Chuyện Nỏ Thần Chương 3


Chương 3
Tướng quân họ Cao tên Lỗ, người Vũ Ninh.

Thời An Dương Vương, tướng quân được vuốt thần Kim Quy, chế ra nỏ linh quang thần cơ. Đem nỏ bắn vào quân giặc, chúng không dám đến gần. Tướng quân đã nhiều lần đánh lui được giặc, lập công lớn. Sau bị lạc hầu dèm pha rồi An Dương Vương trừ bỏ .

Vũ Quỳnh và Kiều Phú (Lĩnh Nam Chích quái)

Cao Lỗ có công giúp vua Thục đắp thành Cổ Loa rồi làm lẫy nỏ thần. Thành đắp đã cao mà chỉ một đêm, bị sập xuống như đất bằng. An Dương Vương ra xem nơi thành đổ, ngẩng mặt cầu trời phù hộ. Một ông lão râu tóc bạc phơ, từ xa đến, mà rằng:

" Sáng mai nhà vua ra bờ sông đợi, sẽ gặp giang sứ". Sớm hôm sau, An Dương Vương ra bờ sông. Thấy một con rùa nổi lên, từ phía đông bơi vào. Tự xưng là thần Kim Quy. Vua hỏi kế đắp thành. Thần Kim Quy làm bùa yểm ma xong rồi rút ra chiếc móng trao cho An Dương Vương, dặn: Móng này làm lẫy nỏ giữ thành. Một phát chết nghìn giặc.

(Ngọc phả Thục An Dương Vương đền Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội)

* * *

Ngã ba sông Cái mênh mông suốt cửa sông Thiếp, sông Lú

C ả đến những bãi cát lẫn dòng nước cũng đỏ ối tới chân trời. Mấy con chim bói cá vẫy cánh đứng trên xoáy nước xoay tròn, chốc lại nhào xuống. Những con rùa đương bơi, thình lình vươn cổ lên. Con chim bói cá vừa bổ ngang tầm, hốt hoảng hất bay. Như ai ném xuống rồi lại đón khỏi mặt nước chiếc hoa móng rồng nở cong cánh. Bói cá lại ra khoảng nước chỗ khác, chấp chới nghiêng nhòm xuống rình bắt mồi. Đàn rùa bơi lướt qua. Những bàn chân rùa đạp nước khoan thai như những chiếc bê chèo. Người các cõi về đắp thành, đi giữa trời nước ấy -như những đám trảy hội. Trong ánh nước, tiếng hát rập rờn thoang thoảng khắp các vùng đồi bãi hai bên bờ. Khăn vuông ai đội Khăn điều ai vắt vai Ai đi nhớ Về thương Khăn điều ai vắt vai ai Chưa bao giờ các nơi sông hồ, các đồi đá ong vùng Kẻ Vang, Kẻ Nhồi đông vui đến thế. Suốt dọc sông, tấp nập người đắp tường thành. Không phải chỉ người đi, mà người đến ở. Như mỗi khi mùa gặt tới, các làng dọn ra ở đồng, dựng lều lán lên. Xung quanh quây nứa, thả con lợn, con trâu ngoài bãi. Khói thổi cơm nghi ngút. Tiếng trẻ con buổi chiều hờn ời ợi. ở đây cũng thế. Nhưng không phải thời mùa màng, mà các lều cứ dựng san sát. Trời vừa dựng sáng, người đã tấp nập ra. Những gò đất được đắp lên, đứng tròn như cây rơm. Dưới những ao chuôm vừa đào sâu hũm, người lũ lượt xuống đội đất. Những khoảng bãi trống phơi đất luyện được nắng, đã khô trắng. Đằng xa, không biết người ta đốt lò hay cháy rừng, hay thui lợn, khói cuồn cuộn bốc. Trước mặt, từng bọn trai tráng cởi trần khố bao, tóc dài ngang lưng. Lắm đám đứng lẫn lộn cả với các chị áo ngắn váy cao khăn vuông trùm chỉ hở hai con mắt

N hững người đội đất. Một lũ gánh gồng cỏ cho ngựa. Một toán cụ già đứng bện chão. Mấy cụ ngồi lẫn trong đám, bưng bát uống nước chè xanh. Khói thơm ngọt như mật mới. Người bước trong lều ra, te tái đến chỗ này, sang chỗ kia, mỗi nơi mỗi việc. Chẳng mấy lúc, các chạ đã khiêng ra những thúng cơm tẻ, những nia cơm nếp bốc khói. Lại vác ngổn ngang đến những xâu thịt nai, thịt hươu cùng với những ống tre đã róc vỏ, cháy sém những ống cơm lam vừa chín, còn nóng hầm hập. Đám các làng chạ đằng kia đã dọn cơm rượu. Những nơi khác còn mê mải làm. Những đống đất cao bằng gò. Chiếc cung căng dây xắn đất đem phơi. Mỗi tảng đất tròn thu lu như cái thúng đại, thuốn lỗ xâu giữa. Một chiếc chão dài thòng vào. Hàng dãy người gò lưng đứng một lượt kéo từng tảng đã khô xác lên đỉnh gò, rồi dòng xuống bên kia, xếp lên từng khúc tường thành cứ vòng tròn cao dần.

Xa xa, không biết phía nào, tiếng hát cất cao lên. Những gò ụ tường thành mỗi hôm trông lại thấy cao hơn đầu người hôm qua. Rồi đến khi phải đội nhau trèo lên mới đắp được. Người càng đông xúm xít quanh các bờ tường, các bậc đá, các dốc cỏ mỗi lúc một khác. Thế mà người các nơi vẫn kéo về đông. Những túp lều xúm xít nối nhau ra tận ngoài cửa sông Thiếp. Những cô phường đấu người Chu Diên đội từng tảng đất nạc vừa vác dưới chuôm lên. Các cô đi một lượt, vắt vẻo hai tay, khăn vuông đen, áo cánh, váy xắn quai cồng. Người mảnh dẻ như chiếc măng trúc, mà sao đội vác được nặng thế. ấy cũng bởi vốn người vùng bãi, năm nào cũng phải nạn nước lụt. Nhà ở phải đào vực lấy đất đắp thành gò san nền. Sau mùa nước, lại đào đắp lại, năm nào cũng thế. Vậy nên phường đấu giỏi đội, không đâu cổ cứng bằng người đất bãi ở Chu Diên, ở Mi Linh. Tiếng hát chập chờn đưa các cô đội đất lại gần. Không biết tiếng hát các cô đội đất toán ấy hay toán nào đằng kia. Phía nào cũng nghe văng vẳng tới. Một cô phường đấu người mảnh khảnh. Tảng đất to hơn chiếc thúng cái ngất ngểu trên đầu. Cô đi lên trước. Đến khi cả bọn tới, trông cô ấy cũng lẫn vào với các cô khác. Váy áo giống nhau, chiếc khăn vuông tùm hụp, kín mít. Đi qua chỉ thấy lấp loáng một ánh mắt và nụ cười hệt nhau. Bọn các cô phường đấu đương rồng rắn đi tới. Bên kia, đứng đầu chão chuyển đất tảng vào chân thành, những người trai làng ngẩng đầu nhìn sang toán các cô phường đấu. Tiếng "dô huầy dô huậy" lại rầm lên. Cái chão căng thẳng, thả đất từ trên mỏm gò xuống vực móng vừa khéo, tảng sau khít tảng trước, như khớp quánh lại. Mồ hôi ròng ròng trên mình những người kéo chão. Khố vắt đuôi lươn, ngực trần, lưng vai bắp căng múi. Tảng đất theo chão buông theo tiếng "dô huầy" lại rộ lên rồi thầm thì cho đến lúc tất cả rời tay, cùng reo à một tiếng giật mình. Tảng đất đã lại khớp vào hố móng. Những cô vừa đội đất đến cũng lao xao nói sang: "Khéo quá! Khéo quá!" Một người trai trẻ đưa cùi tay gạt mồ hôi trán, nhìn ra. Những người con gái đã đi qua trước mặt mà tiếng hát vẫn rập rờn đâu đây, xa xa gần gần. Có phải tiếng hát của những người đội đất vừa lướt qua. Không chắc. Hình như phía nào cũng đương xôn xao, phảng phất tiếng hát. ánh mắt những cô gái đội đất lúng liếng sang. Các cô đi qua, đưa mắt nhìn trộm các chàng trai lại đương căng tay kéo chão, buông từng tảng đất, từng tảng đá ong xuống lòng móng tường. Lúc ngẩng lên, càng náo nức. Bao nhiêu đôi mắt thiết tha, những nụ cười lại tíu tít khúc khích trong làn khăn. Biết ai vào ai. Rồi tiếng hát lại cất cao. Tiếng hát, tiếng cười và những dòng người đội đất đã đi khuất vào những gò đá ong tận đằng kia. Người đắp thành vẫn về thêm nhiều. Đông đến độ không ai chỉ vẽ ra đâu đám người làng hay đâu là quân quan vua chủ. Bởi việc quân cơ bấy lâu đã được sắp đặt đâu ra đấy. Các cõi nuôi quân tuần phòng, cấp gạo, mắm muối. Kho vua chủ phát áo giáp da trâu, mũ da trâu phết sơn điều cho quân lo trận mạc quanh năm. Các chợ đều có quân đốc binh ngồi lấy da trâu về thuộc làm giáp trụ việc quân. Cõi nào cũng sắp sẵn các kho binh khí đã quy rõ số mục từng nghìn nỏ cánh hóp đá, bồ tên trúc chẻ, rồi câu liêm, cán giáo dài đánh bộ, đánh ngựa, đánh thủy, đủ lệ. Cả đinh ba mũi đồng, mộc gỗ mít, khiên ken năm tầng dây mây, ba lớp song uốn. Mọi cái đủ bộ rồi mỗi năm hai kỳ mở cuộc tập luyện, làng chạ nào cũng như vào hội. Lại cứ đầu mùa nắng, con voi, con ngựa ở hoang trong rừng đương kỳ sinh nở, các phường săn đi lùng bắt voi, ngựa con về vực cho thuần thành voi chiến, ngựa chiến.

Khắp các cõi răm rắp một phép vua. Một trăm mũi tên trong máng nỏ bắn ra cùng lúc. Bao năm, đâu đấy một lệnh. Ngoài bãi, trong làng, trên ngọn nước, trong thành đều sẵn sàng mà thuận hòa. Đâu cũng nức tiếng đồn có được bọn ông Đô Lỗ, bố con ông Đô Nồi với nhiều người tài ở xa về giúp dập vua chủ, đất nước được vỗ yên từ ấy. Lạ thay, không ngạch quân, không cơ ngũ, mà có cả. Cứ đến kỳ tập giáo, tập khiên, đánh roi, đánh ngựa, trai tráng các vùng tụ hội đủ mặt. Xong đâu lại về đấy. Năm nay, khí thế khác hẳn mọi năm. Người về xây thành vua chủ, lại người được gọi, như mọi khi hội quân các cõi. Đâu đâu cũng tấp nập. Trai tráng cả nước đóng khố ba bảy, cởi trần đi đông nghịt về đắp thành. Đông hơn hội quân! Các lão bà, các ả ngoài nội trong thành kéo ra. Chiều đến, người phường nào, chạ nào tụ tập lại. Dọc sông sáng rực đuốc đóm. Chỗ hát xoan, hát thương hát nhớ, chỗ đấu roi, đấu vật, rộn rã đến khuya. Hôm sau, quanh thành lại như mọi hôm, hàng hàng người đội đất, người nắm chão kéo đá ong quanh co lên các mép luỹ. Có đến trăm nghìn đám kéo chão, biết đám nào là đám chàng trai hôm qua gặp các cô phường đấu đội đất? Cụ già râu bạc phơ đứng trong nắng, trần lưng, vặn những thanh giang đánh chão. Trong mọi đám làm nhà, dựng lều, việc bện thừng chão, đâu cũng các lão ông làm. Tay cầm mảnh giang, mảnh nứa, vỏ sui, sợi móc diều, đấy là công cả năm đi tìm chặt về, nào ngâm, nào phơi, nào chẻ, cứ chất đống lại. Chỉ có người già mới biết nhặt nhạnh kiên tâm, kỹ tính đến thế. Trên bãi dưới sông, bốn phía lại tấp nập ngổn ngang những người là người.

Một bọn các cô gái vừa trở lại, đi qua đám con trai đương cắm cúi luồn chão xâu những tảng đất đá ong. Các cô về vắt vẻo đi tay không. Trên khăn vuông đội đầu chỉ còn lại mảnh lá cọ lót. Người trai buông chão, ngẩng mặt nhìn ra, cười hỏi:

- Này ai ởi! Người đâu mà hát hay thế?

Một cô gái đáp:

- Chúng em người chạ nhà thôi.

- Mi Linh hay Chu Diên đấy?

- Liền anh ở đâu ta hẵng cho chúng em biết trước đã.

- Cũng người Chu Diên, Mi Linh mà.

- Này liền anh ởi, thế thì làng trên chạ dưới rồi. Đám trai cười vang. Bên kia, những tiếng khúc khích, và cả những miệng cười nụ không ai nhìn thấy. Vẫn chỉ thoáng những ánh mắt. Bấy nhiêu cô, cũng giống một cô như thế.

Nhưng một người trai đã đứng lên, nói to:

- Không, không phải. Nói dối rồi. Xưng là người ở đây mà không tường mặt tướng quân Cao Lỗ à? Gái cõi nào mà khéo đưa đẩy mồm miệng thế?

- Tướng quân Cao Lỗ...

Người con gái từ nãy đối đáp với chàng trai vừa nói dở câu ấy rồi dường như ngạc nhiên, im lặng, ngượng nghịu, lúng túng, quơ tay lên đầu, kéo mảnh lá cọ xuống. Nhưng mảnh lá cọ đã bay lúc nào. Cô luống cuống, sợ hãi. Tướng quân Cao Lỗ đấy ư? Người đứng đầu chão kéo đất hay người nói như tự xưng ấy. Không, ai thì ai, cũng chắc là phải có tướng quân Cao Lỗ trong đám kéo chão bên ấy, người ta mới nói thế. Làm sao mà từ nãy vô ý dám chớt nhả xấc xược đến thế. Chết rồi. Cô gái cúi nhặt tàu lá cọ cầm trên tay, nhìn sang. Nhưng trong làn khăn vuông, trông lại cũng vẫn chỉ thấy một ánh mắt. Không ai biết cô gái ấy đương hốt hoảng run rẩy. Người trai trẻ vừa nói, lại buông chão xuống, cười mỉm.

- Phải, tôi là Cao Lỗ. Cao Lỗ tôi được vua chủ sai ra đắp thành.

Nghe câu nói nhẹ nhàng vậy mà cả đám các cô gái lập tức ngồi xệp chân xuống, xếp bằng, xòe hai bàn tay trên mặt cỏ, đầu cúi rạp.

- Chúng tôi không được biết để lạy chào. Xin đức ông tha tội chết cho.

Một bọn xe trâu tải đá ong trong đồn đương lũ lượt ra. Từ đây vào vùng quanh rìa chân núi chồng chất, trập trùng toàn đồi đất đá. Người ở các vùng ven rừng đắp tường nhà đã thạo đường vào đào đá ong. Mấy nhát thuổng, bẩy lên được tảng đất thó vàng lỗ chỗ. Chỉ vài nắng đã rắn thành đá. Tường thành đương xây, trong đất luyện, ngoài đá ong. Suốt ngày, những đàn trâu kéo chiếc xe quệt c ả cây gỗ rỗng lết sau lưng trâu, trên chất đống đá ong đưa ra, xếp cao thành gò quanh thành. Những chiếc xe quệt trâu kéo đương hùng hục tới, không biết có bọn người lố nhố trước mặt. Cao Lỗ quát to:

- Thôi thôi, đứng lên. Đất đương đợi người đội kia mà lại ngồi đấy cho trâu xéo chết a!

Cả bọn khép nép đứng dậy rồi đến lúc lùi được ra tận đằng xa mới dám quay mặt đi thẳng về phía đống đất. Cao Lỗ tần ngần nhìn theo.

- Quái, sao trông các cô này quen quen.

Một quan lạc nói:

- Tướng quân cũng không nhận ra những người nào đấy à? Thế thì bắt lỗi người ta không phải rồi.

Cao Lỗ cười:

- Ai cũng tùm hụp khăn vuông kín mặt mũi tóc tai thế, biết ai với ai được!

Ông quan cầm chão đứng cạnh Cao Lỗ nói:

- Các cô nàng hầu công chúa đấy.

- À , các cô nàng hầu ra làm phường đấu. Phải rồi. Thảo nào mà trông quen.

Mấy người bàn tán:

- Có hôm, công chúa cũng cùng ra đội đất với các cô nàng.

Cao Lỗ chau mày nghĩ, rồi hỏi:

- Có phải trong bọn các cô nàng vừa rồi có cái nhà cô Tàm thuở bé chạy giặc Tần phải vào ở với vượn trong rừng, học được giọng vượn, hát hay, rồi vua chủ kén vào cung phải không?

- Đấy, đấy.

Phảng phất đâu đây tiếng hát cất lên trong veo như nước ngọn suối. K hông lẫn với tiếng ai được. Phải như đã bao nhiêu năm ở rừng, rồi tiếng gió, tiếng ngọn nước, tiếng chim, tiếng vượn đã dọn giọng, luyện giọng cho cô Tàm được giọng hay từ khi chưa biết cất tiếng hát. Các cô nàng ra làm phường đấu đã vắt vẻo đi một dãy trở lại. Tảng đất mới xắn dưới chuôm lên đặt trên khăn vuông lót tàu lá cọ. Đằng ấy, từ lúc nãy đến giờ, đám các cô cũng vẫn chưa dứt câu chuyện gặp nửa sợ, nửa bâng khuâng.

- Lần này mới thật được giáp mặt đức ông.

- Mọi khi em đã trông thấy đức ông vào trong thành. Thế mà hôm nay các quan trần lưng ra kéo đất đã lẫn lộn với trai các cõi, em đâm quáng mắt không nhận ra.

- Sao đức ông còn trẻ mà đã tài giỏi thế?

- Nghe hồi đức ông theo vua chủ đi dẹp quân Tần, người chưa được hai mươi tuổi.

- Giỏi quá.

- Hai mươi tuổi!

Ai thương ai nhớ Khăn điều ai vắt vai ai Các cô đội đất đã trở lại qua trước mặt đám người đương kéo đá ong vào chân thành. Nhưng lần này các cô rón rén bước nhanh vùn vụt. Cao Lỗ buông tay chão, gọi với:

- Cô Tàm, cô Tàm ơi!

Một cô nàng đứng lại, rụt rè bước ra, nhấc tảng đất trên lá cọ xuống rồi ngồi xụp, chắp tay, cúi mặt sát ngọn cỏ. Trong làn khăn vuông chàm vừa nghiêng, đôi mắt ánh ra như ánh mảnh sao vút sa xuống. Cao Lỗ cười:

- Gọi đùa cho biết ai là cô Tàm đấy thôi. Cô Tàm hát cho làng chạ nghe nào.

Biết tướng quân Cao Lỗ vui giỡn, các cô ré chạy. Tàm lại đội tảng đất đứng lên, đuổi theo kịp được bọn. Tiếng hát vờn xa gần, văng vẳng. Vừa lúc, đám kéo chão đặt tảng đá ong đằng kia ngồi nghỉ tay. Có những người còn đứng nhìn các cô thoăn thoắt chạy qua. Một anh chàng cúi xuống, cầm bát nước lên uống. Con mắt vẫn ngước theo:

- Người trong thành kể chuyện cái cô Tàm này vào làm nàng hầu từ khi công chúa còn ẵm ngửa.

- Chuyện đời cô Tàm người ta đồn lạ lắm, phải không?

- Ờ , thuở bé, cả nhà gặp nạn giặc Tần, cô ấy phải vào rừng ở với vượn.

Một người chép miệng:

- Rồi đến tuổi con gái, lại đi làm nàng hầu cấm cung. Thì cũng lạnh lẽo âm thầm chẳng khác ở rừng.

- Không được ví von xàm thế! Im lặng.

Một người hỏi:

- Bao nhiêu năm làm nàng hầu rồi?

- Lâu lắm. Không biết. Nhưng đời cô Tàm, ai cũng biết và mỗi người lại kể thành những câu chuyện lâm ly, buồn thảm, lạ lùng khác nhau.

Một người thở dài:

- Phải là người đẹp thế nào thì mới có giọng hát bền đến thế được, hát hay đến chẳng biết tuổi nào nữa.

Rồi mặt trời lại chói lói gác xuống dãy núi Ba Vì xanh thẫm lơ lửng bên kia sông. Trên từng quãng bãi phía này, trong những túp lều dựng mỗi chòm thành một làng chạ nho nhỏ, khói bếp chiều tỏa là là lẫn với sương mù trắng mờ dăng ngang vào tận chân núi. Vẫn còn thấy người đi vơ vẩn nhặt một đống cuội về làm hòn dọi xe sợi, làm mũi thuổng. Suốt ngày, các lão bà ở lều đan thúng mủng, nong nia, rổ rá...

Có chạ đi kiếm quặng đồng trên sườn núi về đúc rìu làm dao, lưỡi cày, lưỡi câu. Lại nhóm lò làm cả khuôn âu, những bình, thạp, lồng ấp. ít lâu nữa, xong việc xây thành vua chủ, quảy cả những thứ ấy về. Ngoài cửa sông, đất sét tốt, người ta đẽo bàn xoay, nặn nồi, vại. Hạt na, hạt trám vứt ra đã mọc thành cây. Những dây rợ cho quả ăn sớm, đã có giàn gấc đỏ gay. Đi kiếm cá về lấy lá cọ trát bùn túm lại, ninh trám. Chập tối, trẻ con hay khóc đêm đã hờn vòi bú. Tiếng người gọi lợn. Tiếng bê nghé í ọ. Tiếng dê láu táu be be. Tiếng chó sủa nhũng nhẵng. Xung quanh chân thành, người các nơi về làm đã ở ra chòm xóm, mỗi ngày một đông hơn, khắp các bãi, dọc sông. Các cụ già thường bàn nhau: đồng bãi quãng ngã ba sông này, chỉ ném hạt xuống cũng được ăn quả. Có khi rồi về đưa cả làng đến ở bờ thành đây cũng nên... Hôm sau, ngoài bờ sông vào chân thành, từ tờ mờ sáng, mỗi chốc một tấp nập. Những lão ông bện chão. Cái chão vóc to bằng cánh tay, xâu tảng đá ong đưa lên rồi thả xuống, giữa những tiếng reo sôi nổi. Những ụ đất cao dần. Đám các cô gái thong dong đội đất, vừa đi vừa hát. Khói tỏa trên đống rơm đốt giữa bãi. K hói trẻ con hun chuột đồng, thui con cuốc, con rắn. Bao nhiêu nhộn nhịp, rộn ràng soi bóng bên dòng sông, những hôm quang trời, làn nước đỏ nguồn lên. Con chim bói cá vẫn kiên nhẫn vẫy cánh đứng yên trên khoảng không, bất chợt bổ xuống giữa xoáy nước. Đàn rùa đương bơi bỗng dưng cất cổ, như muốn đớp con chim bói cá vừa sà xuống. Tiếng trống đồng thúc xa xa. Trên sông nhô ra những chiếc thuyền dài, mũi cao, đuôi cong vểnh. Đầu thuyền, đứng bệ vệ một quan lạc thắt lưng điều. Đằng sau, một người cầm khúc gỗ tay lái đưa đẩy. Hai bên mạn, hơn mười đôi tay chèo. Giữa khoang, cao gần chạm mui, bắc bốn gióng, trên đặt ngang cây mõ. Một quan lạc áo giáp da trâu, doạng chân, gõ nhịp cho hai bên hàng chèo. Thuyền bắt qua phải, bắt qua trái, người đứng chân giậm ván, "dô huầy huầy dô" rầm rập theo làn mõ. Mười hai thuyền quân nối nhau rẽ nước tiến ra. Đoàn thuyền qua rồi tiếng trống đồng lại xa gần. Đến lúc tiếng trống dồn dập đưa dài như nổi sóng trên mặt nước, mới trông thấy mười mấy chiếc độc mộc mũi vuông điểm đôi tròng mắt đen hai bên mạn nhô lên, đoàn thuyền vua chủ đã ra tới. Những chiếc thuyền độc mộc trường khoát bằng cả cây gỗ đại, quân quan ngồi dàn hai bên. Người nào cũng vai trần, cánh tay đeo nỏ. Giữa mỗi khoang đặt chiếc trống đồng cao. Các quan lạc đứng thay phiên nhau gióng trống, từng tiếng trống hiệu trôi trên sông. Vua Thục cao lớn, cằm bạnh râu quai nón rậm kín nửa mặt. Vua mặc tấm áo chàm không dải, phanh ngực, hai ống tay xắn lên tận khuỷu. Lằn khăn chàm mới còn sạm màu óng ánh xanh lơ chít lẫn với mớ tóc dài. Vua Thục đứng đầu thuyền tựa vào một ngọn giáo đồng dựng ngược. Rồi đến thuyền sau, đủ mặt các quan hầu lạc tướng. Ông Nồi hầu ngồi một thuyền với các tướng Đinh Toán, Đinh Công Tuấn, hai ông quê trên rừng núi ngọn nước. Lại ba anh em Phạm Chung, Phạm Túc, Phạm Hòa người các cõi ngoài ngã ba sông Cái mới trúng hội võ, được chức quan lạc, cũng theo vua chủ ra xem thành. Rồi những thuyền kiệu nhất, siêu nhất chở vợ con vua nối theo. Hàng trăm tay chèo, mõ lệnh nghiêm một loạt. Sau cùng, thuyền quân thủy, thuyền nội, thuyền tuyển, mỗi thuyền lại một quan lạc đứng giữa đánh sênh giữ hiệu nhịp chèo. Suốt dải nước dọc dài đoàn thuyền vua. Tiếng mõ, tiếng sênh, tiếng trống đồng nhộn nhịp vui mà cực uy nghiêm. Vua Thục vẫn trầm ngâm nhìn lên bờ sông. Dãy tường thành lấp lánh ánh nắng nổi màu xanh lục in lên nền trời cùng với những nét lố nhố đoàn người kéo đất lởm nhởm cao dần -dường như từng lúc trông đã khác. Vòng thành quanh co. Có chỗ gãy khúc rồi quặt lại, nhòm xuống hào nước luồn quanh đương tới tấp bơi một dãy dài đoàn thuyền chiến độc mộc vừa vút ra như mũi tên.

Tiếng hò la, tiếng hát, tiếng trống... Tiếng cái, tiếng con bắt nhịp. Xá rộng thuyền ra Chèo về bến Lú Là hời non xanh Là hời nước biếc Nước biếc chàm pha Là ta ra thuyền Tiếng con đã cất lanh lảnh: Nước biếc chàm pha Là ta ra thuyền Huầy dô huầy dô Huầy dô huầy dô Là huầy dô huậy... Vua Thục vẫn chăm chú nhìn ra. Hai tay ôm hàm râu. ánh mắt rực rỡ, sảng khoái. Đoàn thuyền ghé vào bến mấp mé đầu bãi. Quân quan nhấc cánh nỏ, xách giáo, bước lên. Những chiếc thuyền hiệu càng lún lên lún xuống trên mặt sóng, theo nhịp trống thúc. Tất cả các thuyền đã ghé hẳn vào bến. Tiếng trống im.

Vua Thục bước tới đám quân quan đương cùng Cao Lỗ hò hét kéo đất vào chân thành. Cả bọn dừng lại, quay ra, phủ phục xuống. Vua Thục nâng tay Cao Lỗ đứng lên.

- Tôi ra đây mừng cho ông, mừng cho ông. Có đứng dưới nước trông lên mới thấy được thành ta thật kỳ vĩ.

Những đoàn người xung quanh vẫn kéo đất, đội đất. Từng bóng người đi như cắt lên mặt thành. Vua Thục nói:

- Mời ông xuống thuyền rồi ta cùng các ông Đô ngắm lên thành cho thật thỏa mắt, cho thấy hết được tài trí của ông.

Cao Lỗ nói:

- Vua chủ quá khen, làm tôi nghĩ mà thẹn. Chỉ bởi cố Ông Trọng đã dạy, mới nên thành này. Rồi nhờ được người tám cõi cùng một bụng với oai vua, lại có quân quan không phân biệt ngôi thứ, giường chiếu, quan đầu triều cũng như quân dắt ngựa, đã cùng đổ mồ hôi. Thế thì việc khó đến đâu mà chả xong.

- Mời ông, ta xuống thuyền.

Cao Lỗ xin được thay xống áo đã lấm đã.

Cao Lỗ lên khúc sông trên nhảy ùm xuống tắm. Rồi vào lều lấy đồ mặc mới. Một chốc, Cao Lỗ bước ra, mình cao chín thước, búi tóc ngược, diện mạo cương nghị. Tấm áo chồi điều buộc dải gió bay lồng lộng. Đám các cô nàng hầu lúc ấy đã nghỉ tay, đương tắm ngoài bãi cát phía cuối mom. Các cô nàng trằm mình xuống nước, váy quấn mở trên đỉnh đầu. Ai cũng làm như mải tắm táp, nhưng dường như ai cũng chao mắt nhìn tướng quân Cao Lỗ đương oai nghiêm bước xuống thuyền ngự. Cô nàng đã tắm xong, thong thả lội vào bờ. Nước ngập rút xuống vai, váy trên đầu rũ xuống vai, rồi người lội nhô lên ngang ngực, váy tỏa xuống ngang ngực. Thong thả, Tàm đưa mắt về phía thuyền vua chủ, Tàm thẫn thờ, trầm ngâm. Tất cả các thuyền đương làm cỗ linh đình ngay trên sông. Thuyền quân, thuyền quan chia thứ bậc, những tảng thịt lợn thịt trâu thui được vác xuống từng thuyền một. ở thuyền giữa, một mình Cao Lỗ được ngồi với vua chủ. Ông Đô Nồi và các quan đậu thuyền sát cạnh cũng đương rậm rịch ngả ván, ngả phên xả thịt quây quanh. Vua Thục lại ngắm lên tường thành. Không biết đã bao nhiêu lần. Rồi vuốt hàm râu, cười ha hả.

- Có được thành vững rồi, từ nay mới có giấc ngủ ngon.

Cao Lỗ lặng lẽ nói:

- Tôi trộm nghĩ chưa hết lo được.

- Ông bảo còn phải lo gì?

Cao Lỗ nói:

- Tôi nghe người qua lại đất Triệu nói Uý Đà đã lấy được Tượng Quận, Quế Lâm rồi, có khi còn đỏ mắt thèm bờ cõi ta.

Vua Thục cả cười:

- Voi ta sẽ xông ra xéo chết chúng nó. Ông cứ trông lại thành của ta kia làm sao mà không vững tâm như bàn thạch. Vua Tần có sống lại, Đồ Thư có sống lại, cũng đến phải chết lần nữa thôi. Kể chi bọn giun dế Úy Đà phải đợi lúc nhà Tần tiêu vong mới dám mon men cướp vài vùng biên cảnh, thì đáng gờm gì! Kìa kìa, voi chiến ngựa chiến ta tiến ra cửa tây. Kìa kìa, quân thuỷ ta xếp nỏ xuống thuyền chở từ sông Thiếp, sông Lú ra dàn trận ngoài sông Cái. Ta đương cho gọi người Cửu Chân ở đường bể lên đóng thuyền chiến 1c75 chịu được sóng to... Giặc mà táo gan chỉ còn cách bỏ xác lại. Ông nghĩ thế nào?

Cao Lỗ nói nho nhỏ:

- Thành ta vững chắc. Quân ta dũng liệt. Nhưng còn có kẻ ngoài phên giậu nhăm nhe, ta nằm chưa thể đẫy giấc.

Vua ghé tai Cao Lỗ:

- Ông thật là người cao kiến. Những lời ông nói hệt mọi việc trời đã an bài. Ta ra với ông cũng vì việc này. Ông nghe đây.

Vua Thục kể:

- Đêm trước, ta lại nằm mơ thấy ông già ngoài thành phía tây gọi bảo sáng mai ra gặp thần Rùa. Sớm ra thì thấy thần Rùa đang bơi từ phía đông sông Cái vào. Thần Rùa hỏi: xây được thành rồi, vua chủ có bao nhiêu voi, bao nhiêu nỏ để giữ thành? Ta đáp: Có một nghìn voi, có một vạn nỏ. Thần Rùa nói: Triệu Đà ở Phiên Ngung có triệu quân, triệu cánh cung, vậy thì vạn nỏ, vạn tên đồng của vua chủ bắn ra chỉ đủ để rơi lót đường. Ta lại hỏi: Thế thì làm thế nào? Thần Rùa nói: Ta cho vua chủ chiếc móng rùa này làm lẫy nỏ. Một phát nỏ lẫy thần bắn một lúc mười mũi tên tan mười vạn giặc. Ta lại hỏi: Làm thế nào để chế được móng rùa thành lẫy nỏ? Thần Rùa bước ra khỏi mặt nước, dặn ta: Cao Lỗ biết xây thành Loa, Cao Lỗ sẽ biết làm lẫy nỏ. Cứ hỏi Cao Lỗ. Ta tỉnh giấc. Vẫn thấy mình nằm trên giường. Nhưng trong tay cầm chiếc móng rùa. Ngắm nghía, quả nhiên thấy đúng chiếc móng thần Rùa vừa cho.

Cao Lỗ cầm chiếc móng rùa vua Thục mới lấy ra từ trên ngực áo. Cao Lỗ nhìn ra mặt sông. Cao Lỗ lại giơ móng rùa ngắm nghía, lẩm bẩm như nói một mình.

- Móng rùa thần làm lẫy nỏ. Lẫy nỏ, lẫy nỏ thần, muôn người không địch nổi. Lẫy nỏ, lẫy nỏ... Muôn người không địch nổi...

Các quan lạc ở thuyền bếp bên cạnh đã dọn sang mọi thức nhắm thịnh soạn. Thịt lợn bột thui, thịt trâu, cá anh vũ nướng. Trong hoàng hôn đầu bến, đoàn thuyền ngự như một đám rước dập dềnh bên mép nước. Những chiếc thuyền quân oai nghiêm chĩa nỏ bơi tuần quanh ngoài dòng. Trống đồng đánh hiệu thong thả buông vang mặt sóng. Vua Thục và Cao Lỗ ngồi trước mâm cỗ ngoài sạp đầu thuyền. Cao Lỗ nói:

- Rõ thật được dịp. Hiện có phường đồng phường đá ở Hàm Hoan theo lệ hằng năm vừa tới, còn đương trú ở ngoài thành đợi lệnh vua chủ cho vào đúc trống. Người đất Hàm Hoan làm đá, đúc trống, chế nỏ xưa nay đã lừng tiếng các cõi.

Vua Thục hỏi to:

- Phường Hàm Hoan? Hay lắm.

Sớm hôm sau, vua Thục và Cao Lỗ cưỡi ngựa ra xem lại nơi đặt đắp lò đúc. Nơi ấy, một bãi khuất dưới những vòm tre lẫn rừng trúc chân thành. Kín đáo đến cả những làng ở ven nội cũng không biết chỗ ấy có gì lạ hơn mọi khi. Lệ cũ đã thành từ đời trước, vua Hùng có lần đi dẹp giặc quấy nhiễu phía nam. Quân qua núi Khả Lao. Thần núi lên báo mộng, đưa cho vua cái trống cái dùi. Đến khi vào trận, quân địch cứ nghe văng vẳng tiếng trống đồng thúc sau lưng. Địch hốt hoảng, tan chạy. Quân ta thắng to. Vua về lập đền Đồng Cổ tạ ơn thần núi Khả Lao. Nước ta thành tục đúc trống đồng từ đấy. Các đời vua về sau, cứ vào năm được mùa lại gọi phường đồng Hàm Hoan về đúc trống. Người ta chỉ biết thế. Bởi mỗi khi các bễ đã bắt đầu nhả khói, bàn dân cả vùng quanh đấy không ai được vãng lai nơi đặt bễ đặt lò phường đúc thiêng liêng. Đứng trong bãi trông ra hay ở dưới thuyền nhìn lên, chỉ thấy ở đấy những rặng cây lụi mọc ven chân tre, vào mùa này, trổ những tàu lá đỏ hắt, lá lụi non cứ tía như lá bàng lúc sắp rụng. Trên bãi khuất ấy, lặng lẽ mà tấp nập.

Những cây gỗ bổ ngang, khoét ruột hình chiếc thúng. Nhiều cây gỗ kê liền nhau thành tấm phản. Bác phường cả đã già, hai gối quắp chặt mảnh ván. Tay cầm nạo sắt, tay gõ chày. Ông lão chăm chú sửa mặt bộ thân tên đồng. Nét đẽo lên vạc tròn, vạc dài. Cây tên dựng đứng to cao hơn hai đầu người sừng sững như những chiếc cột đình. Trước mặt mỗi ông lão, đằng kia, một dãy ụ. Nóc lò, khói tỏa vân vân. Lò đúc tên thần vẫn còn mấy mẻ nữa. Giữa bãi cỏ, từng bọn người phường đá phường đồng mặt sạm đen ám mảy đồng đương chăm chú mọi công việc giữa đống đá tảng cao như mỏm núi. Người nào cũng búi ngược tóc, lực lưỡng cởi trần, xăm chàm đầy vế tay, đầy ngực. Tay cầm rìu đồng rìu đá, ghè đá tạc bệ nỏ. Những tảng đá kẹp mảnh tre kín quanh, dỡ ra, mặt đá lên nước bóng như tấm gương đồng. Một ông lão kính cẩn cầm chiếc móng rùa vàng thẫm như ngà con voi trăm tuổi, soi nghiêng lên gương mặt đá, thong thả mài. Một đống trầm, những bó hương đen khói thơm nghi ngút lên suốt ngày đêm. Tiếng đẽo đá chí chát. Tiếng mài rì rầm như nước chảy. Nhưng tất cả chìm lắng dưới bờ tre xanh mướt, lác đác viền những nhánh lá lụi đỏ hắt. Ngày đêm, Cao Lỗ ở luôn đấy với phường. Cùng làm mọi việc lò đúc, đẽo bệ, tỉa mũi tên, mài lẫy. Không biết có đến mấy năm mới ngơi, cho phường thợ được dẹp đám về cõi. Rồi nửa đêm kia, bộ nỏ thần được rước kín đáo âm thầm lên mặt thành. Năm tháng qua. Ngoài sông, trong thành vẫn lặng lẽ như mọi khi. Trên mặt làn nước xoáy, con bói cá lượn tìm mồi trong bóng chiều vàng rực. Trong làng, quanh những bờ khuôn giếng đá, người lố nhố ra kéo nước về sửa soạn cơm tối. Mới hôm nào vào quãng này, mặt trời còn le lói, bây giờ ngày đã ngắn. Phía tây, chỉ còn ráng vàng sau lưng dãy núi Ba Vì lừng lững xanh rì.

 

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/51651


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận