Tài liệu: Trường An

Tài liệu
Trường An

Nội dung

TRƯỜNG AN

 

Trường An là một trong những thành thị cổ nổi tiếng của Trung Quốc, nơi đóng đô của nhiều triều đại, từ Hán đến Tuỳ, Đường, kéo dài hơn 1.000 năm.

Vào năm 582, niên hiệu Khai Hoàng thứ hai đời Tuỳ (581 - 618), Tuỳ Văn Đế thấy Thành Trường An cũ, do các triều đại trước đó để lại quá chật hẹp, bèn chọn đất rộng ở phía Đông Nam thành cũ, gần Long Thủ Sơn, xây một toà thành mới, đặt tên là Đại Hưng Thành.

Đại Hưng Thành nằm trên bờ Nam Sông Vị, nhìn sang Núi Chung Nam - một thắng cảnh nổi tiếng. Để cấp nước cho Đại Hưng Thành, các nhà thiết kế đã khơi ba con sông đào: Sông Quang An và Sông Thanh Minh ở phía Nam, Sông Long Thủ ở phía Đông. Ba con sông này uốn khúc quanh vườn Ngự uyển trong thành, rồi lại chảy ra Sông Vị. Hai bờ trồng toàn liễu.

Nhà thơ Vương Kiện đời Đường đã miêu tả cảnh đẹp này qua câu thơ:

Liễu bên sông in lồng bóng nước (Tảo xuất Ngũ môn Tây vọng)

Đại Hưng Thành do ba bộ phận hợp thành: Quách thành, Hoàng thành và Cung thành, rộng khoảng 84km2, cung thành còn gọi là Đê thành ở vào giữa, hơi lấn sang phía Bắc, tường thành rộng trung bình 16m, cao 10m. Liền kề với Cung thành, nằm phía dưới là Hoàng thành. Quách thành (vòng thành ngoài cùng) có nền rộng từ 9 đến 12m, cao 6m bên ngoài có hào rộng 8m, sâu 4m, gọi là Hộ Thanh Hà. Trong thành theo chiều Nam Bắc có 14 con đường lớn; theo chiều Đông Tây có 11 con đường lớn chạy song song và cắt ngang nhau, chia khu vực nằm trong Quách thành thành 108 ô vuông vắn, gọi là phường; trong mỗi phường còn có nhiều ngõ nhỏ. Đây là nơi ở của bình dân. Giữa Cung thành (Đế thành) và Hoàng thành là một dải đất rộng 220m. Một con đường lớn từ cửa Thừa Thiên của Cung thành ăn thông ra cửa Chu Tước của Hoàng thành rộng 150m, hai bên có hệ thống cống thoát nước, lề đường trồng toàn cây hoè, chạy qua các phường trong Quách thành, gọi là đường Chu Tước môn, ăn thông ra cổng Minh Đức của Quách thành.

Đời Đường, Thành Trường An được tôn tạo, mở rộng thêm trên cơ sở Đại Hưng Thành, có chu vi 36km700, chiều Nam Bắc dài 8km 651, chiều Đông Tây rộng 9km721. Khu vực phía Bắc, chính giữa là Cung thành, góc Đông Bắc là Thái Minh Cung, được xây dựng vào năm Trịnh Quán thứ 8 (643), trên khu đất cao thuộc Long Thủ Sơn. Thái Minh Cung về thực chất là một quần thể kiến trúc bao gồm nhiều lâu đài, vườn hoa, điện đường, trong đó nguy nga tráng lệ nhất là Hàm Nguyên Điện. Điện xây trên một nền cao 15m, mặt tiền là Long Phụng Đạo - một hệ thống tầng bậc dài tới 70m, xây bằng đá xanh. Từ đại điện toả sang hai bên là hai hành lang có mái che và lan can tô vẽ sơn son thiếp vàng lộng lẫy, dẫn đến Tường Loan Các và Thê Phụng Các, kết hợp với đại điện tạo thành hình Thần Điểu đang vươn cánh bay lên.

Vào năm 663, khi Võ Hậu (Võ Tắc Thiên) vào ngự tại Cung Thái Minh thì nơi này đã có tới trên 30 toà lâu đài điện đường lớn, nhỏ và nhiều vườn hoa tuyệt đẹp. Tương truyền, để mừng ngày về cung, Võ Tắc Thiên có xuống chiếu ra lệnh cho trăm hoa trong vườn Ngự uyển phải nở rộ đúng vào ngày giờ nhất định. Người ta đã dùng hơi nóng của củi đốt để thúc cho hoa nở đúng thời gian, riêng có hoa mẫu đơn là vẫn ung dung nở muộn, theo đúng nhật kỳ của loài hoa này. Võ Tắc Thiên nổi giận, bèn hạ chiếu đày hoa mẫu đơn về Lạc Dương. Từ đó, Trường An rất hiếm hoa mẫu đơn. Ngược lại, Lạc Dương trở thành quê hương của loài hoa này, có hàng trăm loại, mỗi loại đều có một tên riêng nghe rất thi vị.

Phía Đông Thái Minh Cung, Đường Huyền Tông (tức Đường Minh Hoàng) cho mở rộng Cung Hưng Khánh, đào Hồ Hưng Khánh, dựng Đình Trầm Hương, xây Lầu Hoa Ngạc.

Theo truyền thuyết, vào năm 743, Đường Minh Hoàng cùng Dương Quý Phi ngồi trên Đình Trầm Hương ngắm hoa, cho triệu Lý Bạch tới làm ba bài ca theo điệu Thanh bình để ghi lại phút vui, cảnh đẹp Phía Nam Cung thành là Hoàng thành, nơi xây dựng dinh thự phủ đệ của các quan. Chính giữa Hoàng thành là một quảng trường rộng tới 441m, chạy dài từ Cửa Thừa Thiên của Cung thành ra tới Cửa Chu Tước của Hoàng thành. Trong Quách thành là khu cư trú của bình dân và các phố phường buôn bán. Đường phố trong Quách thành về đại thể vẫn theo quy mô của Thành Đại Hưng thuở trước. Quách thành có 12 cổng lớn, ăn thông với 12 đường phố lớn. Đường Chu Tước môn là đường phố chính, cho tới nay vẫn còn rộng với 147m (so với đường Chu Tước môn đời Tuỳ thì hẹp hơn 3m, có lẽ do việc xây dựng sau này lấn ra), chia bên Quách thành thành hai khu vực: khu Đông và khu Tây. Khu Tây chủ yếu là nơi các thương thân thuộc các sắc tộc thiểu số và thương nhân ngoại quốc đến mở cửa hàng buôn bán các loại trang phục, tơ lụa, châu báu, hương liệu và đặc sản của địa phương: Thời đó đã có thương nhân của 43 quốc gia và khu vực ngoài Trung Quốc đến buôn bán ở đây. Khu Đông có tới 220 cửa hàng lớn, phần lớn buôn bán các hàng hoá nội địa. Để tiện ''vi hành'' (đi thăm thú các nơi một cách bí mật, tự do thoải mát, không cần nghi trượng hộ vệ), Đường Huyền Tông đã cho làm một con đường hẻm, hai bên là tường cao, dài tới 7.970m, từ Cung Thái Minh dẫn tới Cung Hưng Khánh, men theo đường thành đi về phía Nam. Giữa các khu phố buôn bán đông vui sầm uất là những con đường rợp bóng hòe, bóng liễu, bao quanh những vườn cây, vườn hoa, hồ sen, đền chùa, miếu mạo, lâu đài, đình, tạ, vắng vẻ u tịch. Phía cực Nam của khu Đông là ''Phù Dung Viên'' nổi tiếng. Vào năm Đại lịch thứ ba (768), nhà Vua đã mở yến tiệc lớn, khao thưởng 3.500 tướng sĩ ở đây.

Là một trung tâm văn hóa, giao dịch Quốc tế lớn của Trung Quốc đương thời, hàng năm Trường An đón tiếp nhiều đoàn sứ giả các nước: khá đông du học sinh nhiều nước lân bang đã đến đây để học tập ngôn ngữ, văn chương, chính trị, giáo lý Đạo Phật. . . Tại nơi đây, nhiều nhà thơ lớn như Lý Bạch, Đỗ phủ, Bạch Cư Dị đã sáng tác những áng thơ bất hủ.

GS. ĐẶNG ĐỨC SIÊU




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/170-02-633386683210781250/95-Di-san-tieu-bieu/Truong-An.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận