Vị giác có phát triển cùng với tuổi không?
Có và chừng nào nó còn được gắn liền với tất cả các giác quan. Cùng với tuổi tác, thoạt tiên hiện tượng suy giảm đụng chạm đến thính giác và thị giác trong đó các cơ quan thụ cảm không được đổi mới theo sự tiêu giảm của chúng. Ngược lại, cơ quan thụ cảm vị giác và khứu giác được đổi mới liên tục, lần lượt mười ngày và ba tháng mỗi lần. Nhưng khi về già, độ nhạy vị giác và khứu giác cũng giảm sút vì sự đổi mới tế bào kém hiệu quả hơn. Ta phải cố sức để ngửi và nếm. Một cuộc điều tra vào năm 1985 của nhà tâm lý học Mỹ, Richard Doty ở Đại học Pennsylvania đã cho thấy khả năng khứu giác giảm đi từ tuổi 60. Nhưng trên thực tế, chính khả năng hiểu các từ giảm đi. Nhìn chung, sự thoái hóa của hệ thần kinh trung ương nhanh hơn là thoái hóa các giác quan ngoại vi. Nhưng nếu não mất nơron hằng ngày mà không cứu vãn được, thì việc học tập và rèn luyện các giác quan và trí nhớ có thể bù đắp được tổn thất này bằng cách nhân số khớp thần kinh lên, nghĩa là mối liên hệ giữa các nơron với nhau. Tuổi tác không phải là yếu tố duy nhất làm thay đổi cảm nhận vị giác. Đặc điểm giới tính và hocmon của một người cũng có ảnh hưởng đến khả năng vị giác của người đó, nhất là đến sự bài tiết và thành phần của nước bọt. Chẳng hạn, trong khi dậy thì, mang thai, thời kỳ mãn kinh và giảm hoạt động sinh dục, hoặc dùng thuốc tránh thai, thì thức ăn có thể có vị khác. Ví dụ, khi uống thuốc tránh thai thì sự cảm nhận các vị đắng và ngọt hơi giảm đi trong khi độ nhạy vị giác với cái mặn tăng lên.
Các loại thuốc như thuốc tê hoặc ma túy, và cả nhiệt độ, áp suất khí quyển, màu sắc và tiếng ồn có thể làm rối loạn cảm nhận vị giác. Ví dụ, tiếng ồn trên 60 đexiben (xem bài Âm thanh) làm giảm độ nhạy vị giác. Nếu bạn đã từng ăn kem thì chắc bạn có thể nhớ cảm giác ngọt hơn khi kem bất thần tan ra!