Tài liệu: Singapore - Tôn giáo

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Ngày nay người dân thuộc các sắc tộc khác nhau đều làm việc hòa nhập, ăn mặc như nhau,
Singapore - Tôn giáo

Nội dung

TÔN GIÁO

Ngày nay người dân thuộc các sắc tộc khác nhau đều làm việc hòa nhập, ăn mặc như nhau, học tập hay sử dụng các dịch vụ giống nhau. Do đó, chỉ còn tôn giáo là hình thái sinh hoạt tạo thành ranh giới phân biệt giữa các cộng đồng ở đây. Tại Singapore có nhiều tôn giáo cùng phát triển song song: đạo Hồi, đạo Hindu, đạo Phật, Thiên chúa giáo.

Sự phân biệt rõ nét là các tập quán hình thành từ các điều luật tôn giáo. Chẳng hạn như người Malay thường không ăn ở những hàng quán, tiệm ăn của người Hoa vì họ sợ ô uế từ thịt heo, và như vậy một người Hoa cũng không thể mời một bạn đồng sự người Malay đến dự một bữa tiệc trong lễ hội truyền thống của họ. Các hiệp hội và nhà nước ở đây cũng khích lệ việc tổ chức các lễ hội mang bản sắc dân tộc riêng của từng cộng đồng, như các cuộc lễ rước đèn lồng hay các cuộc đua thuyền rồng của người Hoa.

Chính quyền Singapore rất quan tâm đến các sinh hoạt liên quan đến tôn giáo, như việc kết hôn, ly hôn, thừa kế của các thành viên trong các cộng đồng tôn giáo cũng như việc hiến tặng của cải, tiền tài cho các mục đích tôn giáo. Chính quyền ở đây phối hợp với các tổ chức tôn giáo qua những ban tư vấn vốn có từ thời kỳ thực dân. Chẳng hạn như Ban Tư vấn Đạo Hindu, được thành lập từ năm 1917, có nhiệm vụ tư vấn cho chính quyền về các vấn đề tín ngưỡng, tập quán trong đạo Hindu cũng như về mọi việc liên quan đến phúc lợi của cộng đồng người Hindu. Ban này lại giúp việc cho Ban Tài sản Đạô Hindu, một tổ chức quản lý các chùa Hindu và tiến hành các lễ hội thường niên ở các chùa này. Ban Tư vấn Đạo Sikh cũng hoạt động theo mô hình đó.

Trong khi đó đối với đạo Hồi, Hội đồng Hồi giáo đóng vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động của người Hồi giáo, có nghĩa là của cộng đồng người Malay. Được thành lập vào năm 1966, Hội đồng này bao gồm những thành viên do cộng đồng Hồi giáo đề cử nhưng lại do tổng thống Singapore bổ nhiệm, có chức năng tư vấn cho tổng thống tất cả các vấn đề liên quan đến tôn giáo của đạo này. Hội đồng này quản trị tất cả các tập đoàn Hồi giáo, tổ chức việc thu các loại thuế và tiền công quả bắt buộc và quản lý tất cả các mặt trong sinh hoạt hành hương của tín đồ về thánh địa Mecca, bao gồm việc đăng ký hành hương, lấy visa vào Ả Rập Sau di và đặt vé máy bay. Hột đồng cũng giúp chính quyền trong việc tổ chức lại các nhà thờ Hồi giáo. Trước thời kỳ phát triển có khoảng 90 nhà thờ nhỏ, sau khi bị giải tỏa để phát triển đô thị, họ đã quyết định xây lại số lượng nhà thờ ít hơn nhưng qui mô đồ sộ hơn nhiều, trong đó có cả nhà trẻ, các lớp học kinh thánh, các lớp dạy y tế cho học sinh, các lớp dạy tiếng Ả Rập.

Chính quyền đã đưa ra những quy định về kết hôn và ly hôn cho người Hồi giáo từ năm 1880, và Sắc lệnh Hồi giáo năm 1957 cho phép thành lập Tòa án Sharia để phán quyết trong các vụ án ly hôn và thừa kế. Tòa án này còn có chức năng củng cố các điều luật trong kinh Coran và nỗ lực giảm thiểu tỉ lệ ly hôn trong cộng đồng người Malay.

Ngay từ lúc thành lập thành phố Singapore, các chính quyền thực dân đã tránh không can thiệp vào các hoạt động tôn giáo của các cộng đồng sắc tộc, tạo ra một không khí cởi mở cho các tôn giáo phát triển. Quả là một điểm đặc trưng của nước Singapore thuộc địa khi đường South Bridge, một đường phố sầm uất trong khu phố Hoa kiều cũ, là nơi toạ lạc nhà thờ Sri Mariamman, một nhà thờ đạo Hindu của người Ấn, và cũng là địa điểm của nhà thờ Hồi giáo Masjid, phục vụ cho những người Hồi giáo đến từ vùng bờ biển Coromandel của Ấn Độ. Những tôn giáo lớn ở đây là các tôn giáo có người Hoa theo đạo, như đạo Khổng, đạo Phật, đạo Hindu, đạo Hồi và đạo Thiên chúa. Ngoài ra còn có những tôn giáo khác như đạo Sikh và đạo Jana có gốc từ Ấn Độ, Bái hỏa giáo (Parsi) của người Ấn Độ và người Iran, Do thái giáo của người Do thái.

Người Hoa thì theo đạo phổ thông của Trung Hoa, vốn là sự tổng hợp của đạo Phật và đạo Lão, trong đó người ta thờ cúng thần thánh, vong hồn và tổ tiên. Tất cả các chùa của người Hoa đều tổ chức các lễ lớn hàng năm với các đám rước, các buổi diễn tuồng Hoa và các bữa tiệc mà những người có cống hiến cho chùa sẽ mời bạn bè, đối tác làm ăn của họ. Để tránh cản trở lưu thông và giữ trật tự công cộng, chính quyền ở đây cũng quy định các tuyến đường cho các đám rước và cấm đốt những phong pháo quá dài.

Người Hindu đã là một bộ phận trong dân số Singapore kể từ ngày hình thành vào năm 1819, và một số nhà thờ của người Hindu, chẳng hạn như nhà thờ Sri Mariamman, đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào thập niên 1980. Ở Singapore không có những nhóm đẳng cấp được tổ chức chặt chẽ giống như ở Ấn Độ, thay vào đó là những nhóm đặc trưng theo nghề nghiệp hay địa vị trong công việc. Những ngày lễ của người Hindu bao gồm ngày Lễ mừng Năm mới, ngày lễ Thaipusam, ngày Deeppavali (Lễ hội ánh sáng).

Bảy trong số mười quốc lễ của Singapore là các lễ hội tôn giáo, trong đó có hai của người Hoa, hai của Hồi giáo, hai của Thiên chúa giáo và một của người Hindu. Công dân ở đây được khuyến khích tìm hiểu về các lễ hội của những tôn giáo và sắc tộc khác và mời tín đồ của những tôn giáo khác đến dự lễ và dự tiệc của mình. Những dịp lễ chính thức như ngày lễ Quốc khánh hay dịp bổ nhiệm các sĩ quan quân đội được tổ chức dưới dạng phối hợp các tôn giáo, tiến hành bởi Tổ chức Liên Tôn giáo, một dạng giáo hội toàn thế giới được thành lập vào năm 1949 để tăng cường thiện chí và sự hiểu biết giữa tín đồ của các tôn giáo khác nhau.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2115-02-633492322022031250/Van-hoa---xa-hoi/Ton-giao.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận