Tài liệu: Những biến cố thường gặp khi chuyển dạ

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Xảy ra nhiều nhất trong thời kỳ xổ rau, nghĩa là khoảng l đến 60 phút sau khi thai đã xổ. Nguyên nhân là do rách toác đường sinh dục như rách cổ tử cung, rách âm đạo gây băng huyết dữ dội nhất, tiếp đến là rách âm môn (tầng sinh môn) và rách tử cung
Những biến cố thường gặp khi chuyển dạ

Nội dung

Những biến cố thường gặp khi chuyển dạ

1. Băng huyết:

Xảy ra nhiều nhất trong thời kỳ xổ rau, nghĩa là khoảng l đến 60 phút sau khi thai đã xổ. Nguyên nhân là do rách toác đường sinh dục như rách cổ tử cung, rách âm đạo gây băng huyết dữ dội nhất, tiếp đến là rách âm môn (tầng sinh môn) và rách tử cung. Vỡ tử cung thì không chỉ nguy hiểm vì mất máu mà còn vì đau và gây sức nặng. Băng huyết và vỡ tử cung là nguyên nhân gây tử vong rất cao. Chẩn đoán không khó là vì có thể nhìn thấy bằng mắt thường không cần dụng cụ hoặc chỉ cần thăm khám bằng van âm đạo.

Nếu được tiến hành khâu cầm máu ngay lập tức thì không nguy hiểm, nhưng nếu để chậm (chậm chẩn đoán hoặc chậm xử trí) thì tình trạng sản phụ nặng lên rất nhanh. Nguy cơ tử vong sẽ tăng lên nhiều. Những người đã sinh con nhiều lần hoặc đã có tiền sử chảy máu nặng những người trên 35 tuổi mới sinh con lần đầu hoặc đã có sẹo ở tử cung do lần đẻ trước thường là nạn nhân của tai biến này.

2. Sa dây rau:

Thường xảy ra lúc vỡ ối (lúc chưa vỡ ối cũng có, không đề cập tới trong bài này) do áp lực nước ối tăng cao và ngôi thai (thường là đầu thai nhi chưa xuống thấp). Dây rau có thể sờ thấy ngay trong âm đạo, nhiều hay ít tùy từng trường hợp. Nếu là ngôi đầu, nguy cơ thai chết lớn hơn ngôi ngược hoặc, ngôi ngang. Sa dây rau là một tình huống khẩn cấp khi thai còn sống. Sản phụ lập tức phải nằm chổng mông để ngôi thai không đè vào dây rau, khi chuyển đi mổ hoặc ngay cả khi nằm trên xe cấp cứu. Nếu để sản phụ nằm ngửa trên cáng thì nguy cơ thai chết sẽ cao hơn. Khi thai đã chết thì không có gì còn cấp cứu nữa. Người hộ sinh cần có gạc ấm và thấm nước đặt trong âm đạo để không cho dây rau sa thêm.

3. Vỡ ối non và vỡ ối sớm

Vỡ ối non là khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ mà ối đã vỡ.

Vỡ ối sớm là khi đã có chuyển dạ nhưng cổ tử cung chưa mở hết. Do vậy, vỡ ối non về bản chất nguy hiểm hơn vì lý do chỉ chừng 5 - 6 giờ sau khi vỡ ối là nước ối đã có thể bị nhiễm khuẩn, nghĩa là đã có thể nhiễm khuẩn trong buồng tử cung đang chứa thai nhi. Thai nhi trong những trường hợp nhiễm khuẩn ối rất dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp và nguy hiểm khi chuyển dạ và cả sau khi sinh, cả bà mẹ sau đẻ cũng có thể bị nhiễm khuẩn hậu sản nặng.

Ngày nay do tiến bộ của y học, các biện pháp lấy thai ra sớm bằng thuốc như prostaglandin, oxytocin và bằng phẫu thuật mổ lấy thai, không để chuyển dạ kéo dài trong những trường hợp này đã làm giảm nhiều nguy cơ mắc bệnh, và tử vong cả mẹ lẫn con.

4. Đau và kiệt sức khi chuyển dạ

Đau khi chuyển dạ là do cơn co tử cung mạnh. Vào cuối thời kỳ thai nghén, tử cung đã co bóp nhưng không đau, chỉ làm cho cứng bụng mà thôi, áp lực trong buồng tử cung do được chỉ khoảng 15mm thủy ngân. Khi chuyển dạ, cơn co tử cung mạnh lên nhiều lần và gây đau. Các cơn co tử cung tăng dần lên cả về áp lực lẫn tần số, nhất là lúc rặn đẻ. Nếu được hiểu biết từ trước về sinh lý chuyển dạ và có những hỗ trợ chu đáo về tâm lý cho sản phụ khi chuyển dạ thì sản phụ sẽ ít đau, thậm chí không đau. Cơn co tử cung làm sản phụ tiêu phí nhiều năng lượng (nhiều hơn lao động nặng nhọc) và toát nhiều mồ hôi. Cần cung cấp đủ nước và năng lượng trong khi chuyển dạ.

Thiếu nước và thiếu năng lượng, thiếu hỗ trợ về tâm lý, tình trạng cô đơn càng khiến sản phụ đau nhiều hơn và kiệt sức nhanh hơn.

Đau nhiều, thở dốc và kiệt sức làm nồng độ ô xy trong máu sản phụ giảm. Sự chuyển hóa của thai nhi trong điều kiện thiếu ô xy khiến máu trở nên toan hóa (còn gọi là nhiễm acid).

Nhiều thứ thuốc và cách gây tê có thể làm giảm đau khi đẻ, khi chuyển dạ cho người mẹ, nhưng do ảnh hưởng xấu của nó đến thai nhi nên ít bà mẹ yêu cầu thực hiện.

Phương pháp giảm đau khi chuyển dạ tốt nhất là sản phụ khi đang mang thai cần được chuẩn bị đầy đủ kiến thức về sinh lý chuyển dạ, sinh lý thai và sơ sinh, thực hành hô hấp nhịp nhàng khi có cơn co, phong thái và vệ sinh ăn uống, cách nằm, cách đi lại, cách đứng khi đang chuyển dạ, và cuối cùng là cách rặn đẻ có phối hợp nhịp thở với cơn co sao cho không bị thiếu ô xy trong máu.

Sự có mặt của thân nhân (chồng, hoặc các thành viên khác của gia đình) có tác dụng giảm đau nhất định.

5. Uốn ván rốn sơ sinh:

Uốn ván rốn còn gọi là uốn ván sơ sinh xảy ra muộn từ 7 đến 15 - 20 ngày sau đẻ. Sơ sinh bị uốn ván có tỷ lê tử vong rất cao. Nguyên nhân là nhiễm khuẩn uốn ván khi cắt hay buộc rốn. Ở nước ta uốn ván sơ sinh vẫn còn xảy ra nhiều nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi hải đảo, miền núi. Ở những nơi mà chế độ vô khuẩn ở cơ sở y tế chưa thực hiện được đầy đủ và nhất là nhân dân còn quen tới tập quán đẻ tại nhà, ngoài rừng... không do nữ hộ sinh đỡ đẻ. Có thể trừ bệnh này bằng cách:

- Tiêm phòng uốn ván sơ sinh cho tất cả phụ nữ có thai (2 mũi khi đang mang thai).

- Tiêm phòng cho tất cả phụ nữ trong, trước khi sinh (5 mũi). Tiêm 5 mũi có thể miễn trừ được bệnh uốn ván suốt đời cho mình và cả cho đứa con chưa sinh.

- Vô khuẩn, tiệt trùng dụng cụ đỡ đẻ và cắt buộc rốn.

Đảm bảo vệ sinh, tiệt trùng dụng cụ đỡ đẽ, thực hiện nghiêm túc các chế độ vô khuẩn, sạch sẽ quần áo và môi trường cho các bà đẻ cũng góp phần quan trọng phòng bệnh uốn ván sơ sinh.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4342-02-633795285713593750/Suc-khoe-sinh-san/Nhung-bien-co-thuong-ga...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận