THẬP TAM LĂNG VÀ CUNG ĐIỆN NGẦM
Đây là khu lăng tẩm của 13 Hoàng đế triều Minh, cách Bắc Kinh hơn 50 km về phía Tây Bắc. Nơi đây nổi tiếng nhất có Định Lăng và Trường Lăng. Nói cung điện ngầm là chỉ Định Lăng trong khu lăng mộ các Hoàng đế nhà Minh. Triều Minh (1368 - 1644) kéo dài 296 năm, có cả thảy 16 Hoàng đế. Hai Hoàng đế đầu tiên trong đó có Chu Nguyên Chương, người lập nghiệp nhà Minh mai táng ở Nam Kinh. Đến năm 1421, Minh Vĩnh Lạc bắt đầu dời đô lên Bắc Kinh. Từ đó đến đời Sùng, Trịnh, cuối cùng là 14 Hoàng đế Cảnh Thái sau khi chết chôn ở Núi Kim Sơn, 13 Hoàng đế còn lại đều chôn cất ở Núi Thiên Thọ, Huyện Xương Bình, đó là khu Thập Tam lăng.
Chu vi của Thập Tam Lăng khoảng 40km, ba mặt Bắc - Đông - Tây đều là núi. Trên đường vào Thập Tam Lăng phải qua một cổng chào bằng đá 5 cửa, cao 29m. Cổng chào này có 6 cột đá chạm trổ rồng mây rất tinh xảo. Qua cổng chào là Đại Hồng Môn. Qua Đại Hồng Môn là đường Thần đạo dài 7km thông với các lăng. Trên đường Thần đạo cách Đại Hồng Môn khoảng 500m là đỉnh bia trong đó có tấm bia lớn ghi ''Đại Minh Trường Lăng Thần công thánh Đức''. Bia còn khắc 3500 chữ ghi chép quá trình dựng lăng xung quanh đình bia có 4 cột Hoa biểu. Hai bên đường Thần đạo có 12 cặp thú đá (gồm Sư tử, Trĩ, Lạc đà, Voi, Kỳ lân, Ngựa) và 12 tượng người đá gồm 4 quan văn, 4 quan võ, 4 công thần. Tất cả đều đứng thành từng cặp đối diện nhau. Người đá và thú đá đều là những công trình điêu khắc vĩ đại làm bằng những phiến đá nặng hàng chục tấn với những đường nét điêu khắc khoẻ khoắn, uyển chuyển.
Bố cục kiến trúc 13 lăng ở đây đại thể giống nhau. Lăng lớn nhất được xây dựng đầu tiên là Trường Lăng, nơi chôn cất Minh Thành Tổ Hoàng đế Vĩnh Lạc Chu Đệ (ở ngôi từ 1402 đến năm 1424) và Hoàng hậu Từ Thị. Mỗi lăng đều có điện thờ đặt bia gọi là Minh Lầu. Sau điện thờ là một trái núi, trên núi trồng tùng bách, dưới núi là địa cung. Xung quanh một số núi được bao bọc bởi bức tường thành xây bằng gạch gọi là Bảo thành. Ở đây có Điện Lăng Ân trong khu Trường Lăng, quy mô bề thế như Điện Thái Hòa trong Cố Cung. Trong điện có 32 cột. Mỗi cột là một cây gỗ Nam mộc. Đây là điều đặc sắc nhất của khu Trường lăng. Diềm mái, cột, cửa, cánh cửa, khung cửa, mái đều làm bằng loại gỗ Nam mộc cứng như sắt. Định Lăng nằm ở phía Tây của Trường Lăng, dưới chân núi Đại Cốc, nhìn bề ngoài cũng giống như các lăng khác, nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra vào năm 1956. Đó là từ mặt tường phía Đông Nam, người ta phát hiện thấy hình chiếc cửa vòm lộ ra sau lớp gạch tường lâu ngày bị vỡ. Các nhà khảo cổ học mở một con đường hầm vào chính giữa cửa vòm ấy thì phát hiện thấy một đường ngầm xây gạch. Nhân đó, người ta đào một đường hầm thứ hai từ sau điện thờ vào sâu trong núi. Đào sâu xuống 7,5m thì phát hiện thấy một tấm bia nhỏ ghi: ''Từ bia đến lớp tường kim cương 16 trượng sâu 3 trượng 5 thước''. Thời bấy giờ người ta xây lăng khi Hoàng đế còn sống, để giữ bí mật nơi để quan tài, lăng thường bị bịt kín. Để sau này khi dùng lăng khỏi bị nhầm lẫn thì ''người phụ trách xây lăng phải lưu lại ký hiệu. Bia đá làm ký hiệu này không ngờ là hoa tiêu chỉ đường cho những người khai quật mộ 300 năm sau".
Định Lăng được xây dựng năm 1584, qua 6 năm thì hoàn thành. Năm 1620, Minh Thần Tông Hoàng đế Vạn Lịch Chu Dực Quân (ở ngôi từ 1573 đến 1620) lúc mất, đem mai táng vào lăng, tổn phí 8 triệu lượng bạc. Khi khai quật, Chu Dực Quân chỉ còn là một đống xương trắng. Áo long bào đều nát hết chỉ có tóc là còn nguyên vẹn. Công việc khai quật và chỉnh lý tiến hành trong ba năm, sau đó công bố trước công chúng. Từ đó, Định Lăng có tên là Cung điện ngầm, thu hút khách tham quan và du lịch.
Cung điện ngầm được xây dựng ở độ sâu cách mặt đất 27m với diện tích 1195m2. Kiến trúc theo hình chữ T có điện trước, điện giữa, điện sau và điện bên trái, điện bên phải. Tường điện xây bằng đá trắng, trên đình cũng cuốn bằng đá, hoàn toàn không có cột. Nó gồm 5 tòa đại điện, kiến trúc cuốn vòm. Điện trước và điện giữa từ nền lên nóc cao 7,2m, rộng 6m, dài 58m. Nền lát bằng loại gạch đặc biệt do một xưởng gạch ở Giang Nam chuyên sản xuất để cung cấp cho nhà vua. Một mẻ gạch loại này được đốt bằng mấy thứ gỗ trong 138 ngày, khi gạch ra lò lại dùng dầu trẩn rưới lên mặt, do đó mặt gạch nhẵn bóng, càng lau càng bóng.
Điện giữa có ba bàn thờ tạc bằng đá trắng, trước mỗi bàn thờ có đặt một thống lớn bằng sứ, trong thống đựng dầu để đốt đèn gọi là đèn Trường Minh. Ngoài ra còn có lư hương, lọ hoa... Thống sứ lớn được tráng men trắng, vẽ rồng mây màu xanh tuyệt đẹp.
Hai gian điện hai bên cũng xây theo kiểu tường đá mái cuốn, hẹp hơn điện giữa một chút. Điện trong cùng lớn nhất là bộ phận chủ yếu của cung điện dưới đất, cao 9m5, rộng 9m1 dài 30m1, nền lát đá hoa ban. Trên bệ đặt ba quan tài. Quan tài chính giữa lớn nhất là quan tài Hoàng đế Vạn Lịch, tức Hoàng đế thứ 13 đời Minh. Hai bên là hai quan tài của hai Hoàng hậu. Xung quanh có 26 hòm đồ đạc chôn theo.
Các điện thờ bên trong đều thông với nhau. Lối cửa chính điện chính và hai điện bên đều có hai cánh cửa bằng đá. Cánh cửa chính rộng 1m7, cao 3m3, đều làm từ những tấm đá nguyên khối, nặng 4 tấn, có đóng 9 hàng khuy đồng. Bên trong cửa có chốt bằng đá. Sau khi đưa quan tài vào và đóng cửa thì chốt đá tự động chốt lại, bên ngoài không mở được. Hơn 2.000 đồ vật quý giá chôn theo, như các đồ dùng hàng ngày của nhà vua: mâm thau, bình đựng rượu, chén bát bằng vàng bạc được chạm trổ tinh xảo.
Các đồ trang sức đều bằng ngọc quý, trân châu mã não. Nhiều đồ vật bằng vàng có khắc trọng lượng, tên người và ngày tháng cống Vua. Quý nhất là chiếc mũ của Hoàng đế được dệt bằng sợi vàng có hình hai con rồng châu đầu vào nhau và chiếc mũ của một trong hai Hoàng hậu có sáu con rồng và ba con phượng đều bằng vàng có hơn 100 viên ngọc bích và 5000 viên ngọc trai.
ĐẶNG THANH TỊNH