Tài liệu: Khai Phong

Tài liệu
Khai Phong

Nội dung

KHAI PHONG

 

Khai Phong là một trong những cố đô lịch sử của Trung Quốc, được xây dựng từ thời Xuân Thu - Chiến Quốc (770 - 221 Tr.CN), vốn là đô thành của nước Ngụy, mang tên Đại Lương thành. Sau đó, Khai Phong lần lượt là Kinh đô của các triều đại: hậu Lương, hậu Tấn, hậu Hán, hậu Chu, Bắc Tống.

Tương truyền, người có công lớn trong lịch sử xây dựng Khai Phong là Chu Thế Tông đã ra lệnh cho một viên tướng thân tín lên ngựa, ra roi phi nước đại, cho tới khi ngựa kiệt sức thì lấy nơi đó làm địa giới xây thành. Ông đã huy động 10 vạn dân phu chở đất hoàng thổ, từ Cổ Lao An về đắp tường thành theo kiểu xoáy trôn ốc. Thành có chu vi hơn 20km, nên thành này còn có tên gọi là Loa thành (thành xoáy trôn ốc). Theo sách Đông kinh hoa mộng lục thì Thành Đông Kinh (tức Khai Phong) có 3 vòng thành: thành ngoài, thành trong và trong cùng là Hoàng thành. Năm 960, đúng vào dịp Tết, tướng Triệu Khuông Dận[1] vâng lệnh nhà Vua tiến quân xuống phía Nam dẹp giặc. Đại quân rời khỏi Khai Phong khoảng hơn 20km thì xảy ra một cuộc đảo chính cung đình. Triệu Khuông Dận kéo quân quay về, tự xưng là Hoàng đế. Triều Bắc Tống thay thế triều hậu Chu.

Khai Phong thời Bắc Tống (gọi là Thành Biện Lương) là đô thành lớn trên Thế giới lúc đó, với số dân trên một triệu. Trương Trạch Đoạn - một họa sĩ nổi tiếng đã vẽ bức tranh lớn dài 5,30m, rộng 0,25m miêu tả cảnh đông vui của Khai Phong đời Tống, trong tranh có 813 người, 94 con vật, 100 ngôi nhà và cầu quán, 179 cây cối, 20 chiếc thuyền.

Thành phố Khai Phong ngày nay (thuộc Tỉnh Hà Nam) vẫn còn bảo tồn được nhiều di tích lịch sử quý báu.

Trước hết, cần phải kể đến Tháp Sắt, nay ở về phía Đông Bắc Thành phố Khai Phong. Tháp vốn mang tên ''Hựu Quốc tự tháp'' (Tháp Chùa Hựu Quốc), xây toàn bằng gạch men màu nâu sẫm pha sắc tía, rắn chắc như sắt, cho nên mới có tên Tháp Sắt.

Thành hình bát giác được xây vào năm 1049 (Hoàng Hựu năm đầu thời Bắc Tống), trải qua bao nhiêu lần động đất, lụt lội, binh lửa trong gần ngàn năm, song tháp vẫn đứng vững như cột chống trời với chiều cao 54m 66 gồm 13 tầng. Tầng dưới cùng có cửa lớn mở về hướng Nam, phía trên khung cửa có biển đề năm chữ lớn "Thiên hạ đệ nhất tháp”. Xung quanh tháp trước đây vốn có hồ hình bát giác, có cầu nhỏ uốn cong nối bờ phía Bắc của hồ với nền tháp. Thân tháp tám mặt được ốp bằng 28 loại gạch men nâu sẫm có hình dạng khác nhau, mặt ngoài có tới trên 50 họa tiết hoa văn trang trí Phật ngồi, tiên đồng, ngọc nữ, kỳ lân, sư tử, rồng, hoa quý, nhạc công, sư tăng, . . . ; các tầng tháp mỗi cạnh đều có cửa nhỏ, có mái hiên nhô ra, góc mái treo chuông, tổng cộng 104 quả chuông nhỏ (mỗi tầng có tám góc mái, mỗi góc mái treo một quả chuông). Gió nhẹ thổi, lục lạc trong chuông ngân vang như điệu nhạc. Đình tháp có đặt bình báu bằng đồng. Lòng tháp rỗng, có xây tâm trụ; vòng quanh tâm trụ là bậc thang uốn lượn ngược lên đỉnh tháp. Khách tham quan theo bậc thang lên tới tầng thứ năm thì đã có thể qua khung cửa tháp ngắm nhìn phong cảnh thành phố Khai Phong; lên tới tầng thứ bảy thì nhìn thấy đồng ruộng ngoại thành và con đê lớn ven sông Hoàng Hà; lên tới tầng thứ chín thì có thể ngắm nhìn dòng Hoàng Hà như dải lụa luồn qua rừng cây; tới tầng thứ mười hai thì cảm thấy lâng lâng, phiêu diêu như đang ở nơi tiên cảnh. Hiện nay, khu vực quanh Tháp Sắt là công viên của thành phố Khai Phong, có cả nhà trưng bày cổ vật để phục vụ khách tham quan du lịch.

Chùa Tướng Quốc ở Khai Phong cũng là một di tích tích sử nghệ thuật - tôn giáo nổi tiếng. Thời Chiến Quốc, nơi đây vốn là phủ đệ của Tín Lăng Quân - Công tử nước Ngụy. Thời Bắc Tề, niên hiệu Thiên Bảo năm thứ sáu (năm 555) chùa được xây dựng trên nền phủ đệ cũ của Tín Lăng Quân mang tên Kiến Quốc tự. Niên hiệu Diên Hòa năm đầu (năm 712) thời Đường, Đường Duệ Tông tôn tạo mở rộng chùa để kỷ niệm ngày lên ngôi, đổi tên chùa thành Tướng Quốc tự, và tự thân viết chữ tên biển đề tên chùa. Tương truyền, lúc đó chùa tọa lạc trên một diện tích rộng tới 545 mẫu, có 64 tăng phòng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều sư tăng các nơi và nước ngoài tới chùa để lễ Phật, nghiên cứu kinh kệ. Chùa Tướng Quốc thời Bắc Tống không chỉ là một trung tâm tôn giáo mà còn là trung tâm giao dịch buôn bán và vui chơi giải trí. Theo sách kinh hoa mộng lục, thời đó mỗi tháng, chùa mở cửa năm lần, đón hàng vạn lượt người đến đây lễ bái, mua bán, vui chơi.

Cuối thời Minh, Hoàng Hà tràn bờ gây lụt lớn, chùa bị hư hại nặng. Năm Càn Long thứ ba mươi mốt, đời Thanh (năm 1766), chùa được trùng tu. Lầu chuông của chùa hiện còn quả chuông lớn đúc từ đời Thanh, cao khảng 5m, nặng tới trên vạn cân, mang tên ''Tướng Quốc Sương Chung”. Đại hùng bảo điện, Tàng kinh các đều có hai lớp mái, lợp ngói lưu ly màu vàng pha sắc xanh. Xung quanh thềm điện có lan can bằng đá trắng. Trong lưu ly bát giác điện có đặt pho tượng lớn Quan Âm ngàn mắt ngàn tay, bốn mặt; cao 7m, toàn thân dát vàng, tương truyền chỉ dùng một cây đại ngân hạnh tạc thành.

Ở Khai Phong còn có đền thờ Bao Công - một nhân vật lịch sử nổi tiếng công minh chính trực, tượng trưng cho tinh thần pháp lý, từng làm quan coi việc kinh pháp nhiều năm ở đô thành này.

Đến thăm Khai Phong vào những ngày lễ tết, du khách được chiêm ngưỡng nhiều tập tục cổ truyền, tham dự nhiều trò vui chơi giải trí truyền thống như chọi gà. Những trò chơi này có nét đặc sắc là dù hào hứng đến mấy người xem cũng không được hò hét, reo cười, chỉ biểu lộ tình cảm qua nét mặt. Du khách có thể đi thăm chợ đêm (từ canh ba cho tới sáng), mua sắm các thứ hàng hóa và nếm các món ăn đặc sản đã có mấy trăm năm lịch sử.

GS. ĐẶNG ĐỨC SIÊU




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/170-02-633386682130312500/95-Di-san-tieu-bieu/Khai-Phong.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận