Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 19


Truyện ngắn 19
Phao cứu sinh

Yên ngồi bên bờ cát, cạnh đống quần áo anh vừa trút ra trước khi nhoài người lên chiếc phao bơi ra ngoài xa. Không biết làm gì. Bởi lần đầu Yên mới ra đến bãi tắm bên bờ biển nổi tiếng thơ mộng và quyến rũ này. Thơ mộng như tuổi hai mươi của Yên, và quyến rũ như giấc mộng đêm Yên hằng ôm ấp. Biển chiều không xanh biếc da trời như Yên tưởng, mà ngầu ngầu một màu cua gạch như vốn dĩ vùng biển này bao đời vẫn thế. Những người đi tắm biển vùng vẫy nô giỡn trên sóng nước, có người đã đáng tuổi ông, tuổi bà vẫn té nước đuổi nhau như con trẻ. Những cô gái da bén nắng ăn vận tiết kiệm vải đến hết chê, kẻ sấp người ngửa nằm trần mình trên bãi cát. Yên ngơ ngác nhìn cảnh biển chiều nhộm nhạo, bỗng thấy mình như một kẻ tha hương giữa đám người xa lạ. Yên vội nhìn ra ngoài xa. Trong lố nhố những chiếc phao cao su dập dềnh trên sóng nước, Yên vẫn nhận ra bóng dáng anh với thân hình cao, nước da ngăm đang nằm ngửa trên chiếc phao đên khi gieo lên, khi hạ xuống theo con sóng. Không thể lẫn với bất cứ người nào. Bởi từ mấy tháng nay, hình dáng của anh, hay đúng hơn là con người anh, đã là một hình tượng diệu kì làm bùng lên ngọn lửa khát khao đến bỏng rát trái tim Yên không biết bao đêm.

Yên vẫn nhớ như in "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy", Yên sang làng bên dự đám cưới cô bạn trong đội chèo nhà văn hóa xã. Kể cũng lạ, trên chiếu chèo, Hoan - tên cô bạn đóng vai Tấm, còn Yên sắm vai Cám như hai kẻ tình địch. Vậy mà ngoài đời Yên và Hoan lại chơi thân với nhau như hai chị em gái. Cũng chính ở đám cưới Hoan, hạnh ngộ sao cô bạn lại bố trí Yên ngồi cùng bàn với hai anh thanh niên ngoài thành phố về. Một chừng hăm nhăm tuổi nhưng trông đã ra người từng trải, dáng cao hoạt bát, nói năng lưu loát có duyên. Còn người kia là một anh chàng chỉ đáng để Yên gọi là em, rụt rè bẽn lẽn, nói năng nhỏ nhẻ như con gái. Hoan vừa ấn Yên ngồi xuống cạnh người đàn ông từng trải, vừa vỗ vai anh ta, nói với Yên: "Giới thiệu để hai người làm quen nhau, đây là anh Mạnh, bạn của anh mình ở thành phố về. Còn người đây là Yên, bạn thân của em trong đội chèo". Không khách sáo, Mạnh đưa cả hai tay ra nắm chặt lấy một bàn tay của Yên, vồn vã: "Cơn gió nào cho tôi được gặp Yên thế này. Tôi đã nghe anh Hoan nói nhiều về một cô gái đẹp người, hát hay có một không hai ở làng. Thì ra là Yên. Lời đồn quả không sai. Em đẹp lắm, Yên ơi!". Mạnh vừa nói mấy lời hừng hực lửa, vừa buông tay ra định ôm chặt lấy Yên tỏ sự mến mộ trước sắc đẹp của một cô gái chân quê. Nhưng Yên đã nhanh tay đẩy Mạnh ra, ngồi thụp xuống, mặt đỏ như đĩa xôi gấc trước bao cặp mắt ghen tị, mến yêu của đám nam thanh nữ tú ngồi chật ba dãy bàn dưới chiếc bạt che ngoài sân.

 Ngay chủ nhật sau đám cưới Hoan, Mạnh tìm đường đến nhà Yên. Lần này Mạnh đi một mình trên chiếc xe Dream mới đập hộp, chứ không phải là chiếc Win 100 đỏ chói lỗi thời như chủ nhật trước về đám cưới Hoan. Yên đi phun thuốc trừ sâu cho sào dưa chuột ngoài Đồng Ái, bà mẹ quý con gái bắt cậu con trai đang làm phụ nề phải bỏ buổi, đạp xe ra phun thuốc thay cho chị mày về có khách ngoài thành phố đến chơi. Em trai Yên cũng chẳng kịp suy trước nghĩ sau, chỉ nghe nói có khách ở thành phố về đã khấp khởi lóe lên tia hi vọng không những cho chị, mà biết đâu lại cho cả mình, vội bỏ cả buổi phụ nề rẻ mạt mười ngàn đồng một công cắm đầu đạp xe ra Đồng Ái. Yên hộc tốc đạp xe về. Mới đến đầu sân đã sững lại. Chiếc Dream mới như chưa bao giờ Yên nhìn thấy chiếc xe máy nào mới hơn, đứng bệ vệ sáng bừng cái sân gạch lâu ngày đã nổi màu rêu của nhà Yên. Trong nhà Mạnh đang ngồi, hơi quay lưng vào, nói chuyện với bà cụ trên chiếc sập gỗ giữa nhà. Khi Yên dựng xe đạp ngoài hiên, Mạnh quay ra:

- Em đi làm về à!

Yên nở nụ cười sao mà giống mẹ con Cám bắt được con cá bống dưới giếng lên, mừng vui khôn xiết. Nhưng Yên cố giấu, giọng


hơi nhỏ:

- Anh Mạnh hỏi đường vào nhà em có khó không?

Mạnh đứng lên, nét mặt rạng rỡ, nói lưu loát như đang học bài thuộc lòng:

- Yêu nhau tam tứ sông cũng lội, thất bát lục đèo cũng qua. Có gì là khó đâu em!

Yên nghe hơi chột dạ, vội đánh mắt sang mẹ như ngầm bảo: "Bà cụ nhà quê đây không ưa những lời săm sở ấy đâu". Nhưng ngực lại xốn xang niềm vui vừa vụt đên. Bà mẹ nhìn nét mặt bối rối ửng hồng của con gái mà như hiểu cõi lòng con, liền đi xuống nhà dưới cầm con dao, cái rổ ra vườn cắt rau. Nhưng bà cụ chưa cắt xong mấy tàu rau cải, đã nghe tiếng xe máy nổ xình xịch trong sân và tiếng con gái nói vọng ra: "Con đi với anh Mạnh ra ngoài kia tí, mẹ nhé".

 Nhưng cả buổi trưa, rồi buổi chiều hôm ấy cũng không thấy Yên về. Chừng nửa chiều hôm sau, một gã xe ôm mặt thiết bì, râu cằm lổm nhổm dữ dằn, chở Yên về đến đầu làng, Yên vội hét dừng xe cho tụt xuống. Có lẽ Yên không muốn để người làng nhìn thấy cô đi phố về bằng chiếc xe ôm cũ mèm và bụi bặm như trâu đầm. Nhưng chỉ ba ngày sau, Yên lại ra thành phố. Lần này thì không phải là chiếc xe mới Dream đập hộp, hay chiếc xe ôm cũ mèm chở Yên đi từ làng, mà Yên lủi thủi đi bộ bảy cây số lên thị trấn đón xe khách vào thành phố. Cũng khác lần trước đi người không, lần này Yên còn cầm trong tay một cuộn giấy bọc ni lông cẩn trọng. Đấy là hồ sơ của Yên xin đi làm ở phố, mà Mạnh đã cặn kẽ hướng dẫn Yên làm nhanh, rồi cầm lên cho Mạnh, để anh đưa cho ông chú làm giám đốc Sở Kinh tế đối ngoại cho kịp có đợt tuyển nhân viên vào công ty liên doanh. Thật không dịp nào may mắn hơn dịp này. Cả mẹ và em trai khi nghe Yên kể lại những dự định của Mạnh trong việc thu xếp cho Yên được vào làm ở một công ty liên doanh lương tháng trả bằng đô-la đều mừng đến rơi nước mắt. Bà mẹ ôm chầm lấy con gái, giọng ngạt thở: "Nhà ta đến kì hồng phúc rồi, con ơi!". Còn cậu em trai reo toáng lên: "Đầu xuôi đuôi lọt, chị ra phố, rồi đến em!". Cô chị kín đáo hơn, các bạn có rủ đi tập chèo, tập hát, hay đào mương, diệt chuột lại kêu váng đầu, "đến tháng" xin được vắng mặt. Yên như chiếc lá gửi thân nơi dong nước, người vẫn ở cái làng quê hẻo lánh, quạnh hiu nhưng hồn lại để mãi nơi phố xá phồn hoa nhốn nháo. Yên đi đi, về về. Năm ba ngày ra thành phố ở vài hôm, lại về làng, không ở đâu ấm chỗ. Mỗi lần Yên ra thành phố về, bà mẹ nhìn mặt con phờ phạc lại nén tiếng thở dài. Còn cậu em trai thì săn đón như thám tử săn tin: "Có gì mới không chị?". Nghe em hỏi, chị lặng lẽ nói nhỏ: "Anh ấy bảo cứ kiên trì chờ đợi, để còn thu xếp một chỗ thơm hơn cơ". Thơm đến mức nào thì cả hai chị em Yên đều chưa biết, nhưng có cái Yên phần nào đã biết là Mạnh ở với gia đình ông chú, chứ không phải có nhà riêng như Mạnh nói hôm đầu đón Yên lần đầu ra phố bằng chiếc Dream đập hộp. Ngay cả chiếc Dream đập hộp ấy cũng không phải của Mạnh hay sao í. Vì sau chủ nhật ấn tượng ấy, Mạnh còn về nhà Yên mấy lần đón Yên ra phố chơi, nhưng lần thì đi bằng chiếc xe 87, khi đi chiếc Win 100, có lần cưỡi Ba-bét-ta màu rêu đã tróc sơn nhiều chỗ. Mạnh sống tuềnh toàng, không trưng diện như nhiều thanh niên ở phố. Nhưng có tiền. Đúng là Mạnh có tiền. Tháng trước mẹ Yên bị ngã, lên bệnh viện huyện nghi gãy xương, phải chuyển lên thành phố chụp điện quang tốn tiền triệu. Mạnh đến đưa cho Yên hai triệu đồng, còn bảo: "Cứ yên tâm chăm sóc mẹ cho chóng khỏi. Tốn kém đâu anh lo." Khi bà cụ ra viện, biết chuyện đã không kìm nổi xúc động ôm lấy Mạn tíu tít xưng mẹ gọi con như Mạnh đã thành chàng rể của mẹ rồi. Cũng từ đấy, mỗi lần Yên ra thành phố không phải ướm hỏi mẹ như mọi khi; và cũng từ đấy Yên không còn gì phải phân vân, giữ kẽ mỗi khi gần gũi Mạnh.

 Như lần này, Yên vừa chân ướt chân ráo ở quê ra thì gặp Mạnh đang ngồi ở phòng thường trực như chờ ai. Mạnh đưa Yên ra quán cà phê. Yên vẫn chưa quen uống thứ cà phê đắng chát, nhưng một gói chè Lip-tông với lát chanh và mấy thìa đường hòa vào chiếc cốc thì được. Yên uống một hơi hết cốc nước, "Đi ô tô nóng, khát khô cả họng" - Yên bảo. Hai người ngồi chưa nóng chỗ, vẻ mặt Mạnh hớn hở, tay quàng sang ôm chặt lấy Yên:

- Hôm nay em không ra thì thế nào anh cũng về đón.

Yên đã khấp khởi mừng:

- Công việc của em xong rồi hả anh?

- À à... Việc của em cứ để anh thu xếp. Cái chính là chọn một chỗ thơm, chứ còn những nơi ba cọc ba đồng thì khó gì. Chú anh làm giám đốc Sở, mà lại là Sở Kinh tế đối ngoại, trong thời buổi này muốn gì chả được. Anh chỉ là cái chân cắp cặp cho giám đốc mà em biết không, mỗi chỗ đầu tư, liên doanh, động thổ, khai trương đều có năm chục, một trăm đô-la cả đấy.

 Yên nào biết cái tờ đô-la xanh đỏ tím vàng ra làm sao, nhưng chỉ nghe Mạnh nói cũng mơ hồ nhận ra nơi mình kí thác cũng để hàm ơn suốt đời. Lại có Mạnh như số trời định sẵn, từ khi quen nhau chưa lần nào thấy Mạnh thở ngắn than dài về cuộc đời, cơ nghiệp. Dường như Mạnh chỉ có một con đường thẳng băng, với bàn tay Bồ Tát luôn ban phát những điều may mắn. Nhưng sự thực đâu như vậy. Quê Mạnh ở huyện miền núi Chí Linh. Học xong phổ thông, thi đại học trượt, liền theo người làng xuống Hải Phòng làm "cửu vạn" chuyên vác những thùng hàng ấm chén, bát đĩa, gạch men và cả những lồ cam, táo đưa qua đường thủy từ Trung Quốc sang cảng Cấm. Mấy tháng làm "cửu vạn" trúng vài quả đậm, Mạnh đã có món tiền kha khá, lại đúng dịp Tết, Mạnh về quê mang theo ti vi giải hệ mua ở vỉa hè cổng chợ Sắt. Chiếc ti vi người thành phố đã loại thải, tưởng chỉ để cho trẻ con chơi tháo ra lắp vào làm quen dần với đồ điện tử, lại hóa ra danh giá cho anh chàng nhà quê. Mấy ngày trước và sau Tết, nhà Mạnh nườm nượp người ra vào, chả là những ngày này truyền hình phát liên tục, lại toàn chương trình vui nhộn, mà dẫu chẳng vui nhộn là mấy thì người ta cũng tò mò đến xem, vì cả xóm, cả làng không nhà ai có ti vi màu như nhà Mạnh. Mạnh trở thành người cả xóm, cả làng biết đến. Ông chú không biết mấy đời đi biệt khỏi làng hàng chục năm, Tết ấy cũng dẫn vợ con về quê, nghe người làng kháo cũng ghé thăm mẹ con Mạnh. Rồi cũng không biết số trời sắp đặt thế nào, lúc ở nhà Mạnh, ông chú móc túi đưa cho Mạnh cái "các-vi-dít", dặn: "Khi nào xuống Hải Phòng vào nhà chú chơi". Mạnh không bỏ lỡ cơ may, ngay sau Tết vù thẳng xuống Hải Phòng tìm đường đến nhà ông chú vào giữa buổi trưa ngày chủ nhật. Cuộc đời Mạnh sang trang từ cái buổi trưa ngày của Chúa ấy. Mạnh được ông chú thu xếp cho đi học một lớp vi tính bốn mươi lăm ngày. Rồi về trông nom chiếc máy vi tính trong phòng giám đốc - chả là giám đốc thời điện tử - tin học ngự trị khắp nơi, không mấy vị trong phòng làm việc không trang bị máy vi tính. Mạnh bỗng trở thành người được cả Sở kính nể. Muốn xin chữ kí giám đốc ư? Cứ đưa anh Mạnh, khi nào giám đốc về, anh ấy đưa ra là xong ngay. Muốn lấy văn bản nhanh hử? Đưa anh Mạnh đánh vi tính cho là giám đốc xem liền. Mạnh có học, lại biết cách nói năng hợp khẩu khí từng hạng người, chứ không vồ vập, bỗ bã như mấy tay văn phòng sở, nên chẳng bao lâu ông chú đi họp mở thầu, khai trương, thăm thú đều cho Mạnh đi như một trợ lí giám đốc thực thụ. Và lần này cũng vậy. Mạnh không nén được niềm vui nhắc lại lời ban nãy một cách rành rẽ hơn:

- Em không ra thì thể nào mai anh cũng đón em ra liên hoan mừng anh được xuất ngoại.

Yên vội ngẩng lên nhìn Mạnh ngỡ ngàng:

- Xuất ngoại là thế nào, hở anh?

Mạnh cười khùng khục:

- Là đi nước ngoài, sang Sinh-ga-po.

Yên lại vội hỏi:

- Để làm gì? Có lâu không anh?

- Hai tuần thôi. Ông chú anh được một công ty ở bên đó đang có ý định đầu tư vào thành phố, mời sang thăm, chú cho anh đi theo là tin cậy anh lắm đấy. Chuyến này đi về là nhất định em được vào làm ở công ty liên doanh đấy rồi.

Yên mừng quýnh, bá chặt lấy cổ Mạnh hôn lấy hôn để như người phát khùng. Không còn biết nơi đang ngồi là quán cà phê, dẫu vắng vẻ cũng là gần công sở Mạnh, chứ không phải một nơi kín đáo gì. Mạnh ý tứ nâng đầu Yên lên nói nhỏ:

- Chúng mình đi ra biển nhá? Ở đây nóng quá.

Thế là mấy phút sau, Yên đã ngồi sau chiếc xe Dream, sao mà giống chiếc xe hôm chủ nhật đầu tiên Mạnh về đón Yên ra chơi phố quá chừng. Yên hỏi, Mạnh bảo xe của ông chú, vẫn giao cho Mạnh dùng như xe riêng. Rắc rối, không hỏi nữa. Thì xưa nay Yên có muốn biết cái gì tường tận bao giừo. Nghe lọt tai là thôi. Thấy thinh thích là say như điếu đổ. Không cần biết lời nói ấy là thế nào, cái thích ấy rồi sẽ ra sao. Hai người phóng xe về phía biển. Đường vắng, xe chạy sáu mươi cây số giờ. Mạnh được đà phấn khích. Thực ra từ một tuần nay, biết tin được đi với chú sang Sinh-ga-po, Mạnh luôn có tâm trạng phấn khích ấy. Chứ lại không! Đời Manh ngỡ chỉ là anh cứu vạn suốt đời. Nào ngờ một phút lên tiên nhờ vào ông chú giám đốc Sở đang cần một thân tín, lại biết cách nói năng hợp khẩu khí từng hạng người. Thân tín thì dễ ợt, anh em, con cháu trong nhà, người cùng họ tộc chỉ hô một tiếng chạy đến hàng đàn, gạt không xuể. Nhưng biết cách nói năng, giữ mồm giữ miệng thì thật khó. Ông đã có ý chọn đệ tử là con cháu trong nhà từ lâu, nhưng vẫn chưa được đứa nào đạt cả hai tiêu chuẩn ấy. Thì hạnh ngộ sao, chuyến về quê ăn Tết năm ấy lại gặp được Mạnh như cá gặp nước, như rồng gặp mây. Mạnh không chỉ hội đủ tiêu chuẩn đệ tử ông ngầm chọn, mà còn lọc lõi, kín đáo đến không ngờ. Sau hai lần cho Mạnh đi cùng xuống cơ sở, đến lần thứ ba có vốn đầu tư nước ngoài, làm việc nửa buổi. Lúc ra về, tay giám đốc hồ hởi tiễn, nhưng không thấy xoắn xuýt mời đi nhà hàng, hay rối rít giục nhân viên đưa cái gì ra xe như mọi khi. Ông lên xe, nhoài người về phía trước định hỏi cậu lái xe, thì đã thấy Mạnh cầm chiếc cặp của ông lên, móc túi nhét vào đó chiếc phong bì dày cộp, và một chiếc mỏng đưa cho lái xe. Ông chú nở nụ cười tươi, hỏi: "Thế còn của cháu?". Mạnh vỗ vỗ vào túi: "Dạ, lính tráng có suất rồi ạ!". Cậu lái xe quay lại cười: "Anh Mạnh có sáng kiến hay đấy". Mạnh nhẩn nha: "Mình rỉ tai giám đốc công ty làm thế cho tiện. Vừa kín đáo, lại có cái mang về cho vợ con. Chứ ăn uống làm gì cho mệt người, chỉ tổ đục nước béo cò, rồi mang tiếng cấp trên về hạch sách cơ sở." Thằng này nói chí phải, đang lúc chống tham nhũng mà đi đến đâu mang tiếng hạch sách ở đó thì vỡ mặt có ngày. Ông giám đốc Sở Kinh tế đối ngoại như vừa phát hiện ra ở thằng cháu một tài năng hiếm thấy ở bất cứ đệ tử nào của ông trước đây. Và ông càng tin cậy, quý mến Mạnh đến mức giao hẳn chiếc xe Dream đập hộp cho Mạnh dùng như xe riêng mỗi khi đi đâu loanh quanh nội thành. Như hôm nay, tiếng là ra bãi biển nhưng vẫn là đường nhựa trải áp phan phẳng lì, chứ không phải đường sống trâu gập ghềnh như về quê Yên, nên Mạnh phóng chiếc xe Dream đến nỗi Yên thấy váng đầu, ù tai phải úp mặt vào lưng Mạnh Như người mất hồn.

 Đến bãi biển, gửi xe xong, Mạnh vội đi thuê phao và quần áo tắm. Nhưng Yên như kẻ mất hồn, mặt tái mét, miệng chỉ muốn nôn, không dám xuống nước. Yên ngồi ngơ ngáo trên bờ, bên đống quần áo Mạnh vừa trút ra, như người coi đồ. Biển về chiều càng đông người. Nước triều đang kì cường. Những con sóng cao như nóc nhà ầm ầm đuổi nhau như trâu lồng húc bổng chiếc phao bơi tung lên cao, rồi lại gieo xuống mất hút trong bọt nước trắng xóa. Yên vẫn dõi mắt nhìn ra ngoài xa tìm bóng dáng Mạnh trong lố nhố những chiếc phao cứu sinh của người tắm biển lềnh bềnh trên sóng nước. Yên vừa nhận ra thân hình cao ráo, rắn rỏi của Mạnh nằm lọt trong vòng chiếc phao đen, bơi như đùa với sóng. Một con sóng lừng lững như mái nhà đổ sập vào Mạnh. Yên vội bật lên tiếng gọi: "Anh Mạnh! Bám chặt lấy phao". Nhưng chắc gì Mạnh đã nghe thấy. Lại con sóng nữa ập đến. Yên vội nhắm mắt lại. Rồi lại mở mắt ra. Vẫn thấy Mạnh nằm sấp trên chiếc phao bơi cho sóng xô vào hướng bờ. Mấy giây sau, thật mắt Yên không nhìn nhầm, chỉ còn một chiếc phao trôi như bay trên đỉnh sóng. Không thấy người bám vào phao. Mạnh đâu? Anh Mạnh ơi! Anh Mạ...nh... Yên thét gọi. Và cùng với tiếng gọi của Yên là những tiếng nhốn nháo gào thét của những người trên bờ, dưới nước ầm vang bãi tắm "Cứu! Cứu người!". Chiếc ca nô cứu hộ đỗ đầu bãi tắm tức thì hộc lên tiếng máy nổ, lao thẳng ra. Nhưng Mạnh không biết bơi. Con sóng to xô tới như giật chiếc phao ra khỏi người. Không còn chiếc phao làm chỗ dựa, Mạnh không thể một mình tự bơi, anh cố nhoài tay lên chới với trên mặt nước.

 Mạnh được đưa vào trạm cấp cứu của chi nhánh bảo hiểm khu vực. Người bác sĩ quay ra hỏi Yên: "Cô là bạn hay là người nhà của anh ấy?". Yên ngập ngừng giây lát, rồi nói lí nhí: "Là bạn". " Thế thì cô đi gọi điện bảo người nhà anh ấy xuống ngay", người bác sĩ giục. Nhưng Yên không thể nhúc nhích được bước nào, vội ôm chầm lấy người bác sĩ mà gào lên những lời thảm thiết: "Xin bác sĩ cứu lấy anh ấy!". Rồi bỗng Yên gào lên: "Anh Mạnh ơi... anh mà đi thì em biết dựa vào ai bây giờ, anh ơi!".

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/85583


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận