MÔ TẢ ĐẦU TIÊN VỀ HỆ MẶT TRỜI
Bởi lẽ không còn trở lực nào cản ngăn tính chuyển động của Mặt Trời nên tôi tưởng cũng cần xem xét, Trái Đất liệu có thể có một số những chuyển động khiến người ta cho rằng nó là một trong những hành tinh chăng. Mặc dầu điều này là rất khó, thậm chí hầu như không thể hình dung nổi, tuy nhiên bất chấp ý kiến của nhiều người, xin mạn phép Chúa Trời chúng ta sẽ làm cho điều này sáng tỏ hơn cả Mặt Trời, để chứng minh cho tất cả những ai ít nhất không phải dốt đặc về nghệ thuật toán học.
Vòm cầu các sao bất động bao gồm cả bản thân mình và tất cả, là vòm cầu đầu tiên và cao xa nhất và do vậy là vòm cầu bất động. Đó chính là cái nơi của Vũ Trụ được chọn làm mốc để xác định những chuyển động và vị trí của tất cả những thiên thể còn lại. Tiếp đến là hành tinh đầu tiên trong các hành tinh: sao Thổ, hoàn tất vòng quanh của minh mất 30 năm, sau sao Thổ là sao Mộc, quay trọn vòng trong 12 năm rồi đến sao Hoả có vòng quay 2 năm. Vị trí thứ tư theo thứ tự là hành tinh có chu kỳ quay 1 năm, trong khoảng không này gồm cả Trái Đất với quỹ đạo của Mặt Trăng; tựa như là vòng tròn ngoại luân. Vị trí thứ năm là sao Kim, quay một vòng trong 9 tháng. Cuối cùng là sao Thủy ở vị trí thứ sáu với vòng quay 80 ngày.
Ở chính giữa tất cả là Mặt trời. Quả thật, trong một thánh đường tráng lệ như thế ai còn có thể bố trí ngọn đèn toả sáng này ở một vị trí khác tốt hơn so với vị trí mà từ đây Mặt Trời cùng một lúc có thể chiếu sáng cho tất cả. Bởi thế không phải là vô lý khi một số người gọi Mặt Trời là ngọn đèn của thế giới, một số người thì gọi là bộ óc của thế giới, một số khác nữa gọi là đấng trị vì thế giới. Hecmet Trixmeghixtơ (Hermes Trismegistus, con người huyền thoại sáng lập nên khoa học thần bí, được coi là tác giả những luận văn về ma thuật, chiêm tinh học, thuật giả kim: chú thích của ban biên tập) gọi Mặt Trời là đấng thần linh hữu hình, còn nhân vật Êlêctra của Xôphôclơ thì gọi là đấng thấu thị. Tất nhiên, Mặt Trời đúng là như thể ngự trên ngai báu, điều khiển cả vương quốc các thiên thể diễu quanh mình. Tương tự, Trái Đất cũng luôn được Mặt trong chăm sóc, nhưng, theo lời Arixtôt, Mặt Trăng có họ hàng gần gũi nhất với Trái Đất đồng thời, Trái Đất lại khởi nguồn từ Mặt Trời và đơm hoa kết trái hàng năm.
Như vậy, trong sự sắp đặt như thế chúng ta sẽ thấy sự tương hợp của thế giới và mối quan hệ hài hoà nhất định giữa sự chuyển động và kích thước của các quỹ đạo mà không thể tìm được bằng phương thức khác. Giờ đây, nhờ những tri thức mới, một người không lười nhác trong quan sát và tư duy phải giải thích được cho mình: do đâu mà những vòng nút chuyển động giật lùi của sao Mộc lại lớn hơn so với của sao Thổ, nhưng lại nhỏ hơn sao Hoả; cũng như tại sao sao Thổ, sao Mộc và sao Hoả ở vị trí xung đối (khi chúng được nhìn thấy trong suốt cả đêm) hoá ra gần Trái Đất hơn so với khi chúng được nhìn thấy ở gần Mặt trời. Bởi vì, chẳng hạn khi sao Hoả hiện rõ suốt cả đêm, thì độ sáng của nó ngang bằng với sao Mộc, chỉ khác là màu hơi đỏ, còn ở thời điểm khác thì nó cố lắm mới lọt vào hàng ngũ những ngôi sao cấp hay và chỉ có thể nhận nó nhờ quan sát theo dõi thật kỹ. Tất cả những điều này xảy ra là do một nguyên nhân: chuyển động của Trái Đất giữa các hành tinh.
Việc không thấy có những thay đổi tương tự nào ở những sao bất động (do chuyển động của Trái Đất) chỉ có thể chứng minh rằng những sao đó ở một độ cao vô cùng. Từ độ cao như thế không tài nào thấy được thậm chí cả quỹ đạo Trái Đất hay hình ảnh phản chiếu của nó. ánh sáng nhấp nháy của các vì sao chứng tỏ rằng giữa vòm cầu cao nhất của những hành tinh (vòm cầu sao Thổ) và vòm cầu của những vì sao bất động là một khoảng không vô cùng lớn. Các vì sao khác hẳn với các hành tinh ở sự nhấp nháy, vì rằng cần thiết phải có sự khác biệt lớn nhất giữa cái động và cái bất động. Sự sáng tạo thần kỳ này của Đấng Toàn năng và Tối thượng thật là vĩ đại!
(Theo Nicôlai Côpecnic, sách "Về chuyển động quay của
các thiên cầu”, năm 1543)