Tài liệu: Với các bệnh lây nhiễm, cần qui định các chế độ dinh dưỡng như thế nào?

Tài liệu
Với các bệnh lây nhiễm, cần qui định các chế độ dinh dưỡng như thế nào?

Nội dung

VỚI CÁC BỆNH LÂY NHIỄM, CẦN QUY ĐỊNH CÁC CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG NHƯ THẾ NÀO?

 

Bệnh lao

Một loại bệnh lây nhiễm mãn tính do nhiễm khuẩn lao gây nên. Các cơ quan (như phổi, thận, xương,...) đều có thể nhiễm khuẩn, thuộc loại bệnh toàn thân. Đường hô hấp là con đường khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể chủ yếu nhất cho nên lao phổi chiếm trên 80% toàn bộ bệnh lao. Một vài nhân tố tự nhiên, cá thể và xã hội có ảnh hưởng ở mức độ khác nhau đối với sự lưu hành của bệnh lao, có những nhân tố gây tổn hại sức khỏe cá thể như suy dinh dưỡng, sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể, từ đó tăng thêm sự phát sinh bệnh lao. Sau khi cơ thể nhiễm khuẩn lao bị bệnh, toàn thân phải chịu ảnh hưởng của các độc tố trực khuẩn lao, rơi vào trạng thái tiêu hao mãn tính; sốt không theo quy luật trong thời gian dài làm cho tiêu hao năng lượng tăng lên, thường ăn uống kém, lượng ăn giảm, cân nặng cũng giảm theo các ổ bệnh thâm nhiễm do chứng viêm quá nặng, hoặc dùng thuốc không kịp thời, hoặc sức đề kháng của cơ thể yếu đều sẽ hoại tử dạng phomat ở các mô biến chứng, sự phân hủy một lượng lớn protein ở các mô bị hủy hoại. Tuy nhiên, việc trị liệu bằng thuốc cho bệnh lao đã thu được hiệu quả tương đối tốt nhưng vẫn phải phối hợp với chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng, để nâng cao hiệu quả điều trị. Dinh dưỡng hợp lí có thể làm tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, từ đó thúc đẩy việc chữa khỏi bệnh.

Trị liệu bằng dinh dưỡng cần đặc biệt chú ý chế độ ăn cân đối để có được các loại chất dinh dưỡng cần thiết, bù đắp lại tiêu hao do bệnh và tăng cường được khả năng miễn dịch của cơ thể.

Nguyên tắc cơ bản của việc tri liệu bằng dinh dưỡng:

1. Năng lượng cung cấp năng lượng. Bệnh nhân lại do sốt ra mồ hôi trộm,... trong thời gian dài, nên đã phải gia tăng tiêu hao năng lượng, thường nhu cầu về năng lượng cao hơn so với người bình thường. Lượng cung cấp năng lượng cho nhu cầu của bệnh nhân là mỗi ngày mỗi kilogam cân nặng 0,17 - 0,21MJ (40 - 50kcal), tức người lớn thường mỗi ngày cần cung cấp 8,4 - 12,6MJ (2000 - 3000kcal). Ở giai đoạn chứng viêm tương đối cao, cần phải nghỉ ngơi thỏa đáng, Nếu có triệu chứng độc huyết cao độ, hư hại cấp hoặc khạc ra máu,... phải nằm nghỉ tuyệt đối, để làm cho năng lượng tiêu hao được giảm đi tương ứng. Nếu kém ăn, cần tạm thời giảm bớt một chút năng lượng, và cho ăn các thức ăn mềm, loãng hoặc sền sệt có chất lượng tương đối cao theo phương pháp thức ăn ít chia làm nhiều bữa. Nếu chứng viêm ở ổ bệnh giảm, thân nhiệt và độ lắng máu bình thường, không có chứng độc huyết thì nên tiến hành và tăng dần hoạt động một cách thỏa đáng, đồng thời tăng cung cấp năng lượng cho tương ứng. Ngoài 3 bữa ra, nên ăn tăng một bữa phụ, nhưng phải với điều kiện không làm ảnh hưởng đến sự ngon miệng.

2. Chọn dùng loại protein chất lượng cao để bù đắp lại lượng tổn thất về protein do các tổ chức bị hủy hoại gây nên. Do lượng tiêu hao protein ở bệnh nhân lao tương đối nhiều, mà protein lại là nguồn cung cấp cho sự sinh trưởng, phục hồi và tạo ra các kháng thể, nên lượng cung cấp cần phải dồi dào, thường các tế bào mỗi ngày mỗi kilogam cân nặng cần 1,5 - 2,0g là vừa, trong đó protein chất lượng cao tốt nhất đạt 1/2. Có thể chọn dùng thịt gia cầm, cá, trứng, đậu và chế phẩm đậu. Sữa bò ngoài hàm lượng casein phong phú ra, còn có chứa tương đối nhiều canxi, là loại thức ăn khá lí tưởng cho bệnh nhân lao.

3. Không ăn quá nhiều lipit. Lipit tuy có thể cung cấp tương đối nhiều năng lượng, nhưng nếu quá nhiều sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho hệ tiêu hóa, đặc biệt là gan, làm ảnh hưởng đến sự ngon miệng. Những người bị trở ngại chức năng tiêu hóa lại càng cần hạn chế. Thường lượng cung cấp lipit mỗi ngày cho mỗi kilogam cân nặng không được quá 1g. Dầu thực vật là tốt hơn cả.

4. Ăn nhiều thức ăn có chứa nhiều vitamin. Vitamin C sẽ làm tăng thêm sức đề kháng cho cơ thể, vitamin B sẽ thúc đẩy quá trình chuyển hóa trong cơ thể, vitamin A có thể làm tăng cường sức đề kháng của tế bào biểu mô, vitamin D sẽ giúp cho việc hấp thu canxi, cho nên cần ăn nhiều rau, trái cây và thức ăn có chứa vitamin A, D phong phú, như dầu gan cá.

5. Tăng thêm hàm lượng canxi, photpho trong chế độ ăn, để giúp ích cho việc vôi hóa ổ bệnh. Nên ăn nhiều chế phẩm sữa và đồ hải sản, đồng thời thường xuyên ăn nước hầm xương cục, khi nấu cho thêm chút giấm, để giúp cho việc hòa tan canxi. Ngoài ra còn nên dùng bột xương để bổ sung canxi, photpho. Người bệnh nếu bị khạc ra máu sẽ có khả năng xuất hiện thiếu máu, vì vậy phải bổ sung các loại thức ăn có chứa nhiều sắt như gan, tiết động vật, rau lá màu xanh,...

6. Thức ăn phải đa dạng, chú ý phối hợp màu, hương vị, chay mặn để tăng sự ngon miệng. Tránh ăn cay, cấm rượu, thuốc lá.

Bệnh lị khuẩn

Bệnh nhiễm đường ruột cấp do trực khuẩn lị gây nên. Phát tán quanh năm, mùa hè thu gặp nhiều. Tiếp xúc sinh hoạt thức ăn, nước và ruồi nhặng đều là con đường lây nhiễm chủ yếu. Phát bệnh nhanh, thường bị lạnh, sốt, toàn thân khó chịu, đau lưng và ỉa chảy. Đại tiện từ phân loãng chuyển thành phân có máu mủ, mỗi ngày đi tới trên 10 lần. Vị trí biến chứng chủ yếu là ở ruột kết xichma và trực tràng, biến chứng làm niêm mạc ruột tiết ra nhiều niêm dịch và chất rỉ nước hoại tử ổ bệnh, sau khi tróc ra có dạng viêm loét sâu nông khác nhau. Do cục bộ hoặc toàn bộ đường ruột có các biến đổi chứng viêm nên dẫn đến trở ngại tiêu hóa và hấp thu.

Dinh dưỡng cho người bệnh khác nhau tùy theo bệnh tình thường cần áp dụng cách ăn uống dễ tiêu, không kích thích, dinh dưỡng phong phú, với nguyên tắc là có thể duy trì được dinh dưỡng và không làm tổn hại thêm các vùng biến chứng đường ruột, để giúp cho việc trị liệu và đẩy nhanh hồi phục sức khỏe.

1. Ở giai đoạn cấp, khi triệu chứng đường ruột nặng, ỉa chảy liên tục, lúc đầu nên nhịn ăn, sau đó bổ sung chất lỏng sạch, chủ yếu là nước tẩy rửa ruột dạ dày. Nên cho ăn nước gạo rang, nước cơm, nước trái cây nhạt, nước chè nhạt, nước rau,... tránh ăn sữa bò, sữa đậu nành,... Khi có triệu chứng ói mửa mà không thể ăn qua đường miệng được cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch, để duy trì cân bằng nước và chất điện giải.

2. Sau khi bệnh tình ổn định, số lần ỉa chảy giảm, nên áp dụng cách ăn uống bằng chất lỏng lipit thấp và cơ bản không có bã, ít dầu mỡ, tăng thêm sữa bò, sữa đậu nành, canh trứng, trứng hấp,...

3. Ở giai đoạn hồi phục, ỉa chảy ngừng, nên áp dụng cách ăn uống ít bã, lipit thấp, sền sệt. Nên ăn cháo gạo rang hoặc cháo, bánh hấp mềm hoặc mì sợi, ruốc thịt không mỡ, cá, trứng ốp lếp, chế phẩm đậu,... để bổ sung năng lượng và đưa vào các chất dinh dưỡng. Khi bệnh đã chuyển biến tốt lên, nên ăn thức ăn ít bã, cơm nát, ít chất béo, ăn ít chia làm nhiều bữa, chọn ăn trứng muối, cá hấp suông, thịt nạc băm, cơm nát, bánh hấp,... Tổn hại ở những phần ruột do bệnh lị khuẩn thường là nông, cho nên nếu người bị bệnh ăn uống vẫn ngon miệng, khi triệu chứng đã hết sẽ nhanh chóng hồi phục ăn uống lại chất cứng như bình thường.

Ngoài ra, người bệnh còn cần tăng lượng vitamin nhóm B và vitamin C. Trong thời kì cấp và thời kì đầu hồi phục, cần tránh ăn các loại rau có nhiều xơ ở thời kì hồi phục, trước tiên ăn xúp rau, rồi sau đó mới dần dần ăn rau tươi non. Rượu, cà phê, nước chè đặc, nước lạnh và thức ăn cay, do tính kích thích mạnh, nên cần kiêng ăn.

Bệnh thương hàn

Bệnh lây nhiễm đường ruột do trực khuẩn thương hàn gây nên. Gặp nhiều nhất vào mùa hè, thu. Trực khuẩn thương hàn lây truyền qua nước, thức ăn bị ô nhiễm qua tiếp xúc sinh hoạt, ruồi nhặng hoặc gián. Bệnh thường kéo dài 4 – 5 tuần. Phát bệnh phần lớn từ từ, sốt là triệu chứng xuất hiện sớm nhất khi bệnh bình nặng thêm, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên theo hình thang, trong vòng 1 tuần tăng lên đến 39 - 400C, tiếp tục kéo dài trong khoảng 10 - 14 ngày, cho nên người bệnh ở vào trạng thái chuyển hóa cao, khi bị lượng chuyển hóa nhiệt năng sẽ tăng 40 - 50%. Do quá trình bệnh tương đối dài, tiêu hao tổ chức tương đối lớn, cộng thêm ăn kém, tiêu hóa kém nên làm cho cân nặng giảm đi rõ, sức đề kháng của toàn thân giảm. Cùng với sự biến đổi của bệnh tình quá trình bệnh được chia ra thành 4 thời kì: thời kì đầu, thời kì đỉnh cao, thời kì kéo dài và thời kì hồi phục. Xuất huyết ruột và thủng ruột là biến chứng nghiêm trọng nhất.

Ăn uống dinh dưỡng cho bệnh nhân thương hàn cần dựa vào sự biến đổi bệnh tình để tiến hành bố trí cho hợp lí, nên ăn thức ăn dễ tiêu, có năng lượng cao, protein cao, tức phải giảm bớt gánh nặng cho ruột và phải chú ý dinh dưỡng phong phú với mục đích là tăng cường sức đề kháng ngăn ngừa biến chứng, nhanh hồi phục sức khỏe.

1. Ở thời kì đầu phát bệnh nên ăn nhiều nước. Mỗi ngày nên cung cấp 2000 - 3000ml, khi cần thiết truyền dịch qua đường tĩnh mạch, để giúp cho việc thải độc tố, duy trì cân bằng  nước và chất điện giải. Áp dụng cách ăn uống thức ăn lỏng có protein cao, năng lượng cao, dễ tiêu, lượng cung cấp năng lượng, mỗi ngày tốt nhất đạt 12,6MJ (3000kcal). Ăn nhiều lần lượng ít, cứ 2 tiếng ăn 1 lần, mỗi ngày 10 - 12 lần, mỗi lần 50 - 100ml. Nên chọn dùng sữa bò, trứng gà, xúp gà, nước cơm, canh thịt, sữa đậu nành, nước trái cây,... Nếu bị đầy bụng thì tránh cho ăn thức ăn gây đầy hơi như sucroza, sữa đậu nành,... Trong thời gian sốt cao nên bổ sung vitamin bằng nước trái cây hoặc vitamin viên, đặc biệt là vitamin C và vitamin nhóm B lại càng quan trọng hơn.

2. Ở thời kì kéo dài,  ăn thức ăn sền sệt, có protein cao, nhiệt năng cao và cacbohiđrat cao. Ăn ít chia làm nhiều bữa, mỗi ngày ăn 6 - 7 bữa, chọn dùng cháo gạo tẻ, cháo gà, bánh trứng, trứng luộc, bánh gatô, bột ngó sen, đồng thời ăn thêm sữa bò, nước trái cây, sữa đậu nành,...

3. Thời kì hồi phục, áp dụng cách ăn cơm nát, ít bã không có xơ thô, thay thế bằng chế phẩm đậu, xúp rau, nước trái cây,…

Bệnh nhân nếu bị ỉa chảy, phải giảm bớt đường và chất béo trong ăn uống. Khi người bệnh bị xuất huyết ruột cần tạm ngừng ăn uống trong 24 tiếng, khi bị thủng ruột phải nhịn ăn. Trong ăn uống tránh dùng rượu, cà phê, nước giải khát có ga, thức ăn cay và đồ gia vị cay.

Viêm gan virut

Là bệnh lây nhiễm cấp do virut viêm gan gây nên. Được chia thành viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C, viêm gan D và viêm gan E. Viêm gan A phần lớn là bắt đầu bằng sốt, chán ăn kèm theo buồn nôn, mệt mỏi, tiếp đó là gan sưng to và chức năng gan khác thường, một số ca bệnh xuất hiện vàng da. Bốn mùa trong năm đều có thể phát sinh, nhưng nhiều là sau mùa thu. Hay gặp ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Tuyệt đại đa số lây truyền qua miệng, phân, nước và thức ăn, đặc biệt các loài sò hến thủy sinh, như sò lông,... là phương thức lây truyền chủ yếu của dịch bộc phát. Viêm gan B phần nhiều là lây nhiễm qua máu, đi vào cơ thể bằng phương thức tiêm chủng.

Do gan là trung tâm chuyển hóa của cơ thể người nên khi gan có bệnh sẽ làm cho chức năng chuyển hóa bình thường bị ảnh hưởng.

Bệnh này không có phương pháp trị liệu đặc hiệu. Viêm gan các loại ngoài việc nằm nghỉ tại giường để duy trì lưu lượng máu gan, đảm bảo cung cấp dinh dưỡng và oxy cho tế bào gan ra, chủ yếu cần chú ý dinh dưỡng thỏa đáng để tạo cơ sở hồi phục cho tế bào gan bị tổn thương, đồng thời giúp cho việc phục hồi sức khỏe.

Nguyên tắc của việc trị liệu bằng chế độ ăn:

1. Protein cao. Protein cần thiết cho sự tái sinh tế bào gan, ngoài ra còn cung cấp các yếu tố kháng gan mỡ, như methionin và cholin, để làm cho lipit chuyển hóa thành lipoprotein, đồng thời di chuyển ra khỏi gan để ngăn ngừa thâm nhiễm mỡ. Protein nên cung cấp 1,5 - 2,0g cho mỗi kilogam cân nặng mỗi ngày là vừa, tức mỗi ngày cung cấp khoảng 90 - 120g. Nên chọn dùng thịt các loại, gia cầm, cá, trứng và chế phẩm đậu. Nhưng lượng protein không phải cứ càng nhiều càng tốt. Do khi bị bệnh gan các enzim tiêu hóa dịch tụy và mật tiết ra không đủ nên thường gây ra tiêu hóa kém và trướng bụng, đồng thời do bệnh nhân ăn uống kém nên cũng không thể đưa vào nhiều được; ngoài ra, protein cao sẽ làm tăng lưu lượng máu trong gan, dẫn đến áp lực tĩnh mạch cửa tăng cao.

2. Cacbohiđrat cao. Nên cung cấp đầy đủ glucoza để hồi phục sự tích trữ glicogen trong gan, đồng thời thỏa mãn được nhu cầu về năng lượng trong quá trình bệnh. Glucoza đủ lượng còn phát huy tác dụng tiết kiệm protein, nhằm đảm bảo cho protein được dùng vào việc tái sinh các tổ chức trọng yếu. Lượng cung cấp cacbohiđrat mỗi ngày nên là 300 - 400g, lượng này có thể lấy được từ trong ăn uống thường ngày, không cần phải uống nhiều glucoza hoặc ăn nhiều đường ăn, nếu không sẽ làm giảm sự ngon miệng, ngoài ra còn xuất hiện các triệu chứng khó tiêu như đầy bụng, thở dốc,... làm cho bệnh lại nặng thêm. Đồng thời, đường hoặc năng lượng đưa vào quá nhiều sẽ làm tăng thêm khả năng phát sinh chứng gan mỡ, thậm chí còn gây bệnh đái tháo đường.

3. Lipit vừa lượng. Sẽ làm thức ăn ngon miệng vừa khẩu vị để gây hứng thú ăn cho người chán ăn. Lượng cung cấp lipit mỗi ngày nên là 50 -60g, chiếm khoảng 20% tổng năng lượng. Nên dùng dầu thực vật, bơ, sữa nguyên bơ,...

4. Năng lượng cao. Mỗi ngày cung cấp 10,5 - 12,6MJ (2500 - 3000kcal) thì sẽ đáp ứng được nhu cầu về năng lượng cho việc tái tạo tổ chức, đồng thời bù đắp được tổn thất do sốt và suy nhược toàn thân dẫn đến.

5. Tăng thêm vitamin và chất khoáng. Khi bị bệnh gan, lượng nhu cầu về vitamin tăng lên, việc tận dụng chúng có khả năng bị trở ngại. Cho nên người bệnh cần ăn rau xanh và trái cây tươi hàng ngày để tăng thêm coenzim trong các phản ứng enzim và các nguyên tố vi lượng cần thiết, ngoài ra còn có tác dụng làm cho dễ đại tiện. Selen giúp cho việc bảo vệ màng tế bào gan, nên dùng men selen để tăng lượng selen đưa vào.

Tuy vậy, không nên nhấn mạnh vào nguyên tắc dinh dưỡng nêu trên một cách phiến diện mà nên vừa phải. Ngoài ra, bệnh nhân viêm gan còn cần kiêng rượu. Do trị liệu bằng dinh dưỡng là mấu chốt của việc phục hồi sức khỏe nên việc bố trí chế dộ ăn cho người bệnh phải được tính toán tỉ mỉ. Chẳng hạn như bị bệnh ở thời kì đầu nên dùng một số loại chất lỏng có dinh dưỡng như sữa bò, kem trứng,... Khi bệnh nhân đã có thể ăn được thức ăn cứng thì nên chế biến các món ăn có mùi vị ngon và hấp dẫn.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2965-02-633565284069285393/Benh-tat-voi-dinh-duong/Voi-cac-benh-lay-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận