Tài liệu: Thành phố Phan Thiết

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Phan Thiết được biết đến với những bãi biển đẹp, môi trường trong lành và hoang sơ như Cù Lao Chàm, Mũi Né, Hòn Bà, Đồi Dương cùng những di tích lịch sử văn hóa mang kiến trúc độc đáo:
Thành phố Phan Thiết

Nội dung

Thành phố Phan Thiết

Phan Thiết được biết đến với những bãi biển đẹp, môi trường trong lành và hoang sơ như Cù Lao Chàm, Mũi Né, Hòn Bà, Đồi Dương cùng những di tích lịch sử văn hóa mang kiến trúc độc đáo: khu di tích Trường Dục Thanh, Tháp Chàm Poshanư, chùa Cổ Thạch... tất cả đã tạo nên những yếu tố quan trọng nâng cao vị thế du lịch của Phan Thiết lên tầm cao hiện tại cũng như trong tương lai.

Thời tiết Phan Thiết rất thuận lợi cho các hoạt động du lịch ngoài trời. Đây là khu vực đầy nắng gió, lại có biển xanh, nhiệt độ trung bình năm vào khoảng 26,5 -27,50C. Phan Thiết được mệnh danh là vùng đất: “Biển xanh, nắng vàng, cát trắng”.

Phan Thiết, cách thành phố Hồ Chí Minh không xa, chỉ khoảng 190 km, nơi có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Mũi Né, nằm cách thành phố 24 km về hướng Đông Bắc. Mũi Né là tên một làng chài và cũng là điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Phan Thiết.

Dọc theo quốc lộ 706 từ thành phố đến Mũi Né là một dãy đồi đất thoai thoải với những rặng dừa xanh ngắt. Bãi biển nông thoải, nước trong xanh, khí hậu mát mẻ quanh năm, không bão tố, là nơi tắm biển, nghỉ ngơi lý tưởng. Với thắng nhà hàng, khách sạn khang trang mang tầm cỡ quốc tế làm vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi.

Mũi Né có các đồi cát lớp lớp chạy dài từ lâu đã là đề tài cho các thế hệ nhiếp ảnh khai thác và đạt nhiều thành công về nghệ thuật.

Trong khu vực Mũi Né còn có Suối Tiên, cách trung tâm thành phố 18 km về hướng Đông Bắc, trên đường ra mũi Né. Suối Tiên là điểm du lịch dã ngoại lý tưởng của Phan Thiết. Đó là một con suối nhỏ từ độ cao hơn 6m chạy quanh sườn đồi, len lỏi qua những hàng dừa xanh trĩu quả, qua những đồi cát cao vút màu đỏ rồi từ từ đưa nước ra biển cả. Bên dưới lòng suối là lớp đất sét vàng pha cát đỏ. Suối Tiên đẹp bởi sự pha trộn nhiều màu sắc của đất và cát tạo nên như dải lụa uốn lượn quanh co.

Hòn Rơm cũng là một địa chỉ du lịch của Phan Thiết. Người ta kể rằng hàng năm, vào mùa mưa, thời tiết thuận lợi cho cỏ dại nơi đây sinh sôi tươi tốt. Khi mùa khô về, dưới cái nắng chói chang, các đám cỏ dại trở nên vàng óng, từ xa nhìn như những đống rơm rạ phơi khô. Từ đó người ta đặt tên cho nơi đây các tên đầy gợi hình Hòn Rơm. Đến Hòn Rơm, ngoài tắm biển đốt lửa trại, du khách còn có thể đến thăm Đồi Hồng, chinh phục đồi cát Mũi Né và câu cá thư giãn.

Thành phố, nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa:

Khu di tích trường Dục Thanh: Nơi năm 1910, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã ở và dạy học, trước lúc Người vào Sài Gòn để ra đi tìm đường cứu nước. Khu di tích rộng khoảng 1 ha, bao gồm trường Dục Thanh, nhà nghỉ, nhà thờ Nguyễn Thông, hồ sen, vườn cây ăn quả, cây cảnh...

Trường được xây dựng năm 1908, là ngôi nhà gỗ lợp ngói âm dương. Trường có hai ban: Hán văn và Pháp văn, có lồng chương trình Quốc ngữ. Đây là một ngôi trường có chương trình dạy tiến bộ lúc bấy giờ.

Nhóm di tích Tháp cổ Poshanư: còn gọi là tháp Phú Hải, thuộc xã Thanh Hải, thành phố Phan Thiết. Đây là công trình kiến trúc tuyệt tác của người Chăm để lại cho nhân loại. Nhóm tháp gồm ba tháp và nhiều tháp bị đổ, nay chỉ còn lại phế tích và nền móng. Ba ngôi tháp hiện còn, quay mặt về phía Đông. Tháp vuông nhiều tầng lên cao nhỏ dần, thuộc phong cách nghệ thuật kiến trúc Hòa Lai.

Nhóm tháp nằm trên một ngọn đồi có tên là Lầu Ông Hoàng, cách thành phố Phan Thiết 6km về hướng Đông Bắc.

Chùa Ông: là ngôi chùa cổ, lớn nhất của người Hoa ở thành phố Phan Thiết, thuộc phường Đức Nghĩa. Chùa được xây vào năm 1770, để thờ Quan Công. Chùa có kiến trúc đẹp, các cột kèo được chạm khắc tinh vi. Tất cả các cột chính được trang trí và sơn son thiếp vàng. Trong chùa còn lưu giữ tượng Quan Công lớn và một chuông cổ.

Đình Làng Đức Nghĩa: được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, có tên đình Thành Đức, về sau sát nhập làng Thành Đức với làng Vạn Nam Nghĩa, nên lấy tên đình là Đức Nghĩa. Hiện đình còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa Hán Nôm. Đình được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Đình làng Đức Thắng: lúc đầu xây để thờ Thần Thành hoàng làng. Năm 1811 đình được xây lại. Đình xây theo kiểu dân gian tứ trụ. Phần cổ lầu trên đền chính là nơi tập trung các tác phẩm nghệ thuật gỗ. Đình hiện còn giữ nhiều sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng. Đình được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1991.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4182-02-633705736016150576/Viet-Nam/Thanh-pho-Phan-Thiet.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận