Thời giờ nhàn rỗi và du lịch
Trước những năm 1980, thời giờ nhàn rỗi và du lịch hiếm khi tồn tại ở Trung Quốc. Tuy nhiên, du lịch là cách thức tuyệt vời để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra các nhu cầu tại các khu vực khác như công nghiệp, nông nghiệp và giao thông. Do vậy, trong năm 2000, các ngày lễ như ngày 1 tháng Năm (Quốc tế Lao động), ngày 1 tháng Mười (Quốc khánh) kéo dài đến hàng tuần. Ngoài Lễ hội Mùa xuân Trung Quốc, kéo dài một tuần, nhiều người Trung Quốc ngày nay được hưởng thêm ba tuần nghỉ lễ nữa trong một năm. Những ngày lễ này được gọi là “Những tuần lễ vàng”. Việc thực hiện ''Những tuần lễ vàng'' ngay lập tức làm tăng thu nhập của ngành du lịch (trong năm 2001 đã tăng đến 10,9% so với năm trước).
Các dịp nghỉ lễ kéo dài giúp người Trung Quốc có thể biết nhiều hơn về đất nước mình, tăng sự hiểu biết giữa các nhóm dân tộc khác nhau của Trung Quốc. Khi các du khách đến thăm những vùng xa xôi, người dân các địa phương có dịp tiếp xúc với lối sống hiện đại. Các du khách cũng mang tiền đến những vùng không có nguồn lực gì khác ngoài cảnh đẹp và văn hóa. Với nhiều điểm du lịch hấp dẫn, như các điểm có phong cảnh đa dạng và các di sản văn hóa, Trung Quốc cuốn hút được số lượng ngày càng tăng các khách tham quan người nước ngoài.
Du lịch thắng cảnh – du ngoạn trên Ly Giang
Một trong những điểm hấp dẫn ngoạn mục là phong cảnh các quả núi đá, gọi là phong cảnh địa hình các-tơ của thung lũng Ly Giang ở tỉnh Quảng Tây. Tại đó, mưa nhiệt đới lớn và axit của thực vật phân hủy đã ăn mòn đá vôi, tạo ra những quả núi có hình nón lẫn hình tháp. Từ đồng bằng ngập nước, mọc lên những quả núi đẹp. Nước mưa cũng ăn mòn đá vôi bên trong những quả núi, hình thành nên những hang động lớn với những nhũ đá, măng đá và lối đi bên trong. Các thác nước chảy tràn qua những bậc thang của lối đi bên trong.
Đồng bằng ngập nước của Ly Giang cũng thu hút khách du lịch, những người đến thăm những cánh đồng lúa đẹp, xem loài trâu nước và những khu rừng tre, Một cảnh tượng dễ bắt gặp khác là cảnh những người đánh cá trên sông mà họ vẫn sử dụng những con chim cốc để bắt cá.
Các công viên theo chủ đề
Trong những năm 1990, các công viên theo chủ đề đã trở thành một loại hình công viên ở Trung Quốc và hiện nay vẫn còn rất phổ biến. Thâm Quyến là thủ đô của công viên theo chủ đề. Với một số công viên theo chủ đề, Trung Quốc trở thành nước đứng hàng thứ ba trên thế giới về du lịch phổ thông. Làng Dân gian Trung Quốc, gồm 24 làng và 21 nhóm dân tộc, đã phải mất 10 năm để xây dựng. Thật hấp dẫn khi ở trong một thành phố có tới 98% dân số có quê hương là các vùng khác nhau của Trung Quốc. Khu vực Phong cảnh Tráng lệ Trung Quốc không chỉ có những mô hình phong cảnh nhỏ, mà còn có cả mô hình những công trình kiến trúc của các địa điểm lịch sử. Mặc dù có thu nhập cao hơn, song không nhiều người Trung Quốc có thể tự cho phép đi du lịch nước ngoài. Công viên theo chủ đề Thế giới Thu nhỏ của Thâm Quyến giúp họ được xem một số công trình nổi tiếng của thế giới.
Thể thao mùa đông
Đối với những người khỏe mạnh, xu hướng mới nhất trong các hoạt động giải trí là các môn thể thao mùa đông. Ví dụ, có 8 bãi trượt tuyết xung quanh Bắc Kinh. Ở miền Bắc, mùa đông khá lạnh do có tuyết, nhất là ở trên núi. Thậm chí ở vùng tây nam người ta có thể trông chờ có tuyết trên các đỉnh núi cao trong mùa đông. Trong những năm gần đây, ở khu vực cao nhất ở vùng này, người Trung Quốc cũng thử nghiệm làm đông kết các đám mây thành các hạt để tạo ra tuyết cho các bãi trượt tuyết bằng việc phóng những quả tên lửa có chứa iôđit bạc. Iôđit bạc giúp tạo ra các tinh thể nước đá mà chúng sẽ biến thành các hạt tuyết. Một cuộc thử nghiệm năm 2000 đã thành công đến mức giao thông tại Bắc Kinh đã bị tắc nghẽn bởi tuyết rơi quá dày.
Vạn lý Trường thành của Trung Quốc
Vạn lý Trường thành là điểm hấp dẫn du lịch lớn nhất của Trung Quốc. Dọc theo chiều dài 6.430km có một số điểm có thể quan sát được Vạn lý Trường thành một cách rõ ràng. Một trong những điểm phổ biến nhất là Bát Đạt Lĩnh, cách Bắc Kinh 75 km về phía Tây Bắc. Con đường cao tốc, được xây có chủ ý, giúp người ta đến được đây từ Bắc Kinh chỉ sau khoảng một tiếng. Một bãi đỗ xe buýt và xe ngựa lớn được mở năm 2001.
Khi ngắm nhìn dải Vạn Lý Trường thành lượn vòng qua những đỉnh núi cao, người xem có một cảm giác mạnh về lịch sử. Các đoạn của Vạn lý Trường thành được xây dựng trong một thời kỳ dài. Giai đoạn Vạn lý Trường thành được xây dựng nhiều nhất là kể từ triều đại Minh (1368-1644). Tuy nhiên, 1/3 kỳ quan nổi tiếng này đã bị mất và 1/3 khác bị hư hỏng tệ hại. Tác động phong hóa lâu dài của nước mưa và axít phần nào đã gây nên sự hư hỏng này. Mặc dù đoạn Vạn lý Trường thành ở Bát Đạt Lĩnh còn tương đối mới (cách đây 600 năm), song một phần của nó đã phải xây dựng lại.
Thời kỳ mới cũng gây thêm áp lực lên Vạn lý Trường thành. Ví dụ, việc phá hoại những công trình văn hóa nghệ thuật ngày càng trở thành một vấn đề và 10 triệu khách tham quan Vạn lý Trường thành cũng góp phần làm tổn hại nó và dần dần họ đã làm hỏng chính công trình mà họ đến thăm. Vào những ngày nhiều khách, Vạn lý Trường thành đông đến mức hầu như không thể di chuyển được. Một biện pháp mà các cấp chính quyền cố gắng thực hiện để giúp gìn giữ Vạn lý Trường thành là quản lý các hoạt động thương mại, tức là các hiệu cafe và các công viên theo chủ đề phải được xây cách Vạn lý Trường thành ít nhất nửa cây số.
Các tượng chiến binh làm bằng đất nung
Với trên 2 triệu du khách mỗi năm, địa điểm có các tượng chiến binh làm bằng đất nung là điểm du lịch được ưa chuộng thứ hai ở Trung Quốc. 1/4 du khách là đến từ nước ngoài. Việc giải quyết số lượng du khách đông như thế cũng giống như vận hành một quân đội hiện đại, vì vậy toàn bộ quá trình cần được tổ chức tốt. Một trạm đón khách nước ngoài đã được xây tại Tây An để giải quyết vấn đề khách du lịch nước ngoài, nhiều người trong số họ chỉ nghỉ lại một đêm ở Tây An trong suốt chuyến du lịch kéo dài hai tuần. Các khách sạn bảo đảm chở nhanh các vị khách đến Viện bảo tàng Đồ gốm bằng xe khách, nằm cách xa đó khoảng một tiếng đi xe.
Ngành du lịch không chỉ mang lại tiền của cho đội ngũ nhân viên các khách sạn và nhiều người khác trực tiếp làm việc trong ngành này mà còn cho cả toàn bộ những ai thuộc chuỗi cung cấp dịch vụ du lịch ở Tây An. Ví dụ, ngành du lịch đã tạo ra lợi nhuận cho dân cư địa phương. Bên ngoài tổ hợp viện bảo tàng, có các chủ của những quầy hàng bán đồ lưu niệm và thức ăn. Bên trong tổ hợp viện bảo tàng có công việc cho những người quản lý viện bảo tàng và ba chiếc hố chứa những di vật khảo cổ, hoặc công việc trong nhà hàng hay cửa hàng. Thậm chí, người nông dân phát hiện ra các tượng chiến binh cũng kiếm được tiền bằng cách ký tên mình vào các cuốn sách hướng dẫn du lịch mà khách tham quan mua.
Mặt trái của tăng trưởng du lịch là sự tổn hại đối với các tượng đất sét. Sau khi bị phơi ra ánh sáng, những bức tượng vốn được sơn màu sắc rực rỡ chẳng bao lâu đã ngả màu vàng đục. Nghiêm trọng hơn, chúng có nguy cơ bị mốc do chịu ảnh hưởng bởi hơi thở và nhiệt độ cơ thể toát ra từ vô vàn khách tham quan.