Tài liệu: Người bị trục xuất

Tài liệu
Người bị trục xuất

Nội dung

NGƯỜI BỊ TRỤC XUẤT

 

Từ năm 1920, ở châu Âu đã ra đời một tổ chức lấy tên là ''Liên đoàn chống Einstein''. Thành phần của liên đoàn hoàn toàn không phải là những kẻ dốt nát. Đứng đầu liên đoàn là hai nhà vật lý Đức được giải thưởng Nobel: Philipp Lenard và Johannes Stark. Gần tới ngày ''nạn dịch hạch nâu'' (chủ nghĩa phát xít) hoành hành, Lenard cho ra đời cuốn sách giáo khoa ''Vật lý học Đức'', trong đó cái gọi là (“vật lý Đức chân chính” đối lập với mọi lý thuyết ''ngoại chủng''.

Tất nhiên bọn phân biệt chủng tộc không thể chấp nhận Einstein, một con người theo chủ nghĩa thế giới, chủ nghĩa hoà bình, lại là dân Do thái, được nhận vinh quang toàn cầu Viện Hàn lâm Khoa học Phổ đã vào hùa với nhau hòng loại trừ nhà bác học. Và thế là Einstein gửi đơn từ bỏ trách nhiệm viện sĩ và năm 1933 rời nước Đức. Trong thời gian vắng ông, bọn Gestapo (mật thám Đức) đã phá tan ngôi nhà ông ở. Số phận nghiệt ngã cũng không buông tha khi ông ở Mỹ. Năm 1939 nhà vật lý Pháp Irène Joliot - Curie và nhà hoá học phóng xạ Đức Otto Hahn độc lập với nhau đã phát hiện ra hiệu ứng phân hạch urani. Nhà vật lý Fermi nêu lên ý tưởng về phản ứng dây chuyền hạt nhân thông qua các notron. Các nhà bác học đã nêu lên khả năng chế tạo bom hạt nhân với hậu quả khủng khiếp. Ngày 2 tháng 8 năm 1939, hai nhà vật lý Mỹ Szilard và Teller yêu cầu Einstein với vị thế và uy tín to lớn của mình gửi thư cho tổng thống Franklin Roosevelt cảnh báo tai hoạ khủng khiếp cho loài người: việc gì sẽ xảy ra nếu nước Đức chế tạo được thứ vũ khí ghê gớm đó? Einstein chuyển bức thư đến tổng thống Mỹ. Không ngờ chính lời cảnh báo ấy lại dẫn tới quả bom nguyên tử nổ tung trên địa cầu.

Sáu năm sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Einstein tự nhận mình có một phần trách nhiệm. Ông quyết định tham gia phong trào đấu tranh chống lại việc dùng năng lượng nguyên tử phục vụ chiến tranh nhưng ''âm binh đã thoát khỏi vòng cương toả''. Bom khinh khí gần như đồng thời đã ra đời ở Liên Xô và Mỹ. Einstein liền phát biểu trên truyền hình New York: ''Người ta đang đưa nước Mỹ tới chủ nghĩa phát xít và chiến tranh''. Thế là nhà bác học ở vào tình trạng ''trên đe dưới búa''. Ở nước Mỹ đang trong cao trào chống bí mật theo dõi, bị quy kết cho chế độ cộng sản và bị bài xích. Còn nước Nga lại coi lý thuyết của ông là lý thuyết ''tư sản'', ''duy tâm'', và thậm chí ''xiônit”.

GIA ĐÌNH EINSTEIN

Hồi học ở Trường bách khoa Zurich, Einstein đã làm quen với Mileva Maric - nữ sinh duy nhất cùng lớp. Thời bấy giờ dư luận xã hội thường định kiến với việc con gái vào học ở một trường nổi tiếng như thế ở châu Âu. Người ta cho rằng phải có một trái tim sắt đá với một nghị lực phi thường mới có thể làm được. Những ai ở Zurich biết Mileva đều mô tả nàng như “một người con gái có duyên, nhút nhát, tốt bụng” và đặc biệt là ''giản dị và khiêm tốn''.

Einstein gắn bó với người con gái bé nhỏ, mảnh mai nhiều hơn anh 4 tuổi đã làm những người quen biết phải ngạc nhiên. Một chàng trai với thể hình và trí tuệ như thế không mấy khó khăn có thể vươn tới những thắng lợi rực rỡ hơn theo quan điểm thông thường. Thế nhưng Einstein lại tìm thấy ở Mileva một người bạn chiến đấu có thể chia sẻ buồn vui.

  
Trong lúc ấy, Albert lại cảm thấy đơn độc vì xung quanh đầy rẫy bọn nhỏ nhen. Chàng cảm thấy chỉ có Mileva có tâm hồn gần gũi với mình và có thể giao tiếp thân mật. Gia đình Einstein tiếp nhận Mileva rất lạnh nhạt, hơn nữa chưa có gì đảm bảo cuộc sống cho đôi trẻ, chỉ sau khi Albert đi làm ở Cục cấp bằng sáng chế tại Bern họ mới có điều kiện cưới nhau. Trước đó họ đã có một con gái. Hình như Einstein chưa bao giờ nhìn thấy con mình. Đành phải để đứa bé cho người khác nuôi vì Einstein bận công việc nhà nước, và vì lý do có con ngoài giá thú, ông có thể mất việc. Mileva yêu chồng say đắm nên mặc dù không muốn xa con gái nhưng đành phục tùng con đường chồng đã chọn. Theo thời gian nàng cảm thấy mình có tội. Việc từ bỏ con làm Mileva suy sụp và nàng không thể hồi phục hoàn toàn. Và thế là cuộc hôn nhân đã mong đợi nhiều năm đã không mang lại hạnh phúc.

Một số nhà viết sử mô tả Mileva gần như là đồng tác giả của lý thuyết tương đối song vai trò đích thực của bà trong sự hình thành lý thuyết ấy lại nằm ở chỗ khác. Có lần Einstein đã phát biểu rằng ông có thể sống và làm việc như người canh đèn biển trên một hòn đảo nhỏ nhoi vì ông, ít phải lệ thuộc vào những người quanh mình. Nhưng thật ra ông luôn luôn phải dựa vào các đồng nghiệp trong suốt cuộc đời hoạt động khoa học của mình. Nhiều người trong số đó đã nhớ lại rằng ông cần có người để bộc lộ những ý tưởng của mình trong số những người thích nghe và chăm chú nghe. Một con người như thế chính là Mileva khi Einstein trăn trở với thuyết tương đối. Để vào cuộc thay đổi lại bức tranh thế giới mà không chỉ những nhà vật lý thời đó mà còn toàn bộ xã hội loài người tin theo phải có lòng dũng cảm và sự quyết tâm. Chính Mileva đã truyền cho Einstein sức mạnh tình yêu của nàng và lòng tin không gì lay chuyển vào lẽ phải của ông.

Năm 1904 Hans Albert đứa con trai đầu ra đời và năm 1910 là Eduard, đứa thứ hai. Einstein quan tâm tới các con, dịu dàng âu yếm chúng song quan hệ với bọn trẻ không đơn giản. Hans không nghe theo lời bố, mới ở tuổi thiếu niên cậu đã tuyên bố sẽ trở thành kỹ sư. Einstein, vốn là nhà lý thuyết tới xương tủy nên rất thất vọng trước quyết định của con trai mình. Tuy nhiên về sau ông lại tự hào về sự tiến bộ của cậu. Vào cuối đời ông viết cho Hans: ''Cứ giữ nguyên như thế, như con đã có trước đây. Đừng để mất những xúc cảm hài hước, phải nhân ái với mọi người, mặc cho họ nói, họ làm. Cha của con''.

Số phận của cậu em Eduard diễn ra thật bi đát. Nhiều người cùng thời cho rằng chính cậu sẽ là người kế thừa ánh lửa trí tuệ từ Einstein. Giữa những người cùng lứa, cậu tỏ ra thông minh hơn và giỏi đối đáp. Toán học và vật lý không hấp dẫn Eduard. Chàng trai chỉ thích văn học và nghệ thuật và có năng khiếu âm nhạc. Cậu ước mơ chứng minh mình xứng đáng là con trai của một người cha vĩ đại, và đã cố gắng đạt tiến bộ về môn tâm lý học và tâm thần học. Cậu rất khâm phục những công trình của Sigmund Freud (1856 - 1939), nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần người Áo. Thế nhưng, thật bất hạnh, Eduard không trở thành nhà phân tích tâm lý mà lại là một bệnh nhân tâm thần. Trong quá trình học tập, cậu mắc chứng trầm uất. Người cha cố gắng khích lệ con, bà mẹ thì cố mời những bác sĩ tâm thần nổi tiếng của Thụy Sĩ và Áo chữa cho cậu nhưng họ cũng không giúp được gì. Eduard được đưa vào bệnh viện tâm thần, nơi người ta quen áp dụng những biện pháp điều trị dã man trong đó có biện pháp điện châm. Cứ thế cậu vào ra bệnh viện nhiều lần và cuối cùng qua đời ở đấy.

Quan hệ vợ chồng giữa Mileva và Einstein cứ xấu dần. Sự tận tuỵ chung thuỷ của bà đối với ông giờ đã biến thành thái độ sở hữu. Trước kia họ cùng sát cánh với nhau trong sự đối mặt với cả thế giới. Lúc này khi vinh quang đến với Einstein, mọi người thường lui tới gặp gỡ ông thì Mileva coi đó là sự phản bội.

Vào năm 1912, Einstein viết thư cho Elsa, một người em gái họ. Ông đã phải lòng Elsa và đến tháng 2 năm 1916 ông yêu cầu vợ ly hôn. Tin dữ tức thì quật ngã bà. Mileva ốm nặng, tựa như cái chết đã gần kề. Sau vài năm đau khổ, bà đồng ý ly hôn và bọn trẻ sống với mẹ. Năm 1919, Einstein kết hôn Elsa. Hai năm sau, ông nhận giải Nobel. Tiền thưởng ông chuyển hết cho Mileva và các con.

Cuộc sống của Elsa cũng không dễ dàng. Người đời gièm pha, tung tin rằng bà không thật thông minh để có thể là bạn đồng hành của Einstein. Về điểm này Philipp Franck nhà vật lý và triết học người Mỹ gốc Áo đã viết: ''Thiên hạ thiên về việc chê bai bà một cách quá đáng, dường như để bù lại sự tôn kính miễn cưỡng của họ với chồng bà, đổ xuống đầu bà tất cả những lời trách móc mà thực ra nói với ông''. Khi Elsa vì bệnh thận và tim quá nặng, theo Leopold Infeld,  nhà vật lý Ba Lan, cộng tác viên của Einstein kể lại, Einstein ''sốt sắng chăm lo vợ và buồn đau sâu sắc” rồi “lại điềm tĩnh làm tiếp công việc của mình”.

 

5000 MÁC CHO MỘT CÁI ĐẦU

Năm 1943 những người chống phát xít ở Mỹ cần có bản thảo công trình nghiên cứu về lý thuyết tương đối của Einstein mà ông đã viết năm 1905. Họ đã có sáng kiến tổ chức bán đấu giá bản thảo này để quyên góp phương tiện vật chất cho những người lính tình nguyện. Einstein đồng ý bán đấu giá bản gốc của mình nhưng quên mất rằng ông đã dùng 30 trang bản thảo đó cho một công việc khác. Ông phải viết lại những trang này. Cô thư ký có tên là Ellen Dukas đọc cho ông viết. Thỉnh thoảng ông dừng lại hỏi cô đọc có đúng không rồi bảo: ''Phải tôi thì tôi nói đơn giản hơn!''.

Bản viết tay đó bán được 6 triệu đô la Mỹ, góp phần vào việc tiêu diệt bọn Quốc xã, những kẻ vào thập kỷ 1930 đã tuyên bố lý thuyết tương đối là ''cái trò Do Thái'' và treo giá 50000 đồng mác cho kẻ nào lấy được đầu ông. Khi biết tin bọn Hitler đánh giá cái đầu ông với số tiền ấy, Einstein lúc này đang ở nước khác nói châm biếm rằng như thế là quá đắt. Quả là, chỉ có mình ông mới có quyền nói ra một câu đùa như thế!

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1128-02-633396366175312500/Albert-Einstein/Nguoi-bi-truc-xuat.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận