CỐ CUNG – MỘT DI SẢN VĂN HÓA NỔI TIẾNG CỦA TRUNG QUỐC
Cố cung là quần thể kiến trúc với quy mô lớn nhất, có giá trị nghệ thuật cao được bảo tồn hoàn chỉnh nhất ở Bắc Kinh. Cố Cung do hai nhà thợ mộc nổi tiếng nhất thời thời Minh là Khoái Tường và Sái Tín thiết kế và được bắt đầu xây dựng từ thời Minh Vĩnh Lạc thứ 4 (1406) và hoàn thành vào năm 1424. Cố Cung đã trải qua nhiều lần tu sửa do bị cháy hoặc hư hỏng nhưng vẫn giữ được bố cục ban đầu.
Cố Cung xưa kia gọi là Tử Cấm Thành (theo thần thoại: Tử Vi Viên ở trên trời là nơi ở của Thiên đế nên gọi nơi ở của Hoàng đế là Tử Cấm Thành). Đây là cung điện của 24 đời Vua thuộc hai triều đại Minh - Thanh từ Minh Vĩnh Lạc 19 (1421 ) đến thời Thanh mạt (1911).
Bố cục của Cố Cung được xây dựng trên khu đất rộng hình chữ nhật, diện tích khoảng 720.000m2, xung quanh có tường thành cao 10m bao bọc, ven ngoài tường có hào rộng 52m, bốn góc thành có bốn tháp canh, bốn mặt thành có bốn cửa ra vào đối diện nhau: Ngọ môn, Thần Vũ môn, Đông Hoa môn, Tây Hoa môn.
Các kiến trúc quan trọng của Cố Cung đều nằm trên một đường trục Nam - Bắc ở chính giữa. Hai bên là các kiến trúc phụ đối xứng nhau. Ngọ môn là cửa chính để vào Cố Cung nằm ở phía Nam trên trục chính. Ngọ môn được xây dựng theo kiểu hình chữ U phía dưới là khối tường thành dày và cao, có trổ năm cửa vòm. Bên trên xây một tòa điện lớn chín gian ngay mặt chính, bốn góc hình chữ U xây bốn điện vuông. Năm tòa điện này đều hai tầng, mái được nối với nhau bằng hành lang cửa sổ có mái che. Ngọ môn còn có tên là Ngũ Phượng lầu. Các kiến trúc trong Cố Cung chiếu theo chất sử dụng được phân thành hai khu vực: Ngoại tiều và nội đình.
Ngoại tiều, nơi cử hành các đại lễ, chủ yếu bao gồm quần thể kiến trúc lớn: Điện Thái Hòa, Trung Hòa, Bảo Hòa (gọi là Tiền tam Điện) trên trục chính và bốn nhóm kiến trúc giáp ngoài đối xứng với nhau.
Khi vào cửa Ngọ môn, trước mặt là một quảng trường có con Sông Kim Thủy chảy ngang qua hình dây cung. Chính giữa có năm chiếc cầu bằng đá trắng lớn, hai bên cầu và hai bên sông đều có lan can bằng đá trắng. Đối diện với Ngọ môn là Thái Hòa môn. Phía trong Thái Hòa môn là quần thể kiến trúc Tiền tam Điện. Quần thể này được xây dựng trên đài cao 6m gần giống như hình chữ
(thổ). Đài chia làm 3 tầng, mỗi tầng đều có lan can bằng đá trắng bao quanh, bốn mặt đều xây bậc lên xuống, chính giữa mỗi bậc đều có một tảng đá lớn hình chữ nhật, bên trên khắc hình rồng mây rất tinh tế.
Theo thứ tự, đầu tiên là Điện Thái Hoà mặt rộng 11 gian, diện tích 3270m2, cao 36m, ngoài hiên có hàng cột lớn. Điện hai tầng mái lợp bằng ngói lưu ly vàng. Trước mặt điện là phần nhô ra của chữ
(thổ) hình chữ nhật gọi là Nguyệt đài, lộ thiên, có đặt các đỉnh đồng, rùa đồng, chim đồng và một bảng đá tính thời gian, một dụng cụ đo lường từ thời Cổ đại.
Điện Thái Hoà là điện lớn nhất của Cố cung, trong điện có bục cao khoảng hai mét, trên bục có ngai vàng cùng nhiều đồ trần thiết. Đây là nơi Hoàng đế nhận chiếu tước vị khi mới lên ngôi, làm lễ sinh nhật, chúc mừng năm mới.
Ở giữa là Điện Trung Hoà hình vuông năm gian, một tầng mái nhọn, cũng là nơi Hoàng đế nghỉ ngơi lúc hành lễ.
Cuối cùng là Điện Bảo Hoà mặt rộng, chín gian, hai tầng mái, là nơi cử hành yến tiệc đón khách.
Ba điện tạo thành một quần thể kiến trúc trên diện tích 85.000m2.
Hai bên quần thể Tiền tam Điện có bốn nhóm kiến trúc đối xứng nhau. Phía trước là Điện Văn Hoa (nơi Hoàng đế học tập), đối xứng với Điện Vũ Anh (nơi Hoàng đế tiếp đại thần). Phía sau là Quốc sứ quán (Đông) đối xứng với công sở nội các (Tây).
Nội đình
Nội đình cách ngoại triều bằng một quảng trường rộng. Nội đình là nơi Hoàng đế và Hoàng gia ở và làm việc. Kiến trúc trong nội đình tuy rất nhiều tòa nhà khác nhau nhưng vẫn theo bố cục chủ thứ có trục giữa và hai bên đối xứng nhau. Trên trục giữa là hậu Tam cung theo thứ tự Cung Càn Thanh, Điện Giao Thái và Cung Khôn Ninh. Quần thể này được bao bọc bởi một bức tường hình chữ nhật có cửa chính là Càn Thanh môn.
Cung Càn Thanh và Khôn Ninh, mỗi cung chín gian, hai tầng mái, là nơi ở chính của Hoàng đế và Hoàng hậu. Điện Giao Thái nhỏ hơn, ba gian, một tầng mái. Phía sau Cung Khôn Ninh là Cửa Khôn Ninh thông với Ngự hoa viên.
Hai bên của quần thể hậu Tam cung là các quần thể kiến trúc dùng cho các phi tần ở. Mỗi bên sáu cung, mỗi cung là một khuôn viên độc lập có cửa chính lợp bằng ngói lưu ly. Tiếp theo là nơi ở của các Hoàng tử, mỗi bên năm điện, mỗi điện đều có vườn.
Phía Đông Cửa Càn Thanh là Thái Miếu, phía Tây Cửa Càn Thanh là Từ Ninh Cung, nơi ở của Hoàng Thái hậu.
Khu vực cuối cùng trên đường trục Nam - Bắc của Cố Cung là Ngự hoa viên, diện tích 11200m2. Đây là vườn Ngự uyển, phía Bắc trồng rất nhiều tùng bách, hoa thơm cỏ lạ, có núi non bộ, lầu, các, đình tạ được bố trí đối xứng nhau.
Tóm lại, trong Cố Cung có khoảng 100 tòa cung điện với 8.600 gian lớn nhỏ (có tài liệu nói là 9.000 gian).
Nghệ thuật kiến trúc
Chế độ phong kiến Trung Quốc coi Hoàng đế là Thiên tử (con trời) nên nơi ở ngoài sự uy nghi và hào hoa còn thể hiện mối giao hoà với trời đất. Trong sách Thanh cung sử tục biên nói rõ: “Các cung điện trong nội cung đều tượng trưng cho sự phối hợp giữa trời đất, nhật nguyệt, tinh rồng như Cung Càn Thanh và Khôn Ninh tượng trưng cho trời và đất ở giữa có Điện Giao Thái tượng trưng cho trời đất Giao Thái”.
Sân rồng của Cung Càn Thanh có hai Cửa Đông Tây mang tên Nhật tinh và Nguyệt hoa, tượng trưng cho Nhật, Nguyệt.
Phía Đông và Tây của hậu Tam cung có 12 cung tượng trưng cho 12 con rồng (một giáp). Bố trí kiến trúc trong Cố Cung theo nguyên tắc nhấn mạnh trục giữa, hai bên đối xứng nhau. Đồng thời xây dựng to nhỏ khác nhau dựa trên công năng sử dụng và theo thứ tự cấp bậc, ngôi thứ trong Hoàng gia.
Tiền tam điền là quần thể kiến trúc lớn nhất, chiếm 20% diện tích cung thành, còn Hậu tam cung chỉ bằng 1/4 diện tích Tiền tam điện. Các cung điện khác, kể cả cung điện của Thái Thượng hoàng, Hoàng Thái hậu còn nhỏ hơn Hậu tam cung.
Trên hình thức kiến trúc, căn cứ vào số gian nhà nhiều ít và kiểu mái nhà để phân biệt chủ thứ. Những kiến trúc quan trọng đều từ 11 gian đến 9 gian. Những kiến trúc trang trọng đều lợp hai tầng mái như: Ngọ môn, Thái Hòa môn, Thần Vũ môn, Điện Thái Hòa, Điện Bảo Hòa, Cung Càn Thanh, Cung Khôn Ninh nổi bật lên trên trong toàn bộ kiến trúc của Cố Cung. Ngoài ra, trong từng nhóm kiến trúc riêng rẽ cong xây dưng theo thứ tự to nhỏ khác nhau thể hiện chủ thứ phân minh, nói lên mối quan hệ luân thường phong kiến Vua tôi, cha con, vợ chồng, vợ cả vợ lẽ, cung tần mỹ nữ...
Bố cục kiến trúc trên đây tạo thành hình thức không gian đa dạng, có biến hoá trong một tổng thể thống nhất của Âm - Dương Ngũ hành và Bát môn.
Ngày nay, trong Cố Cung có Viện Bảo tàng Cố Cung (lập ngày 10 tháng 10 năm 1925). Bảo tàng trưng bày rất nhiều đồ dùng mỹ nghệ quý giá bằng đồng, ngọc, gốm cùng nhiều tranh ảnh của các đời vua còn lưu lại. Riêng đồ dùng của Vua Càn Long nhà Thanh đã để đầy một cung điện lớn.
Các đồ trưng bày và lời giới thiệu thể hiện cuộc sống xa xỉ của các vương triều phong kiến Trung Hoa. Riêng Từ Hy Thái Hậu đã dùng tới 150 loại thức ăn, mỗi bữa cơm tốn 100 lạng bạc. Bữa tiệc mừng thọ 60 tuổi của bà tiêu tốn 4.386.204 lượng bạc.
Những báu vật trưng bày trong bảo tàng chỉ là những thứ còn sót lại qua nhiều lần thất thoát, biến động của lịch sử: Thương hải biến vi tang điền. Rồi sau, liên quân tám nước tấn công Bắc Kinh vào năm 1900, đã cướp đi một số. Thời kỳ Phổ Nghi không còn làm Vua nhưng vẫn ở lại Cố Cung 13 năm. Thời kỳ này nhiều báu vật bị bán đi để nuôi sống Hoàng gia. Lần thất thoát nghiêm trọng nhất là lần bị ngài Tưởng Giới Thạch đóng gói mang ra Đài Loan mất 2.972 hòm báu vật. Và cuộc đại cách mạng văn hóa dưới thời Mao Trạch Đông đã chôn vùi nhiều di vật thành tro bụi do đội hồng vệ binh tàn phá.
ĐẶNG THANH TỊNH
![](/upload/s/20141023/312eccf72dedc6549c4b8930a4a2fd40image002.jpg)