NGUYÊN TỬ VÀ CHÂN KHÔNG
Thuyết nguyên tử của Leucippus (khoảng 500 - 440 trước CN) và Democritus (460 - 371 trước CN) là câu trả lời cho triết học nghịch lý của trường phái Elea. Đối lập với trường phái này Leucippus và Democritus cho rằng có thể khẳng định sự hiện hữu của ''cái không tồn tại''. Đó là một không gian vô hạn và trống rỗng tuyệt đối mà ở đó như ở trong một bể chứa diễn ra chuyển động của các ''khối tồn tại được kết tụ lại'' - được gọi là các nguyên tử. Trong thế giới không tồn tại bất cứ cái gì ngoài tập hợp vô hạn các nguyên tử chuyển động vĩnh viễn trong không gian vô tận và trống rỗng (chân không). Khi va chạm và cố kết với nhau chúng sẽ sản sinh ra vạn vật tạo nên thế giới muôn màu muôn vẻ. Chân không thuần nhất và bất động trong học thuyết Democritus tương tự như cái ''không tồn tại'' (hư vô) của Parmenides, nhưng lại được coi là hiện hữu. Chính sự mâu thuẫn về mặt lôgic đó đã thành đối tượng của sự chỉ trích từ phía Aristotle, và sau này còn bị các nhà triết học và vật lý khác phê phán.