Tài liệu: Khoa cử triều Nguyễn

Tài liệu
Khoa cử triều Nguyễn

Nội dung

KHOA CỬ TRIỀU NGUYỄN

 

Vương triều Nguyễn trực tiếp giành ngôi Vua từ Vương triều Tây Sơn - một triều đại từ “áo vải cờ đào” “giúp dân dựng nước” (Lê Ngọc Hân - Ai Tư Vãn). Sau này, triều Nguyễn lại để đất nước rơi vào tay xâm lăng, nhân dân chịu nô lệ, những thành tựu về văn hóa mà triều Nguyễn cố gắng kế thừa tạo dựng có phần mờ nhòa trước hậu thế.

Về mặt giáo dục, khoa cử triều Nguyễn đã đạt được những thành tựu đặc sắc bên cạnh những hạn chế. Nguyên nhân trọng yếu: chế độ giáo dục khoa cử với những ưu việt ở thời Trung đại đã và đang trở thành lạc hậu trong xu thế lịch sử từ trung đại chuyển sang Cận đại.

Nhà Nguyễn xây dựng nhà Quốc học tại kinh đô Huế, tổ chức học hiệu ở phủ huyện. Về sách giáo khoa ngoài Tứ thư, Ngũ kinh Bắc sử (Bắc sử chủ ý tóm tắt), Nam sử cũng được biên soạn cùng với các loại thư Hội điển, Địa lý, Lịch sử... và trở thành hệ thống giáo khoa thư. Chế độ khoa cử luôn được định lập rồi sửa đổi, nhằm thu được hiệu quả. Mọi định chế về khoa cử lấy khuôn mẫu khoa cử thời Lê sơ, nhưng cũng có những khác biệt. Bên cạnh khoa thi Tiế1n sỹ còn tổ chức nhiều Chế khoa, Ân khoa.

Khoa thi Hương:

Thi Hương được triều Nguyễn tổ chức từ năm Đinh Mão - 1807, niên hiệu Gia Long thứ 6. Đây là kỳ thi độc lập, vì thời này triều Nguyễn chưa tổ chức được khoa thi Tiến sĩ. Khoa thi Hương này là một ân khoa. Kỳ thi Hương này mới có 6 trường: Sơn Nam, Hải Dương, Sơn Tây, Kinh Bắc, Thanh Hóa, và Nghệ An.

Sau này, khoa Tiến sĩ được tổ chức thì thi Hương là cấp thi đầu tiên trong 3 cấp thi: Hương (cấp địa phương), Hội (cấp Trung ương do Bộ Lễ chủ trì), Đình hay Điện (cấp Trung ương, Hoàng đế chủ trì).

Học vị thi Hương có hai bậc, bậc cao là Cử nhân (Hương cống thời Lê) được tham dự thi Hội; Tú tài (Sinh đồ thời Lê) không được dự thi Hội. Dân gian gọi các ông đỗ Tú tài hai khoa là Tú kép, ba khoa là Tú mền, bốn khoa là Tú đụp. Từ khoa thi Hương đầu tiên này đến khoa thi Hương cuối cùng năm 1918, triều Nguyễn đã tổ chức 47 khoa, lấy đỗ khoảng 5.000 Cử nhân.

Khoa thi Tiến sĩ:

Nhà Nguyễn mở khoa thi Tiến sĩ đầu tiên vào năm Nhâm Ngọ - 1822 niên hiệu Minh Mệnh thứ 3. Khoa Nhâm Ngọ mới lấy đỗ 8 Tiến sĩ, 1 Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân và 7 Đệ tam giáp Tiến sĩ đồng xuất thân. Như vậy, các Tiến sĩ thời Nguyễn xếp hạng cũng giống thời Lê. Ngay từ khoa thi Tiến sĩ đầu tiên này, không chọn Tiến sĩ nhất giáp; các khoa Tiến sĩ sau đã có nhất giáp cũng không lấy Đệ nhất giáp Đệ nhất danh tức Trạng nguyên, chỉ lấy Đệ nhất giáp Đệ nhị danh tức bảng nhãn Đệ nhất giáp Đệ tam danh tức Thám hoa. Không phải vì lý do không có người tài đỗ cao, mà triều Nguyễn quy định: chức không đặt Tể tướng, tước không phong Vương cho người ngoại tộc; cung phi không lập Hoàng hậu, Đệ nhất giáp không lấy Trạng nguyên. Tứ bất (bốn không) này nhằm khẳng định vị trí tối cao đây nhất của Hoàng đế, tránh mọi hình thức dẫn đến phân quyền.

Khoa thi Tiến sĩ cũng được cố định về thời gian thi là 3 năm: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi; thi Hương tất phải tổ chức trước vào các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Từ thời Tự Đức có tổ chức xen thêm các Chế khoa.

Từ khoa thi Tiến sỹ đầu tiên (1822) đến khoa thi Tiến sỹ cuối cùng năm Kỷ Mùi (1919), nhà Nguyễn tổ chức được 38 khoa thi.

Chế khoa và Ân khoa:

Ngoài khoa thi Tiến sĩ có định kỳ, triều Nguyễn cũng tổ chức Chế khoa bất định kỳ, trong đó có Ân khoa là loại Chế khoa tổ chức vào các dịp lễ lớn (đại khánh) như lễ đăng quang thượng thọ.

Thời Tự Đức có tổ chức các Chế khoa sau:

- Chế khoa Cát sĩ: khoa Cát sĩ tổ chức năm Tân Hợi - 185. Người dự thi bao gồm: Giám sinh đang theo học và chưa dự thi, Cử nhân đang học thêm để chờ kỳ thi sau tại Quốc Tử Giám, các học quan Giáo thụ Huấn đạo; các Tiến sĩ, Phó bảng chưa ra làm quan, kể cả Tú tài (nhưng phải qua một kỳ sơ khảo). Đỡ Chế khoa cũng được phân Đệ nhất giáp cát sĩ cập đệ cũng như khoa Tiến sỹ, bảng này chỉ có Đệ nhị và Đệ tam danh tương đương với Bảng nhãn, Thám hoa, không lấy Đệ nhất danh tương đương với Trạng nguyên.

Tiếp sau là hai bảng Đệ nhị giáp cát sĩ xuất thân tương đương với Hoàng giáp. Đệ tam giáp cát sỹ đồng xuất thân tương đương với Đồng Tiến sĩ. Các ân điển tương đương với khoa Tiến sĩ.

- Chế khoa Nhã sĩ. khoa Nhã sĩ tổ chức năm Ất Sửu - 1865, Chế khoa này có được khắc bia đá, những ân điển không được bằng khoa Tiến sỹ.

Về Ân khoa, triều Nguyễn tổ chức cả Ân khoa thi Hương thư khoa năm Tân Tỵ - 1821, cả Ân khoa thi Hội như khoa thi Giáp Tuất - 1848.

NGUYỄN VĂN THỊNH




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1047-02-633386057122500000/Che-do-khoa-cu-o-Viet-Nam/Khoa-cu-trieu-N...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận