TẾT “MÃ TỔ” CỦA NGƯỜI VÙNG VEN BIỂN TRUNG QUỐC
Ngày 23 tháng 3 Âm lịch hàng răm, các ngư dân của dân tộc Hán ở Quảng Đông, vùng duyên hải Phúc Kiến và Đài Loan đều ngừng đánh cá, phơi lưới, vui ''Tết mã tổ'' truyền thống, mỗi năm một lần già trẻ trong nhà các ngư dân thành kính mang theo hương nến, vật cúng, tập trung đông đủ ở miếu Mã tổ để cúng. Lễ Mã tổ cầu một năm bốn mùa trên biển bình an, thức ăn thủy sản phong phú.
Mã tổ là Thần bảo vệ ngư dân vùng duyên hải, nhân dân khắp vùng Phúc Kiến (Mâu) Quảng Đông, Đài Loan thân thiết gọi tên Mã tổ nghĩa là ''Thần mẹ''. Các nơi khác phần đông gọi là ''Thiên hậu'' hoặc “Thiên phi”. Vị nữ thần này tương truyền là con gái họ Lâm tên là Hiếu, huyện Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến. Từ tuổi ấu thơ bà đã tin Phật, có thể biết gió bão sắp đến trên biển. Một lần cha và anh ra biển, Lâm Hiếu trong khoảnh khắc như mơ mà không phải mơ, đột nhiên khóc to, nói cha và anh gặp gió lớn chìm thuyền, cha được cứu, anh mắc tai họa. Một tháng sau quả nhiên người cha bình yên trở về.
Cô có tấm lòng lương thiện lại giỏi chữa trị bệnh, luôn vui với việc từ thiện là chữa bệnh cứu người. Năm 29 tuổi, cô qua đời. Sau khi chết, cô còn cưỡi mây dạo chơi trên biển trừ bỏ ưu phiền giải oan cho ngư dân, cứu dân khỏi tai nạn. Vì vậy được dân trong thôn gọi là ''Thần biển'' và dựng miếu thờ. Ai là người ra biển làm ăn trước tiên phải thắp hương quy lễ. Miếu Mã tổ ở My Châu được xây dựng vào năm thứ 4 Tống Thái Tông, khi Lâm Hiếu mất (năm 987). Ở Đài Loan, có truyền thuyết nói năm đó Người vượt biển đến Đài Loan rồi từ đó về Trời thành Thần.
Lâm Hiếu được gọi là Mã tổ tương đối sớm, còn ''Thiên hậu'', “Thiên phi” là danh hiệu của các Vua phong cho sau này. Từ sau đời Tống Nhân Tông, công việc vận chuyển bằng thuyền trên biển phát triển, vị nữ Thần bảo vệ an toàn cho hành trình trên biển này càng không ngừng được gia phong. Triều Nguyên chiếu phong cô là “Thiên phi hộ quốc”; thời Khang Hy triều Thanh gia phong là “Thiên hậu Thánh Mẫu'', các nơi quen gọi là ''Thiên hậu''.
Ngày nay có rất nhiều học giả nghiên cứu nguồn gốc tín ngưỡng Mã tổ, đề xuất “văn hóa Mã tổ”, có hơn 100 triệu người tin thờ Mã tổ. Không những chỉ có trong đất liền mà cả Đài Loan, Hương Cảng, Áo Môn, Nhật Bản, Singapore, Malaysia cũng có tới 1420 miếu thờ Mã tổ. Miếu Mã tổ ở San Francisco nước Mỹ đã có hơn 140 năm lịch sử.
Ngày 23 tháng 3 Âm lịch năm 1988 là ngày Mã tổ mất vừa tròn 1000 năm. Để kỷ niệm vị nữ Thần bảo vệ trên biển, miếu Mã tổ ở Đảo My Châu, quê hương của Mã tổ đã được tu bổ lại rất đẹp đẽ và hùng vĩ. Tượng Mã tổ đầu đội mũ niệm có gắn chuỗi ngọc, mình khoác áo long bào, hòa nhã, dễ gần, sinh động như sống. Mỗi lần đến “Tết Mã tổ”, trên Đảo My Châu tàu xe tấp lập, người đông như nêm, đèn nến sáng trưng, thắp thâu đêm suốt sáng. Phụ nữ nhiều tuổi ở trên đảo theo tập quán truyền thống chải đầu theo kiểu đầu Mã tổ có mái tóc hơi bằng, mặc kiểu áo Mã tổ trên đỏ dưới đen, đến thắp hương chầu Thánh. Các ngư dân trên đảo mặc những bộ quần áo nền đỏ vấn đen sắm vai phu kiệu, khiêng những kiệu thần ngũ sắc tượng trưng cho Thần linh bốn phương, nhịp đi nhún nhẩy từ khắp nơi tụ tập lại, đốt pháo, tổ chức các hoạt động tế lễ kính cẩn chào mừng ngày sinh của Mã tổ. Họ mong Thần phù hộ cho việc làm ăn trên biển. Các ngư dân từ Đài Loan, Hương Cảng, áo Môn và Hoa Kiều ở nơi xa cũng hành hương về đất Thánh tham quan.