LỰC NẤP DẪN VÀ ÊTE
Newton thừa nhận ông chưa biết được bản chất của lực hấp dẫn. Ông hiểu nó tác động như thế nào nhưng chưa hiểu được vì sao lại có lực đó. Newton viết: ''Cho đến tận bây giờ tôi đã giải thích các hiện tượng Vũ Trụ và thủy triều trên các đại dương của chúng ta trên cơ sở lực hấp dẫn nhưng tôi không nêu được nguyên nhân của lực hấp dẫn đó. Lực này xuất xứ từ một nguyên nhân nào đó xuyên thấu tới tâm Mặt Trời và các hành tinh mà không hề giảm cường độ và không tỉ lệ với độ lớn bề mặt các phần mà lực đó tác động tới (như đã thường xảy ra đối với những nguyên nhân cơ học) mà tỉ lệ với số lượng các vật thể rắn, hơn nữa tác động đó lan truyền ra mọi phía ở những khoảng cách khá lớn và tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách. Sức hút về phía Mặt Trời gồm lực hấp dẫn về phía những phần riêng biệt của nó và càng xa Mặt Trời càng giảm cường độ theo đúng luật tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách mãi cho tới quỹ đạo của Sao Thổ, điều này suy ra từ sự không thay đổi vị trí của các điểm viễn nhật của các hành tinh và cả đến các điểm viễn nhật cực xa của các sao chổi nếu như các điểm viễn nhật ấy đứng yên. Nguyên nhân của các tính chất này của lực hấp dẫn cho đến nay, tôi chưa rút ra được từ những hiện tượng và tôi không bịa ra các giả thuyết. Những gì không rút ra được từ các hiện tượng phải gọi là giả thuyết. Mà các giả thuyết dù là siêu hình, vật lý, hoặc cơ học đều không có chỗ đứng trong môn triết học thực nghiệm.
Trong môn triết học này mọi kết luận đều phải xuất phát từ các hiện tượng và được khái quát bằng phương pháp quy nạp. Thí dụ người ta đã làm như vậy khi nghiên cứu tính không thấm (impermeability), độ linh động (mobility) hay áp lực của vật thể, các định luật chuyển động và lực hấp dẫn. Ta có thể tin chắc lực hấp dẫn là có thật và nó tác động theo những quy luật chúng tôi đã trình bày và thế là hoàn toàn có đủ cơ sở để giải thích những chuyển động của các thiên thể và của biển cả''.
Kết thúc cuốn thứ ba, là phần Newton nói tới ête được xem như một thứ vật chất giả thuyết tinh tế, chiếm đầy không gian. Ông viết: ''Bây giờ cần bổ sung vài điều về cái chất ête mỏng manh nhất, có khả năng xuyên thấm mọi vật thể đặc và chứa chất trong đó qua đó bằng lực và tác động, các phần tử của các vật hút lẫn nhau trong khoảng cách cực ngắn và khi chạm vào nhau thì liên kết lại các vật thể nhiễm điện tác động đối với nhau ở những khoảng cách xa hoặc đẩy hoặc hút những vật thể nhỏ hơn, các tia sáng phát ra phản xạ khúc xạ, làm lệch hướng và nung nóng vật thể, những cảm giác được kích thích, bắt cơ thể sinh vật phải hoạt động nhờ có những dao động của chất ête này truyền dẫn từ những giác quan bên ngoài đến bộ não và từ bộ não tới các cơ bắp. Thế nhưng điều đó không thể trình bày ngắn gọn, vả lại chưa có đủ nhiều thí nghiệm khẳng định chính xác các định luật tác động của ête ấy''.
Lúc Isaac Newton còn sống, đã có ba lần xuất bản cuốn ''Những nguyên lý toán học của triết học tự nhiên'' vào các năm 1687, 1713 và 1725. Đến năm 1727, tác phẩm ban đầu được viết bằng tiếng Latinh vốn là ngôn ngữ gốc để thể hiện các công trình khoa học thời bấy giờ đã được dịch ra tiếng Anh. Newton đã sống và sáng tạo cách chúng ta ba thế kỷ. Di sản của ông để lại rất phong phú và đa dạng, trong đó ''Những nguyên lý toán học...'' xứng đáng chiếm vị trí danh dự. Các thế hệ những nhà bác học kế tiếp với lòng tôn kính đọc các trang sách ''Những nguyên lý...'' trong đó Newton truyền lại cho loài người phương pháp nghiên cầu tự nhiên chỉ rõ những vấn đề chủ yếu và vẽ nên bức tranh về cấu trúc cân đối và thống nhất của Vũ Trụ.
Bước phát triển tiếp theo của vật lý với sự ra đời của thuyết tương đối và cơ học lượng tử chỉ là nâng cao độ chính xác và mở rộng giới hạn của cơ học Newton chứ hoàn toàn không hề phủ nhận những nội dung cơ bản của nó. Qua thử thách của thời gian tác phẩm bất hủ vẫn là cơ sở của bức tranh hiện đại về Vũ Trụ và của khoa học tự nhiên ngày nay.