nguyên nhân gây bệnh, bệnh lí và biểu hiện lâm sàng có thể chia thành: xơ gan tĩnh mạch cửa, xơ gan hoại tử, xơ gan mật, xơ gan ứ huyết và xơ gan kí sinh trùng, trong đó, thường gặp nhất là xơ gan tĩnh mạch cửa, chiếm khoảng 50% tổng số các ca bệnh xơ gan. Triệu chứng xơ gan ở thời kì đầu tương đối nhẹ thường có biểu hiện chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn ói mứa, đầy bụng, khó chịu hoặc đau âm ỉ vùng bụng trên. Chức năng gan bình thường hoặc khác thường ở độ nhẹ. Cùng với sự phát triển của các biến chứng, triệu chứng sẽ nặng hơn, có những bệnh nhân còn bị vàng da, bệnh nhân thời kì cuối phần nhiều có các triệu chứng tràn dịch màng bụng, xuất huyết đường tiêu hóa, hôn mê gan,...

Rối loạn dinh dưỡng với sự hình thành xơ gan

1. Thiếu protein trong thời gian dài sẽ dẫn đến trở ngại chuyển hóa lipit trong tế bào gan, đồng thời dẫn đến mỡ tích tụ trong gan, tạo thành gan mỡ và hoại tử mô gan, cuối cùng phát triển thành xơ gan.

2. Lượng cholin, xyxtein, methionin đưa vào không đủ. Những chất này sẽ giúp ích cho triglixerit chuyển hóa thành lipin từ đó làm giảm sự tích tụ lipit trong gan, loại trừ mỡ ra khỏi gan nhanh hơn. Khi trong thức ăn bị thiếu, sẽ dẫn đến tổn hại gan.

3. Các loại vitamin nếu thiếu lâu dài trong thức ăn sẽ ảnh hưởng đến dây chuyền hô hấp hoặc sự oxy hóa lipit như thiamin (B1), axit panothenic,… làm gián đoạn tác dụng oxy hóa các axit béo mà dẫn đến chứng gan mỡ.

4. Rối loạn dinh dưỡng trong thời gian dài làm giảm sức đề kháng của gan đối với một vài độc tố hoặc tác nhân gây bệnh từ đó dẫn đến xơ gan.

5. Uống ruợu. Ở các nước Âu – Mỹ, ngộ độc cồn mãn tính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xơ gan tĩnh mạch. Các tổn hại gan ngoài việc có liên quan chặt chẽ với lượng và thời gian uống rượu ra (lượng rượu uống càng nhiều, tiền sử uống rượu càng dài thì càng dễ dẫn đến xơ gan) còn liên quan tới cách thức uống rượu, như nguy cơ của uống rượu lượng nhiều lớn hơn so với 1 ngày chia ra uống mấy lần. Axetanđehit (acetaldehyde) do cồn trong cơ thể dưới tác dụng của etanol đehiđrogellaza (ethanol dehydorogenase) hình thành nên gây tổn hại trực tiếp tới tế bào gan. Khi bị ngộ độc cồn, hàm lượng mỡ trong gan tăng lên, gây ra viêm gan, gan mỡ do cồn thậm chí gây xơ gan. Đồng thời nghiện rượu lâu ngày cũng sẽ dẫn đến hoặc làm nặng thêm rối loạn dinh dưỡng.

Trị liệu bằng dinh dưỡng cho bệnh nhân xơ gan

Do xơ gan là một loại bệnh diễn tiến mãn tính, vì thế ngoài việc phải điều trị bằng thuốc ra, thì trị liệu bằng dinh dưỡng có một tác dụng quan trọng trong việc kích thích tế bào gan tái sinh, ngăn cản tế bào gan phát triển biến tính, thay đổi tuần hoàn máu của gan và hồi phục chức năng gan. Nguyên tắc chủ yếu của việc trị liệu bằng dinh dưỡng là:

1. Cung cấp đầy đủ protein, được tính là mỗi ngày mỗi kilogam cân nặng 1,5 - 2g, tổng lượng protein trong 1 ngày là 100 - 200g, chú ý cung cấp protein có giá trị sinh học cao với một tỉ lệ nhất định như sữa bò, protein gà, cá, tôm, thịt nạc,... Protein có giá trị sinh học cao có chứa đầy đủ các chủng loại axit amin cần thiết với tỉ lệ hợp lí có thành phần gần với các tổ chức của cơ thể, giúp ích cho việc bảo vệ duy trì tế bào gan và làm cho các mô gan bị tổn hại được hồi phục và tái sinh, ngoài ra còn đảm bảo cho tế bào gan tổng hợp nên các axit amin cần thiết để tải lipoprotein (vận chuyển mỡ). Những người xơ gan khi bị tràn dịch màng bụng, protein trong cơ thể sẽ mất đi tương đối nhiều, nếu không kịp thời cung cấp bổ sung protein với một lượng nhất định, sẽ làm cho cơ thể bị thiếu một cách tương đối về nhu cầu protein. Nhưng khi gan bị suy nặng, sẽ không có khả năng chuyển hóa amoniac do protein trong cơ thể phân hủy sản sinh ra thành urê không độc, làm cho mức amoniac trong máu tăng cao mà dẫn đến ngộ độc amoniac ở trung khu thần kinh rồi gây hôn mê gan. Vì thế, khi gan bị suy nặng có chiều hướng bị hôn mê gan, cần hạn chế chặt chẽ lượng protein đưa vào, cố tránh đưa vào các axit amin có thể sản sinh ra tương đối nhiều amoniac trong cơ thể như glixin (glycine) xerin (serine) và các axit amin nhóm thơm (như phenylalanin, tyrosin, tryptophan) và ngược lại, cần cung cấp axit amin mạch nhánh (isoleuxin, leuxin, valin). Vì các axit amin mạch nhánh trong hệ thống vách ngăn máu não sẽ cạnh tranh với các axit amin nhóm thơm, từ đó mà có tác dụng làm giảm bớt hàm lượng axit amin nhóm thơm trong não.

2. Khống chế lượng lipit đưa vào, mỗi ngày 40 - 50g là vừa, đồng thời cố gắng dùng dầu thực vật. Người bị xơ gan sẽ suy mật hợp thành và dịch tiết ra bị giảm đi, việc tiêu hóa mỡ bị ảnh hưởng, đồng thời, do khả năng oxy hóa, phân hủy axit béo của gan bị giảm, sự tổng hợp nên lipophore protein không đủ lipit cung cấp quá nhiều dễ bị lắng đọng trong gan và ngăn cản sự tổng hợp glicogen làm cho tổn thương chức năng gan nặng hơn.

3. Tăng lượng cacbohiđrat cao. Mỗi ngày cung cấp khoảng 350 - 500g cacbohiđrat, nên chọn dùng các loại monosacarit hoặc đisacarit dễ tiêu hóa như glucoza, đường trắng, mật ong, trái cây,… lương thực chính dùng gạo tẻ, bột mì,... Cacbohiđrat cao sẽ giúp ích cho việc kích thích gan có đủ dự trữ glicogen gan ngăn ngừa các tổn hại của độc tố đối với tế bào gan đồng thời tiết kiệm được protein.

4. Năng lượng cao. Mỗi ngày thường 10,5 - 12,6MJ (2500 - 3000kcal), nhưng phải tùy theo độ tuổi và cường độ lao động để điều chỉnh cho hợp lí. Việc đưa năng lượng cao vào sẽ giúp ích cho việc tiết kiệm tiêu hao protein để đảm bảo cho việc hồi phục các tế bào mô gan đã bị tổn hại, và còn đảm bảo cho hoạt động của gan có đủ năng lượng ngoài ra còn có thể bù đắp được những tiêu hao do bị mắc bệnh gây nên, đồng thời tăng cường thể lực, nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

5. Vitamin đầy đủ. Nên sử dụng các loại men có chứa vitamin nhóm B và trái cây có vitamin C. Gan không những có thể tồn trữ được nhiều loại vitamin, mà còn trực tiếp tham gia vào sự chuyển hóa của chúng. Khi gan bị suy, chức năng tồn trữ này sẽ giảm, nếu không chú ý bổ sung kịp thời sẽ gây ra thiếu vitamin trong cơ thể. Rất nhiều coenzim do vitamin nhóm B và vitamin C trong gan hình thành nên sẽ tham gia vào việc chuyển hóa các loại chất, vitamin C còn đẩy nhanh sự hình thành glicogen gan. Vì thế, việc gia tăng nồng độ vitamin nhóm B và vitamin C trong cơ thể sẽ bảo vệ được hệ thống các enzim trong gan tăng thêm sức đề kháng, và đẩy nhanh sự tái sinh của tế bào gan.

Hàm lượng vitamin C trong nước tràn dịch màng bụng tương đương với hàm lượng tồn tại trong máu. Vì thế khi bị xơ gan kèm theo tràn dịch màng bụng thì lạai càng dễ dẫn đến thiếu vitamin C, nên phải cung cấp bổ sung kịp thời.

Tế bào gan bị tổn thương trong cơ thể làm cho cơ thể tiết ra anđosteron (aldosterone) và estrogen nhiều lên, hoạt động của nhân tố thải loại natri giảm hoặc thiếu, từ đó làm cho sự hấp thu lại natri ở tiểu quản thận tăng lên. Ngoài ra ở người bị xơ gan thường xảy ra thiếu các ion kẽm và magie. Vì vậy phải điều tiết thỏa đáng lượng đưa vào các chất khoáng có liên quan. Mỗi ngày hạn chế lượng clorua natri không quá 5 - 7g. Khi bị tràn dịch màng bụng hoặc phù nề thì cần thấp dưới 1 - 1,5g, lượng nước uống mỗi ngày cần hạn thế trong khoảng 1000 - 1500ml. Những thức ăn có chứa lượng kẽm tương đối cao có thịt nạc, gan, trứng, sữa, cá,... Các thức ăn có chứa magie tương đối cao là rau lá màu xanh, đậu Hà Lan, chế phẩm sữa và ngũ cốc,... Cấm uống rượu và đồ uống có cồn. Tránh dùng tất cả các loại thức ăn có tính kích thích và đồ gia vị cay, không ăn thức ăn rán dầu mỡ, những thức ăn đồ hộp có chứa chì và các chất phụ gia. Ít ăn hoặc không ăn những thức ăn có chứa nhiều xơ thô như rau cần, hẹ, giá đỗ tương, măng khô,… Các thức ăn sinh hơi như đậu các loại, khoai lang, khoai tây, đồ uống có ga,... cũng cần phải hạn chế.

Trị liệu bằng dinh dưỡng cho bệnh nhân hôn mê gan

Mục đích là khống chế tổng năng lượng và protein, giảm thiểu sự sinh ra amoniac trong chuyển hóa ở cơ thể, để tránh làm cho hôn mê gan phát triển theo chiều hướng xấu. Năng lượng mỗi ngày cung cấp 6,7MJ (1600kcal) là vừa, nguồn cung cấp chủ yếu dựa vào cacbohiđrat, với những người có thể ăn uống được, nên chọn dùng glucoza, nước cơm, bột ngó sen, nước trái cây, mứt quả,... phải dùng thức ăn nhỏ mịn và trái cây có ít xơ. Khống chế lượng protein đưa vào là hết sức quan trọng trong việc khống chế amonia - huyết tăng cao, với người bị hôn mê gan bất tỉnh nhân sự cần nghiêm cấm cung cấp protein, với người chưa bị hôn mê thì lượng cung cấp protein mỗi ngày cần khống chế trong khoảng 15 - 50g, khi điều chỉnh lượng cung cấp không những cần chú ý đến ảnh hưởng của protein đối với gan, mà còn phải tránh để xảy ra cân bằng nitơ âm. Trong ăn uống ở giai đoạn đầu không nên cung cấp protein động vật mà cần bổ sung protein thực vật với các chế phẩm từ đậu là chính, như đã biết, trong đậu tương có chứa nhiều axit amin mạch nhánh như leuxin, isoleuxin,... Khi bệnh tình chuyển biến tốt nên tăng dần loại protein động vật sản sinh amoniac tương đối ít như sữa bò,... Còn những thức ăn sản sinh amoniac tương đối cao như thịt trứng thì không nên cho ăn.

Viêm tụy

Biến chứng chứng viêm do các nhân tố kích thích, dẫn đến tuyến tụy tiết ra nhiều loại enzim phân hủy tiêu hóa từ đó dẫn đến sự “tiêu hoá” ở tuyến tụy cùng các tổ chức xung quanh. Được chia làm 2 loại cấp tính và mãn tính. Viêm tụy cấp có biểu hiện đau bụng cấp, buồn nôn, ói mửa, bụng trướng, sốt vàng da, người bị nặng thậm chí phát sinh các triệu chứng choáng,... kiểm tra lâm sàng sẽ thấy mức amilaza trong máu, nước tiểu và lượng bạch cầu tăng cao rõ. Viêm tụy mãn thường do phát bệnh cấp nhiều lần mà lâu ngày sẽ xuất hiện các triệu chứng khiếm khuyết cơ năng tụy, như bụng trướng, chứng phân mỡ và bệnh đái tháo đường thứ phát.

Ăn uống không hợp lí là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến viêm tụy. Ăn uống lipit cao sẽ làm giảm tính ổn định nội tại của tế bào tụy, vì thế mà làm thay đổi các đặc tính lí hóa của màng tế bào tuyến nang. Về mặt lâm sàng đã cho thấy chứng lypoprotein huyết cao (loại I, IV, V) có liên quan chặt chẽ đến việc phát bệnh viêm tụy. Cồn sẽ gây phù nề nhú ruột tá hình thành các cục nghẽn protein trong ống tụy, áp lực trong ống tụy tăng cao, đồng thời thúc đẩy sự bài tiết của tuyến tụy, từ đó dẫn đến viêm tụy. Quá trình chuyển hóa axit amin trong tuyến tụy diễn ra rất nhanh, vì thế nếu protein không được đưa vào đủ trong thời gian dài thì protein sẽ bị thiếu nghiêm trọng và cũng sẽ dẫn đến tổn thương tụy và viêm tụy. Canxi huyết cao cũng sẽ làm cho pacreatin tiết ra nhiều lên.

Mục đích của việc trị liệu dinh dưỡng cho chứng viêm tụy cấp là khống chế ăn uống một cách chặt chẽ, tránh kích thích đến tụy, ức chế các hoạt động chức năng của tụy, giảm thiểu tiết ra các loại enzim, đẩy nhanh việc hồi phục tụy và làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh.

Trong thời kì phát bệnh cấp, để hạn chế sự bài tiết của tuyến tụy, giảm nhẹ gánh nặng cho tụy, cần nghiêm cấm mọi sự ăn uống. Năng lượng mà bệnh nhân cần nên cung cấp dựa vào dinh dưỡng ngoài đường ruột. Sau khi bị phát bệnh cấp mức amilaza trong máu và nước tiểu, lượng bạch cầu trong máu đã hồi phục trở lại mức bình thường nên cho ăn các thức ăn lỏng với cacbohiđrat là chính, như nước cơm đặc, nước trái cây, mứt quả, bột ngó sen, trà hạnh nhân,... Thức ăn loại cacbohiđrat không gây tác dụng kích thích đối với sự bài tiết ngoài tụy, đồng thời những người bị viêm tụy cấp sẽ tiêu hóa hấp thu các loại thức ăn loại cacbohiđrat rất tốt cho nên phải xem cacbohiđrat là nguồn năng lượng chủ yếu cho người bị viêm tụy cấp.

Protein là chất dinh dưỡng cần thiết, giúp cho việc phục hồi các tổn thương ở tụy, nhưng cung cấp nên vừa phải, ăn các thức ăn chứa protein có giá trị sinh học cao là chính, như sữa đậu nành, nước đạm, sữa tách bơ,...

Khi chứng viêm tụy vẫn còn thì sự bài tiết lipaza ở tụy sẽ gặp trở ngại gây ảnh hưởng đến việc hấp thu, tiêu hóa lipit. Cho nên trong giai đoạn phát bệnh cấp cần hạn chế tất cả các thức ăn có chứa lipit. Sau khi bị phát bệnh cấp, nên tăng lên dần dần một số thức ăn có lipit thấp, như mì chay, bánh mì chay và nước gà, nước gan bỏ mỡ.

Sau khi bệnh khỏi vẫn phải tránh ăn những thức ăn có chứa lipit cao và có tính kích thích trong một thời gian, lượng cung cấp lipit mỗi ngày hạn chế trong khoảng 30g. Ngoài ra, phải cung cấp đầy đủ vitamin, đặc biệt là vitamin C để giúp ích cho việc phục hồi các biến chứng.

Phương pháp trị liệu bằng dinh dưỡng cho viêm tụy mãn về cơ bản cũng giống như với viêm tụy cấp. Khi phát bệnh cấp ngừng tất cả mọi sự ăn uống. Sau khi bệnh tình thuyên giảm nên ăn uống thanh đạm với lượng lipit thấp, cacbohiđrat cao và protein vừa phải, mỗi ngày ăn 5 - 6 bữa. Tránh những đồ uống có cồn và những thức ăn có tính kích thích đối với đường ruột dạ dày. Cấm dùng các thức ăn có chứa nhiều lipit như thịt mỡ, mỡ động vật, thức ăn rán dầu mỡ,... Nên dùng thức ăn ít lipit, như cá, tôm, thịt gà, thịt bò nạc, lòng trắng trứng và chế phầm đậu như sữa đậu nành, đậu phụ,... lượng lipit khống chế mỗi ngày trong khoảng 30g, sau khi bệnh khỏi nên tăng lên 40 - 50g. Phải cung cấp đầy đủ vitamin đặc biệt là loại vitamin tan trong mỡ và viên sắt. Đối với những bệnh nhân bị chứng phân mỡ, ăn uống mỗi ngày nên cung cấp 15 - 20g lipit, 400g cacbohiđrat, 60 - 80g protein, tổng năng lượng 8,4MJ (200kcal) là vừa.

Ỉa chảy

Triệu chứng biểu hiện của nhiều loại bệnh. Do ruột nhu động tăng nhanh, làm cho các chất trong ruột vận hành quá nhanh mà thải ra, số lần thải phân tăng nhiều, phân loãng hoặc có chứa máu mủ, chất nhầy. Những người chỉ có số lần đại tiện tăng lên mà phân vẫn thành khuôn thì không được gợi là ỉa chảy. Ỉa chảy có thể do chức năng (do kích thích hoặc phản ứng) cũng có thể do khí chất, do tổn thương đường ruột. Việc cung cấp năng lượng cho người bình thường đều là tiêu hóa hấp thu thức ăn đưa vào qua đường ruột dạ dày để duy trì cân bằng chuyển hóa năng lượng của cơ thể. Ỉa chảy sẽ làm cho các chất dinh dưỡng bị mất ở những mức độ khác nhau. Nhưng ăn uống không đúng cách cũng sẽ dẫn đến ỉa chảy. Cho nên giữa dinh dưỡng với ỉa chảy có mối liên quan chặt chẽ với nhau.

Ỉa chảy cấp phát bệnh nhanh, quá trình bệnh phần nhiều kéo dài trong vòng 2 tháng, có thể do nhiễm khuẩn đường ruột cấp, ngộ độc thức ăn hoặc ăn uống không đúng cách gây nên. Trong thời gian ỉa chảy cấp phải nhịn ăn trong vài tiếng để cho đường ruột được nghỉ ngơi hoàn toàn, truyền “dịch cân bằng” qua tĩnh mạch đồng thời bổ sung chất điện giải, khi có thể nên cho uống dịch bổ hoặc nước chè đen (chè đen cho thêm chút muối, sao nóng, hãm nước sôi cho uống sẽ ngừng ỉa chảy). Sau 1 - 2 ngày, cho ăn chất lỏng thanh đạm là chính, bắt đầu cho ăn một chút nước cơm, nước thịt hớt mỡ, bột ngó sen loãng, đợi đến khi số lần đại tiện giảm, nên dần dần cho ăn những thức ăn có ít bã, mịn mềm, ít mỡ, như cháo gạo tẻ, cháo gạo rang, mì nấu nát, bánh mì, bánh bao, bánh quy, canh trứng gà và bột ngó sen,... Đồng thời cần chú ý ăn ít chia làm nhiều bữa, mỗi ngày 6 - 7 lần, cố giảm bớt gánh nặng cho đường ruột, tăng thêm thức ăn thanh đạm, chuyển dần sang ăn uống bình thường khi bệnh tình chuyển biến tốt dần. Khi số lần đại tiện và hình dạng phân còn chưa khôi phục được bình thường thì không nên ăn rau, trái cây, nhưng có thể thêm nước rau, nước trái cây để bổ sung vitamin B, C và muối vô cơ.

Không uống hoặc ít uống sữa bò, vì lactoza đường ruột của bệnh nhân ỉa chảy có khả năng bị giảm đi, sẽ ảnh hưởng đến sự phân hủy lactoza, làm nặng thêm triệu chứng.

Giữ thói quen vệ sinh ăn uống tốt, không uống nước lã, không ăn thức ăn không sạch và chưa nấu chín, điều này vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa phát sinh ỉa chảy cấp.

Ỉa chảy mãn phát bệnh chậm, thường phát sinh nhiều lần, bệnh thường kéo dài trên 2 tháng, thậm chí vài năm. Thường do nhiễm khuẩn đường ruột, bệnh về đường ruột do chứng viêm, bệnh về dạ dày, gan, mật, tụy, hội chứng hấp thu kém và rối loạn chức năng bài tiết và vận động của ruột,... gây nên.

Nguyên tắc ăn uống của việc trị liệu bằng dinh dưỡng là ít bã, lipit thấp, năng lượng cao.

Do ỉa chảy mãn quá trình bệnh kéo dài, các tổ chức bị tiêu hao lớn nên cần cung cấp đầy đủ năng lượng, nhưng do chức năng tiêu hóa hấp thu của người bệnh kém, lượng ăn 1 lần không được quá nhiều cho nên phải áp dụng phương pháp ăn uống ăn ít chia làm nhiều bữa, cung ứng năng lượng mỗi ngày cần cố gắng đạt đến 10,08MJ (2400kcal). Cung cấp năng lượng với cacbohiđrat và protein là chính.  Cacbohiđrat nên lấy từ các thức ăn chính như mì, các loại cháo, bánh hấp, cơm mềm, bánh mì hoặc bánh bao,… Protein nên lấy từ thịt nạc, cá tôm, gà, chế phẩm đậu, trứng gia cầm,... Lượng lipit dưa vào cần khống chế hơn, tránh ăn những thức ăn chứa lipit cao. Khi nấu nướng cần hầm, nấu, hấp, là chính, kiêng dùng dầu mỡ rán, vì dầu mỡ không chỉ làm tăng thêm gánh nặng cho đường tiêu hóa, mà còn có tác dụng nhuận ruột làm cho ỉa chảy nặng hơn. Xơ thức ăn sẽ kích thích nhu động đường ruột, vì thế phải khống chế ăn rau và trái cây. Những người bệnh tình nhẹ, nên chọn dùng các loại rau và trái cây có xơ như nõn cải trắng, cà, cà chua bỏ vỏ hạt và bí xanh, khoai tây, táo, quít,... Những người bệnh tình nặng tốt nhất nên ăn nước rau, nước trái cây, canh rau, xúp rau,... Những thức ăn sinh hơi như đậu các loại, cải củ, bí ngô, khoai lang,... và những thức ăn có tính kích thích (gia vị mạnh),... cũng sẽ kích thích ruột nhu động nhanh hơn, vì thế không nên ăn. Nguyên nhân gây ỉa chảy mãn rất nhiều, cho nên việc bố trí ăn uống cần kết hợp với tình hình bệnh cụ thể và trạng thái dung nạp thức ăn của bệnh nhân mà quyết định. Nếu ỉa chảy là do không dung nạp được lactoza gây nên thì trong ăn uống cần tránh những thức ăn có chứa lactoza.

Đối với chứng phân mỡ suy tụy, thiếu dịch mật gây nên, nên dùng triglixerit do axit béo mạch vừa C8 – C10 tạo nên để tiến hành trị liệu bằng dinh dưỡng, với ỉa chảy do viêm ruột kết dị ứng gây nên, cần tránh dùng những thức ăn mà bản thân người bệnh không dung nạp được.

Táo bón

Phân khô cứng, thải ra khó khăn hoặc không hết được do phân ngừng lại trong đường ruột quá lâu gây nên. Quá 2 ngày không có phân thải ra, thường được cho là dấu hiệu của táo bón. Nhưng thói quen đại tiện ở những người khỏe mạnh có hơi khác nhau, những người có thói quen cách 2 – 3 ngày mới đại tiện 1 lần thì không nhất thiết là táo bón.

Táo bón được chia thành táo bón tắc ruột, táo bón co cứng ruột và táo bón mất trương lực.

Táo bón do tắc ruột là do đường ruột bị tắc và dính ruột, có khối u hoặc cục phân gồ ghề,... các chất chứa trong ruột vận hành bị trở ngại. Táo bón cơ cứng ruột là do dùng thuốc xổ, đồ gia vị và hút thuốc lá quá nhiều, và đưa vào quá mức những thức ăn thô và uống nước chè, cà phê quá đặc, uống rượu, mà làm tăng năng thần kinh giao cảm ở thành ruột, khiến thành ruột bị co cứng, cơ bị giãn ra và co lại quá mức, dẫn đến ruột bị hẹp lại, phân khó đi qua được. Táo bón mất trương lực là do thức ăn đưa vào quá ít hoặc quá tinh thiếu tính kích thích của chất bã xơ đối với vận động của ruột kết, không thể có ý muốn đại tiện, và do cơ trợ giúp đại tiện yếu (như của người già, người béo phì và phụ nữ mang thai,...) mà ảnh hưởng đến việc thải phân.

Trị liệu bằng dinh dưỡng cho người bị táo bón cần tùy theo từng loại hình táo bón khác nhau mà cho ăn uống cho hợp lí. Táo bón tắc ruột là một loại táo bón do khí chất, ăn uống cần hạn chế ở mức chỉ cung cấp một phần năng lượng, đồng thời giữ cho số lượng bã thức ăn hạ xuống mức thấp nhất, và cung cấp năng lượng theo phương thức dinh dưỡng ngoài đường ruột dạ dày là chủ yếu. Táo bón co cứng ruột cần áp dụng chế độ ăn uống bã thấp, không có xơ thô bao gồm sữa bò, chế phẩm sữa, thức ăn nhỏ mịn và bánh mì, uống nhiều nước đun sôi hoặc nước trái cây, ăn mật ong và dầu mỡ hoặc chế phẩm keo rau câu vừa lượng để duy trì được tác dụng bôi trơn khoang ruột và lượng nước phân trong ruột, khiến phân dễ thải ra; đồng thời tránh dùng những thức ăn kích thích như cà phê, nước chè đặc, rượu và hương liệu,... đồng thời cần tránh ăn nhiều thức ăn thô. Trị liệu bằng dinh dưỡng cho táo bón mất trương lực chủ yếu là bằng việc điều tiết ăn uống, tăng thêm lượng phân, kích thích nhu động ruột, tăng cường năng lực thải phân, nên ăn các thức ăn nhiều bã, thức ăn chính là gạo lứt, tấm (một số nước đã có tống kết kinh nghiệm về dùng cám gạo chữa táo bón) đồng thời ăn những thức ăn có chứa nhiều xenlulo như trái cây để cả vỏ, rau có lá gân, măng, mướp, dưa,... mỗi ngày đưa vào khoảng 10g chất xơ. Lượng thức ăn đưa vào phải đầy đủ, khi cần nên dùng một số chế phẩm từ rau câu, để lợi dụng tính hút nước của nó làm cho các thức ăn trong ruột trương đầy lên mà tăng lượng nhằm kích thích vào thành ruột, thúc đẩy ruột nhu động. Ngoài ra, còn nên dùng nhiều các thức ăn sinh hơi, như củ cải sống, hành tỏi sống, khoai lang,... để có tác dụng làm phồng ruột, tăng nhu động ruột. Ăn nhiều mỡ, dầu thực vật một cách thỏa đáng không những sẽ trực tiếp nhuận tràng, mà các axit béo được sản sinh qua sự phân hủy chúng sẽ có tác dụng kích thích ruột nhu động. Mật ong, vừng, hột đào,... cũng có thể làm nhuận tràng, nên chọn dùng vừa phải. Sáng sớm ngủ dậy mỗi ngày uống nước ấm, nước muối nhạt, nước rau, sữa đậu nành, nước trái cây,... sẽ giữ được nước trong phân ở đường ruột, làm cho phân mềm, trơn, dễ thải ra. Thiếu vitamin B1 sẽ ảnh hưởng đến sự truyền dẫn thần kinh, làm giảm sự nhu động của dạ dày ruột, vì vậy nếu bị táo bón mất trương lực phải bổ sung vitamin B1 một cách thỏa đáng, khi cần thiết nên uống vitamin B1 dạng viên, mỗi này 15mg.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2965-02-633565282713035393/Benh-tat-voi-dinh-duong/Voi-cac-benh-ve-h...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận