CHUYỂN ĐỘNG
Khi gắn một hệ tọa độ (hay một môi trưòng chất rắn tưởng tượng) với vật quy chiếu này khác, chúng ta đã xây dựng được một kiểu ''sân chơi'' hay ''sàn diễn'' để quan sát và nghiên cứu các quá trình đang và có thể xảy ra của thế giới hiện thực.
Do chỗ không tồn tại bất cứ một vị tuyệt đối nào và nơi hiện diện của vật thể chỉ có ý nghĩa tương đối trong tương quan với vật thể khác, coi là vật quy chiếu nên sự thay đổi vị trí của vật thể - tức chuyển động của vật thể - cũng chỉ là tương đối. Như Descartes đã viết, chuyển động chỉ là ''sự chuyển dịch của một phần vật chất hay một vật thể từ vị trí liền kề với các vật thể đang tiếp xúc trực tiếp với nó và được ta coi là đứng yên sang vị trí lân cận với các vật thể khác''. Do đó Einstein đề nghị chúng ta hãy gác sang một bên cái từ “không gian” không rõ nghĩa mà khi dùng nó ta phải thừa nhận là ta chẳng ngụ ý được một điều gì xác định; thay vào đó chúng ta hãy xem xét ''chuyển động đối với một vật thể rắn trong thực tế được dùng làm vật chuẩn quy chiếu''.
Như vậy chuyển động cơ học của vật thể là quá trình thay đổi vị trí của nó đối với một vật thể rắn khác được chọn làm vật quy chiếu. Theo nghĩa rộng người ta hiểu chuyển động (hay vận động, theo thuật ngữ của triết học) là bất kì một sự thay đổi nào diễn ra trong tự nhiên. Đấy là cách lý giải của nhà bác học Hi Lạp cổ đại Aristotle. Ông viết: ''Một vật bất kì nhất thiết phải tuỳ theo khả năng của mình vươn tới một kiểu vận động nhất định. Chẳng hạn nó có khả năng biến đổi một cách định tính - biến đổi về chất, hay có thể thay đổi vị trí - chuyển dịch,...''. Kiểu vận động thứ hai lúc đầu được gọi là vận động đổi chỗ, về sau có tên chính thức là chuyển động cơ học. Các hình thức vận động khác như vận động sinh học (sự tiến hoá của các cơ thể sống), vận động xã hội (sự phát triển của xã hội)... không phải đối tượng nghiên cứu của cơ học mà là của các ngành khoa học khác.
Chuyển động cơ học mang tính tương đối: nó khác nhau đối với các vật quy chiếu khác nhau. Có thể biến chuyển động của một vật thành đứng yên nếu ta lấy chính vật đang xét làm vật quy chiếu. Ví dụ một người ngồi trong toa xe lửa, anh ta chuyển động tương đối với đường ray, nhưng là đứng yên so với toa xe. Máy bay trên trời chuyển động tương đối so với đám mây nhưng lại đứng yên so với người lái đang ngồi trong buồng lái.
Ngoài tính tương đối, chuyển động cơ học cũng mang trong mình những đặc tính tuyệt đối, cụ thể là: chuyển động tương đối của hai hay nhiều vật thể đối với nhau thì là sự kiện tuyệt đối, không phụ thuộc vào sự lựa chọn vật quy chiếu. Hai vật thể A và B chuyển động lại gần nhau, cự li giữa chúng giảm đi, đó là sự kiện tuyệt đối dù là đối với vật chuẩn Trái Đất hay bất cứ vật chuẩn nào khác như chiếc ôtô hay là Mặt Trời. Không thể kiếm đâu ra một vật chuẩn cho phép quan sát thấy hai vật A và B ấy thay vì đang tiến gần đến nhau lại trở thành rời xa nhau ra. Sự tiến tới gần nhau của hai vật A và là sự kiện tuyệt đối. Trong thực tế ta luôn bắt gặp những biểu hiện tuyệt đối như vậy của chuyển động. Sự va chạm của hai chiếc xe tô hay việc quả bóng bay vào lưới, là những sự thật tuyệt đối hiển nhiên. Nếu không thế thì để cứu người trong một tai nạn ôtô hay để thay đổi kết quả một trận bóng chỉ cần chọn được vật quy chiếu thích hợp hay sao? Tự nhiên đã được sắp đặt theo cách thức để các sự kiện có thật là khách quan và tuyệt đối như vậy đấy!