NHÀ CẢI CÁCH KHOA HỌC TỰ NHIÊN.
Mùa thu năm 1895 Albert nộp đơn thi vào Trường đại học Bách khoa Zurich, nổi tiếng về chất lượng đào tạo ở châu Âu. Ông không đỗ: môn toán đạt xuất sắc nhưng trượt môn tiếng Pháp và môn thực vật. Albert đành phải học cho xong năm học cuối cùng trường trung học hàng tổng ở Aarau và năm 1896 vào học khoa sư phạm Trường Bách khoa chuyên đào tạo giáo viên dạy toán và các môn khoa học tự nhiên. Năm 1900 ông nhận bằng tốt nghiệp khao khát bấy lâu và giấy tờ chứng nhận là công dân Thụy Sĩ, cho phép ông ít ra cũng được làm giáo viên ở trường trung học. Albert cũng có thể ở lại trường Bách khoa để nhận học hàm giáo sư. Thế nhưng cả hai vị trí đều chẳng đến với ông. Không một ai trong số các nhà khoa học vẫn khen ngợi tài năng của ông nhận ông về làm trợ lý. Nhớ về thời trai trẻ của mình, Einstein đã nói: ''Các giáo sư rẻ rúng tôi, không thích tôi chỉ vì cái tính độc lập của tôi và thế là họ chặn đứng con đường đưa tôi đến với khoa học...''
Sau khi học xong đại học suốt hai năm ròng Albert không tìm được việc làm cố định. Ngay cả cánh cổng các trường trung học cũng khép lại trước mắt ông. Sau này ông đã viết: ''Cảnh nghèo túng nghiệt ngã đến mức suốt một năm trời tôi không thể nghĩ đến một vấn đề gì trừu tượng''. Chính trong thời gian ăn uống đạm bạc ấy ông đã bị đau dạ dày không thể chữa khỏi. Cuối cùng vào năm 1902, may mắn mới mỉm cười với ông. Nhờ người bạn cũ thời còn sinh viên Marcell Grossman ông được vào làm ở Cục cấp bằng phát minh sáng chế ở Bern với chức danh giám định viên kỹ thuật loại III.
Năm 1905 ở tuổi 26, Einstein đã là người tạo dựng lý thuyết chuyển động Brown, lý thuyết photon và lý thuyết tương đối hẹp trong lúc vẫn làm việc giám định đơn xin đăng ký sáng chế. Người đứng đầu môn vật lý lý thuyết châu Âu lúc bấy giờ là Max Planck gọi ông là ''nhà vật lý vĩ đại nhất của thời đại chúng ta'' và đề nghị với trường Đại học tổng hợp Bern nhận ông vào làm ít nhất là phó giáo sư. Trường này từ chối và điều ấy chẳng có gì là khó hiểu. Ông giới thiệu với trường đại học công trình về thuyết tương đối của mình nhưng chẳng có ai hiểu được (thậm chí về sau nhà vật lý người Pháp Paul Langevin thường nói đùa rằng chỉ có 12 người trên thế giới hiểu được thuyết tương đối!). Mãi tới năm 1909, tại trường Đại học Zurich mới xuất hiện thông báo về những bài giảng của giáo sư thỉnh giảng (không thuộc biên chế) Albert Einstein. Ở Zurich vinh dự có vẫn nhiều nhưng lương bổng lại thấp hơn so với ở Bern. Phát kiến về lý thuyết đối rộng của Einstein ra đời trong một căn phòng nhỏ xíu, vừa để làm việc, vừa để ngủ, vừa để… nuôi trẻ. Nhà vật lý Đức Max von Laue, người thường lui tới thăm Einstein đã nhớ lại: “Trong phòng có một dây phơi, treo đầy tã lót và quần áo trẻ con”.
Cuối cùng, vào năm 1911 một lời mời đã đến với ông: ông được mời làm trưởng một bộ môn độc lập thuộc trường đại học của Đức tại Praha. Năm 1912, Einstein được mời về bộ môn vật lý lý thuyết thuộc bách khoa Zurich, nơi ngày xưa ông đã ngồi trên ghế sinh viên. Đến năm 1913 theo đề xuất của Planck và Nernst, ông được đề bạt làm giám đốc Viện vật lý Hoàng đế Wilhelm ở Berlin và được bầu vào Viện hàn lâm khoa học Phổ. Phải 3 năm nữa lý thuyết tương đối tổng quát mới hoàn tất. Còn đòi hỏi thêm gì nữa đề trở thành viện sĩ hàn lâm?
Năm 1912, trong lời đề cử bầu Einstein vào Viện hàn lâm khoa học Phổ, M. Planck, W. Nerst, H. Rubens vào H.Warburg đã viết: ''Trong các kiến tạo tư biện của mình, có thể đôi khi ông ấy đi quá xa, ví dụ như trong giả thuyết lượng tử ánh sáng, nhưng cũng không nên trách cứ ông ấy thái quá, bởi vì nếu không mạo hiểm thì không thể có đóng góp gì lớn cho dù là vào môn khoa học tự nhiên chính xác''.
Năm 1919 những quan sát về nhật thực khẳng định lý thuyết hấp dẫn của ông. Vinh quang chưa từng có đã đến với ông không phải chỉ từ riêng châu Âu mà có quy mô toàn thế giới. Năm 1921 ông được giải thưởng Nobel, không phải vì lý thuyết tương đối mà vì lý thuyết hiệu ứng quang điện do ông phát hiện từ năm 1905 (có lẽ Hội đồng giải thưởng Nobel vẫn còn thận trọng đối với thuyết tương đối). Từ ngày ấy tên tuổi Einstein được mọi người nhắc tới mãi.