Tài liệu: Sao Thủy xoay như thế đó

Tài liệu
Sao Thủy xoay như thế đó

Nội dung

 

SAO THỦY XOAY NHƯ THẾ ĐÓ

 

Nhiều lần người ta đã thử xác định chuyển động xoay của sao Thủy xung quanh trục. Năm 1882 nhà thiên văn học Italia Giôvanni Xkiaparedi cho rằng sao Thủy hướng một phía vào Mặt Trời (như Mặt Trăng hướng vào Trái Đất), bởi vậy chu kỳ xoay của nó là 88 ngày, bằng chu kỳ quay của nó xung quanh Mặt Trời. Điều này đã được đưa vào tất cả sách giáo khoa và sách tra cứu cho mãi đến tận những năm 60 của thế kỷ XX.

Năm 1965, nhờ áp dụng định vị vô tuyến người ta đã xác định được trị số chính xác của chu kỳ này là 58,7 ngày, tức là đúng 213 chu kỳ quay xung quanh Mặt Trời. Các nhà lý thuyết đã chứng minh rằng hành tinh này quay như thế là bền vững.

Vậy tại sao những nhà quan sát giàu kinh nghiệm như Xkiapareli, như Ơgien  Antôniađi, nhà thiên văn học Pháp, và nhiều nhà khoa học khác lại cho rằng hành tinh này chỉ hướng một mặt về phía Mặt Trời? Dễ hiểu là chỉ có được thời điểm quan sát sao Thủy tốt nhất khi hành tinh này có ly giác (cự ly góc xa Mặt Trời) lớn nhất, thời điểm này lặp đi lặp lại sau 116 ngày đêm (chu kỳ giao hội của sao Thủy). Hơn nữa ở bán cầu Bắc không phải ly giác nào cũng thuận lợi: thuận tiện hơn cả trong các ly giác buổi tối là vào mùa đông và mùa xuân, còn trong các ly giác buổi sáng thì vào mùa hè và mùa thu (cần sao cho sao Thủy có xích vĩ cao hơn Mặt Trời). Những ly giác như thế chỉ lặp lại một lần trong 348 ngày đêm. Nhưng chu kỳ này gần với bội sáu lần của chu kỳ sao Thủy xoay quanh trục: 352 ngày đêm. Như vậy, có nghĩa rằng nếu quan sát hành tinh này một lần sau 348 ngày đêm, chúng ta sẽ thấy lại những chi tiết như một năm trước trên bề mặt hành tinh. Bởi thế, những nhà thiên văn học xưa kia do không biết tính thông ước đích thực của các chu kỳ và do phỏng đoán rằng với thời  gian này sao Thủy đã thực hiện được bốn vòng xoay quanh trục (thực ra là sáu lần) nên đã kết luận rằng chu kỳ xoay quanh trục cũng bằng chu kỳ quay quanh Mặt Trời theo quỹ đạo.

Tỉ lệ của chu kỳ xoay và chu kỳ quay là 2/3, có nghĩa rằng ngày Mặt Trời trên sao thủy bằng 176 ngày trên Trái Đất, dài gấp 2 lần năm sao thủy. Nói cách khác là ban ngày hoặc ban đêm trên sao Thủy dài bằng 88 ngày đêm trên Trái Đất. Trục quay của sao Thủy gần như vuông góc với mặt phẳng quỹ đạo của hành tinh, bởi thế sự đổi mùa trong một năm trên đó không theo độ nghiêng của trục (như trên Trái Đất, sao Hoả và sao Thổ), mà theo sự thay đổi khoảng cách xa gần đối với Mặt Trời. Do quỹ đạo thuôn dài nên chênh lệch nhiệt độ trên bề mặt sao Thủy rất lớn. Ở điểm cận nhật, nhiệt độ tại điểm dưới ánh Mặt Trời của hành tinh (khi Mặt Trời ở thiên đỉnh) đạt tới 690 K, còn ở đêm viễn nhật nhiệt độ giảm xuống còn 560 K. Trong khi đó ở bán cầu đang là đêm thì lại rất lạnh: nhiệt độ trung bình tại đây là 111 K (- 162oC).




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/472-02-633331323692812500/Sao-Thuy---Hanh-tinh-gan-Mat-Troi-nhat/Sao...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận