Tài liệu: Hàng Châu thiên đường dưới Trần Gian

Tài liệu
Hàng Châu thiên đường dưới Trần Gian

Nội dung

HÀNG CHÂU THIÊN ĐƯỜNG DƯỚI TRẦN GIAN

 

Thành phố Hàng Châu là tỉnh lỵ của Tỉnh Triết Giang (Trung Quốc). Hàng Châu là một trong sáu đô thành cổ xưa và là một trong hai mươi bốn thành cổ nổi tiếng của Trung Quốc. Macô Pôlô nhà thám hiểm Italia hồi Thế kỷ thứ XIII từng đến Hàng Châu và ca ngợi: ''Đây thành phố giàu đẹp như Venise của Italta vậy”. Người Trung Quốc có câu nói: '' Trên trời có thiên đàng, trần gian có Tô Hàng'' (Tô là Tô Châu, thành phố ở phía Nam tỉnh Giang Tô. Hàng là Hàng Châu). Điều đó chứng tỏ rằng, Hàng Châu từ xưa đã nổi tiếng được ví như thiên đường dưới trần gian. Hàng Châu nằm ở Bắc Sông Tiền Đường (nơi nàng Kiều đã trẫm mình), cách bờ biển chừng 200 km, đẹp như một viên ngọc nằm trên bình nguyên phương Nam. Cách đây 2.000 năm, Hàng Châu chỉ là một bãi đất thường bị thủy triều tràn ngập, về sau được phù sa bồi đắp, ứ đọng mà thành lục địa, và dần dần trở thành một thành phố quan trọng về kinh tế và du lịch. Nói đến cảnh đẹp Hàng Châu, đầu tiên phải kể đến Tây Hồ.

Tây Hồ là hồ nằm ở phía Tây Hàng Châu, diện tích 6km2, rộng hơn Hồ Côn Minh ở Di Hòa Viên, Bắc Kinh hai lần. Có một truyền thuyết kể về Tây Hồ như sau: ''Trên trời có một con rồng và một con phượng, chúng mài giũa một hòn bạch ngọc thành một viên ngọc sáng. Viên ngọc này chiếu đến đâu, nơi đó cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Nhưng Tây Vương Mẫu tham lam, lừa lúc rồng và phượng ngủ đã đánh cắp lấy viên ngọc. Lúc rồng và phượng tỉnh dậy thì ngọc đã bị mất. Thế là rồng và phượng đến thiên cung đòi ngọc, Tây Vương Mẫu không chịu trả. Trong khi giằng nhau, viên ngọc bị rơi xuống trần, biến thành Tây Hồ sáng như gương. Rồng và phượng tiếc rẻ liền bay xuống hạ giới biến thành Núi Ngô và Núi Bảo Thạch chầu bên Tây Hồ”.

Cảnh đẹp tự nhiên của Tây Hồ, trải qua bao năm tháng được bàn tay con người chăm sóc, tô điểm ngày một thêm mỹ lệ. Hai nhà thơ lớn là Bạch Cư Dị (772 - 846) đời Đường và Tô Đông Pha (1031 - 1101) đời Tống, đều từng làm quan tại Hàng Châu, hai ông đã có công tạo nên cảnh quan tươi đẹp của Tây Hồ. Ngày nay, còn lại Tô đê (đê Tô Đông Pha) và Bạch đê (đê Bạch Cư Dị) do hai nhà thơ xây dựng nên đã rợp bóng cây xanh và hoa thơm là nơi dành cho du khách thả bộ du ngoạn trong nắng sớm hoặc chiều tà.

Tây Hồ tập trung những cảnh đẹp của hồ, núi, sông và biển, ba phía quanh hồ là núi non bao bọc bên ngoài dãy núi là con Sông Tiền Đường nối với Biển Đông. Tây Hồ có mười cảnh đẹp độc đáo gọi là Tây Hồ thập cảnh.

Cảnh Tô đê xuân hiểu (Sớm Xuân trên đê Tô Đông Pha) là cảnh đẹp nhất trong mười cảnh. Đây là con đê Tô Đông Pha cho nạo vét bùn lòng hồ đắp nên dài 2,8 km, trên mặt đê trồng rất nhiều hoa đào, dương liễu. Lúc tinh mơ, Mặt trăng vừa lặn, xa xa tiếng vọng chuông chùa ngân nga, tóc liễu rủ vào trong sương mờ, núi xanh in bóng trên mặt hồ lấp lánh, tạo nên một bức tranh thủy mạc tuyệt vời.

Cảnh Hoa cảnh quan ngủ là nơi khách được ngắm nhìn thỏa thuê đàn cá vàng vạn con, đủ loại tung tăng bơi lội dưới hồ. Cảnh Tam đàn ấn nguyệt là nơi ba ngọn tháp mọc dưới nước, xây dựng từ thời Tống. Thân mỗi tháp có năm lỗ tròn. Đêm trăng, thắp đèn trong tháp, ánh sáng lọt qua các lỗ tròn của tháp, in xuống mặt hồ tròn như Mặt trăng. Các cảnh đẹp khác là Liễu lãng văn canh, Khúc viện phong hà, Bình hồ thu nguyệt, Nam bình vãn chung, Lôi phong tịch chiếu, Đoạn kiều tàn nguyệt.

Chung quanh Tây Hồ còn có nhiều danh lam thắng cảnh khác nữa như Mộ Nhạc Vương (Nhạc Phi và tượng vợ chồng Tần Cối đứng chầu), Cửu Khê Thập Bát Giản, Cô Sơn, Chùa Linh Ẩn, Tháp Lục Hòa . . . Chùa Linh Ẩn nằm ở phía Bắc Tây Hồ, ba tầng cao tới 33,6m, được xây từ năm 326 S.CN là một trong mười chùa thờ Phật lớn nhất của Trung Quốc. Trong chùa có tượng Phật Thích Ca cao 19 mét. Đối diện với chùa là Núi Phi Lai có rất nhiều hang động, có hơn 300 tượng Phật bằng đá. Đây là một trong những nghệ thuật hang đá quan trọng ở phương Nam Trung Quốc. Nằm ở trên Núi Nguyệt Luận bên Sông Tiền Đường là ngọn Tháp Lục Hòa đứng sừng sững chọc trời. Tháp hình bát giác, kiến trúc bằng gạch và bằng gỗ, gồm 13 tầng cao 60m. Trèo lên đỉnh tháp có thể nhìn thấy bao quát được toàn bộ Thành phố Hàng Châu.

Cách Hàng Châu một ngày xe là Thành phố Thiệu Hưng, cố đô của nước Việt (Câu Tiễn) xa xưa và là quê hương của nhà văn Lỗ Tấn. Đây là một thành phố mơ màng, yên tĩnh,  chằng chịt kênh hồ. Ở đây còn giữ được những quán rượu cổ như Quán rượu Hàm Hanh trong truyện ngắn của Lỗ Tấn có bán hoàng tửu (rượu vàng) nổi tiếng được đóng trong những lọ sành chạm trổ nhiều phong cảnh đẹp. Rượu óng ánh màu vàng hay màu hổ phách được dùng để nấu các món ăn ngon, rồi nhấp môi cho ấm trước bữa cơm tối.

Hàng Châu có nhiều đặc sản nổi tiếng: Chè Long Tỉnh từng là chè ngự tiến Vua, cánh nhỏ, nước xanh, mùi thơm ngào ngạt. Tơ lụa Hàng Châu nổi tiếng trong và ngoài nước. Vì khí hậu ấm áp, ẩm thấp, bốn mùa rõ rệt, rất thích hợp với nghề trồng dâu nuôi tằm. Gấm Hàng Châu với màu sắc rực rỡ, công nghệ tinh xảo đẹp như mây bay trên trời, hoa nở mặt đất dùng để may đồ mặc là là vật trang sức hết sức hoàn hảo tú lệ. Những bức thêu hai mặt đều như nhau cũng xuất hiện ở đất này. Các món ăn Hàng Châu cũng rất đặc sắc. Núi ở đây có đủ các sơn trân dã vị, dưới nước lại có tôm cá dồi dào, kể từ đời Nam Tống đến nay, ở đây đã hình thành kỹ thuật nấu nướng với phong cách độc đáo màu sắc hấp dẫn, thơm ngon lạ thường. Món ăn cá dấm Tây Hồ, tôm xào Long Tỉnh v.v. .. đều là những món ăn nổi tiếng. Con gái Hàng Châu rất xinh. Mùa Hè ở ven hồ, từng đoàn thiếu nữ khuôn mặt trái xoan, da trắng như xoa phấn, mũi dọc dừa, ăn mặc toàn đồ tơ lụa cao cấp, rực rỡ, tay cầm ô dù màu sắc thướt tha, tươi cười hớn hở, đẹp như các nàng tiên trên thiên đường vậy.

GS. LÊ HUY TIÊU




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/170-02-633386678607343750/95-Di-san-tieu-bieu/Hang-Chau-thien-duong-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận