VÌ SAO TÀU THUỶ RẤT TO VÀ NẶNG
LẠI CÓ THỂ NỔI TRÊN MẶT NƯỚC?
Các loại tàu thuỷ to hiện đại đều được chế tạo từ sắt thép, thép nặng gấp sáu lần nước, trong thuyền chủ yếu chở các loại hàng hoá như: lương thực, máy móc, vật liệu xây dựng... đều nặng hơn nước rất nhiều, vậy thì vì sao thuyền chở một khối lượng hàng hoá nặng như vậy mà vẫn có thể nổi trên mặt nước?
Để làm rõ vấn đề này, chúng ta có thể làm một thử nghiệm nhỏ: đặt một miếng sắt mỏng vào trong nước, nó lập tức chìm xuống. Nếu làm một cái hộp từ miếng sắt này, trọng lượng không hề thay đổi nhưng cái hộp lại nổi trên mặt nước; Không chỉ có vậy, nếu đặt trong hộp đó một vài thứ, hộp cũng chỉ chìm xuống một chút và vẫn nổi trên mặt nước. Nguyên nhân là bởi mặt đáy của hộp nhận được sức đẩy theo phương thẳng đứng của nước, chỉ cần sức đẩy này lớn hơn trọng lượng của hộp sắt, nó sẽ nâng hộp sắt làm cho hộp sắt không thể chìm. Đương nhiên bốn xung quanh hộp sắt cũng đồng thời chịu áp lực của nước, chỉ có điều hai mặt trước và sau của hộp đều chịu áp lực bằng nhau theo phương ngược nhau và triệt tiêu nhau; áp lực của hai mặt phải và trái cũng triệt tiêu nhau tương tự. Lực đẩy được tăng thêm khi thể tích của phần vật thể chìm trong nước tăng thêm. Vì thể tích của hộp sắt lớn hơn thể tích của miếng sắt rất nhiều, trọng lượng chiếm chỗ trong nước của nó cũng lớn hơn nên nhận được lực đẩy lớn hơn, do đó dù trong hộp có chứa đồ thì hộp vẫn cứ nổi trên mặt nước. Tầu thuỷ có thể nổi trên mặt nước cũng là bởi lý do đó.
Định luật chìm nổi của vật thể được phát hiện từ hơn 2000 năm trước bởi học giả người Hy Lạp Acsimet, ông đã đưa ra một nhận định chính xác: ''Lực đẩy tác dụng lên vật thể trong nước lớn hay nhỏ bằng trọng lượng của nó chiếm chỗ trong nước''. Chính vì thế tuy tầu thuỷ nặng hàng vạn tấn với thể tích đồ sộ nhưng do xuống nước càng sâu trọng lựơng chiếm chỗ trong nước của nó càng lớn nên lực đẩy cũng càng lớn, đương nhiên càng mang được nhiều hàng hoá hơn.