CÚ ĐỘT PHÁ TỚI SỰ SÁNG TỎ
Có một lần Einstein hài hước nói: ''Bây giờ thì tôi đã hiểu ra vì sao không ít người trên Trái Đất thích chẻ củi... Vì họ thấy ngay kết quả lao động của mình…'' Còn kết quả lao động sáng tạo không thể tìm thấy ngay. Nhà bác học đã viết trong một bài báo: ''Chỉ có những người từng trải mới hiểu được thế nào là những tìm kiếm đầy những linh cảm những năm tháng dài đằng đẵng mò mẫm trong bóng đêm, hồi hộp và khao khát đợi chờ, từ vững tâm đi tới kiệt sức và cuối cùng là cú đột phá đem lại sự sáng tỏ''.
Bà Eva, con gái út của nhà vật lý nữ nổi tiếng Marie Curie nhớ lại thời thơ ấu trong một chuyến du lịch trên dãy núi Alpes cùng với gia đình năm 1913, có Einstein và người con trai cả của ông là Hans cùng tham gia. Lúc bấy giờ Hans mới lên 10. Bọn trẻ nghe người lớn nói chuyện và reo lên khi nghe Einstein nói với Marie: chị có hiểu không, tôi muốn biết những gì xẩy ra với những người đi thang máy khi nó rơi vào chân không!'' Eva đã ghi lại: ''Chúng tôi đâu có ngờ hình ảnh tưởng tượng về chiếc thang máy rơi có liên quan tới những vấn đề cơ bản của thuyết tương đối?''
Chắc chắn là trong thời gian du ngoạn trên dãy núi Alpes, Einstein chưa có câu trả lời đầy đủ về vấn đề chiếc thang máy rơi. Vấn đề ám ảnh là hiện tượng rơi tự do của vật thể trong trường hấp dẫn. Bản chất của hiện tượng hấp dẫn là gì?
Trong môn cơ học kinh điển, vạn vật hấp dẫn là lực hút tương tác của các khối lượng tương ứng với định luật Newton thông qua môi trường chân không. Không có gì nối kết các khối lượng hấp dẫn, cũng không có khái niệm về trường hấp dẫn là vật mang năng lượng hấp dẫn nối kết tất cả các vật thể. Lại càng không thấy vai trò vật lý của những đặc tính hình học của không gian được ấn định trước rất chặt chẽ bởi các tiên đề Euclid.
Theo lý thuyết tương đối tổng quát của Einstein, tất cả các vật thể tuỳ theo khối lượng của mình đã uốn cong không gian bao quanh tựa như tác động lên đó bằng trọng lực của bản thân. Vật thể có khối lượng nhỏ có xu hướng trượt tới vật thể có khối lượng lớn hơn theo những quỹ đạo cong xuất hiện một cách tự nhiên.
Einstein “có hạnh phúc nhận biết” cấu trúc của Vũ Trụ. Đó là bản chất lực hấp dẫn kết nối tất cả các vật thể trong Vũ Trụ. Lực hấp dẫn có thể hình dung là tác động tương hỗ bằng lực của khối lượng, thực chất là biểu hiện những đặc tính hình học của không gian, chính xác hơn, của không gian - thời gian, những tính chất sinh ra bởi độ cong của Vũ Trụ chúng ra. Đến lượt mình, độ cong sinh ra bởi vì Vũ Trụ không trống rỗng mà chứa đầy vật chất - vật chất hữu hình và trường... Nếu lấy mốc tính từ năm 1905 thì sự hình thành trọn vẹn lý thuyết tương đối tổng quát mất cả chục năm. Bước nhảy vọt quyết định diễn ra năm 1951 khi vào một ngày đẹp trời ông phát hiện ra những phương trình của mình có khả năng giải thích điều mà cơ học Newton coi là một bí ẩn. Bí ẩn đã làm điên đầu các nhà thiên văn trong suốt một thế kỷ là sự chuyển dịch thêm 43'' của điểm cận nhật của Sao Thủy trong một thế kỷ. Einstein đã thực sự vui mừng xen lẫn bàng hoàng. Ông thừa nhận với bạn mình Paul Erenfest: tôi đã có một tuần phấn chấn tột độ''.
NIỀM TIN VÀ PHƯƠNG PHÁP EINSTEIN
Mục đích của tư duy chính là tư duy cũng giống như
mục đích của âm nhạc chính là âm nhạc.
A. Einstein
Lúc tuổi đã cao, Einstein hồi tưởng: ''Mặc dầu song thân tôi vốn là những người không theo một tôn giáo nào, tôi vẫn có lòng tin sâu sắc vào tôn giáo trong một môi trường giáo dục truyền thống. Thế nhưng đến tuổi 12 tôn giáo đã đổ vỡ. Đọc những cuốn khoa học thường thức, tôi khẳng định nhiều điều trong Kinh Thánh không đúng thật... Những xúc cảm ấy làm tôi hoài nghi mọi kiểu uy tín, hoài nghi trước các tín ngưỡng và niềm tin của đời thường xung quanh tôi. Từ ấy, chủ nghĩa hoài nghi theo cả cuộc đời''.
Mất thiên đường tôn giáo thời niên thiếu dựa trên đức tin truyền thống, Einstein tìm thấy một thiên đường khác: chân lý khoa học. ''Con đường dẫn tôi đến thiên đường ấy không suôn sẻ và không cám ơn như con đường dẫn tới thiên đường của tôn giáo nhưng nó đáng tin cậy và không bao giờ tôi ân hận vì đã đi trên con đường đó''.
Einstein đã viết những lời tâm huyết ấy. Một lần khác ông lại viết: ''Điều khó hiểu nhất trong thế giới này chính là điều chúng ta có thể hiểu được thế giới''. Theo ông tất cả những cố gắng của chúng ta để hiểu biết thế giới ''dựa trên niềm tin rằng sự vật có một cấu trúc hoàn toàn hài hoà. Và ngay bây giờ chúng ta có rất ít cơ sở để từ bỏ lòng tin vào sự tuyệt diệu này”.
Giã từ lòng tin vào Chúa Trời trong Kinh Thánh, ông tìm thấy lòng tin ở sự hài hoà của Vũ Trụ. Với những người Hi Lạp cổ đại, thế giới là sự hài hoà trên những nguyên lý toán học gọi là Cosmos (Vũ Trụ có trật tự). Vào thế kỷ XX, Einstein tìm được từ trong quên lãng một Vũ trụ có trật tự mới, một thuyết minh toán học về toàn bộ Tự nhiên và tất thảy những tương tác.
Nhà triết học Hà Lan Benedict Spinoza (1632 -1677), người có ảnh hưởng nhiều tới thế giới quan của Einstein, đã dạy rằng chỉ có tư duy theo phương pháp toán học mới đạt tới chân lý. Trong thiên nhiên không có gì đối lập với những quy luật của chính nó, những quy luật ta có thể hiểu tường tận nhờ toán học, sản sinh từ trí tuệ và tâm hồn con người, một phần của thực thể lý trí thống nhất mà ngoài thực thể đó không có Thiên nhiên cũng chẳng có Thượng đế. Thượng đế cũng vậy thôi, chỉ toàn bộ thiên nhiên. Hiểu được thiên nhiên, con người sẽ hiểu được Thượng đế và hiểu được chính mình. Thiên nhiên là vĩnh hằng và có lý trí vì Thiên nhiên là đồng nhất với Thượng đế vĩnh hằng và có lý trí. Thế nhưng Thượng đế mà Spinoza ngưỡng mộ không phải là Chúa Trời trong Kinh Thánh. Năm 1930, Einstein đúc kết quan điểm của mình như sau: ''Tôi không tin ở Thượng đế, một Thượng đế quen ban thưởng và trừng phạt...'' Rồi ông nói rõ thêm ''Tôi tin ở Thượng đế của Spinoza, thể hiện mình ở tính trật tự của Vũ Trụ chứ không phải một Thượng đế quyết định số phận và việc làm của con người''. Quan điểm đồng nhất Thượng đế với Thiên nhiên là ''thuyết phiếm thần''. Theo cách gọi của Voltaire, nhà triết học và thần học Pháp thì đó là ''một dạng lịch thiệp của chủ nghĩa vô thần''.
Tuy nhiên Einstein cũng nói tới ''sự rùng mình huyền bí” và ''nỗi vui sướng quên cả mình'' xuất hiện ở ông khi nhận biết được ''tính lý trí vô biên'' của cấu trúc Vũ Trụ: ''ý tưởng về Thượng đế của tôi... chính là lòng tin sâu sắc vào tính cân đối lôgic tối cao của cấu trúc Vũ Trụ''.
Tín ngưỡng vũ trụ của Einstein là như thế. Tín ngưỡng ấy Einstein thường truyền bá công khai. Trong quãng đời sống ở Hoa Kỳ (từ năm 1933) nhà bác học đã phải chịu đựng những lời nguyền rủa và đe doạ công khái ''Sao lại cho phép một tên lưu vong thoá mạ lòng tin ở Thượng đế ?''
Einstein nói rằng ông đã xây dựng nên thuyết tương đối tổng quát trước hết là nhờ niềm tin vô bờ của mình vào vẻ đẹp nội tại sâu sắc và tính lý trí của Vũ Trụ. Năm 1918, ông nói trong một diễn văn: ''Không phải con đường lôgic, mà chỉ có trực giác đã trên linh cảm thực nghiệm mới dẫn tới những nguyên lý cơ bản của lý thuyết vật lý''. ''Linh cảm thực nghiệm'' nghĩa là hiểu được tự nhiên trên cơ sở ''sáng tạo tự do của tinh thần con người''. Lý thuyết vật lý được tạo bởi ''sáng tạo tự do'' của trực giác, chứ không phải bởi lôgic đơn điệu của lý trí. Trong các bài giảng của ông ở Đại học tổng hợp Princeton (Hoa Kỳ) năm 1921, ông đã định nghĩa khoa học là “công trình sáng tạo của lý trí con người” với những ý tưởng và khái niệm được phát kiến một cách tự do''. Các khái niệm là những phát minh tự do của lý trí, các định đề (tiên đề) hay các định luật của lý thuyết là những câu đố không thể đưa ra một cách lôgic hay thu được bằng phép quy nạp trên cơ sở dữ liệu thí nghiệm.
Đây là một phương pháp nhận thức hoàn toàn khác so với lối tư duy ''tôi không bịa ra các giả thuyết'' của Newton. Thay cho việc chuyển dịch quy nạp chậm chạp từ sự phân tích các dữ liệu thí nghiệm đến một lý thuyết giải thích các dữ liệu đó, Einstein đã đặt trọng tâm và tính ăn khớp vào tính hài hoà của những nguyên lý phổ quát nhất. Niềm tin vào sức sáng tạo tự do ra các ý tưởng là niềm tin và sức mạnh của lý trí con người, điều mà Einstein cùng chung quan điểm với Spinoza. Khi tạo ra lý thuyết hấp dẫn vũ trụ, nhà bác học đã xuất phát từ ''linh cảm thực nghiệm''. Nhưng đồng thời ông cũng khẳng định rằng thực nghiệm mà thiếu các ý tưởng tự do và sự phân tích triết học sâu sắc thì không thể giúp ông đi sâu vào cấu trúc của không gian và thời gian vì nó khác rất xa với cảm nhận trực tiếp thông thường. Einstein là một nghệ sĩ, một triết gia và một nhà tư tưởng tôn giáo, chính vì thế ông đã trở thành nhà cải cách khoa học về tự nhiên.