TIỀN TỆ KHÔNG PHẢI LÀ TƯ BẢN
Thường có người thấy ai đó trong tay có rất nhiều tiền đã vội bảo anh ta là một nhà tư bản kếch xù. Kỳ thực, bản thân tiền tệ không phải là tư bản. Chỉ trong những điều kiện nhất định, tiền tệ mới trở thành tư bản.
Hình thức vận động của tiền tệ với tư cách là môi giới trong lưu thông hàng hoá và tiền tệ với tư cách là tư bản hoàn toàn khác nhau. Trong lưu thông hàng hoá giản đơn, người sản xuất, hàng hóa vì mua mà bán. Ví dụ: một người thoạt đầu bán ra thị trường một chiếc búa, sau đó anh ta dùng tiền bán được để mua thóc. Ở đây tiền tệ đóng vai trò môi giới trong lưu thông hàng hoá. Cho nên công thức lưu thông hàng hóa giản đơn là: Hàng (W) - Tiền (G) – Hang(W) .
Trong lưu thông tư bản, tình hình ngược hẳn lại. Người sở hữu tiền tệ bỏ tiền ra để mua hàng hoá, qua quá trình sản xuất mang bán hàng hóa mới đó đi để thu lại tiền. Ở đây, hàng hoá là môi giới của lưu thông. Biểu thị dưới dạng công thức thì đó là: Tiền (G) - Hàng (W) – Tiền(G). Nếu người sở hữu tiền tệ bỏ ra 10.000 đồng mua hàng, qua quá trình sản xuất, sau khi bán hàng cũng chỉ thu về được 10.000 đồng thì hoạt động đó chẳng có ý nghĩa gì. Trên thực tế, tiền bán hàng thu về phải lớn hơn nhiều tiền mua hàng. Cho nên, qua một quá trình như vậy, giá trị đồng tiền như được tăng thêm. Mác gọi mức tăng giá trị đó là giá trị thặng dư. Khi đó, tiền tệ mới trở thành tư bản.
Trong quá trình sản xuất, tư bản được phân thành hai bộ phận, một bộ phận biểu hiện thành tư liệu sản xuất, một bộ phận biểu hiện thành sức lao động. Tư liệu sản xuất chuyển giá trị của nó vào trong sản phẩm mới, lượng giá trị không thay đổi; còn giá trị mới do sử dụng sức lao động sáng tạo ra có thể sẽ lớn hơn giá trị bỏ ra để mua sức lao động, tức là có thể tạo ra giá trị thặng dư. Tư ản bỏ ra mua tư liệu sản xuất gọi là tư bản bất biến, tư bản bỏ ra mua sức lao động gọi là tư bản khả biến.
Sự tăng giá trị của tư bản được thực hiện trong quá trình vận động. Toàn bộ quá trình vận hành của tư bản từ điểm xuất phát là hình thức tiền tệ và cuối cùng lại trở về cũng dưới hình thức tiền tệ được gọi là vòng tuần hoàn tư bản. Trong vòng tuần hoàn này, tư bản lần lượt trải qua 3 dạng: tư bản tiền tệ, tư bản sản xuất, tư bản hàng hoá. Vòng tuần hoàn được lặp đi lặp lại theo chu kỳ của tư bản, gọi là chu chuyển tư bản. Do phương thức chu chuyển của tư bản không giống nhau cho nên tư bản có thể chia thành tư bản cố định và bản lưu động. Đẩy nhanh chu chuyển của tư bản có thể làm tăng nhanh tốc độ tăng giá trị của tư bản.
Cùng với sự phát triển của sức sản xuất xã hội và sự mở rộng phân công xã hội, tư bản được biểu hiện dưới các hình thức như tư bản sản nghiệp, tư bản thương nghiệp, tư bản cho vay v.v...Các hình thức tư bản đó đều chiếm một phần giá trị thặng dư.