Nguyên lý cơ bản của văcxin là gì?
Dù làm theo công thức như thế nào, văcxin phải phát động một phản ứng miễn dịch để các cơ chế tự vệ chống vật gây bệnh đã định được hoạt hóa trước đối với mọi sự nhiễm khuẩn và có thể đối phó nhanh khi nó xảy ra.
Sự hoạt hóa hệ miễn dịch khởi đầu bằng việc bắt giữ tác nhân truyền nhiễm nhờ các tế bào miễn dịch có ở da, màng nhầy và máu là các tế bào có nhánh. Khi ấy những tế bào này di chuyển đến các hạch, đồng thời bước vào một giai đoạn thành thục để từ đó chúng biểu lộ ở bề mặt của chúng những mảnh kháng nguyên đặc trưng của vật lạ. Khi đã tới các hạch, chúng "giới thiệu'' những kháng nguyên này với hai loại tế bào khác của hệ miễn dịch: từ ''ngây thơ", các tế bào này trở nên "hăng hái''.
Đó là bạch huyết bào T phụ trợ và bạch huyết bào T sát thủ. Loại đầu tiên liền giải phóng những chất được gọi là xytokin có nhiều vai trò. Một mặt, chúng góp phần hoạt hóa bạch huyết bào T sát thủ để những tế bào này di chuyển đến chỗ vật lạ và tiêu diệt nó. Mặt khác, chúng hoạt hóa bạch huyết bào B: những tế bào này liền sản xuất các kháng thể để chúng đi vào vòng tuần hoàn máu. Kháng thể gắn vào kháng nguyên của vật lạ bắt đầu tiêu diệt vật này bằng nhiều cơ chế. Toàn bộ các hiện tượng này là phản ứng cấp một (sơ cấp) của hệ miễn dịch.
Trong số rất đông bạch huyết bào T và B được hoạt hóa như vậy, phần lớn bị chết rất nhanh. Nhưng một số sinh ra các “tế bào nhớ” T và B, tuy còn "ngủ'' nhưng vẫn có khả năng nhận dạng kháng nguyên. Nếu xảy ra một lần nhiễm mới thì các tế bào nhớ này phản ứng và nhân lên rất nhanh: đó là phản ứng cấp hai (thứ cấp), nhanh hơn và mạnh hơn phản ứng cấp một. Mục đích của tiêm chủng là để tạo ra tế bào nhớ ''đồng minh''. Ở trẻ em, vì hệ miễn dịch kém hiệu quả hơn so với người lớn, nên để đạt mục đích này thường phải thực hiện nhiều lần truyền một văcxin nào đó, cách nhau vài tháng.