KHOA CỬ THỜI LÊ SƠ
Thời Lê sơ kể từ năm đầu đời Vua Lê Thái Tổ (1428) đến khi Mạc Đăng Dung giành ngôi lập ra triều Mạc (1527), gần tròn một Thế kỷ. Đây là thời kỳ chế độ phong kiến đạt đến thịnh trị, giáo dục khoa cử cũng trở thành khuôn mẫu cho giáo dục khoa cử của các Vương triều sau.
Bước đầu, triều Lê tổ chức các Chế khoa; từ năm 1442, bắt đầu tổ chức khoa Tiến sĩ. Khoa thi Tiến sĩ là sản phẩm của thời kỳ Nho giáo độc tôn, là sự kết hợp giữa Nho học và văn học trong khoa cử.
Các Chế khoa bao gồm các khoa thi sau:
Khoa Minh kinh:
Khoa Minh kinh: Tổ chức Tháng 5 năm Kỷ Dậu - 1429 niên hiệu thuận Thiên thứ 2. Khoa này tổ chức tại sảnh đường Đông Kinh (Hà Nội ngày nay). Sử sách ghi được 7 người đỗ, người dự thi bao gồm văn, võ từ tứ phẩm trở xuống, dân quân các lộ, những người ẩn dật và tăng đạo. Vì sự mở rộng này mà sử sách ghi là ''Thi quan viên và vạn dân”.
Khoa Hoành từ:
Khoa này mở vào năm Tân Hợi - 1431 niên hiệu Thuận Thiên thứ 4, phép thi cũng như khoa Minh kinh lấy "chân Nho chính trực”, bài thi dùng Minh kinh, luận, phú hoặc sách vấn. Đỗ khoa Tân Hợi có Nguyễn Thiên Tích và Chu Tam Tỉnh là những người nổi tiếng về sau.
Sau khoa Hoành từ, triều Lê còn tổ chức hai Chế khoa vào năm Quý Sửu - 1433 niên hiệu Thuận Thiên thứ 6; khoa này, Vua đích thân ra văn sách. Trong số người đỗ có Chu Xa, ông là người tổ chức khắc in bộ sách Việt âm thi tập.
Khoa thi Ất Mão - 1435 niên hiệu Thiệu Bình thứ 2, Vua Lê Thái Tông ngự tại Điện Hội Anh ra đề thi; người đỗ khoa Ất Mão có các nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Thời Trung và Lý Tử Tấn.
Khoa thi Tiến sĩ:
Khoa thi Tiến sĩ đầu tiên của thời Lê sơ cũng là khoa thi Tiến sỹ đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam, tổ chức vào Tháng 3 năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 đời Vua Lê Thái Tôn - 1442.
Khoa thi Tiến sỹ đầu tiên có 450 người dự thi, lấy đỗ 33 vị Tiến sỹ. Xếp hạng thành ''tam giáp" (nhất giáp, nhị giáp và tam giáp); ba giáp cũng gọi ba bảng, chỉ có bảng một và hai được gọi là chính bảng. Bảng một: Đệ nhất giáp là các Tiến sĩ cập đệ bảng gồm 3 người, tức “Tam danh”.
- Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ thất danh tức Trạng nguyên (Nguyễn Trực).
- Đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ, đệ nhị danh tức Bảng nhãn (Nguyễn Như Đổ).
- Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh tức Thám hoa (Lương Như Hộc).
Bảng hai: Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân tức Hoàng giáp (khoa này đỗ 7 vị).
Bảng ba: Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân (nhà sử học Ngô Sỹ Liên đỗ đầu bảng này, xếp dưới ông là 23 vị).
Khoa thi Tiến sỹ đầu tiên xếp đặt đầy đủ quan trường thi: Đề điệu (Chánh chủ khảo), Giám thí (Phó chủ khảo), Tuần xước (đứng đầu các quan giám thị); Thu quyển (thu bài thi); Di phong (dọc phách); Đằng lục (sao bài thi để chấm ở bản sao); Đối độc (đọc đối chiếu giữa bài thi và bản sao); Độc quyển (chấm bài). Sau kỳ thi xếp hạng các Tiến sĩ ở Điện Hội Anh (ngày 2 tháng 2), một tháng sau làm lễ xướng danh; treo bảng người đỗ, rồi tiếp tục ban tước trật, mũ áo, cân đai, xiêm hốt, và yến tiệc tại vườn Quỳnh Lâm; ban ngựa tốt để vinh qui bái tổ. Đến năm Hồng Đức thứ 15 - 1484 thì dựng bia đá. Hiện nay vẫn còn tấm bia khoa Tiến sỹ đầu tiên, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Sau khoa thi Tiến sỹ đầu tiên, các triều Vua ở thời Lê sơ còn tổ chức 15 khoa thi Tiến sĩ nữa.