Thực ra buổi sáng chúng tôi cũng đã tha thẩn suốt một giờ bên các lùm cây trụi lá, nhưng đến bữa ăn trưa (khi nào không có khách, bà Rit thường ăn) thì gió lạnh mùa đông cuốn về những đợt mây tối sầm, tiếp đến một trận mưa lạnh buốt, đến nỗi không còn ai nghĩ đến bước chân ra khỏi cửa.
Tôi lại thấy thế làm thú vị, vì xưa nay không ưa những cuộc đi chơi bộ xa, nhất là vào những buổi chiều rét mướt. Tôi thấy hãi hùng khi nghĩ đến lúc quay về trong buổi hoàng hôn giá lạnh, ngón chân ngón tay buốt thon thót, lòng rượi rượi buồn vì những lời mắng mỏ của chị bảo mẫu Betxi, và hổ nhục thấy mình yếu đuối hơn cả Êlisa, Jôn và Giorgiana Rit.
Bấy giờ chúng đang quây quần bên bà mẹ trong phòng khách, bà ta nằm trên chiếc ghế xôfa cạnh lò sưởi, những đứa con yêu quấn quýt bên mình - lúc ấy chúng tôi không chí chóe mèo nheo gì nữa - coi bà có vẻ sung sướng lắm.
Riêng tôi, bà Rit không cho gần gũi lũ con bà; bà bảo rằng: Rất tiếc, bất đắc dĩ mới phải bắt tôi xa lánh như thế, cho đến khi nghe thấy chị Betxi nói, và cả chính bà nữa cũng công nhận thấy tôi đã thực tâm cố gắng sẽ sửa đổi tính nết, trở nên chan hòa hồn nhiên hơn, cử chỉ dễ thương vui vẻ hơn; và có vẻ nhẹ nhàng, thẳng thắn tự nhiên hơn; còn bây giờ thì bà không thể cho tôi được hưởng những đặc quyền chỉ dành cho các trẻ nhỏ thỏa mãn sung sướng. Tôi hỏi bà:
- Thế chị Betxi đã nói những gì về cháu?
- Jên, tao không ưa cái thói hay sinh sự vặn vẹo đâu; với lại, trẻ con là cấm tiệt không được có cái thói hỏi lại người lớn như thế. Ngồi vào một chỗ, cho đến khi nào mày biết nói năng ý tứ, giờ thì hãy câm mồn đi!
Tôi lẻn vào buồng ăn sát ngay bên phòng khách, ở đấy có một tủ sách, tôi để ý xem có quyển nào nhiều tranh ảnh và chọn ngay lấy một quyển. Tôi leo lên khuôn cửa sổ, ngồi xếp bàng tròn như kiểu người Thổ Nhĩ Kỳ, rồi kéo dài màn cửa bằng dạ Đamat đỏ xuống cho thực khuất, thành ra chỗ tôi ẩn kín như bưng.
Phía bên phải bị những nếp dạ đỏ che kín nên tôi chẳng nhìn thấy gì, còn bên trái là những tấm cửa kính trong suốt che chở, nhưng không ngăn cách tôi với cảnh trời tháng một đìu hiu. Trong lúc giở sách, thỉnh thoảng tôi lại ngắm cảnh chiều đông. Xa xa một dải mây và sương mù xám nhạt, gần hơn là một bãi cỏ ướt át với những lùm cây rủ xuống vì bão tố dập vùi, với mưa rơi liên miên không dứt, bị giạt đi cuồng loạn trong cơn gió thê lương heo hút.
Tôi lại quay về với cuốn sách, đó là quyển Lịch sử các loài chim nước Anh của Bowich. Thường thì tôi ít quan tâm đến phần chữ in, nhưng có một số trang giới thiệu thì dù còn là trẻ con, tôi cũng chẳng thể nào bỏ qua coi chúng như những trang giấy trắng. Những trang này tả các nơi loài chim bể thường qua lại, "những mỏm đá và mũi đất trơ trọi" chỉ có những loài chim ấy đến ở; tả bờ biển Na-uy lô nhô những hòn đảo từ đầu cực Nam, Linđơnơt hay Nêzơ, cho đến mũi Bắc.
Bắc Băng Dương sóng vút cao lồng lộng
Réo sục sôi quanh hải đảo chơ vơ
Của đất Tuyn(1) xa Đại Tây Dương cuồn cuộn
Tràn ngập vào Hêbrit lộng gió mưa...
Tôi cũng chẳng thể bỏ qua những đoạn nói về các bờ biển lạnh giá ở vùng Laplen, Xibêria, Xpibơcgơn, Nôva Zembla, Aixơlen, Grinlen, với miền vực Bắc bát ngát mênh mông và những nơi tiêu điều hoang vắng, chất chứa tuyết giá, ở đấy những cánh đồng băng rắn chắc đã tích lại qua hàng trăm mùa đông, lấp lánh những đỉnh trập trùng bao quanh miền Băc cực, nơi tập trung cái "giá buốt vô cùng tàn khốc". Tôi có một ý niệm riêng khi hình dung những miền tuyết trắng chết chóc ấy. Nó mờ ảo như những khái niệm nửa vời, mung lung chập chờn trong đầu óc con trẻ, nhưng nó kích động một cách lạ lùng. Những lời trong các trang giới thiệu kết hợp với các hình vẽ tiếp theo đã thêm ý nghĩa cho mỏm đá sừng sững chơ vơ giữa biển sóng cồn tung bụi nước; cho con tàu vỡ, giạt trên bãi bể hoang vu; cho vầng trăng lạnh lẽo ghê rợn ló qua những dải mây nhìn con tàu vừa bị đắm.
Tôi không sao nói rõ được tình cảm vương vấn ở cái nghĩa trang âm thầm hiu quạnh với những mộ chí khắc chữ, cái cổng vào, hai thân cây, đường chân trời thấp cùng dẫy tường đổ vây quanh, và cảnh trăng lưỡi liềm mới mọc chứng thực cho giờ phút hoàng hôn.
Hai chiếc tàu nằm trên mặt biển im lìm, tôi cho đấy là những con ma biển.
Tôi giở thật nhanh chỗ con quỷ buộc chặt cái bị của thằng ăn trộm và lưng gã này, đó là một cảnh tượng khủng khiếp.
Và cũng không kém phần kinh khủng, con vật đen trùi trũi, đầu có sừng, ngồi ngất nghểu trên mỏm đá, quan sát một đám đông vây quanh chiếc giá treo cổ phía đằng xa.
Đối với sự hiểu biết kém cỏi và những cảm giác ngờ nghệch của tôi, mỗi bức tranh đều kể một câu chuyện thường là huyền bí, tuy nhiên bao giờ cũng rất thú vị; thú vị chẳng kém gì những chuyện đôi khi chị Betxi kể cho tôi nghe vào những buổi tối mùa đông, lúc chị vui vẻ dễ dãi; và sau khi đem chiếc bàn dùng để là quần áo vào gần lò sưởi trong buồng trẻ con, chị cho phép chúng tôi ngồi quanh, rồi trong lúc là những cổ áo viền ren và uốn cong các vành mũ ngủ của bà Rit, chị đem những mẩu chuyện tình và chuyện phiêu lưu trong các thần thoại cổ với những ca khúc còn xa xưa hơn nữa ra kể làm cho chúng tôi nghe say sưa dứt không ra; hoặc chị kể những chuyện (mãi sau này tôi mới khám phá ra) rút trong cuốn "Pamêla", và "Henry, bá tước xứ Morơlen"(1).
Lúc ấy tôi thấy sung sướng có cuốn truyện của Bơwich đặt trên đùi, ít ra cũng sung sướng theo ý nghĩ của tôi. Tôi chỉ sợ có ai vào làm gián đoạn, thì ngay lúc ấy đã bị gián đoạn thật. Cửa phòng ăn bỗng mở toang:
- À! Con bà cô lì sì đây! Jôn Rit kêu lên, nhưng nó ngừng ngay lại, vì thấy hình như trong buồng chẳng có ai.
- Của nợ ấy đi đếch đâu rồi thế này? Nó nói tiếp và gọi các em - Lizi ơi, Giorgi ơi, Giorgi ơi! Con Jên không có ở đây đâu, chúng mày bảo mẹ rằng nó chạy ra ngoài dầm mưa rồi nhé, đồ của khỉ!
Tôi nghĩ: "mình kéo chiếc màn cửa thế mà hay" và khấn thầm cho nó đừng tìm ra chỗ tôi trốn; một mình cái ngữ thằng Jôn thì tìm sao nổi chỗ ẩn của tôi kia chứ; nó vẫn thuộc vào cái loại gà mờ, chậm trí. Nhưng Êliza vừa thò đầu vào đã tru ngay lên:
- Jôn này, đúng là nó nấp trong khuôn cửa sổ chứ không sai.
Tôi vội thò ra ngay, vì nghĩ đến lúc bị cái thằng Jôn ấy lôi sềnh sệch mình ra là tôi đã run lên. Tôi ngượng ngùng ấp úng hỏi nó:
- Anh bảo gì cơ, anh Rit?
- Phải nói: "Thưa cậu Rit, cậu bảo gì ạ". Tao muốn mày lại đây. Nói rồi nó ngồi phịch xuống ghế bành, ra hiệu bắt tôi lại gần và đứng trước mặt nó.
Jôn Rit là một thằng học trò mười bốn tuổi, nó hơn tôi bốn tuổi vì hồi ấy tôi mới lên mười. So với tuổi thì nó là một đứa cao lớn khỏe mạnh, nước da tai tái bẩn thỉu, nét mặt thô, khuôn mặt to bành bạnh, chân tay nặng nề thô kệch. Nó quen thói ăn uống phàm phu, nên bị bệnh gan, mắt đục lờ mờ, má thì phị ra. Đáng lẽ lúc này nó phải lưu trú ở trường, nhưng vì "cậu ấm yếu lắm" nên bà mẹ đã phải rước cậu về nhà một hai tháng. Ông Mailơ, thầy giáo phụ trách lưu trú học sinh nó quả quyết rằng giá ở nhà gửi bánh kẹo cho nó bơn bớt đi một chút, thì nó sẽ rất khỏe mạnh đấy; nhưng bà mẹ lại không chịu nghe theo cái ý kiến khe khắt như thế, bà lại nghĩ tế nhị hơn rằng Jôn bủng beo chỉ vì chăm học quá hay có lẽ vì nhớ nhà.
Mà Jôn có yêu quý gì mẹ và các em cho cam. Còn tôi thì nó ghét cay ghét đắng. Nó bắt nạt hành hạ tôi không phải mỗi tuần đôi ba lần hay mỗi ngày vài bận, mà cứ thường xuyên. Mỗi dây thần kinh đều khiếp đều sợ nó, mỗi đường gân thớ thịt trên xương của tôi đều co lại mỗi khi nó đến gần. Có những lúc nó làm tôi sợ quá, bàng hoàng cả người lên, vì những khi bị nó hành hạ dọa dẫm, tôi chẳng còn biết kêu ai. Kẻ ăn người làm chẳng ai dại gì bênh vực tôi để làm phật lòng cậu ấm. Còn bà Rit thì giả câm giả điếc, lờ chuyện này đi: chẳng bao giờ bà thấy Jôn đánh tôi hoặc nghe thấy nó chửi tôi, dù đôi khi nó chửi đánh tôi ngay trước mặt bà. Nhưng thường thì nó hành hạ tôi sau lưng bà.
Tôi quen vâng lời Jôn rồi, nên bước lại chỗ nó ngồi. Nó cố thè dài mãi lưỡi ra đến ba phút trước mặt tôi tưởng đến đứt lưỡi. Tôi biết thế nào nó cũng sắp đánh tôi; trong lúc sợ bị ăn đòn, tôi mường tượng đến cái vẻ mặt xấu xa kinh tởm mà nó sắp giở ra với tôi. Không hiểu nhìn vẻ mặt nó có đoán được ý nghĩ của tôi không, nhưng thình lình chẳng nói chẳng rằng, nó túm lấy tôi, đánh vùi đánh dập. Tôi lảo đảo lùi lại một vài bước cho khỏi ngã. Nó bảo:
- Tao trị cho mày vì cái tội đã hỗn láo trả lời mẹ tao hồi nãy, vì cái thói lẩn lẩn lút lút sau màn cửa, và cả cái tội mày trân trân ra nhìn tao vừa rồi, đồ con chuột.
Bị nó chửi đã quen nên tôi chẳng bao giờ nghĩ đến cãi lại. Tôi chỉ lo làm sao chịu được trận đòn thế nào cũng xảy ra sau khi nó chửi đã sướng mồm. Nó hỏi:
- Thế nào đang làm gì sau bức màn cửa hử?
- Tôi xem sách.
- Đưa sách đây ông xem nào!
Tôi quay lại chỗ cửa sổ tìm quyển sách.
- Không phải cái địa vị mày đọc sách của chúng tao; mày là kẻ sống nhờ nhà tao, mẹ tao bảo thế. Mày không có một xu dính túi, bố mày chẳng để lại gì cho mày. Cái ngữ mày đáng ra là phải đi ăn xin, chứ đâu lại được sống ở đây với con nhà sang trọng như chúng tao, ăn cùng bàn với chúng tao, mặc quần áo của mẹ chúng tao may cho. Được, tao sẽ dạy cho mày cách lục lọi tủ sách của tao; đấy là tủ sách của riêng tao, tất cả cái nhà này cũng là của tao, hoặc sẽ thuộc về tay tao trong vài năm nữa thôi. Cút ra đứng cạnh cái cửa kia, phải đứng cho xa cái gương và cửa kính ra, nghe không?
Tôi theo lời Jôn, lúc đầu tôi cũng không hiểu ý định của nó ra thế nào. Nhưng khi tôi thấy nó cầm quyển sách nhấc nhấc và đứng lấy đà để ném, tự nhiên tôi tránh sang một bên và hét toáng lên; nhưng muộn rồi, cuốn sách văng trúng làm tôi ngã vập vào cửa, toạc cả đầu ra. Vết thương chảy máu ròng ròng, tôi đau quá, sự kinh hoàng đã đến cực điểm, tôi đâm liều(1) hét lên:
- Thằng dã man khốn nạn, mày là quân giết người, mày như một tên cai tù nô lệ, như bọn bạo chúa thành La-mã.
Tôi đã đọc "Lịch sử thành La-mã" của Gônxmit và sẵn có ý nghĩ về Nêrông, Caliguyla... thành ra trong bụng tôi đã ngầm so sánh bọn này với Jôn nhưng tôi không hề nghĩ đến chuyện buột mồm nói ra như vậy. Thằng Jôn hét lên:
- Thế nào? Thế nào! Có phải mày nói với ông thế đấy phải không? Chúng mày có nghe thấy nó nói gì đấy không, hở Êliza, Giorgiana? Tao mà chịu im không mách mẹ à? Nhưng trước hết hãy...
Nó xông lại túm tóc, nắm vai tôi, hừ, nó đã dám dây vào một kẻ đường cùng tuyệt vọng. Tôi thấy nó rõ là một tên bạo chúa, một kẻ giết người; vài giọt máu ở vết thương trên đầu chảy xuống cổ, tôi thấy đau đớn. Những cảm giác này lúc đó át hẳn sự sợ hãi và tôi đã điên cuồng đánh lại Rit. Tôi không còn nhớ, tay tôi bấy giờ làm những gì, nhưng thấy nó kêu: "Đồ con chó! Đồ con chó!" và hét rầm lên. Kẻ bênh vực ở liền bên nó. Êliza và Giorgiana đã chạy đi tìm bà Rit ở trên gác. Bà đến ngay tại trận, chị Bexti và cô hầu phòng Abôt theo sau. Họ gỡ chúng tôi ra và tôi nghe thấy:
- Ủa trời! Gớm chưa, dám đánh lại cả cậu Jôn?
- Đã ai thấy cảnh điên loạn thế này bao giờ chưa? Rồi bà Rit ra lệnh:
- Lôi nó và buồng đỏ kia, nhốt nó trong đó.
Lập tức bốn bàn tay nắm lấy tôi và lôi tuột lên gác.
1. Tuyn (Thule): tên ngày xưa đặt cho phần cực Bắc của thế giới. Mấy câu thơ trên ở trong bài "Mùa thu" của nhà thơ Tô-cách-lan Thomson (1700-1748) (N.X.B).
1. Pamela (Pamela): tên một cuốn tiểu thuyết của Samuel Richardsm (1680 -1761), đặt theo tên nữ nhân vật chính; Henry, Bá tước xứ Morelen - nhân vật của một tác phẩm nào đương thời được nhiều người đọc nhưng nay đã bị quên (NXB).
1. Nguyên văn: tiếp theo là những cảm giác khác