Tài liệu: Thiên Đàn

Tài liệu
Thiên Đàn

Nội dung

THIÊN ĐÀN

 

Thiên Đàn là nơi tế trời và cầu được mùa của các Hoàng đế Trung Hoa thời Minh, Thanh.

Đây là một quần thể kiến trúc tế tự có trình độ nghệ thuật cao nhất, được bảo tồn khá hoàn chỉnh trong nội thành Bắc Kinh (phía Nam thành phố).

Thiên Đàn được xây dựng từ thời Minh Vĩnh Lạc thứ 18 (1420- cùng thời với Cố Cung). Đầu tiên, nó có tên là Thiên Địa Đàn, đến năm 1530 nhà Minh xây dựng nơi tế đất riêng, còn nơi đây chuyên dùng để tế trời.

Thiên Đàn xây dựng trong khu đất rộng 2.730.000m2 (rộng gấp 4 lần Cố Cung). Phía ngoài được bao bọc bởi hai lớp tường màu đỏ sẫm, hai góc phía Bắc của tường hình vòng cung, hai góc phía Nam hình vuông, thể hiện thuyết trời tròn, đất vuông.

Trong Thiên Đàn có ba công trình kiến trúc chủ yếu nằm trên trục Nam - Bắc gồm: Hoàn Khưu Đàn, Hoàng Khung Vũ và Kỳ Niên Điện. Khoảng chính giữa trục có một bệ đá dài 360m; cao 2m5 gọi là Đơn bệ kiều (hay còn gọi là Thần đạo) nối liền 3 kiến trúc lại với nhau thành một thể thống nhất.

Hoàn Khưu Đàn: ở đầu phía Nam của trục, đây là nơi Hoàng đế tế trời. Hoàng Khu Đàn xây dựng lộ thiên, hình khối tròn bằng đá cao 5m, phân thành 3 bậc, bậc cuối cùng có đường kính 54m7, bậc trên cùng đường kính 23m. Mỗi bậc đều có lan can bằng đá trắng điêu khắc rất tinh tế bao quanh, có 360 thanh lan can tượng trưng cho vòng trời 3600. Trung tâm của Hoàn Khưu Đàn là một phiến đá tròn gọi là “Thiên tâm thạch”, xung quanh có những phiến đá nhỏ xếp lại thành từng vòng tròn. Trung Quốc Cổ đại cho rằng trời thuộc dương tính nên số phiến đá lát của các vòng tròn đều dùng dương số, đặc biệt là con số 9 và bội số của nó. Vòng gần tâm nhất gồm: 9 phiến, vòng thứ 2: 18 phiến, vòng thứ 3: 27 phiến đến vòng thứ 9: 81 phiến. Bậc giữa và bậc cuối cùng cũng xếp 9 vòng đá như vậy. Đặc biệt số đá của mỗi vòng đều là bội số của 9. Bốn bề của Hoàn Khu Đàn đều được xây bậc tam cấp lên xuống.

Do toàn bộ Hoàn Khu Đàn được xây bằng loại đá đặc biệt, có tính năng phản xạ âm thanh tuyệt vời. Nếu đứng ở “Thiên Tâm Thạch” hô lên một tiếng sẽ nghe thấy âm thanh kéo dài ra như sự vang vọng của trời đất rất khác thường, kỳ ảo.

Xung quanh Hoàn Khu Đàn được bao bọc bởi hai lần tường thấp: lần tường trong tròn, lần tường ngoài vuông, bốn bề đều trổ cửa ra vào.

Hoàng Khung Vũ ở phía Bắc Hoàn Khu Đàn là nơi cất giữ những bài vị tế trời. Hoàng Khung Vũ hình tròn, cao 19,5m, đường kính 15,6m, có một mái tròn giống hình tán ô. Bên trong có 8 cột đỡ, vòm mái. Nhìn bề ngoài, Hoàng Khung Vũ kiến trúc đơn giản, nhưng bên trong cấu trúc rất tinh xảo. Có hệ thống đấu củng trên mỗi đầu cột để đỡ mái và 3 lớp vòm trên cao dần và hẹp lại.

Bên ngoài Hoàng Khung Vũ được xây tròn bởi một lớp tường dày cao khoảng 6m, đường kính 64m, mặt tường tròn, nhẵn khiến nó có khả năng hồi âm rất tuyệt vời. Tiếng vọng nhỏ, đều nghe rõ mồn một. Vì vậy, tường có tên là ''Tường hồi âm''. Tâm của bức tường tròn này là phiến đá trắng lát ngay dưới bậc tam cấp của Hoàng Khung Vũ. Đứng trên phiến đá ấy gọi to lên sẽ nghe thấy ba lần âm thanh vọng lại, nên nó có tên là ''Tam âm thạch".

Kỳ Niên Điện: nằm ở đầu phía Bắc của trục, là nơi Hoàng đế cử hành lễ cầu được mùa vào ngày 8 tháng Giêng hàng năm.

Kỳ Niên Điện cao 38m, riêng nền của nó cao 6m, hình tròn, chia làm ba bậc, bậc cuối cùng có đường kính 90m9. Xung quanh mỗi bậc đều có lan can bằng đá trắng, 4 bề đều có bậc tam cấp lên xuống.

Kỳ Niên Điện hình tròn, thân điện có đường kính 24m5. Điện có 3 tầng mái tròn lợp bằng ngói lưu ly xanh, đỉnh mái là một chóp nhọn.

Giữa điện có 4 cột lớn cao 19,2m đỡ vòm trần và tầng mái trên cùng. Bốn cột này có tên là “Cột long tỉnh”, tượng trưng cho 4 mùa. Xung quanh có 24 cột phân thành 2 vòng trong ngoài để đỡ mái giữa và mái dưới cùng. 12 cột trong tượng trưng cho 12 tháng của một năm, 12 cột ngoài tượng trưng cho 12 chi của một giáp. Điện không có vách tường: 12 cột ngoài được nối với nhau bằng những ô cửa sổ chạm trổ tinh vi.

Kỳ Niên Điện có kết cấu hùng vĩ, lắp đặt tinh xảo, trên đầu các cột đều lắp đặt hệ thống đấu củng, không có xà ngang nên không gian phía trong điện rất thoáng, - cao dần lên theo từng tầng, cuối cùng quy tụ vào điểm trung tâm. Nhìn phía ngoài Kỳ Niên Điện, 3 tầng nền với 3 tầng mái rộng dần lên rồi hẹp lại hướng lên trên, gây cảm giác cao vút rất mạnh mẽ, thiêng liêng, cao cả, huyền bí, thể hiện sự tiếp xúc với trời. Đó là sự thành công lớn của thiết kế kiến trúc mỹ thuật thời Minh, Thanh. Kỳ Niên Điện bị sét đánh hỏng năm 1889, nhưng năm sau lại xây dựng phục hồi nguyên như cũ và bảo tồn đến ngày nay.

Trong Thiên Đàn ngoài 3 kiến trúc chính trên đây, còn có một số kiến trúc phụ như: Lò Đồng Bát quái, Đỉnh đồng, Hoàng Càn Điện, các hành lang, v.v…

Toàn bộ khu vực Thiên Đàn rộng rãi, bố trí tầng thứ kiến trúc không gian đơn giản nhưng có tới 5000 cây bách cổ. Rừng bách vừa ngăn bụi, vừa tạo thành cảnh tĩnh mặc. Những kiến trúc trong Thiên Đàn đều nhô ra khỏi bức tường tháp, tạo cảm giác lên đến trời.

Để tượng trưng cho vòm trời, công trình kiến trúc đều được xây hình tròn với ngoại hình đơn giản rõ ràng. Ở đây, mái của các điện đều lợp bằng ngói lưu ly xanh tạo sắc điện thống nhất, thể hiện khung cảnh trang nghiêm mà hùng vĩ, thiêng liêng.

ĐẶNG THANH TỊNH




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/170-02-633386689660468750/95-Di-san-tieu-bieu/Thien-Dan.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận