Tài liệu: Pierre Corneille (1606 - 1684)

Tài liệu
Pierre Corneille (1606 - 1684)

Nội dung

PIERRE CORNEILLE (1606 - 1684)

 

Pierre corneille (Pie Cornây) là người đặt nền móng và là đại biểu xuất sắc của nền bi kịch cổ điển Pháp. Ông sinh tại Ruăng, miền Normandie trong một gia đình trạng sư thuộc tầng lớp tư sản khá giả. Tiếp tục truyền thống gia đình, sau khi tốt nghiệp một trường trung học theo giòng Jeduyt, Corneille theo học ngành luật đến năm 18 tuổi thì nhận chức danh trạng sư, có điều nghề nghiệp thày cãi này tỏ ra không thích hợp với ông: nhà văn vốn có giọng hùng biện sáng rõ trong các vở kịch nổi tiếng của mình lại hóa ra lờ khô - một người hầu như không có khả năng hùng biện trong khi phát biểu bằng miệng! Được hưởng một nền giáo dục vững vàng, kiến thức sâu rộng, nên từ năm 23 tuổi Corneille đã có sáng tác kịch thơ. Là con cả trong một gia đình sáu anh em, ông còn có người em trai là Tomas Corneille cũng là một nhà viết kịch. Gia đình cứ sống ở Ruăng như thế cho đến năm 1662 mới chuyển đến sống hẳn ở Paris, mặc dù ông sớm nổi tiếng ngay từ năm 1647, khi được bầu vào Viện Hàn Lâm Pháp. Về mặt sáng tác không phải ngay từ đầu ông đã sớm tìm ra con đường nghệ thuật chính của mình: để xác định được thế mạnh trong thể loại bi kịch, Corneille đã bắt đầu xây nền từ hàng loạt các vở hài kịch. Rút cuộc, hài kịch lại chỉ là những thử nghiệm, chỉ có bi kịch mới là những tác phẩm làm cho tên tuổi của Corneille rạng rỡ cùng hậu thế. Sáng tác của Corneille gồm có các vở kịch thơ Mêlitơ (1 629), hài kịch Người đàn bà góa (1631- 1632); Người hầu gái (1633); Hành lang của cung điện (1632); Quảng trường Hoàng gia (1633 - 1634), Clităngdrơ (1630-1631), ảo tưỏng khôi hài (1636), Người nói dối (1643), Tiếp tục người nói dối (1643); vở bi hài kịch xuất sắc có ý nghĩa chuyển giai đoạn là Mêđê (1635), Lecid (1636) và tiếp tục theo là các vở bi kịch nổi tiếng như Orax (1639), Xina (1640)...

Vở Le Cid (Lơxít) được trình diễn lần đầu vào khoảng cuối năm (1636), đầu năm 1637 tại rạp hát Mare đã làm cho cả Paris say mê, các hàng ghế đều chật ních người và tên vở kịch trở thành một câu ngạn ngữ: đẹp như Le Cid. Cũng trong năm 1637, đã có trên hai mươi bài báo vừa ủng hộ hoặc vừa công kích vở kịch, sau nhập thành cuốn Cuộc tranh luận xung quanh vở Le Cid. Còn lại hai vở kịch OraxXina đều lấy cốt truyện từ lịch sử La Mã, trong đó đề cập đến vấn đề cuộc đấu tranh giữa dục vọng và lý trí, giữa tình cảm và nghĩa vụ… song đã mang màu sắc chính trị rõ nét. Đặt trong tương quan chung, có thể coi các sáng tác của Corneille Racine (Raxin, 1636- 1699) như giai đoạn phát triển của nền bi kịch Cổ điển Pháp mà Corneille là người đặt nền móng và Racine là người đưa nó đến trình độ hoàn chỉnh.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389420243003278/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận