Bên Cạnh Thiên Đường Chương 13.3


Chương 13.3
Ngôi nhà này rất sơ sài.

Tường bao đều dùng đá chát xi măng đắp thành, nóc nhà là mấy thanh gỗ thô sần sùi gối lại với nhau, bên trên trải một lớp cỏ lác thật dày, thân cỏ rất cứng. Giữa nhà còn có mấy chiếc cột gỗ sần sùi, to như cái chậu để đỡ cho nóc nhà. 

Chủ quán đốt lửa, tôi phải ngồi sưởi một lúc lâu mới thấy ấm áp trở lại. 

Đồ ăn rất phong phú: mấy chiếc bánh nướng, một chậu cơm bốc, bánh tháp, thịt bò xào khoai tây cà chua, mì Tân Cương. Chúng tôi ăn ngấu nghiến như hổ đói, chỉ một lát đã tiêu diệt sạch sẽ cả bàn thức ăn đầy ự. Ăn xong, chủ quán dẫn chúng tôi về phòng ngủ. Giường ghép kiểu phía Bắc, bên dưới xếp đá, rồi phủ thêm một lớp cỏ, trải thảm lên trên vậy là thành giường. Ông chủ để lại mấy người đàn ông chúng tôi trong phòng rồi dẫn Mũ Bò qua phòng dành cho nữ. Được một lát thì chợt nghe có tiếng kêu thảm thiết vang lên. Mũ Bò chạy vụt ra ôm chặt lấy anh chàng khảo cổ, sắc mặt trắng bệch cắt không ra giọt máu. Mấy người cùng chạy qua xem, thì thấy ở góc giường có một lỗ lớn, một con chuột to tướng thò đầu ra nhìn chúng tôi, rồi quẫy đuôi một cái, lừ lừ chui vào lỗ. Cô nàng sống chết thế nào cũng không dám ngủ. Anh chàng khảo cổ đành dẫn cô nàng ra ngoài cắm trại, còn tôi và tài xế thì ngủ trong phòng. 



Sau khi trừ đi nạn chuột, và cả những con côn trùng nhỏ lương thiện không cắn người nấp trong tấm nệm cỏ, căn phòng và chiếc giường lại tiếp tục thực hiện công năng của nó. Không gian thô lậu sơ sài mang theo vẻ thần bí lạ thường, làm tôi chợt nhớ đến bài hát "Hotel California". Một lúc sau thì tiếng ngáy khò khè như lợn rống của tay lái xe vang lên. Tâm cơ máy động, tôi bèn khẽ huýt sáo theo điệu nhạc "Hotel California", tay tài xế liền yên lặng trở lại một cách thần kỳ. Huýt sáo được hết bài thì miệng đã mỏi nhừ, không khép lại được. Nằm mãi mà chẳng thấy buồn ngủ, tôi bèn lấy cuốn "Con người và mặt đất" của Antonie de saint expupery ra, bật ngọn đèn nhỏ ở đầu giường ra đọc. Trong sách có một câu như thế này: 

"Kiến thức mà mặt đất dạy chúng ta còn sâu rộng hơn bất cứ sách vở nào." 

Không nén nổi cảm xúc dâng trào trong lòng, tôi đứng dậy mặc quần áo, đi ra ngoài. 

Sa mạc Gobi về đêm hoang vắng tiêu điều còn hơn ban ngày. Chỉ có những ngôi sao đang vô tư dâng hiến chút ánh sáng nhỏ nhoi chỉ đủ để mang lại tín niệm cho con người, nhưng lại chẳng hề có chút ý nghĩa gì với trái đất này cả ! 

Chợt có một ý nghĩ đên rồ, muốn đi, đi mãi về phía đó. 

Có điều lý trí tôi vẫn còn đủ tỉnh táo. Đi về phòng, bật máy nghe nhạc lên nghe mấy bài của Egima, rồi chìm vào giấc ngủ. 

Đối với tôi, rốt cuộc ai mới là "mặt đất" đây ? 

Buổi trưa hôm đó, xe hàng đến một thị trấn nhỏ hoang vu, dừng lại để thêm nước. 

Thị trấn này rất nhỏ, chỉ có mấy gian nhà đá, nằm rải rác trên sa mạc mênh mông, lưa thưa lác thác, nhìn có cảm giác như là các núi lửa trên bề mặt mặt trăng vậy. Ở sa mạc miền Tây này giờ chỉ còn rất ít những thị trấn như vậy. 

Tay lái xe xách thùng nước nhảy xuống trước. Chúng tôi cũng xuống theo, vươn tay vươn chân cho giãn gân cốt, rồi đi dạo một vòng xung quanh thị trấn. Thị trấn này có một quán ăn nhỏ, bên trong có một ông lão người Duy cởi trần, tay phe phẩy quạt, mắt lim dim gật gù. Gần đó là một xưởng sửa xe, bác thợ cả đội cái mũ nhỏ của người tộc Duy đang lắp lốp xe, thi thoảng lại ngước mắt lên nhìn chúng tôi. Cạnh xưởng xe là một quán trọ nhỏ, một người đàn bà đầu đội khăn thêu đang bế con ngồi trước cửa, ánh mắt thờ ơ tuyệt vọng. Bên cạnh bàn bi a cách đó không xa lắm, có hai thanh niên người Duy đang ngắm nghía đường cơ. 

Một ông già người Duy đang ngồi xếp bằng trên chiếc ghế dài ven đường, nắm mắt chơi đàn Donbura, âm thanh cót ca cót két khó nghe truyền đi khắp thị trấn nhỏ. Xung quanh cát bụi bay tứ tung, rơi cả vào cái bát to để bên cạnh ông già. Tôi ngồi xổm cạnh đó nghe ông chơi đàn, còn Mũ Bò thì kéo anh chàng khảo cổ đi ra chỗ bàn bi a. 

Ông già đàn một lúc rồi dừng lại lấy thuốc ra hút, cầm bát nước lên, thổi bay cát bụi bên nổi bên trên đi, rồi cẩn thận uống mấy ngụm, sau đó đặt bát xuống, súc súc miệng, đưa mắt nhìn tôi cười cười, đưa cây đàn Donbura cho tôi. Tôi đón lấy, thử chơi như chơi đàn ghita, định đánh một bài "A La Mộc Hãn" nhưng quả thực đàn ghita và Donbura là hai loại nhạc cụ hoàn toàn khác nhau, muốn điều âm cũng không biết làm thế nào. Tôi đành trả lại đàn cho ông già. Không ngờ ông già như đọc được ý nghĩ của tôi, bật ngón tay chơi ngay bài "A La Mộc Hãn", tất nhiên là vẫn cực kỳ khó nghe. Ông già nhìn tôi bật cười khanh khách, tôi cũng cười cười đáp lại, vừa cười vừa đếm xem trong miệng ông còn lại mấy chiếc . 

Đứng dậy sang chỗ bàn bi a. 

Anh chàng khảo cổ đưa cây cơ cho tôi. Mặt bàn mấp mô, rất khó đánh. Tôi cúi sát người chọc một gậy. Cậu thanh niên tộc Duy đánh một quả bi màu vào lỗ, nhìn tôi cười cười, dáng vẻ rất thật thà, rồi lại đánh một cơ nữa, bi không lọt lỗ. Đột nhiên một trận gió nổi lên làm cát bụi bay tứ tán. Tôi cầm lấy cây cơ, cúi người đánh tọt một quả bi khoang vào lỗ, rồi lại đánh thêm một quả nữa lọt lỗ, điều chỉnh hô hấp, đẩy quả bi khó nhất ở góc bàn vào lỗ, bi màu trắng đập vào mép bàn rồi đụng vào quả bi khoang cuối cùng, đẩy nó đến sát miệng lỗ. Tôi mỉm cười đưa cây cơ cho Mũ Bò. Cô nàng ngoáy mông đi lại gần bàn bi a, động tác rất gợi tình, nhẹ nhàng chọc nhẹ đầu cơ vào bi trắng, đẩy quả bi khoang cuối cùng chầm chậm rơi vào lỗ. Mũ Bò ngoáy ngoáy mông một cách khoa trương, làm mọi người ở đó đều cười ồ lên. 

Tôi với anh chàng khảo cổ ngồi cạnh đó, lặng lẽ ngắm Mũ Bò và hai cậu thanh niên người Duy chơi bi a. Hai cậu chàng mặc áo sơ mi hoa văn, đội chiếc mũ nhỏ của người dân tộc, đi giày trắng, khiêm tốn hồn hậu, thậm chí thật thà đến khiến chúng tôi cảm thấy hơi đau lòng. 

- Tuổi trẻ thật tuyệt, đáng tiếc lại bị chôn vùi ở chốn sa mạc hoang vu này. 

Anh chàng khảo cổ thở dài nói. 

- Cũng chưa chắc, có lẽ họ đang than vãn cho tuổi trẻ bị chôn vùi chốn thành thị ồn ào náo nhiệt của chúng ta cũng nên ! Hoàn cảnh khác nhau thì quan điểm sống cũng khác nhau mà ! 

Tôi nói. 

- Hoàn cảnh khác nhau thì quan điểm sống cũng khác nhau ? Câu nói này có ý nghĩa đấy ! 

Anh ta vỗ nhẹ lên vai tôi, cười cười. 

Có lẽ đã lâu lắm rồi hai cậu thanh niên người Duy chưa nhìn thấy cô gái nào ăn mặc sexy như Mũ Bò, thỉnh thoảng lại thấy hai cậu chàng len lén nhìn trộm cặp giò trắng muốt của cô nàng. Mũ Bò cũng nhận ra, bèn dứt khoát bò cả người lên bàn để ngắm đường cơ, để hở cả quần trong ra ngoài. 

- Đấy gọi là dùng sức sống của tuổi trẻ để góp phần xây dựng biên cương ! 

Lúc trèo lên xe, Mũ Bò hào hứng giải thích. 

Tôi chợt nhớ lại cảnh xe tăng Liên Xô tiến vào Tiệp Khắc, các cô gái Praha đều mặc váy ngắn đến độ làm người ta phát hãi, chặn trước mũi xe tăng, ôm lấy những người đàn ông Tiệp chưa bao giờ gặp mặt, vén váy lên hôn nhau cuồng nhiệt, cố ý kích thích sự ham muốn của các chiến sĩ Liên Xô, làm cho họ mất đi ý chí chiến đấu. 

Tình dục là một loại vũ khí. 

Đáng tiếc là ở cái thành phố nơi tôi đang sống kia, thứ vũ khí đó đã bị lợi dụng một cách quá đà. 

Chẳng mấy chốc, thị trấn nhỏ cùng tiếng đàn Donbura thân thiết mà khó nghe của ông già và tuổi xuân của hai chàng thanh niên người Duy. 

Chiều tối hôm ấy, chúng tôi đến Thổ Lỗ Phồn. 

Lái xe phải tiếp tục lên đường đến Karamay, nhiệt tình ôm chặt chúng tôi chào tạm biệt. Tôi, Mũ Bò và anh chàng khảo cổ đổi xe đi tới thành cổ Cao Xương. Những chiếc xe lừa trang trí sặc sỡ chạy qua chạy lại trong khu phong cảnh, trông rất tức cười. Chúng tôi ngồi ở nơi Đường Huyền Trang giảng kinh một lúc, cuối cùng cũng chịu không nổi sự ồn ào náo nhiệt, bèn lặng lẽ bỏ đi. Tìm đến thành cổ Giao Hà bên hai dòng sông. Nơi được bảo tồn khá hoàn hảo, ít nhất là cũng không có xe lừa. Ba người chúng tôi đi một vòng xem hết quần thể tháp, khu dân cư, phường thủ công, chùa chiền, giếng cổ, phố xá, rồi trốn nhân viên quản lý, lén lút dựng trại ngay trong thành cổ. 

Dưới ánh trăng, chúng tôi ngồi dựa lưng vào bức tường đất đã có mấy ngàn năm lịch sử, cùng uống whiskey, nói chuyện quá khứ, bàn chuyện tương lai. 

Tôi với anh chàng khảo cổ nói chuyện về mấy phát hiện khảo cổ có giá trị nhất, và ảnh hưởng của chúng với văn hóa hiện nay. Đứng đầu đương nhiên là Pompeii và Herculaneum . Hai thành phố cổ ở tận Italy cũng có lịch sử vĩ đại như thành cổ Giao Hà nơi chúng tôi đang ngồi đây, khác biệt chỉ là phong cách kiến trúc và vật liệu xây dựng, cùng với đặc điểm chính trị văn hóa. La Mã và nhà Hán khi ấy đều phát triển rực rỡ như nhau. La Mã thì thống trị toàn bộ vùng Địa Trung Hải, còn nhà Hán thì khống chế cả vùng Đông Á, mỗi bên hùng cứ một phương. Thậm chí so với La Mã, triều nhà Hán còn ổn định hơn rất nhiều, theo lý thông thường phải phát triển nhanh hơn mới đúng. Nhưng sự thực thì không phải vậy. Từ thời Hi Lạp cổ đại đến thời La Mã, người châu Âu đều chỉ quan tâm đến một thứ là "dân chủ", còn ở Trung Quốc xã xôi, con người mãi cũng chỉ thảo luận một vấn đề duy nhất, đó là "hoàng quyền", thứ này đã bị coi trọng quá mức đến tận hai ngàn năm sau. Có lẽ căn nguyên lịch sử lâu đời nhất tạo nên khoảng cách to lớn giữa châu Á và phương Tây chính là ở đây. 

- Ước mơ của tôi là phát hiện được một di chỉ đẹp như thành cổ Lâu Lan vậy. 

Anh chàng khảo cổ nói. 

- Tôi thì muốn tìm một người để yêu. 

Có lẽ uống hơi quá chén, nên tôi đã lần đầu nói ra những câu như vậy, thầm cảm thấy chua chát trong lòng ! 

Len lén hé mắt nhìn Mũ Bò và anh chàng khảo cổ, cũng may mà họ không để ý tôi nói gì. 

- Tôi muốn tìm một người có thể điều khiển được tôi, bởi vì tôi là một con ngựa hoang. 

Mũ Bò vừa nói vừa ngân nga một bài hát của Trịnh Quân, lời ca cũng từa tựa như vậy. 

Tôi thấy rất thấm thía. 

Có lẽ tình yêu, chính là quá trình học cách điều khiển một con ngựa hoang ? 

Hay là bị điều khiển ? 

Sáng hôm sau, tôi tiễn hai người bạn mới quen lên xe đường dài đi Korla, rồi một mình đi tới Urumqi. 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/41294


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận