KHU DI SẢN VĂN HÓA LĂNG MỘ NHÀ TẦN
Trong nhiều năm thăm dò tìm kiếm, các nhà khảo cổ học đã tiến hành nhiều cuộc thăm dò khu mộ Tần, nơi chôn cất những người đứng đầu đời Tần trị vì ở miền Tây Trung Quốc thời ''Xuân Thu'' và ''Chiến Quốc'' (770 - 221 Tr.CN). Năm 1976, họ đã tìm được ngôi mộ lớn, gọi là mộ Tần Công (người đứng đầu Nhà nước thời đó), cách Tây An 160km về phía Tây. Công trình này đã làm sống lại một thời kỳ lịch sử xa xưa của Trung Quốc. Sau khi đã tìm được ngôi mộ lớn của Tần Thủy Hoàng, các nhà khảo cổ học khẳng định rằng nơi đây không chỉ có khu mộ mà có cả một Kinh đô nước Tần tráng lệ và huyền bí. Các công trình khai quật cho thấy có hai phần chính: phần lăng tẩm và phế tích của cung điện có tường thành bao quanh với diện tích khoảng 11km2.
Sau nhiều năm làm việc miệt mài, các nhà khoa học, được sự giúp đỡ của chính quyền các cấp ở Trung Quốc, cuối cùng đã công bố toàn bộ kết quả khai quật khu hầm mộ, bao gồm những tượng binh mã, chiến xa và binh khí, được coi là để canh giữ ngôi mộ của vị Hoàng đế sáng lập nhà Tần, Hoàng đế đầu tiên của nhà nước Trung Hoa thống nhất - Tần Thủy Hoàng (259 - 210 Tr.CN). Đấy là một công trình khảo cổ học vĩ đại, là một di sản văn hóa đồ sộ của dân tộc Trung Hoa và toàn nhân loại, một kỳ tích có một không hai. Nhiều học giả, chính trị gia trên Thế giới đánh giá cao và coi đây như một kỳ quan thứ tám của Thế giới.
Công cuộc khai quật và kết quả
Có thể nói rằng toàn bộ quần thể này được phát hiện từ đầu năm 1974 ở Thôn Tây Dương, phía Đông thuộc Tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Vào khoảng tháng 3 - 1974, vùng đồng bằng Thiểm Tây bị hạn hán kéo dài, nhân dân phải đào giếng lấy nước và vô tình phát hiện ra công trình cổ vĩ đại này. Ông Dương Chí Phát là người đầu tiên phát hiện ra những mảnh đất nung dày 600mm ở dưới một hầm đất. Tìm kiếm, ông phát hiện thêm nhiều mũi tên và cung bằng đồng, một số tượng người và ngựa.
Người đầu tiên đưa tin về di tích này là một phóng viên ở Bắc Kinh, đã khẳng định rằng đây là tượng tướng sĩ đời Tần cách đây hơn 2000 năm. Được tin này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất chú ý quan tâm. Ngày 30-6-1974, Phó Thủ tướng Lý Tiên Niệm phê chuẩn: “Yêu cầu cục Bảo tàng và tỉnh ủy Thiểm Tây có biện pháp nhanh chóng bảo vệ khu văn vật này”. Từ Tháng 7 - 1974, ''công cuộc khai quật hùng tráng nhất Thế kỷ'' đã được thực hiện.
Lúc đầu, các nhà khảo cổ học chưa thấy được quy mô to lớn của nó nên chỉ có một nhóm 4 người khai quật trên một diện tích rộng 336m2 (dài 24m, rộng 14m). Sau hai tháng, họ khôi phục được một số tượng binh mã nhưng chưa xác định được giới hạn cuối cùng của hầm mộ. Sau một năm, họ đã xác định giới hạn được tâm và hình dáng của hầm. Các nhà khảo cổ dự đoán rằng đây chỉ là một trong số nhiều hầm mộ nữa. Hầm này được gọi là hầm số 1 với tổng diện tích 14.260m2 (dài 230m, rộng 62m). Số hiện vật khai quật được gồm hơn 6.000 bộ tượng người và ngựa bằng đất nung, 40 bộ chiến xa bằng gỗ, 10 vạn bộ binh khí với chủng loại khá phức tạp.
Sau sự kiện này, tập thể các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo đã ý thức được tầm vóc và quy mô to lớn của nó. Họ đã phối hợp thăm dò, khai quật tiếp. Từ Tháng 11-1974, cùng với sự chi viện của thầy trò khoa lịch sử trường Đại học Tây Bắc, người ta đã bắt tay vào khai quật rộng về mũi phía Bắc với diện tích 629m2.
Đến Tháng 3 - 1975, số hiện vật khai quật được gồm 500 bộ tượng tướng sĩ, 6 bộ chiến xa bằng gỗ, 24 tượng ngựa và hàng vạn binh khí bằng đồng. Sang năm 1976, bắt đầu mở rộng công trường khai quật, đào lên phía Bắc khoảng 20m, phát hiện tiếp một hầm mộ với hiện vật gồm 89 cỗ chiến xa, hơn 1.300 bộ tượng người và ngựa với nhiều binh khí khác. Hầm này được gọi là hầm số 2. Cách hầm số 1 về phía Tây Bắc khoảng 25m lại phát hiện thêm một hầm nữa, hầm này được gọi là hầm số 3, diện tích nhỏ bằng 1/40 hầm 1. Kết quả khai quật được 66 tượng võ sĩ bằng đất nung, 4 tượng ngựa, 1 chiến xa bằng gỗ, 35 binh khí bằng đồng.
Sự kiện này đã làm chấn động cả Thế giới. Quốc vụ viện Trung Quốc ra quyết định xây dựng Viện bảo tàng binh mã đời Tần ngay trên khu di chỉ. Có 3 nhà được dựng lên vừa để phục vụ công cuộc khai quật, vừa để làm bảo tàng trưng bày hiện vật. Nhà ở hầm số 1 có diện tích 15.485m2, dùng xà thép hình tam giác làm khung có mái che và được hoàn thành vào tháng 12-1978. Nhà bảo vệ hầm số 3 xây dựng cuối tháng 5-1977, hoàn thành vào cuối năm 1989 có diện tích kiến trúc là 1.714m2. Hầm thứ 2 cũng được triển khai tiếp tục xây nhà bảo vệ, bảo tàng với tổng diện tích là 17.016 m2, kết cấu khung rộng 96m2. Tất cả các ngôi nhà đều được kiến trúc theo hình phễu, thể hiện sự bề thế chắc chắn, hiện đại nhưng mang tính truyền thống theo kiến trúc cổ. Đến cuối năm 1991, các công trình cơ bản đã hoàn thành.
Hiện nay, số hiện vật khai quật đó đã được trưng bày từ năm 1994.
Đặc điểm, hình dáng của các bộ tượng
Qua những hiện vật tìm được, người ta thấy có những điểm đáng lưu ý là số tượng người và ngựa ở trong 3 hầm đều lớn bằng người thật và ngựa thật. Mới nhìn các tượng hầu như có một màu xanh xám, nhưng đây lại không phải màu thật của tượng, đó là màu của công đoạn cuối cùng được quét lên mà thôi. Theo kết quả thống kê và nghiên cứu thì màu sắc còn lưu lạc trên tượng người, ngựa gồm: đỏ tươi, phấn hồng, phấn lục, phấn lam, màu mận chín, phấn tím, vàng vừa, vàng quất trắng, đen, đỏ sẫm,v.v… Các màu đều được chế tạo từ khoáng vật thành màu trong suốt.
Tượng người màu sắc rất đa dạng: áo quần màu phấn hồng, hay phấn lục, xanh lam. Chân tay và mặt màu phấn trắng. Lòng trắng mắt được phủ bằng phấn trắng. Con ngươi, lông mày và râu được quét mực nho, còn tóc bôi một lớp màu đỏ sẫm hay xanh xám.
Màu sắc trên mình ngựa là màu đỏ sẫm, đuôi màu đen, móng màu trắng, lưỡi phấn hồng, bờm màu trắng.
Một điều đáng tiếc là màu sắc các hiện vật bị phai mờ nhiều theo thời gian.
Tạo hình có gì độc đáo?
Phải nói rằng, đây là một công trình điêu khắc độc đáo, đồ sộ. Tượng đời Tần là một quần thể điêu khắc thực dụng, một tổ hợp bảo vệ lăng tẩm. Nó thể hiện quân uy hoàng quyền, bỏ qua những chi tiết độc lập cá tính rõ nét. Phải nhìn nó trong tổng thể mới thấy được thủ pháp “lấy cái tĩnh biểu hiện cái động”, sự sống động trong yên tĩnh thể hiện được khí thế của quân Tần với sức mạnh vô địch. Điều hấp dẫn là toàn bộ số lượng người được các nghệ nhân khắc họa các khuôn mặt rất đa dạng, tinh tế của từng nét mặt với 8 loại hình thể khác nhau, theo hình chữ của Trung Quốc. Ví dụ: Chữ ''Do'' ở bộ mặt này ta thấy dưới to, trên nhỏ là hình tượng võ sĩ ''Không vũ'' đầy sức sống, còn hình tượng chữ ''Giáp'' thì dưới nhỏ, trên to, biểu thị tính chất thông minh mẫn cán của nhân vật; hình tượng chữ “Thân” thì mặt nhỏ, dài, bộ mặt nghiêm túc, thần chí thông minh đầy dũng khí, hoặc mặt chữ ''Điền'' gây cảm giác thật thà, đôn hậu v. v. . . Nhìn chung, trên nét mặt tượng Tần đều lấy chữ ''Quốc'' làm chủ, tạo thành cái ''Đồng'' (giống nhau) trong khối tổng thể.
Trong xử lý cục bộ, các nghệ nhân đời Tần đã khắc họa sự khác nhau giữa 5 giác quan nhân vật với nhiều loại hình đầu người, 2 mắt tập trung hoặc mở rộng, lông mày to, thô hay nhỏ kéo dài. Thông qua cách phục sức quần áo khác nhau, phối hợp với vũ khí biểu hiện cấp bậc binh sĩ và loại binh chủng khác nhau với các kiểu thắt lưng, kiểu tóc, dáng đi cũng khác nhau một cách phong phú mà tế nhị.
Đối với tượng ngựa được tạo hình chắc chắn, khỏe đẹp, chân trước như cái trụ, chân sau hình cung tỷ lệ thích hợp, được bố trí như ngựa, đang trong chuồng ngựa đời Tần (các nhà khảo cổ đã phát hiện được xương ngựa ở thôn Thượng Tiên với một số lượng lớn được đào lên, qua phân tích, xác định niên đại là vào đời Tần, qua đo đạc độ cao thấp, dài, ngắn, v.v. . . thì tỷ lệ tương đương với tượng ngựa ở khu di tích này). Điều đó thể hiện tính xác thực của lịch sử và trình độ siêu việt về kỹ xảo điêu khắc của các nghệ nhân đời Tần.
Ai là người điêu khắc tượng đời Tần?
Qua nghiên cứu, người ta thấy rằng ở tất cả số tượng khai quật được, các nghệ nhân đều khắc tên mình trên tượng. Trong số đó có khoảng 500 bức tượng có khắc chữ thể hiện quá trình chế tác, tên người điêu khắc, địa danh v.v. . . Nhìn chung, các bức tượng đều thể hiện tay nghề điêu luyện, kinh nghiệm phong phú của các nghệ nhân và họ được đưa từ khắp nơi trong nước về đây làm việc, miễn là có tài năng.
Thông qua hiện vật ta thấy được quy mô to lớn, sự lao động sáng tạo của hàng vạn người xưa kiến tạo nên quần thể này. Đây là thời kỳ của ''Vạn Lý Trường Thành'', giai đoạn phát triển của lịch sử Cổ đại Trung Quốc.
Ai là người đầu tiên giới thiệu tượng Tần ra Thế giới?
Đó là nữ nhà báo tự do người Mỹ Athơ Litua. Bố của bà sinh ở Trung Quốc, nguyên là quan chức Bộ ngoại giao Canada làm việc tại Trung Quốc vào những năm 20, về sau là bạn thân của Thủ tướng Chu Ân Lai. Bởi vậy, bà được mời thăm Trung Quốc vào năm 1978, cùng cả nhà đến tham quan Tây An. Trong thời gian này, bà được phép tham quan khu mộ Tần. Cảm kích trước những bức tượng binh mã, đêm đó về khách sạn bà đã viết bài gửi ngay về Mỹ với nhan đề Đại quân Hoàng đế Tần Thuỷ Hoàng - một khảo cổ khó tin được của Trung Quốc, kèm theo mười ảnh màu để minh hoạ. Trong bài viết có đoạn: ''Trong khi ở phương Tây, đế quốc La Mã phát triển thì ở Đông Á, Vương quốc Tần đã thôn tính các quốc gia khác và kiến lập hạt nhân của Nhà nước Trung Quốc... Trước mắt chúng ta đây là một cuộc khai quật hoành tráng nhất Thế kỷ này... Chúng tôi đứng trong mưa mà cảm động đến rơi nước mắt, như một con người đứng trước tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, những bức tượng như đang còn sống... ''
Bài báo được đăng trên tạp chí National Geographic của Mỹ: Do uy tín của tạp chí, bài báo nhanh chóng được loan đi khắp nước Mỹ, Châu Âu và toàn Thế giới. Vào cuối thập kỷ 70, nhiều người du lịch Châu Âu và Mỹ đến Tây An, phần lớn được đọc tin này. Nữ ký giả AThơ Litua được coi là cầu nối số một trong sự kiện này.
Đánh giá của nhiều chính khách
Từ cuối thập kỷ 70 đến nay, danh từ ''Kỳ quan thứ 8'' của Thế giới đã trở nên thông dụng để gọi các bộ tượng đời Tần. Cuối tháng Tư năm 1976, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu thăm Trung Quốc và đi tham quan khu hầm mộ. Khi đứng trên hầm mộ số một nhìn xuống những bức tượng vừa khai quật được, ông đã kinh ngạc nói không nên lời sau nửa giờ xem xét, ông nói: ''Phát hiện bộ tượng binh mã đời Tần là một kỳ tích của Thế giới, là niềm tự hào của dân tộc”. Có thể nói, ông là người nước ngoài đầu tiên, một nhân vật cấp cao đầu tiên đánh giá đây là “Kỳ quan của Thế giới”. Hai năm sau, vào ngày 23 tháng 9 năm 1978, Phó Thủ tướng Pháp Chirac khi tham quan công trường khai quật đã phải thốt lên: ''Trên Thế giới từng có 7 kỳ tích lớn, bộ tượng đời Tần có thể là kỳ tích thứ 8, không xem Kim Tự tháp coi như không đến Ai Cập, không xem bộ tượng Tần coi như không đến Trung Quốc''. Ông H.Kissinger, khi đến thăm Trung Quốc vào Tháng 4 năm 1979 đã thốt lên: ''Đây là kỳ tích có một không hai của Thế giới”.
Sau các sự kiện trên, Thành phố Tây An trở thành nơi du lịch hấp dẫn cả Thế giới. Chỉ trong khoảng thời gian 10 năm, nó đã đón một lượng khách du lịch gồm khoảng 20 triệu người trong nước và hơn 2 triệu người nước ngoài ở khắp năm châu, trong đó có hơn 70 nguyên thủ quốc gia và hàng nghìn người ở cấp lãnh đạo Chính phủ các nước.
Năm 1984, vợ chồng ngài cựu Tổng thống Mỹ R. Reagan đã tham quan hầm số một. Đứng trước một bức tượng, ông R. Reagan đưa tay sờ lưng ngựa rồi hỏi: "Tôi có thể sờ con ngựa này được không?”. ''Được”, người giới thiệu đồng ý. Thế là ông sờ từ đầu đến mông ngựa rồi thụt tay lại và nói: “Nó đá tôi à?”. Tất cả mọi người đều cười ồ. Một tờ báo ở Hoa Kỳ sau đó đã đăng tin với tiêu đề: Tổng thống R. Reagan đã sờ mông ngựa Trung Quốc. Thật là lý thú! Họ còn chụp nhiều ảnh cùng tượng để kỷ niệm. . .
Vượt đại dương tới các nước
Năm 1987, Lăng của Hoàng đế Tần Thuỷ Hoàng được đưa vào danh mục di sản của Thế giới.
Từ những năm 80, tượng binh mã Tần bắt đầu đưa ra nước ngoài triển lãm cùng các văn vật khác tại Mỹ, Philippines, Australia, Pháp, Đức, Đan Mạch, Thuỵ Sĩ, Bỉ... và dần dần các tượng độc lập đi vào Thế giới, chia làm nhiều nhóm nhỏ đi khắp năm châu. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1982 đến 1991 chúng đã ''đi'' hơn 10 nước, triển lãm 2.011 lần, với hơn 10 triệu lượt người xem, lớn hơn bất kỳ cuộc triển lãm nào của Trung Quốc ở nước ngoài. Bộ tượng đã trở thành sứ giả đặc biệt của Trung Quốc được giới trí thức hoan nghênh và coi trọng. Ngày 4-12-1984, tại Bảo tàng phương Đông của Thụy Điển, Quốc vương và Hoàng hậu Thụy Điển đã đứng ra tổ chức triển lãm. Năm 1985, triển lãm tại Anh. Đài truyền hình BBC nói nó như Vạn Lý Trường Thành. Trong cuộc triển lãm ở Tân Tây Lan, một Giáo sư khảo cổ học ở đây đã nói: ''Tân Tây Lan mới có hơn 100 năm lịch sử, vậy mà hơn 2.000 năm trước, người ở Trung Quốc đã sáng tạo được những hình tượng độc đáo như vậy”.
(Trích từ Một cửa sổ nhìn ra Thế giới)
N.V.D