Tài liệu: Vạn Lý Trường Thành

Tài liệu
Vạn Lý Trường Thành

Nội dung

VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH

 

Bức thành vạn dặm này dài tới 6.700 km (nếu kể cả những đoạn thành phụ thì còn dài hơn). Nó nằm vắt ngang địa phận 6 tỉnh miền Tây và Bắc Trung Quốc, băng qua những vùng địa thế cực kỳ hiểm trở, núi cao, khe sâu, rừng rậm, bắt đầu được xây dựng từ thời Chiến Quốc (420 - 221 Tr.CN). Thời đó, các nước Yên, Triệu, Tần đã chọn những nơi hiểm yếu nhất để xây thành nhằm ngăn chặn sự xâm lấn của các lân bang, đặc biệt là của tộc Hung Nô. Tường thành của nước Yên ở phía Tây, bắt đầu xây dựng ở Tạo Dương (nay là Độc Thạch Khấu, Hà Bắc) đến Liêu Đông ở phía Đông. Tường thành của nước Triệu ở phía Tây từ Cao Khuyết (nay là Lâm Hà - khu tự trị Nội Mông) kéo dài đến phía Đông (Huyện Úy, Hà Bắc). Tường thành của Tần từ Lâm Triệu (nay là Cam Túc) qua Cố Nguyên đến tận Hoàng Hà.

Năm 221 Tr.CN, Tần Thủy Hoàng tiêu diệt sáu nước Hàn, Triệu, Ngụy, Yên, Tề, Sở, thống nhất cả Trung Nguyên. Vào năm 215 Tr.CN, Tần Thủy Hoàng sai Đại tướng Mông Điềm đem 30 vạn quân phản kích Hung Nô thu lại phần đất phía Nam Hoàng Hà và sau đó xây nối tiếp những đoạn thành mà các nước đã xây từ trước thành một dải, đồng thời gia cố thêm cho vững chắc hơn. Công trình tiến hành trong mười năm trời mới tạm hoàn thành. Dưới mưa tuyết và cái lạnh làm nước đóng băng ở miền Bắc, dưới khí hậu khắc nghiệt của miền Tây, qua những tháng ngày lao động cực khổ trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ mọi thứ, hàng vạn dân phu đã bị vùi xác nơi chân tường thành. Truyền thuyết còn ghi lại chuyện nàng Mạnh Khương[1], vợ nho sinh Phạm Kỷ Lương vượt qua hàng ngàn dặm đường mang áo rét cho chồng là dân phu xây đắp tường thành. Tới nơi, Phạm Kỷ Lương vì không chịu nổi cực khổ nhọc nhằn nên đã qua đời. Mạnh Khương nằm phục xuống chân tường thành khóc lóc thảm thiết, một đoạn tường thành nơi đó đã sụp đổ. Tới các triều Tây Hán, Bắc Ngụy, Bắc Tề, Bắc Chu, Đại Hán, cho tới các triều Tùy, Đường, Tống, Nguyên, triều đại nào cũng tu bổ tôn tạo cho Vạn Lý Trường Thành thêm vững chắc. Đặc biệt, là triều Minh đã tiến hành việc tu bổ gia cố tường thành trong khoảng 100 năm liên tục.

Trường Thành còn lại đến nay về đại thể là quy mô, hình thể của Trường Thành đời Minh. Trường Thành do bốn bộ phận hợp thành: tường thành, cửa ải, đài thành, Phong hỏa đài. Cửa ải thường được xây ở những nơi hiểm yếu, đầu mối giao thông. Vây quanh cửa ải thường có một vài vòng tường thành bảo vệ, bố trí nhiều công sự, đường hào chiến đấu, như một pháo đài, có lực lượng vũ trang tinh nhuệ đồn trú. Cửa ải Cư Dung trên Bát Đạt Lĩnh gần Bắc Kinh là một trong những cửa ải quan trọng của Vạn Lý Trường Thành, nay là một địa điểm du lịch tham quan di tích lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc[2].

Tường thành của Vạn Lý Trường Thành trung bình cao từ 7 đến 8m, rộng từ 5 đến 6m, xây bằng gạch vồ, đá tảng. Trên đỉnh tường thành, phía ngoài có xây những tấm lá chắn, tạo thành hình răng lược, có lỗ châu mai để quan sát và ngắm bắn. Thân tường phía trong cứ cách khoảng 200m lại có bậc thang lên xuống. Bộ binh, kỵ binh có thể di động bố trí thuận lợi ngay trên đỉnh tường thành để tác chiến. Phía bên ngoài Trường Thành, trên những cao điểm, cứ cách một cự ly nhất định lại xây dựng một tháp canh hình vuông, mỗi cạnh khoảng 8m, cao khoảng 12m, chứa sẵn nhiên liệu gọi là ''Phong hỏa đài”. Đó là hệ thống thông tin cấp báo. Tương truyền, chất đốt ở “Phong hỏa đài” có pha trộn phân chó sói.

Khi đốt ban ngày, khói tỏa lên rất cao, đen kịt, còn ban đêm thì lửa sáng chói, từ rất xa cũng trông thấy. Khi có giặc xâm lấn biên thùy, các “Phong hỏa đài” nổi lửa lên, đài nọ truyền tiếp đài kia, qua các khu đồn trú trống thúc vang rền, đưa tin khẩn cấp về tận kinh thành. Người Việt Nam chúng ta có thể tưởng tượng thấy được hoạt động của các ''Phong đài hỏa" này qua hai câu thơ giàu hình ảnh trong Chinh phụ ngâm:

Trông Tràng Thành lung lay bóng nguyệt,

Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây.

Tràng Thành tức Vạn Lý Trường Thành. Cam Tuyền là một địa điểm ở phía Tây Bắc, núi non hiểm trở, có nhiều công sự phòng ngự trấn giữ biên ải.

GS. ĐẶNG ĐỨC SIÊU




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/170-02-633386682478437500/95-Di-san-tieu-bieu/Van-Ly-Truong-Thanh.ht...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận