Tài liệu: Khoa cử thời Trần

Tài liệu
Khoa cử thời Trần

Nội dung

KHOA CỬ THỜI TRẦN

 

Nhà Trần thay thế nhà Lý, ba lần chiến thắng ngoại xâm, mở mang công cuộc xây dựng đất nước, chú trọng giáo dục khoa cử. Năm 1236, mở rộng nhà Quốc học ở kinh đô gọi là Quốc học viện. Năm 1281, lập thêm nhà Quốc học ở Phủ Thiên Trường.  Tại nhà Quốc học, ngoài con em quý tộc, quan lại còn cho con em thường dân nhưng phải là loại tuấn tú đến học. Từ năm 1337, đã đặt học quan tại các Lộ, Phủ.

Với hệ thống học hiệu này, nhà Trần đã tổ chức được một nền giáo dục và khoa cử quy mô. Kể từ khoa thi đầu tiên tổ chức vào năm 1227 đến khoa thi cuối cùng năm 1396, triều Trần đã tổ chức được 11 khoa thi trong đó có một khoa thi “Tam giáo” và 10 khoa thi "Thái học sinh”.

Khoa “Tam giáo”:

Năm Đinh Hợi - 1227 niên hiệu Kiến Trung thứ 3 đời Trần Thái Tông tổ chức khoa thi đầu tiên: Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú cũng ghi là ''Thi tam giáo tử”, nghĩa là tổ chức thi để chọn nhân tài trong Tam giáo: Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo như thời Lý.

Đây là khoa thi "Tam giáo'' cuối cùng, trong mạch thi Tam giáo từ thời Lý.

Khoa thi ''Thái học sinh'':

Triều Trần tổ chức khoa thi Thái học sinh đầu tiên vào năm Nhâm Thân - 1232, niên hiệu Kiến Trung thứ 8 đời Vua Trần Thái Tông. Sau khoa thi này, triều Trần tiếp tục tổ chức 9 khoa thi Thái học sinh. Khoa thi cuối cùng vào năm Bính Tý – 1396 niên hiệu Quang Thái thứ 9 đời Vua Trần Thuận Tông.

Khoa thi Thái học sinh thời Trần thực hiện những định chế giống khoa thi Tiến sĩ; chia Tam giáp (nhất giáp, nhị giáp, tam giáp) ngay từ khoa thi đầu tiên. Xếp Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) từ khoa thi năm 1247 bên cạnh Kinh Trạng nguyên (Trạng nguyên của vùng kinh lộ) là Trại Trạng nguyên (Trạng nguyên của vùng trai, kể từ Thanh Hóa trở vào). Thực hiện định chế này được hai khoa, nhằm khuyến khích việc học ở vùng xa kinh thành.

Sau Tam khôi lấy Hoàng giáp là các Tiến sỹ thứ hai, từ khoa thi 1304. Bài thi của khoa thi Thái học sinh cũng được ghi rõ trong khoa thi năm 1304 này. Trường một: Thi Kinh nghi (những chỗ còn nghi ngờ trong kinh) và Kinh nghĩa (giải nghĩa kinh). Trường hai: thi thơ, phú. Trường ba thi: chế, chiếu, biểu. Trướng bốn thi: văn sách (một đạo).

Trước khi vào trường, có kỳ phụ thí thi ám tả hai thiên Y quốc Thiê,n tử truyện trong sách Cổ Trung Quốc để loại người kém.

Địa điểm thi, ngoài kinh kỳ có tổ chức ở nhà Quốc học Phủ Thiên Trường (khoa Giáp Dần - 1374) và chùa Vạn Phúc (khoa Giáp Tý - 1384) vì Thái thượng hoàng ở đó.

Mặc dù tổ chức khoa thi Thái học sinh theo định Chế khoa thi Tiến sĩ, nhưng triều Trần lại gọi là khoa thi Thái học sinh, ban cho người đỗ học vị Thái học sinh. Có thể, một trong những lý do quan trọng là do bình diện tư tưởng lúc bấy giờ, Tam giáo cùng hòa hợp tồn tại. Nho giáo nhích lên so với Phật giáo và Đạo giáo, nhưng chưa ở vị thế độc tôn. Còn khoa Tiến sĩ lại là kết quả của sự kết hợp nội dung thi Nho học và văn học là sản phẩm của thời kỳ Nho giáo độc tôn. Thái học trong Thái học viện là một tên khác của nhà Quốc Tử Giám; Thái học trong Thái học sinh chỉ là một tên khác của Giám sinh. Khoa cử Trung Quốc chưa thấy có khoa thi và học vị Thái học sinh(?), đây cũng là nét đặc sắc của khoa cử Việt Nam thời Trần.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1047-02-633386054881406250/Che-do-khoa-cu-o-Viet-Nam/Khoa-cu-thoi-Tr...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận