Tài liệu: Thắng cảnh Hương Tích

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Hương Tích còn gọi là chùa Hương, một danh thắng nổi tiếng nằm trong khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây cách Hà Nội 70 km về phía Tây Nam.
Thắng cảnh Hương Tích

Nội dung

Thắng cảnh Hương Tích

Hương Tích còn gọi là chùa Hương, một danh thắng nổi tiếng nằm trong khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây cách Hà Nội 70 km về phía Tây Nam.

Du khách tới chùa Hương, qua thị xã Hà Đông, tới Vân Đình , đến Bến Đục thì dừng lại để chuyển sang đi thuyền trên dòng suối Yến Vĩ, khoảng 3 km thì có đường bộ vào chùa. Những ai không muốn ngồi thuyền có thể theo đường bộ dọc theo suối Yến, xuyên qua rừng mơ.

Theo dòng Yến Vĩ, du khách sẽ được ngắm nhìn núi Ngũ Nhạc, cầu Hội, hang Sơn thủy hữu thành, núi Phượng Hoàng, trên núi có khắc 4 chữ “Kỳ sơn, Thủy tú, tiếp đến là các núi mà tên gọi của nó theo hình dáng núi như: Núi Ông Sư, núi Bà Vãi, núi Mâm Xôi, núi Trống, núi Chiêng…

Từ Bến Đục thuyền đưa du khách tới đền Trình để thắp hương trình với “Sơn Thần”. Rời đền Trình, thuyền lướt nhẹ đưa du khách đến bến Thiên Trù. Khách lên bờ để vào chùa Thiên Trù (bếp nhà Trời). Chùa Thiên Trù còn gọi là chùa Ngoài hay chùa Trò, được xây dựng từ thế kỷ XVIII. Chùa Thiên Trù có tháp Thiên Hưng (một mỏm đá mọc ngược như hình cây tháp) và Viên Công bảo tháp được chạm khắc tinh vi.

Bên phải chùa Thiên Trù là đường lên động Tiên Sơn nổi tiếng với 5 pho tượng bạc bằng đá và nhũ đá, khi gõ vào có âm vang như tiếng khánh, tiếng chuông.

Tạm biệt chùa Thiên Trù du khách tiếp tục cuộc hành trình vào chùa Trong (động Hương Tích). Dọc đường trước khi đến động Hương Tích, du khách sẽ được ghé thăm chùa Giải Oan.

Đường vào động Hương Tích thật diệu kỳ. Một lối mòn len lỏi bằng những tấm đá, được thiên nhiên mài nhẵn xếp nối gập ghềnh, lúc lên cao, lúc xuống thấp, quanh lượn theo các triền núi. Tới động Hương tích quang cảnh thật kỳ vĩ, rừng cây xanh ngắt, thăm thẳm bốn bề. Thế kỷ XVIII, khi chúa Trịnh Sâm đến vãn cảnh Hương Tích đã cho khắc lên động 5 chữ “Nam Thiên Đệ Nhất Động”. Theo truyền thuyết, động này được tìm ra cách nay 2.000 năm. Nhưng mãi tới năm 1571 nhân dân mới dựng chùa và lập bàn thờ Phật. Trong động có nhiều nhũ đá tạo nên những hình thù kỳ lạ như: Đụn Gạo, cây Vàng, cây Bạc, Vuông Tằm, Nong Kén, núi Cô, Núi Cậu...

Khu di tích Hương Sơn còn có nhiều chùa chiền hang động như: Long Vân, Tuyết Sơn, Hinh Bồng... Nhất là hang Ông Bồng (Lũng Sâm), cách chùa Long Vân khoảng 2 km, được tìm thấy năm 1975. Đây là nơi cư trú của người xưa cách đây hàng nghìn năm.

Hàng năm, sau tết Nguyên đán, chùa Hương bắt đầu mở hội kéo dài từ giữa tháng Giêng đền tháng Ba âm lịch. Mỗi mùa hội thu hút ba bốn chục vạn người đến tham quan, vãn cảnh.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4182-02-633705735259231980/Viet-Nam/Thang-canh-Huong-Tich.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận