Tài liệu: Khủ di tích Khổng Tử: Khổng Miếu, Khổng Phủ, Khổng Lâm

Tài liệu
Khủ di tích Khổng Tử: Khổng Miếu, Khổng Phủ, Khổng Lâm

Nội dung

KHU DI TÍCH KHỔNG TỬ: KHỔNG MIẾU, KHỔNG PHỦ, KHỔNG LÂM

 

Trong lịch sử Trung Quốc, Khổng Tử là nhà tư tưởng, nhà giáo dục vĩ đại; ông là người sáng lập ra học phái Nho giáo. Tư tưởng của Khổng Tử[1] có ảnh hưởng sâu xa tới kết cấu văn hóa, đặc tính tâm lý và đạo đức luân lý của dân tộc Trung Hoa. Học thuyết của ông cũng truyền bá và được tiếp nhận ở nước ngoài, nhất là vùng Đông Nam Châu Á.

Khổng Tử tên Khâu, tự Trọng Ni, sinh năm 551 Tr.CN trong một gia đình tiểu quý tộc ở Tấn Ấp nước Lỗ (nay thuộc phía Nam Thành phố Khúc Phụ, Tỉnh Sơn Đông). Ông 3 tuổi, bố mất, sống nghèo khó. Thời thanh niên từng 2 lần làm quan nhỏ, đến tuổi trung niên mới mở lớp dạy học. Có thời ông làm nghề đánh trống thổi kèn, chăn trâu, coi kho, tiếp xúc với các tầng lớp dưới của xã hội, nhờ đó hiểu được đạo lý làm người. Sau 50 tuổi, Khổng Tử từng được Vua Lỗ trọng dụng. Lúc 54 tuổi, do mâu thuẫn với tầng tớp quý tộc, ông từ chức, dẫn học trò đi chu du khắp thiên hạ. Trong 14 năm long đong ấy, ông đã phát biểu nhiều thành kiến hay, ra sức thuyết phục quân Vương các bước tiếp nhận chủ trương chính trị của mình, nhưng tới đâu cũng bị xem thường, không được ai trọng dụng. Về cuối đời (68 tuổi) ông trở về nước Lỗ, dồn hết sức vào sự nghiệp giáo dục và viết sách. Năm 479 Tr.CN Khổng Tử từ trần, thọ 73 tuổi.

Sau khi Khổng Tử mất, quê hương ông đã trở thành di tích lịch sử nổi tiếng với 3 thắng cảnh: Khổng miếu, Khổng phủ và Khổng lâm.

Năm 478 Tr.CN, tức một năm sau khi Khổng Tử mất, Lỗ Ai Công, Vua nước Lỗ, cho xây dựng lại 3 gian nhà cũ của Khổng Tử thành Khổng miếu (tức đền thờ Đức Khổng Tử). Từ đó về sau, trở thành nơi cúng tế Thánh Khổng Tử.

Đến thời Hán, Đạo Nho được tôn sùng, tư tưởng Khổng Tử bắt đầu trở thành chủ đạo của văn hóa chính thống Trung Quốc. Trải qua các triều phong kiến từ Hán đến Minh, nơi này được các Vua chúa không ngừng tu sửa, mở rộng, quy mô ngày một lớn. Diện tích Khổng miếu chiếm gần 4 ha, gồm 460 gian điện, đường, am, các, có 2.000 bia đá dựng từ đời Hán cho đến Cách mạng Tân Hợi (1911 ). Điện Đại Thành cao 32m, lợp ngói lưu ly, là tòa kiến trúc chính của Khổng miếu, trông rất lộng lẫy, đồ sộ, có giá trị nghệ thuật cao. Mười cột hàng hiên bằng đá, đường kính 1m, ở Điện Đại Thành có chạm trổ  ''lưỡng long vờn châu'' trong mây sóng, rất tinh vi, sống động, là những tác phẩm nghệ thuật rất quý. Trên cầu đi vào điện có hai lan can bằng ngọc trắng, tôn vẻ uy nghiêm và làm cho Đại Thành có thể sánh ngang với Điện Thái Hòa ở Cố Cung, Bắc Kinh. Chính giữa điện có tượng Khổng Tử ngồi, đôi mắt mở to và rất thông tuệ, hai bên tượng Khổng Tử có tượng các học trò của ông như Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Cống, Tử Lộ, Tử Hạ v.v. . . Sân sau Điện Đại Thành là Hạnh Đàn, nơi dạy học của Khổng Tử thời xưa. Chung quanh Hạnh Đàn, trồng nhiều cây hạnh, phía trước Hạnh Đàn có một cây tùng cổ, tương truyền Khổng Tử tự tay trồng cách đây gần 25 Thế kỷ! Phía Đông điện đại Thành là chỗ ở của Khổng Tử lúc sinh thời. Ở đây hiện còn một cái giếng cổ, cạnh giếng có bia đá khắc 4 chữ ''Khổng Trạch cố tỉnh'' (Giếng cổ nhà Khổng). Sau giếng có Lỗ Bích (Tường Lỗ). Khi Tần Thủy Hoàng ra lệnh đốt sách, chôn Nho sinh, cháu chín đời của Khổng Tử đã đem các sách kinh điển như Thượng Thư, Luận ngữ, v.v... giấu vào trong bức tường đó, đến đời Hán mới tìm ra, được gọi là “Cổ văn kinh thư”. Nói đến Khổng miếu mà không kể đến Các Khuê Văn là một thiếu sót lớn. Ở đây, Các Khuê Văn cao 3 tầng, mái cong lợp ngói lưu ly. Đây là kiến trúc bằng gỗ xưa nhất trong Khổng miếu, được xây dựng vào Thế kỷ XI. Các Khuê Văn là nơi cất giữ bút tích của các Vua, Chúa từ thời nhà Hán trở đi và các sách cổ của dòng họ Khổng. Trong Khổng miếu còn có 13 ngôi bia đình do các Vua, Chúa các đời dựng lên, là chỗ phong tước vị và tế lễ Khổng Tử của những người đứng đầu Nhà nước. Vua Càn Long nhà Thanh đã 8 lần đến Khúc Phụ, lần nào cũng quỳ lạy trước tượng và mộ Khổng Tử để tỏ lòng tôn kính.

Khổng miếu ban đầu chỉ có ba gian chật hẹp, cất giữ áo mũ, đàn, xe và sách của Khổng Tử lúc sinh thời. Nhưng nay Khổng miếu đã phát triển thành khu kiến trúc trang nghiêm, đồ sộ. Tiêu biểu cho nền nghệ thuật phương Đông và tàng trữ nhiều tác phẩm nghệ thuật và văn vật quý báu.

Khổng phủ cách Khổng miếu không xa, là nơi ở của con cháu Khổng Tử, được xây dựng vào thời Tống. Từ đời nhà Hán, Khổng Tử đã được phong tước Bắt đầu từ năm 1055, Khổng Tông Nguyên, cháu đời thứ 46 của Khổng Tử, được Vua Tống Nhân Tông phong là ''Diễn Thánh Công''. Vì vậy Khổng phủ cũng gọi là “diễn Thánh Công phủ”. Trải qua các triều đại, Khổng phủ được trùng tu, mở rộng thành quy mô to lớn như hiện nay. Cổng lớn của Khổng phủ hướng Nam, hai bên có hai con sư tử bằng đá, trên cổng có biển đề ''Thánh Phủ''. Đi vào cổng lớn ta thấy có nhiều sảnh, đường lớn nhỏ và nhiều sân vườn hoa đua sắc. Nơi này là nơi tổ chức yến tiệc, nơi kia là nơi tổ chức tang lễ, hôn lễ Sảnh đường chính của Khổng phủ là nơi xưa kia Điện Thánh công tuyên đọc thánh chỉ, tiếp các quan lại, xử các vụ án và tổ chức các buổi lễ quan trọng. Lầu Hậu đường là nơi ở của dòng tộc nhà họ Khổng, nhà cao hai tầng, mái cong, lan can đỏ, chạm trổ tinh xảo, bên trong trần trang trí rất hào hoa, lộng lẫy. Sảnh đường phía Tây là nơi học hành, sảnh đường phía Nam là nơi tiếp khách. Hiện nay nơi này dùng làm hội thảo về tư tưởng, đạo đức, giáo dục của Khổng Tử. Trong vườn hoa Khổng phủ có một cây quý hiếm độc đáo: đó là “Ngũ quân tử tùng”. Một gốc cây tùng có 5 thân, ở giữa 5 thân mọc lên một thân cây hoè, trông rất kỳ lạ.

Khổng lâm nằm ở phía Bắc Thành Khúc Phụ là khu mộ riêng của Khổng Tử và dòng họ. Khổng lâm rộng 200 ha, được bao bọc bởi bức tường hoa dài, cao 3m, có lịch sử 2.400 năm. Đây là khu rừng nhân tạo lớn nhất, là mộ địa gia tộc lâu đời nhất, có quy mô lớn và được giữ gìn hoàn chỉnh nhất ở Trung Quốc. Nơi đây hơn hai vạn cây cổ thụ gồm 10 loại cây như tùng, bách, khoái, giai . . . Có những cây tuổi thọ tới hàng nghìn năm, cành lá trơ trụi chỉ còn thân gốc già được bảo vệ bằng ''chiếc áo'' bê tông cốt sắt. Phần mộ nằm rải rác khắp nơi, mỗi mộ có một bia đá cưỡi trên lưng rùa đá hoặc nghê đá, có đến hơn một nghìn chiếc bia như vậy. Trước dãy mộ có một đàn thờ bằng đá lấy từ Núi Thái Sơn đem về xây. Cạnh đàn thờ có những tấm bia khắc bút tích của Vua Càn Long (nhà Thanh) mỗi lần về thăm. Hai bên đàn thờ là tượng đá và họa điểu. Nằm ở phía trong là mộ của Khổng Tử, trên có khắc dòng chữ ''Đại thành chí Thánh Văn Tuyên Vương chi mộ''. Mộ Khổng Tử nằm ở trung tâm Khổng lâm, như yên ngựa lồi lên, là kiểu mộ rất cao quý, chung quanh mộ có tường dài khoảng 500 m. Phía Đông mộ Khổng Tử là mộ của Khổng Lý, con trai Khổng Tử, phía Nam mộ Khổng Tử là mộ của Khổng Cập, cháu Khổng Tử.

Quần thể Khổng miếu, Khổng phủ, Khổng lâm, từ lâu đã trở thành danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Trung Quốc. Từ Thập kỷ 80 của Thế kỷ XX, nó trở thành nơi tụ họp của các học giả trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu về Khổng Tử. Điều đó Khổng Tử thật không ngờ vì khi sinh thời chính kiến của ông không được coi trọng, ông đã phải đi chu du khắp thiên hạ, mãi cho đến ngày nay, sau khi ông mất hơn 2.000 năm mới được các nhà chính trị, các nhà học giả liệt quốc ngưỡng mộ. Người cống hiến cho nền văn hóa nhân loại, lịch sử sẽ không bao giờ quên họ.

GS. LÊ HUY TIÊU




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/170-02-633386679104218750/95-Di-san-tieu-bieu/Khu-di-tich-Khong-Tu-K...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận