SỰ TIẾN HOÁ VÀ CẤU TRÚC CỦA SAO THỦY
Nghiên cứu bề mặt sao Thủy qua những hình ảnh chụp được đã cho phép người ta dựng được bức tranh có thể có về quá trình tiến hoá của hành tinh này. Vào thời kỳ sơ khai trong lịch sử của mình, sao Thủy có lẽ đã trải qua sự nung nóng mạnh ở sâu trong lòng, kế đến là một hoặc vài thời kỳ có hoạt động núi lửa mạnh.
Sau khi hoàn tất quá trình hình thành, nó có bề mặt bằng phẳng (có thể thấy rõ những vùng bề mặt cổ xưa này). Kế đến là thời kỳ băn phá dữ dội sao Thủy của vật thể tàn dư thời kỳ tiến hành tính (planetesimal), hình thành nên những vùng trũng (bồn địa), chẳng hạn như vùng trũng Calôrit (Caloris Basin), đường kính 1300 km, cũng như những núi miệng phễu như kiểu núi miệng phễu côpecnic trên Mặt Trăng. Giai đoạn kế tiếp được đặc trưng bằng hoạt động núi lửa mạnh và phun trào những dòng dung nham lấp đầy những vùng trũng lớn. Thời kỳ này kết thúc cách đây khoảng 3 tỉ năm.
Kích thước sao Thủy không lớn, chỉ nhỉnh hơn Mặt Trăng một chút, nhưng tỉ khối (khối lượng riêng) trung bình của nó gần như ngang bằng của Trái Đất. Có thể, ở trung tâm hành tinh này tỉ khối đạt tới 9800 kg/m3. Điều này có nghĩa là sao Thủy phải có một lõi (nhân) sắt với bán kính l800 km (3/4 bán kính hành tinh này). Phần lõi chiếm tới 80% khối lượng sao Thủy. Trong lõi sinh ra những dòng điện vòng, kích hoạt từ trường yếu của hành tinh.
Ngày nay, những giả thuyết về cấu tạo của sao Thủy đang được làm sáng tỏ bằng việc tính toán tất cả những số liệu quan sát thu thập được Nhưng, chắc chắn, người ta đã nhận ra đúng tính chất cơ bản của sao Thủy là: vẻ ngoài nó giống Mặt Trăng còn bên trong giống như Trái Đất.