VÌ SAO CÁNH BUỒM CỦA THUYỀN BUỒM RẤT ĐA DẠNG?
Bạn đã nhìn thấy thuyền buồm bao giờ chưa? Trên thế giới có không ít cuộc thi thuyền buồm nổi tiếng. Trong cuộc thi chỉ nhìn thấy đầy những cột buồm cao đủ mọi loại hình thức với màu sắc đa dạng bay phần phật trong gió, giúp thuyền rẽ sóng tiến lên.
Chúng ta đều biết rằng, bản thân thuyền buồm không hề có lực, nó chạy được là nhận được lực do gió thổi vào cánh buồm, vì thế đối lập với thân thuyền, cánh buồm thường được làm rất rộng, như thế thuyền có thể tận dụng triệt để sức gió.
Cánh buồm mà loại thuyền buồm này sử dụng rất đa dạng về loại hình. Vào thế kỷ 14, loại thuyền buồm dùng ở Bắc Âu thường dùng loại buồm hình tứ giác. Loại buồm này có diện tích đón gió rộng nhưng việc thay đổi phương hướng của cánh buồm tương đối khó khăn, cần sự điều khiển của rất nhiều thuỷ thủ. Ngược lại loại thuyền buồm dùng Địa Trung Hải đa số dùng cánh buồm hình tam giác, rất thuận tiện cho việc điều chỉnh phương hướng nhưng tốc độ lại hơi chậm. Về sau, người ta đã kết hợp cả hai hình thức để lắp đặt một loại buồm to, bổ sung kích thước chiều dài làm cho tốc độ và sự điều khiển loại thuyền buồm này đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, trên thuyền buồm còn lắp đặt các loại cột buồm với số lượng và độ cao khác nhau, treo những cánh buồm cũng không giống nhau về hình dạng và thứ tự.
Tốc độ thông thường của thuyền buồm là khoảng mười mấy km/h, tuy tốc độ không được nhanh lắm nhưng do sức gió là một lực thiên nhiên không hề tốn kém cho nên thuyền buồm có vẻ như không tiêu hao năng lượng khi hoạt động, cũng không làm ô nhiễm môi trường. Hiện nay người ta thường sử dụng thuyền buồm để du lịch, tổ chức các cuộc đua thuyền. Một số thuyền máy cũng lắp đặt thêm cánh buồm để tiết kiệm không ít nhiên liệu.