Tài liệu: Vườn hoa Tô Châu

Tài liệu
Vườn hoa Tô Châu

Nội dung

VƯỜN HOA TÔ CHÂU

 

Tô châu là thành phố du lịch, có nhiều vườn hoa nổi tiếng của Trung Quốc. Tô Châu thuộc Tỉnh Giang Tô; Đông giáp Thượng Hải, Tây giáp Thái Hồ, Nam giáp tỉnh Triết Giang, Bắc giáp Sông Trường Giang. Người ta thường gọi Hàng Châu và Tô Châu là thiên đường dưới trần gian.

Lịch sử Thành Tô Châu có hơn 2.400 năm. Xưa kia Tô Châu là cố đô của nước Ngô cổ đại, do Vua Hạp Lư xây dựng nên. Thời Tần gọi Tô Châu là Ngô Huyện, thời Đông Hán gọi là Ngô Quận. Mãi đến năm 1276 mới bắt đầu gọi là Tô Châu. Ở đây có Núi Cô Tô nổi tiếng người ta lấy tên núi đặt cho thành phố Tô Châu.

Từ lâu, Tô Châu đã được gọi là Venise (Vơnidơ) của phương Đông. Xưa kia, theo sử sách ghi chép trong và ngoài thành phố có tới gần 1.000 chiếc cầu bắc qua sông, suối trông rất thơ mộng. Ngày nay còn giữ được 68 chiếc cầu xây bằng đá và bằng gỗ.

Tô Châu có rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp: xa có núi Thiên Đình, Linh Nham . . .  Gần có Gò Hổ, Chùa Hàn Sơn, Vườn Sư Tử, Vườn Chuyết Chính, Vườn Lưu Viên, Vườn Thương Lăng Đình . . .

Chùa Hàn Sơn nổi tiếng trong và ngoài nước qua bài thơ Phong Kiều da bạc (Đêm đỗ thuyền ở Phong Kiều) của nhà thơ đời Đường Trương Kế:

Trăng từ chiếc quạ kêu sương

Lửa chài cây bến, sầu sương giấc hồ.

Thuyền ai đậu bến Cô Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn[1]

Chùa này được xây từ thời Nam Triều (Thế kỷ VI) chùa gồm có các kiến trúc như Điện Đại Hùng Bảo, Các Tàng Kinh, Lầu Phong Giang, Gác Chuông. Tương truyền, một nhà sư đời Đường tên là Hàn Sơn từng trụ trì ở đây, nên có tên là Chùa Hàn Sơn. Vì sao chuông Chùa Hàn Sơn lại vang xa đến hàng chục dặm như vậy?

Vì chuông ở đây được đúc bằng đồng và thiếc với tỷ lệ đồng 6 phần, thiếc một phần. Ban đêm vắng lặng, khí ẩm từ sông hồ bốc lên làm cho không khí ẩm ướt càng tạo cho tiếng chuông chùa ngân nga.

Gò đồi Hổ được mệnh danh là đệ nhất danh lam của đất Ngô, cách Thành Tô Châu 5km về phía Tây Bắc. Tương truyền đời Xuân Thu cách đây 2.500 năm, Vua Ngô Phù Sai đã chôn thân phụ ông (Hạp Lư) ở gò này, táng được ba ngày, có con hổ trắng đến phục ở cạnh mồ, từ đấy gò được đặt lên là Gò Hổ. Trước gò có cái hồ nhỏ gọi là Kiếm Trì. Lăng mộ Hạp Lư có chôn nhiều báu vật và đao kiếm. Tương truyền, khi kinh lý phương Nam, Tần Thủy Hoàng cho đào mồ để tìm báu vật. Kiếm Trì có thể là di tích khai quật của thời bấy giờ. Trên đỉnh gò có một ngọn tháp, được xây vào thời nhà Tùy (Thế kỷ VI), trùng tu vào thời Bắc Tống (Thế kỷ X), hiện là tháp cổ được Nhà nước xếp hạng. Tháp có 8 cạnh cao 7 tầng xây bằng gạch và gỗ. Hiện nay, tháp đã nghiêng 2, 3 mét, gần với độ nghiêng của Tháp Pisa (Italia).

Tô Châu nổi tiếng nhất là có nhiều vườn hoa đẹp. Hiện nay còn giữ được 180 vườn hoa mang phong cách kiến trúc vườn của các thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Người phương Tây thường xây dựng công viên theo hình kỷ hà, người Trung Quốc lại muốn tái hiện vẻ đẹp sơn thủy hữu tình. Họ vận dụng nghệ thuật thi họa cổ truyền vào việc tạo dựng các công viên, mô phỏng phong cảnh thiên nhiên, lấy đình, đài, các lầu, ao, hồ, núi giả, cỏ cây hoa lá làm chủ thể, điểm xuyết thêm bằng những hành lang khúc khuỷu, cầu nhỏ uốn cong, khiến cho tình ý tranh sơn thủy, hoa điểu hòa nhập với ý cảnh của thơ, từ Đường, Tống.

Thương Lãng Đình là vườn hoa cổ nhất nằm ở phía Nam Thành Tô Châu, nguyên nó là biệt thự riêng của Tiết độ sứ Tôn Thừa Hựu, thời Ngũ Đại sau nhà thơ Tôn Thuấn Khâm đời Bắc Tống mua lại, xây dựng thành công viên. Đến thời Nam Tống, nơi này trở thành doanh trại của tướng Hàn Thế Trung dùng để tập luyện quân lính chống lại quân nhà Kim, nên nó được nhiều người biết tiếng. Đặc điểm lớn nhất của vườn hoa này là có nhiều núi đất, điểm xuyết thêm các tảng đá, trông rất ngoạn mục. Theo các con đường hẻm luồn hang, leo núi, cây cối tre, trúc um tùm khiến du khách có cảm giác như đi vào động tiên. Dọc hành lang có nhiều cửa sổ tự nhiên, cái thì vuông, cái thì tròn, cái hình bán nguyệt, cái lục lăng... không cái nào giống cái nào, du khách có thể từ góc độ khác nhau, thỏa thuê ngắm nhìn thiên nhiên kỳ thú. Thương Lãng Đình mang phong cách kiến trúc vườn của thời nhà Tống.

Rừng Sư Tử nằm ở phía Bắc Tô Châu, tiêu biểu cho phong cách kiến trúc vườn của thời Nguyên.

Rừng Sư Tử có từ cuối đời nhà Nguyên (năm 1342) do nhà sư Thiên Như dựng nên để tưởng nhớ về một sư thầy của ông tên là Trung Phong. Sở dĩ vườn hoa này có tên là Rừng Sư Tử vì ở chỗ nào ta cũng bắt gặp những hòn núi, những tảng đá trông giống hình con sư tử. Các hòn đá này được sắp xếp chồng chéo tạo nên nhiều hang động âm u, kỳ ảo như một mê cung. Tương truyền đã từng có nhiều tiên nam, tiên nữ rủ nhau vào hang chơi, lạc lối không tìm được đường ra, cuối cùng hóa đá.

Đặc điểm của vườn hoa này là bố cục chặt chẽ, kết cấu tinh tế. Đông Nam là núi, Tây Bắc là nước, các tòa kiến trúc được bố trí ở hai cánh Đông và Bắc như Nhạn Dự Đường, Ngũ Tùng Viên, Tiểu Phương Sảnh, Kiếm Sơn Lâu, Vân Mai Các... Trong vườn có một hành lang dài nối quần thể kiến trúc với nhau. Trên vách hành lang có nhiều bút tích của Tứ đại gia đời Tống: Tô Thức, Hoàng Đình Kiên, Mễ Phất, Thái Nhượng.

Giữa các khe núi giả có nhiều cây cổ thụ có tuổi thọ từ 100 năm trở lên. Sư Tử Phong là đỉnh núi đá cao nhất của Rừng Sư Tử, xa xa trông như một con sư tử lớn nằm canh giữ bầu trời.

Chuyết Chính viên tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc vườn của thời nhà Minh, được xây dựng vào năm 1522. Diện tích vườn là 70 mẫu ta, bố cục tổng thể của Chuyết Chính viên là lấy ao, hồ làm trung tâm, lầu, đình, đại, tạ đều tọa lạc ở xung quanh. Toàn bộ cảnh quan của vườn như nằm trên mặt nước soi bóng xuống mặt hồ. Vườn giữa tập trung tinh hoa của cả vườn hoa: Viễn Hương đường ngự ở giữa, đình, đài, lầu, các ở xung quanh đều hướng vào Viễn Hương đường. Viễn Hương đường khác với các sảnh đường khác là trong lòng nhà không có một cái cột nào, các cột được bố trí ở bốn hành lang chung quanh, nên trông thoáng đãng mát mẻ. Bốn mặt Viễn Hương đường có lắp cửa kính, từ mỗi khung cửa kính nhìn ra là một phong cảnh đẹp khác nhau. Mùa Hè, gió đưa hương sen từ các đầm xa đến làm ngây ngất lòng người. Giữa Chuyết Chính viên còn có một con thuyền cạn bằng đá, trong khoang thuyền có một chiếc gương lớn phản chiếu cảnh đẹp trên bờ, trông thật là kỳ diệu .

Lưu Viên là vườn hoa nổi tiếng của đời nhà Thanh. Đây là vườn hoa riêng của dòng họ Lưu. Do vườn xây dựng gần đây, nên về bố cục có những ưu điểm của vườn hoa thuộc các thời đại, nó kết cấu kiến trúc rất phong phú. Vườn hoa có đầy đủ các cầu, hành lang, có cửa sổ thiên nhiên, có tường hoa, có núi non, sông nước ao hồ, đình, tạ, lầu, các như các vườn hoa khác. Vườn chia bốn khu:

- Khu Đông gồm những đình, quán, đường sảnh, hành lang gấp khúc. Kiến trúc hùng vĩ, nội thất thiết kế tinh tế. Ở đây có ngọn Núi Quán vân Phong cao 9m, hòn núi to nhất lấy từ Thái Hồ.

- Khu Tây chủ thể là núi giả, trên núi là rừng phong, mỗi độ Thu về màu vàng choán cả một góc trời trông rất nên thơ như trong Truyện Kiều Nguyễn Du đã từng tả:

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

- Khu Trung, hồ, ao, suối nước hữu tình, lầu, đài đình soi bóng lung linh.

- Khu Bắc đào tố, liễu bạt ngàn, Xuân về hoa nở rực cả bầu trời.

Quần thể kiến trúc này có một hành lang nối liền với nhau, quanh co thâm u, mỗi bước là một cảnh đẹp mê hồn.

Núi Linh Nham ở cách xa Thành phố Tô Châu chừng 10 km, chứa đựng một giai thoại về mối tình của Phạm Lãi và Tây Thi. Quan đại phu nước Việt là Phạm Lãi, thân một hôm đi vãn cảnh, gặp nàng Tây Thi kiều diễm, đem lòng yêu dấu. Hai người từng thề thốt sẽ lấy nhau, sống đến đầu bạc răng long. Tình duyên đang mặn nồng thì bỗng Vua Ngô Phù Sai để báo thù cho cha, mang quân sang tấn công nước Việt. Nước Việt bại trận, Việt Vương Câu Tiễn phải đầu hàng. Phạm Lãi cùng vợ chồng Vua nước Việt bị bắt làm con tin đưa sang nước Ngô. Ba năm sau, Vua Ngô thả vợ chồng Câu Tiễn và Phạm Lãi về. Về nước, Câu Tiễn nằm gai nếm mật 10 năm chờ ngày báo thù. Ông dùng mỹ nhân kế do Phạm Lãi hiến kế để làm cho nước Ngô suy yếu. Sẵn có lòng yêu nước, Tây Thi nhận lời thi hành mỹ nhân kế, tạm chia tay với người yêu, sang nước Ngô làm nhiệm vụ. Phù Sai thấy Tây Thi là một trang tuyệt thế giai nhân, vô cùng yêu quý. Tây Thi nhớ nhà, nhớ nước thường gửi gắm lòng mình qua tiếng đàn. Ngô Vương muốn làm dịu nỗi buồn của người đẹp, cho đào Ao Vãn Nguyệt, Giếng Ngô Vương ở trên Núi Linh Nham để cho nàng dạo chơi và tắm mát, sai người kiếm hoa thơm cỏ lạ về nấu nước cho Tây Thi dùng. Tây Thi khéo léo moi tin tức từ đức Vua đưa về nước góp  phần tạo nên chiến thắng của nước Việt. Sau này Phạm Lãi và Tây Thi lại được đoàn tụ chu du Ngũ Hồ.

Để tưởng thớ công lao Tây Thi và chiến công của nước Việt, đời sau đã xây dựng ngôi đền Sùng Bảo ở trên Núi Linh Nham. Những di tích về lịch sử giữa hai nước Ngô - Việt vẫn còn giữ được cho đến ngày nay.

GS. LÊ HUY TIÊU




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/170-02-633386678286875000/95-Di-san-tieu-bieu/Vuon-hoa-To-Chau.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận