LẠC DƯƠNG
Lạc Dương là một trong bảy cố đô cổ xưa của Trung Quốc. Tương truyền, Vua Thái Khang nhà Hạ, triều đại đầu tiên của Trung Quốc (khoảng Thế kỷ XXI đến Thế kỷ XVI Tr.CN) đã định đô ở Lạc Dương (nay thuộc Tỉnh Hà Nam). Các triều đại tiếp theo như Thương, Chu (Đông Chu), Đông Hán, Tào Ngụy, Tây Tấn, Bắc Ngụy, Tùy, Đường, hậu Lương, hậu Đương, hậu Tấn đều kiến lập đô thành tại Lạc Dương. Như vậy, Lạc Dương đã có hàng ngàn năm lịch sử.
Là một trung tâm giao lưu văn hóa, thương mại từ thời xa xưa, Lạc Dương là điểm khởi đầu của “Con đường tơ lụa'' nổi tiếng trong Thế giới Cổ đại, chạy qua Tây An (Thiểm Tây), qua vùng Trung Á, Ba Tư, đến tận Địa Trung Hải. Qua “Con đường tơ lụa”, hàng hóa, âm nhạc, vũ đạo . . . tôn giáo và tín ngưỡng của các nước vùng Trung Á và các nước phía Tây đã du nhập vào Trung Quốc. Đạo Phật từ Ấn Độ cũng theo ''con đường tơ lụa'' truyền vào Trung Quốc. Các sản phẩm đặc sắc của Trung Quốc, trong đó có hàng tơ lụa gấm vóc, đồ sứ... cùng văn hóa Trung Quốc cũng lan truyền sang phía Tây qua ''con đường tơ lụa'' này.
Là một điểm phát tích của nền văn minh cổ xưa của Trung Quốc, Lạc Dương được coi là nơi tàng trữ nhiều thành tựu văn hóa vật chất và tinh thần vô cùng lớn lao của nhân dân các dân tộc Trung Hoa, từ Hà đồ, Lạc thư, Bát quái, Cửu trù, Hồng Phạm thời Phục Hy cho tới Lễ, Nhạc - những khuôn vàng thước ngọc của phép trị nước, an dân thuộc thời Chu gây ảnh hưởng mãi tới hàng ngàn năm sau. Nơi đây đã phát minh ra loại ''giấy Thái hầu'' (do Thái Luân đời Đông Hán sáng chế, một trong bốn phát minh lớn của Trung Quốc Cổ đại: nghề làm giấy, nghề in; kim chỉ nam; thuốc nổ) và các máy móc công cụ ghi động đất, quan sát thiên văn, đo hướng gió, khung cửi, guồng đạp nước, đồng hồ cát, v.v...
Lạc Dương cũng là nơi tụ hội nhiều triết gia, nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, nhà địa lý học v.v. . . nổi tiếng đương thời và mãi mãi về sau như: Lão Tử - tác giả Đạo Đức Kinh (ông tổ của môn phái triết học Đạo gia), Ban Cố - tác giả Hán Thư, Lịch Đạo Nguyên - tác giả Thủy Kinh Chú . . . Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị v.v. . . cũng đã viết nhiều bài thơ tuyệt tác ở Lạc Dương. Lòng ái mộ văn chương nghệ thuật của cư dân Lạc Dương còn được truyền tụng qua giai thoại ''Lạc Dương chỉ quý''. Thời ấy, giá giấy ở Lạc Dương có lúc cao vọt lên vì nhiều người mua để đua nhau sao chép các thi văn phẩm, đặc biệt là tác phẩm Tam đô phú (bài phú về ba đô thành) của Tả Tư thời Tây Tấn.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, với bao phen ''biển xanh biến thành nương dâu'' (thương hải biến vi tang điền), “lâu đài biến thành gò đống”, đến thăm Thành phố Lạc Dương ngày nay, bên cạnh những công trình xây cất đồ sộ, những cơ sở công nghiệp hiện đại như các nhà máy hóa dầu, cơ khí, điện tử, luyện kim, dệt, thực phẩm, du khách còn được tham quan những di tích lịch sử cổ kính như di chỉ nhà Thái học đời Hán.
Nơi này tương truyền có lúc đã có tới 30.000 học sinh Trung Quốc và du học sinh ngoại quốc tới học. Còn đây là Thư viện Hoàng gia Đông Quan chứa tới 7.000 xe sách, kia là di chỉ thành cũ nhà Thương và nhà bảo tàng trưng bày hàng ngàn hiện vật quý bằng thanh đồng, ngọc, sứ . . . nơi thờ Huyền Trang, mộ Đỗ Phủ. Đó đây trên nền nhà cũ là nơi còn ghi dấu tích hoạt động của nhà lý học đời Tống như Thiệu Ung (tức Thiệu Khang Tiết), Trình Hạo, Trình Di. Và đây là Đền Quan Lâm - tương truyền là nơi chôn thủ cấp của Quan Vân Trường thời Tam Quốc, v.v...
Chùa Bạch Mã (Bạch Mã Tự) ở về phía Đông thành phố Lạc Dương, được xây dựng vào năm Vĩnh Bình thứ bảy thời Đông Hán (năm 64). Tương truyền, Minh đế nằm mộng thấy ''Kim nhân'' (tức Phật) đằng vân quanh cung điện, bèn sai sứ giả sang Thiên Trúc (tức Ấn Độ) cầu Phật Pháp. Năm Vĩnh Bình thứ mười (năm 67), đoàn sứ giả rước kinh, thỉnh tăng về tới Lạc Dương. Năm Vĩnh Bình thứ mười một (năm 68 dương lịch) nhà Vua xuống chiếu cho xây dựng chùa ở phía Tây Ung môn để thờ Phật, chứa Kinh. Đây là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng sau khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, cho nên còn được gọi là ''Tổ đình'' ''Thích nguyên'' (nơi gốc của Đạo Phật). Tên gọi “Chùa Bạch Mã”, theo sách Lạc Dương Gia lam ký cho biết, đó là nhằm ghi lại sự việc đoàn sứ giả do Hán Minh đế phái sang Thiên Trúc cầu Phật pháp khi trở về Lạc Dương ''có ngựa trắng chở kinh Phật'' dẫn đầu. Dưới thời Võ Hậu (Võ Tắc Thiên đời Đường, năm 685 dương lịch), chùa được trùng tu với quy mô lớn, có đủ chỗ cho hàng ngàn hòa thượng tu hành. Các triều đại tiếp theo: Tống, Kim, Nguyên, Minh, Thanh đều tu bổ, tôn tạo thêm. Quy mô hiện nay của Chùa Bạch Mã in đậm dấu ấn của lần trùng tu vào năm Khang Hy thứ năm mươi hai đời Thanh (năm 171 3), gồm có các tòa điện đường chủ yếu như sau: Thiên Vương Điện, Đại Phật Điện, Đại Hùng bảo Điện, Tiếp dẫn Điện. Tề Vân Các v.v. . . Tề Vân Các được xây dựng trên nền cũ của tòa tháp gỗ chín tầng chứa “xá lỵ” dựng từ thời Hán Minh đế, cho nên cũng còn có tên gọi là ''Xá ly tháp”. Hiện nay, trong khuôn viên Bạch Mã Tự có nhà trưng bày văn vật Hán, Ngụy, kinh kệ đời Đường, bia đá đời Nguyên...
Lạc Dương còn thu hút du khách bốn phương trong và ngoài nước qua những lễ hội cổ truyền như: Hội Hoa Mẫu Đợn, Hội Chùa Cốc Thủy, Hội Chùa Bạch Mã và loại rượu nổi tiếng Đỗ Khang - loại rượu mà Ngụy Vũ đế Tào Tháo đã phải làm thơ để ca tụng:
Hà dĩ giải ưu Duy hữu Đỗ Khang
(Lấy gì giải buồn, chỉ có rượu Đỗ Khang)
GS. ĐẶNG ĐỨC SIÊU