Sao chổi có tiến hóa không?
Nếu sao chổi là những đối tượng cổ nhất trong hệ mặt trời thì cũng ngược đời là tuổi thọ của chúng rất ngắn, khi không phiêu bạt sâu vào những vùng bên trong hệ mặt trời... Giống như vỏ băng bị tan vỡ vào mùa xuân, những sao chổi nào đến quá gần Mặt trời có thể bị phân rã dưới áp lực rất mạnh tác động lên khí được thoát ra. Nhiều sao chối đã bị phân rã như vậy ngay trước mắt các nhà thiên văn. Vào tháng 3 năm 1976, ngôi sao chổi West lộng lẫy đã không chống chịu được khi đi qua chỉ cách Mặt trời 30 triệu kilomet. Nó đã bị vỡ thành từng mảnh trước khi biến mất trong không gian. Tháng 7 năm 2000 đến lượt sao chổi Linear bị phân rã. Sự ''hấp hối'' của nó đã được các loại kính viễn vọng mạnh nhất thế giới theo dõi và nhìn thấy hàng chục mảnh vỡ cách nhau vài chục mét.
Khi sao chổi đủ rắn để không bị phân chia, chúng cũng bị mòn dần, giảm đi vài triệu tấn mỗi lần qua gần Mặt trời. Dần dần theo thời gian, chúng bốc hơi hoàn toàn, hoặc đối với những sao chổi đặc nhất, khi các chất bay hơi thoát ra hết thì chỉ còn lại một khối đá kết tụ giống như các tiểu hành tinh Ngoài ra, có thể có tính liên tục giữa hai loại thiên thể: một tiểu hành tinh có tên là Chiron được phát hiện năm 1977 cũng đã thay đổi loại hình khi nó để lộ cho các nhà thiên văn thấy hoạt tính sao chổi của nó lúc đến gần Mặt trời!