Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 20


Truyện ngắn 20
Tất niên

Gần trưa, một chiếc xe con màu đen hăm hở lăn bánh trên đường làng Phương. Những người làm đồng ngơ ngáo hỏi nhau: "Xe huyện về làng mình làm gì đấy nhỉ?". Một bà ra chiều thông tỏ: "Xe đen, không phải của huyện. Có khi xe ông Khánh về thăm cụ Lúa". Chiếc xe chạy ra đến xóm ngoài thì quặt vào lối ngõ.

Bấy giờ, cụ Lúa đang ngồi ngoài hiên thẩn thơ như đang sưởi nắng hanh. Chiếc áo bông cũ vừa cởi ra để bên cạnh. Con vện xám nằm phủ phục dưới chân, đầu gối lên chiếc dép bên chân cụ. Ông Khánh đẩy cổng bước vào. Con vện giật mình ngẩng lên, nhận ngay ra người quen, liền nhảy cẫng ra phía cổng. Bà Hồng, vợ ông Khánh, cũng vừa lấy xong các thứ trong thùng xe ra, vai đeo tay xách vào đến sân đã nói thay lời chào:

- Hôm nay có rét lắm đâu mà bà ngồi sưởi nắng cho đêm lại ngạt mũi, ấm đầu mất thôi!

Cụ Lúa ngẩng lên hấp háy mắt, hỏi:

 - Mẹ Hồng cũng về đấy ư? Có cho đứa nào về không?

 - Dạ, các cháu đứa thì đi làm, đứa còn học mấy ngày nữa mới nghỉ cơ ạ!

Bà Hồng vội để cái làn và chiếc túi xuống hiên. Rồi vừa đỡ cụ Lúa đứng dậy dìu vào trong nhà, vừa hỏi:

- Bà mấy ngày giá rét vừa rồi đêm về sáng còn ho nữa không?

- Từ hôm chị mang lọ thuốc viên về, uống cũng thấy đỡ nhiều.

 

Ông Khánh nhìn một bên tay trái buông thõng của cụ Lúa giật giật liên hồi, vội hỏi:

- Nhưng tay bà lần này con trông lại co giật nhiều hơn đấy.

Cụ Lúa thủng thẳng:

- Thì vẫn thế. Nhưng năm nay nghe ra những hôm giá rét nhiều thì đau buốt có nhiều hơn. Nhưng mà thôi, sống được thế này cũng là phúc lắm rồi. Chứ cứ như lúc nghe tiếng kêu rắc một cái, thì tưởng không bao giờ còn lành lặn được nữa.

Sau câu nói vẻ bình thản của cụ Lúa, ông Khánh bỗng thấy đau nhói trong người, như không chỉ một bên tay bị bẻ chéo cánh gà của cụ Lúa, mà cả thân hình ông nằm gí trên đống phên cũng đau đến nghẹt thở.

Đấy là một ngày tháng bảy. Mưa sùi sụt kéo dài cả tháng trời. Ngoài đồng nước trắng băng. Trong làng, nhiều nhà ngập cả trong sân, ngoài ngõ. Cơ quan huyện ủy từ mấy hôm trước đã phân tán ở mấy địa điểm, đề phòng địch lợi dụng mưa lụt bất ngờ mở trận càn. Ở lại nhà bà Lúa chỉ còn hai người là Khánh và Giảng. Nhà bà Lúa ở chỗ cao không bị lụt, nhưng nhà tường đất, mái rạ nhiều chỗ mưa dột trong nhà như ngoài sân. Khánh và Giảng ở chiếc hầm hàm ếch dưới rặng tre bờ ao. Mưa lâu ngày, đất dưới gốc tre mủn. Khi đám lính sục sạo tới mới bổ mấy nhát cuốc nửa hầm bờ tre phía ngoài đường đã sụt. Thấy lộ ra một quầng sáng hắt xuống, Khánh kéo Giảng đứng khuất ra hàm ếch phía ngoài ao. Nhưng nước lại mấp mé nóc hầm, nên bất cứ một cử động nào của hai người cũng làm nước trong hầm sóng sánh vỗ vào thành, phát ra tiếng động bì bõm. Bọn lính nhìn chỗ hầm sụt thấy nước xao động, vội xả súng xuống thị uy, rồi mới gọi hàng. Nhưng Giảng đã nhanh tay rút chốt lựu đạn tung ra khỏi hầm và nhảy ào lên. Lập tức đám lính bắn đuổi theo. Giảng chạy thục mạng tắt qua lối đường ra đồng. Thấy thế, Khánh cũng chui ngay ra cửa hầm lối ao, rồi lao nhanh vào nhà. Bà Lúa vội chỉ lối cho Khánh leo lên đống phên phơi thuốc lào gác trên hai quá giang. Khi Khánh vừa leo lên đến nơi, thì mấy thằng lính từ ngoài đường xộc vào, quát: "Cái nhà bà này giấu Việt Minh ở đâu?". Bà Lúa quay nhanh ra sân, miệng nói, tay vái như tế sao: "Dạ dạ, xin các ông tha cho. Con không biết, con không thấy gì sất ạ!". Một thằng tay xách súng, tay lôi bà Lúa ra giữa sân: "Chính ông trông thấy nó chạy vào ngõ mà còn chối à?". Có tiếng quát như ra lệnh: "Đánh kỳ khai ra thì thôi!". Tức thì, báng súng trường nện huỳnh huỵch lên vai, lên lưng bà Lúa. Nhưng bà vẫn cắn răng, không một tiếng kêu la, rên rỉ. Khánh nằm dán mình trên đống phên, không nhìn thấy tận mắt giặc tra tấn bà Lúa. Nhưng cứ mỗi lần nghe tiếng báng súng trường nện huỳnh huỵch lên người bà, thì Khánh lại thấy như cơ thể mình đau nhói. Cho đến khi nằm trên đống phên mà Khánh cũng nghe "rắc" một tiếng cánh tay bà Lúa bị chúng bẻ quặt ra phía sau như bẻ tre, liền tiếng kêu thất thanh của bà: "Cha bà chúng mày, gẫy tay bà rồi!". Chỉ thế, rồi bà nằm vật ra sân, ngất lịm. Mãi lúc ấy, bọn lính như mới thấy sức chịu đựng ghê gớm của người đàn bà mảnh mai, dẫu có đánh thế, chứ đánh nữa cũng không moi ra được gì; lại cũng vừa lúc tiếng kèn gom quân toe toe ngoài đầu xóm, thế là bọn lính kéo nhau đi. Bấy giờ, Khánh mới từ trên đống phên mái nhà nhảy xuống, bế bà cụ vào nhà lau rửa, xoa bóp chỗ đau trên cánh tay bà.

Từ ấy, mỗi khi trái gió trở trời bên cánh tay của bà bị địch bẻ gẫy ngày ấy lại đau buốt. Càng về già, giá rét lại càng đau nhiều. Ông Khánh như vừa lật qua trang ký ức, vội quay lại giục vợ:

- Em đi sắp lễ để anh thắp hương kẻo trưa rồi.

Cụ Lúa nghe ông Khánh giục vợ thế, vội bảo:

- Hôm kia mẹ con nhà Hào tiễn Ông Táo về trời, cũng đã thắp hương cụ rồi.

Bà Hồng đã ra chạn bát lấy mâm đĩa vào, nghe thấy cụ Lúa nói vậy, sợ cụ nghễnh ngãng nghe không rõ:

- Nhà con hôm nay về là có chuyện thưa với bà, nên muốn được thắp hương xin phép ông trước.

 

- Xin được cho con cháu Hải ra ngoài ấy làm rồi hả?

- Dạ, để rồi nhà con sẽ thưa ạ!

Nói rồi, bà Hồng lấy các thứ trong làn ra: một con gà trống chừng hơn cân đã luộc vàng ngươm, gói xôi gấc vừa một đĩa đỏ rực, gói giấy tiền vàng có phong hương kẹp giữa, quả cau lá trầu, một nắm bỏng, cút rượu trắng, mấy hộp bia Hà Nội. Nhìn lễ vật bà Hồng để ra mâm, cụ Lúa cứ đoán già đoán non, hẳn có điều hệ trọng mẹ nó mới chuẩn bị mọi thứ mang từ phố về thế kia. Chứ bao nhiêu năm nay, vợ chồng nó đi lại đây như người trong nhà, có bao giờ mua sắm lễ vật ca kích thế đâu. Dẫu ở xa, nhưng được cái năm nào ông Khánh cũng về, ít cũng một lần vào dịp giỗ cụ ông. Cụ bị cảm thương hàn mất đúng năm cải cách ruộng đất. Ông Khánh đang công tác ở tỉnh, biết tin, nhưng không dám về đưa. Sau này, ông cứ ân hận mãi về sự thận trọng đến nhu nhược ấy của mình. Nên có ý chuộc lỗi, năm nào giỗ cụ cũng về, hoặc bận thì cho vợ con về thắp hương. Nhà cụ Lúa còn cái giỗ nữa, tiếng là không phải cúng, nhưng Khánh vẫn nhớ ngày. Ấy là giỗ chú Hoàn, con trai cụ Lúa, em liền kề với cô Hào. Hoàn hy sinh ở miền Nam trước khi Sài Gòn giải phóng đúng mười ngày. Chính ông Khánh đã ghi ngày tháng Hoàn hy sinh trên giấy báo tử, rồi đi đổi ngày dương ra ngày âm để nhớ cúng giỗ. Nhưng cũng có năm ông bận không về được. Còn Tết nhất thì thực tình, ông Khánh không mấy khi được rảnh. Đứng đầu một ngành ở tỉnh, tiếng không làm kinh tế, nhưng lại có liên quan nhiều đến các hoạt động văn hóa những dịp lễ Tết. Nên mấy ngày Tết người ta đi chúc tụng, biếu xén nơi này nơi khác, nhưng ông lại chúi đầu vào những băng hình, vở diễn để có được còn cho in sao, phát hành, công diễn phục vụ Tết. Rồi ra giêng, từ mồng ba, mồng bốn, có nơi ngay từ mồng hai đã mở hội đánh đu, vật võ, hát đúm, kéo co... thôi thì đủ trò vui chơi, lễ hội tưng bừng, nhộn nhịp. Chỗ nào cũng chèo kéo bằng được lãnh đạo ngành hàng tỉnh về dự. Đấy là chưa kể lãnh đạo tỉnh, hay Trung ương về lại muốn đi dâng hương đầu xuân đền Nghè, đình Kênh, đền Trạng nữa thì thôi đấy, coi như năm ấy không được nghỉ Tết. Nên năm nay, chưa đến Tết ông Khánh đã cảm thấy như được sổ lồng. Vì sau bốn mươi ba năm đi công tác thoát ly, ông mới vừa được nghỉ hưu, có một cái Tết hoàn toàn của riêng mình.

Ông Khánh vừa lau dọn bàn thờ, vừa thẩn thơ nghĩ ngợi. Chợt nghe tiếng vợ giục:

- Mâm cúng sắp xong rồi đây. Có chờ mẹ con cô Hào về, hay cứ đưa lên thắp hương trước, hả ông?

- Cứ đưa lên đây, thắp hương dần đi là vừa.

Cụ Lúa đang ngồi trên sập thõng chân đứng dậy, nói thủng thẳng:

- Lễ vật anh chị sắp từ ngoài phố về, thế là chu đáo lắm rồi. Nhưng có khi vẫn phải có bát cơm tẻ, mẹ Hồng ạ.

- Vâng, bà không nhắc tí nữa con quên. Cái nồi cơm điện của nhà vẫn dùng tốt chứ, bà nhỉ?

Cụ Lúa chậm rãi:

- Vẫn dùng tốt. Nhưng có khi bật bếp ga cho nhanh; chứ trưa đến nhiều nhà nấu nướng điện đóm yếu lắm đấy, mẹ nó ạ.

Ông Khánh thoáng quay ra nhìn xuống nhà dưới. Rồi lại nhìn khắp lượt nhà trên. Năm nào ông cũng về. Mà mỗi lần về lại thấy ra cái mới ở nhà này. Năm trước về thấy mọc lên ngôi nhà tình nghĩa, hỏi bảo xã mới xây tặng bà; năm sau đã thấy sửa lại nhà dưới. Rồi lần về thấy thay ti vi đen bằng ti vi màu; lần lại thấy con Hải đi chiếc xe mi ni Nhật đỏ chói. Năm nggoái về bà Hồng tấm tắc khen cô Hào mua được cái nồi cơm điện rẻ hơn ở phố đến dăm chục nghìn; thì năm nay lại nghe cụ Lúa giục bật bếp ga nấu cơm cho nhanh. Ông Khánh đang nghĩ vơ nghĩ vẩn, chợt nghe tiếng vợ ở nhà dưới nói như reo:

- Mẹ con đi làm về muộn thế!

 

- Hai bác mới về ạ! Nhìn thấy xe chạy vào ngõ nhà, mẹ con em cũng đoán là hai bác về. Nhưng còn dở đám ruộng, cố cấy cho hết chiều khỏi phải đi. Giời ơi, bác vào bếp làm gì, cứ để đấy, mặc em!

Vừa nói, cô Hào vừa xăng xái vào bếp. Bà Hồng bảo:

- Nấu bếp ga có bụi bậm gì đâu.

 - Thì bác cứ đi lên, để mặc cháu nó làm. Hải ơi, con vào bếp làm cơm cho bác đi!

Mẹ con cô Hào trước nay vẫn ăn chung ở độn với mẹ đẻ. Sau ngày miền Nam giải phóng hơn một năm, mới có giấy báo tử cậu Hoàn. Cô Hào năm ấy đã ngoài ba mươi tuổi, cũng mấy chỗ mối lái, nhưng phần thương nhớ em, phần không muốn lấy chồng làm dâu để mẹ ở nhà còm cõi một mình, nên đám nào cũng chối. Nấn ná mấy năm mới lấy Thung, thương binh chấn thương sọ não ở Cam- pu- chia về. Nhà Thung đông anh em, lại không còn bố mẹ, nên nguyện vọng của Hào lấy chồng ở rể mới được toại nguyện. Nhưng duyên phận cô chú ấy mỏng, cháu Hải ra đời mới được bảy tháng thì Thung tái phát bệnh não không sao chữa chạy được nữa. Từ đấy, Hào ở vậy nuôi con, thờ chồng, chăm bẵm bà mẹ già và hương khói cho cậu em liệt sĩ. Ông Khánh ngồi bên cụ Lúa trên chiếc sập giữa nhà, nhìn cô Hào tất tưởi dọn ngoài sân mà lòng ngổn ngang bao ý nghĩ. Ông vừa chợt nhớ đến câu cụ Lúa hỏi khi vợ chồng ông mới đặt chân về. Có lẽ chiều nay ra phải gọi điện hỏi lại; hay mai, ngày kia lúc nào phải đến tận nơi nói khó với các anh ấy vậy. Bao nhiêu năm công tác không nhờ vả gì, giờ nghỉ hưu chỉ nhờ các anh mỗi việc cho đứa cháu gái ở nhà quê, đã học hết lớp mười hai nhưng không có hoàn cảnh học lên nữa, được vào làm chỗ cơ quan cũ của tôi theo hợp đồng thôi mà. Cố tìm cho con Hải một chỗ làm ở ngoài ấy, cho thỏa lòng mong mỏi của mẹ con cô ấy. Ông Khánh đang lòng nhủ lòng, thì nghe tiếng cô Hào gọi giật bà Hồng:

- Bác vào bê hộ em mấy bát cơm cúng lên cho bác trai với nào.

 

Khi bà Hồng bê mâm cúng lên, ông Khánh chuyên từng bát đặt lên bàn thờ, rồi rót rượu, châm hương. Đoạn, quay ra trịnh trọng mời cụ Lúa:

- Lễ vật sửa xong rồi, con kính bà thắp hương để mời các cụ về xơi cơm ạ!

Cụ Lúa đứng dậy, vừa sửa lại xống áo vừa hỏi ông Khánh:

- Chỉ khấn các cụ về ăn cơm phù hộ cho con cháu thôi hả?

- Dạ, hẵng mở đầu thế ạ!

Từ lúc nghe tiếng ông Khánh mời cụ Lúa lại thắp hương, cả bà Hồng và mẹ con cô Hào đều không ai bảo ai, lặng lẽ vào đứng chắp tay sau lưng cụ Lúa. Ông Khánh châm ba nén nhang đưa cho cụ xong, cũng lùi lại phía sau, đứng hơi nhô lên trên hàng ba người


đàn bà.

Sau cụ Lúa, đến lượt ông Khánh châm nhang cắm vào bát hương. Rồi chắp tay cung kính vái ba vái trước ban thờ, miệng lẩm nhẩm những lời như rút ra tự đáy lòng: "Con nhờ bà che chở mới thoát khỏi trận giặc càn giữa độ lụt tháng bảy năm nọ. Từ bấy đến nay, con vẫn coi ông bà như cha mẹ sinh ra con lần thứ hai. Nhưng bao năm qua, phần còn bận công việc nhà nước, phần vì cửa nhà còn nhiều khó khăn, lo cho các cháu ăn học nhiều khi thật cực nhọc, nên con chưa có dịp được báo đáp bà ngày nào. Nay con đã được nghỉ hưu, các cháu đã phương trưởng, con lại vừa được thành phố bán trợ giá căn hộ trên tầng hai thoáng đãng. Hôm nay ngày đẹp. Vợ chồng con về xin ông linh thiêng phù hộ cho con được đón bà ra phố ăn Tết với vợ chồng con một năm..."

Chẳng biết cụ Lúa có nghe được hết lời khấn của ông Khánh không, chỉ biết, khi ông Khánh khấn đến đấy cụ đã thoai thác:

- Anh xin phép ông ấy thì xin, chứ tôi là tôi không đi đâu!

Vợ chồng ông Khánh chưa kịp lên tiếng, thì cô Hào, như được bà Hồng rỉ tai trước, liền phù hoạ:

 

 - Bà vẫn chả bảo chưa biết phố xá thế nào, năm nay bác trai nghỉ hưu muốn đón bà ra ăn Tết một năm thì bà cứ đi.

Chỉ có thế mà bà cụ đã quay sang cô con gái, nói xẵng:

- Chị định đuổi tôi đấy à?

Tức thì, cả bà Hồng và cô Hào cùng ôm choàng lấy cụ, buột kêu: "Kìa, mẹ!"

Căn nhà bỗng ắng lặng. Sự thực ấy ông Khánh đã nghĩ tới. Bởi lâu nay ông vẫn hiểu, làng quê dẫu còn nghèo, nhiều nhà mùa đông tháng giá vợ chồng con cái đắp chung một cái chăn mỏng, có cụ già mấy mùa rét vẫn chỉ một chiếc áo bông sờn. Nhưng bảo ra phố ở với con với cháu, chỉ ăn rồi trông nhà hoặc đưa cháu đi, đón cháu ở nhà trẻ về thì cụ nào cũng chối đây đẩy. Dường như rời khung cảnh tĩnh mịch, thanh bình ở làng quê ra phố là cụ nào cũng cảm thấy tù túng, gò gẫm hay sao ấy. Biết vậy nên ông Khánh đã bàn tính với vợ mọi nhẽ. Ông còn bảo bà chuẩn bị lễ vật từ ngoài phố mang về, để cụ Lúa có thể hiểu lòng thành của vợ chồng ông. Ngay đến bài khấn ban nãy ông cũng viết ra giấy, học thuộc lòng để tỏ sự cung kính, mong làm cho cụ thanh thản, vui vẻ ra nhà ông ít ngày. Được vậy thì ông Khánh Tết này toại nguyện: sau bốn mươi ba năm công tác, ông nghỉ hưu trong tâm trạng hoàn toàn thoải mái, căn hộ mới rất hợp ý thích của hai vợ chồng, cô gái út vừa tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ đã có nơi nhận vào làm ngay, và sau cùng là cụ Lúa, ân nhân của ông một thời nằm hầm ngủ bụi ở làng Phương, từ bao nhiêu năm đã có ý định, nhưng nay mới có điều kiện đón cụ ra phố ăn Tết một năm. Vậy mà... Ông quay lại nói như dỗ dành:

- Bà ở nhà với mẹ con cô Hào thì ở cả đời, chứ mấy ngày Tết kể gì. Bà cứ ra ngoài ấy ít ngày cho vợ chồng con và các cháu nó mừng.

Vợ ông cũng vun vào:

- Thì bà cứ ra ngoài đó, ăn cái Tết dối già với chúng con ở phố một năm.

 

Con gái cô Hào, biết mẹ giờ không dám lên tiếng sợ bà giận, cũng vội sà vào ôm vai bà, nũng nịu:

- Bà cứ ra ngoài ấy. Mồng hai cháu đèo mẹ cháu ra chúc Tết nhà bác, rồi bà cháu mình cùng về, bà nhá!

Bà cụ vừa hẩy tay cô cháu gái ra vừa mắng yêu:

- Cha con mẹ chị, cụ kỵ ông bà tôi ở đây, Tết nhất tôi không ở nhà hương khói, lại ra ngoài ấy cho các cụ quở trách ư!

Ba người lớn nhìn bà cụ ôm cô cháu gái vào lòng, mà như thấy những lời mình vừa nói đều trở nên vô nghĩa.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/85584


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận