THỜI KỲ KHÓ KHĂN
Einstein cho rằng nhà vật lý thiên tài Niels Bohr từ ngày còn bé đã bị thôi miên vì các tìm tòi của mình. Cũng có thể điều tương tự đã xảy ra với chính Einstein. Một thầy thuốc bạn ông đã viết “trí tuệ ông không có giới hạn... và không tuân thủ bất kỳ một quy tắc nào đã sắp đặt trước. Ông ta cứ ngủ khi chưa có ai đánh thức, ông cứ thức nếu không có ai nhắc ông đi ngủ, ông chỉ thấy đói khi người ta mang thức ăn đến và ông có thể ăn mãi nếu chưa có ai bảo ông dừng lại... Phải săn sóc sức khỏe ông hệt như săn sóc một đứa trẻ''.
Viết về bản thân, ông có những ý nghĩ ngồ ngộ: ''Để anh không cười tôi quá nhiều, tôi xin bổ sung: tôi hiểu rõ chính mình là một con chim ri hoa vui nhộn''.
Tuy Einstein thú nhận như vậy nhưng có lúc ông nói rằng ông ghen tị với người gác đèn biển cô đon trên ngọn hải đăng ở một nơi xa lắc, nhất là những lúc gặp khó khăn. Nặng nề nhất trong tâm tư nhà bác học, có lẽ là lúc nẩy sinh mối bất hòa với người vợ đầu, bà Mileva Maric mẹ của hai đứa con trai, người đã gắn bó với số phận của ông từ ngày họ còn là sinh viên.
Sự nặng nề truy đuổi ông không phải chỉ từ cuộc sống riêng tư. Sau khi Hitler giành được chính quyền năm 1933, Einstein phải tìm nơi ẩn náu tạm thời ở nước Bỉ dưới sự bảo trợ của hoàng hậu Elisabeth và quốc vương Albert. Họ đã che giấu ông khỏi sự đe doạ của bọn Đức quốc xã. Hai nhân viên an ninh luôn luôn tháp tùng ông giáo sư 54 tuổi.
Einstein được phong hàm giáo sư danh dự ở Paris và Madrid. Người Mỹ mời ông đến Princeton vào làm việc ở viện nghiên cứu cơ bản (Institut for Advanced Study). Quả là Einstein đã nhầm khi chọn Princeton. Suốt 22 năm cho đến ngày ông mất, “thành phố bác học'' yên tĩnh này là nơi cư trú lý tưởng của ông. Ông được tự do và độc lập. Ông chẳng trách nhiệm gì ngoài việc được làm theo ý muốn. Những năm ở đây ông đã tìm kiếm những quy luật của một lý thuyết trường thống nhất. Ông tin tưởng thiên nhiên chứa đựng mọi quy luật giải thích những tác động tương hỗ của các khối lượng và điện tích, mọi biểu hiện của lực hấp dẫn và lực điện tích tất thẩy được ''thâu tóm” vào một thế giới thống nhất.
Trên cái lò sưởi trong phòng làm việc của nhà bác học ở Princeton có khắc dòng chữ “Thượng đế sắc sảo nhưng không ác ý”. Câu đó thể hiện lòng tin của Einstein vào sự cấu tạo thông minh của tự nhiên niềm tin đã cổ vũ ông trong quá trình đi tìm một lý thuyết thống nhất. Nhưng lý thuyết đó không đến với ông, những khó khăn lại chồng chất trên đường đi tới. Thời gian này đối với ông lại là thời kỳ đầy khó khăn. Những nhà lý thuyết khác tuy tỏ ra rất kính phục ông nhưng không tán đồng những tìm tòi lao tâm khổ tứ ấy.
Năm 1923 khi được hỏi ý kiến về lý thuyết tương đối, Ernest Rutherford đã trả lời: ''À, chuyện vớ vẩn ấy... Nó không cần thiết đối với công việc của chúng tôi''.
Năm tháng trôi qua. Einstein đích thực trở thành người gác đèn biển cô đơn. Cây đèn soi đường ''chẳng dẫn tới đâu'' như đa số những người cùng thời nhận thức. Nhưng biết đâu trong những hy vọng của mình, dù sao ông cũng đã đúng? Bỏi vì việc tìm kiếm một lý thuyết thống nhất, tuy bằng những con đường khác đi ít nhiều đã cuốn hút nhiều nhà vật lý và việc tìm kiếm đó đang tiếp tục không phải là vô ích ở thời đại chúng ta. Quả thực, hiện nay trong khoa học đang tiến hành chính chương trình của Einstein...
TẤN BI KỊCH CỦA CÁC Ý TƯỞNG
Nỗi cô đơn của Einstein vào cuối đời còn sâu sắc thêm bởi một lý do khác. Trong bức thư của Einstein năm 1947 gửi nhà vật lý Đức xuất chúng Max Born có câu thế này: ''Anh có tin là Chúa Trời đang chơi trò xúc xắc không, còn tôi thì tin vào tính có quy luật hoàn toàn trong thế giới của hiện hữu khách quan...''. Những lời đó có nghĩa rằng, theo Einstein do các quy luật của ngẫu nhiên thống trị, Tự nhiên không phải là một thế giới xác suất, ngược với các khái niệm của cơ học lượng tử.
Thật là kì lạ: Einstein người có những phát minh khởi đầu cho nghiên cứu sóng-hạt, người đã làm được bao nhiêu việc cho sự ra đời của môn cơ học của các “vi nhân sư” ấy lại vẫn tin tưởng vào tính nhân quả đơn trị cổ điển! Trong lịch sử vật lý vẫn còn kỉ niệm về ''cuộc đấu thế kỉ'' - cuộc đấu tay đôi của ông với Niels Bohr trên diễn đàn đại hội Solvay tại Brussels năm 1927.
Năm 1911 nhà công nghệ hoá học và doanh gia Bỉ Ernest Solvay (1838-1933) và nhà vật lý - hóa học xuất sắc Đức Walter Nernst (1864-1941) đã quyết định nhóm họp tại Brussels những nhà Vật lý danh tiếng để thảo luận các vấn đề khoa học hiện đại, do doanh nghiệp của Solvay tài trợ (cho nên các kì Đại hội mang tên ông).
Ngày ngày Einstein đưa ra những luận cứ phản đối tinh tế nhất chống lại nguyên lý chủ yếu của lý thuyết lượng tử là hệ thức bất định, nhưng lần nào ông cũng thua. Cuộc tranh luận đã bộc lộ không thương tiếc rằng về phía Bohr là những hiện thực đầy nghịch lý của thế giới vi mô, còn về phía Eisntein chỉ có một truyền thống cổ điển và lòng tin vào tính khả thi của thế giới. Đây là chỗ vật lý thì kết thúc và triết học bắt đầu. Không phải tự dưng mà Einstein đã nói như sau về lịch sử vật lý: ''Đó là một tấn bi kịch - tấn bi kịch của các ý tưởng''.