BỔ DƯỢC ĐÔNG Y CÓ QUAN HỆ NHƯ THẾ NÀO VỚI THỨC ĂN?
Bổ dược Đông y là loại thuốc trị liệu các hư chứng Đông y “Hư tắc bổ chi” (“hư” cái gì thì bổ cái đó) là một trong những nguyên tắc chữa trị của Đông y. Hư chứng trong Đông y được chia ra thành âm hư và dương hư, khí hư và huyết hư, và giữa khí huyết và âm dương có mối quan hệ mật thiết với nhau, huyết hư thuộc âm hư, còn dương hư thì bao gồm cả khí hư, nhưng về mức độ nặng hơn khí hư. Ngũ tạng (tâm, can, tì, phế, thận) đều có các hư chứng riêng, như tâm khí hư, tâm âm hư, can âm hư, can dương hư, phế khí hư, thận dương hư,... Hư chứng được tiến hành biện chứng luận trị theo Tứ chẩn của Đông y là vọng, vấn, văn, thiết. Về mặt triệu chứng “dương hư tắc ngoại hàn, âm hư tắc nội nhiệt”. Những người tâm khí hư tinh thần mệt mỏi, đập trống ngực, đau ngực, rùng mình, chân tay lạnh; người tâm âm hư thì đập trống ngực, tức ngực, mê nhiều ít ngủ. Những người âm hư hỏa vượng thì bứt rứt không yên, miệng khô. Can âm hư thì can dương thượng nguyên, chóng mặt, đau đầu, nóng nảy dễ cáu, tứ chi tê mỏi. Người tì dương hư thì đầy bụng, đau bụng, mệt mỏi, chân tay lạnh, phân loãng; người phế khí hư thì thở dốc, nói không ra hơi, tiếng ho yếu, ra mồ hôi trộm, người phế âm hư họng hầu bất lợi, miệng khô mặt đỏ. Người thận dương hư thì sợ rét, chân tay lạnh, đau thắt lưng, di tinh liệt dương, đái nhiều hoặc đái dầm, mặt mày tái nhợt, tiếng nói nhỏ yếu. Người thận âm hư thì đau thắt lưng, di tinh, họng đau, má đỏ tai ù, hai bàn chân yếu. Cách chữa là: Người khí hư thì bổ khí, dùng thuốc bổ khí, người huyết hư thì dưỡng huyết dùng thuốc dưỡng huyết; người dương hư thì bổ dương, dùng thuốc trợ dương; người âm hư thì bổ âm, dùng thuốc bổ âm. Thuốc bổ khi có nhân sâm, hoàng kì, hoàng tinh, kim tước ngân, bạch truật, sơn dược, biển đậu, đại táo, đường mạch nha, cam thảo,… Thuốc trợ dương có nhung hươu, lộc giác (sừng hươu), dâm dương hoắc, sơn mao, ba kích thiên, bổ cốt chỉ, hồ đào nhục, nhục tùng dung, ích trí nhân, thố ti tử, đỗ trọng, hạt hẹ, tục đoạn, hải cẩu thận, cẩu tích, tước đản,... Thuốc bổ âm có sa nhân, thiên môn đông, mạch môn đông, thạch đấu, ngọc trúc, cẩu kỉ tử, nữ trinh tử, hạn liên thảo, quy bản, biệt giáp, tang kí sinh,... Thuốc dưỡng huyết có thục địa, sinh địa, hà thủ ô, đương quy, bạch thược, a giao, tang thậm tử, quế viên nhục, nhân bào,...
Theo Đông y, đã là người thầy thuốc thì trước tiên phải tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh, biết được chỗ bệnh đã bị thâm nhập, chữa bệnh bằng ăn uống không khỏi thì sau đó mới viện đến thuốc.
Về mối quan hệ giữa bổ dược và thức ăn thì một là “dược thực đồng nguyên” (thuốc và thức ăn có cùng nguồn gốc), rất nhiều bổ dược Đông y là thức ăn, dùng thức ăn để chữa bệnh chính là cách trị liệu bằng ăn uống. Loại thức ăn bổ khí có sơn dược, đậu côve, hạt sen, đường mạch nha, đại táo, cam thảo; Thức ăn dưỡng huyết có quả dâu, quế viên nhục, mộc nhĩ đen, vừng đen; thức ăn trợ dương có hồ đào nhục, phỉ liễm tử; thận chó; thức ăn bổ âm có bách hợp, cẩu kỉ tử, ba ba thịt rùa, mộc nhĩ trắng. Những thức ăn này đều có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Như đậu cô ve có chứa nhiều protein, vitamin B1 và chất khoáng, kẽm, canxi; quả dâu, quế viên nhục, mộc nhĩ đen có chứa nhiều chất sắt; vừng và hồ đào nhục có chứa nhiều loại axit béo cần thiết cho cơ thể như linoleic, linolenic và canxi, sắt, kẽm, mangan, selen,... Ba ba, thịt rùa không chỉ có hàm lượng protein cao, hàm lượng lipit thấp, mà còn có chứa nhiều vitamin B1, B2 và canxi, sắt, kẽm,... Cẩu kỉ tử có chứa nhiều β - caroten. Hai là “dược thực đồng dụng” (thuốc và thức ăn có cùng tác dụng), tức là chế độ ăn bằng thuốc. Dùng thuốc để điều chỉnh chức năng sinh lí sinh hóa của cơ thể, dùng thức ăn để bổ sung nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, cung cấp cơ sở vật chất để hồi phục chức năng. Cả hai thứ kết hợp với nhau, thúc đẩy nhau, sẽ có hiệu quả trị liệu tốt hơn. Nếu hoàng kì nấu với gà, hoàng tinh nấu với vịt thì sẽ trị được chứng khí hư; cháo sơn dược, cháo tảo đỏ sẽ trị được chứng tì dương hư; canh sâm Mỹ hạt sen sẽ bổ tâm khí hư; canh cá giếc đậu đen sẽ trị được phù nề; mộc nhĩ đen táo đỏ sẽ trị được thiếu máu; hoàng kì, bạch truật, phù linh, táo đỏ. Quế viên nhục sẽ trị được khí huyết bất túc. Kết hợp dùng đỗ trọng, bổ cốt chỉ với hồ đào nhục sẽ trị được thận hư đau lưng,... Khi uống bổ dược Đông y, vẫn phải chú ý đến tác dụng “tương khắc” của thức ăn, như nhân sâm có tác dụng bổ khí, còn củ cải và các loại củ khác như thái phục tử lại có tác dụng phá khí. Hai loại này không thể ăn cùng, để tránh ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc, khi uống nhân sâm không hợp, xuất hiện đầy bụng nên dùng thái phục tử để chữa đầy bụng. Nhưng tác dụng của nhân sâm đối với cơ thể là có nhiều mặt, bao gồm điều tiết hệ thần kinh, tăng cường co bóp cơ tim, cải thiện chuyển hóa đường,... Với những tác dụng này, củ cải không thể kiết kháng toàn diện được, vì thế có người cho rằng dựa theo từng nhu cầu chữa bệnh khác nhau, cũng không cần cấm tuyệt đối ăn củ cải. Khi uống thuốc bổ huyết Đông y thường phải kiêng uống nước chè chủ yếu là do chất tanin trong lá chè sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thu sắt trong Đông dược. Ngoài ra, đông y còn chia thức ăn ra thành tính nóng và tính mát, chủ trương người âm hư hỏa vượng khi uống thuốc bổ âm tiềm dương, kiêng ăn những thức ăn có tính nóng, như thịt dê cừu, thịt chó.