trong một bài viết cho tờ Nữu ước thời báo ngày mồng 1 tháng 8 năm 1854, Mác đã đặt tên bà cùng với Đickenx, Thackơre, Elizabet Gaxken, mà ông gọi là "trường phái xuất sắc của tiểu thuyết gia Anh hiện địa", cống hiến quan trọng nhất của họ theo ý Mác là bằng những "miêu tả sắc nét và hùng hồn", họ đã "phát hiện ra cho thế giới thấy nhiều sự thật chính trị và xã hội hơn là tất cả các nhà chính trị, nhà báo và nhà luân lý cộng lại"(1).
Saclôt Brônti (1816-1855) lớn lên và sáng tác trong một giai đoạn cực kỳ sôi nổi của lịch sử nước Anh, khi mà cuộc đấu tranh giai cấp giữa thợ thuyền và tư sản đạt đến đỉnh cao nhất của nó trong phong trào hiến chương. Theo nhận định của Lê-nin, phong trào hiến chương "phong trào cách mạng vô sản rộng rãi đầu tiên, thực sự có tính chất quần chúng và ý thức chính trị"(2). Tình cảnh thống khổ của giai cấp công nhân, bị bóc lột thậm tệ về mặt kinh tế và không có một chút quyền lợi nào về mặt chính trị, tính cách vô nhân đạo và giả dối của giai cấp tư sản là nguyên nhân của phong trào đó. Cuộc cải cách nghị viện năm 1832 chỉ là một ngón lừa bịp của các tầng lớp mà quốc hội mới đem thông qua là những thiết chế xã hội nhằm đả kích vào giai cấp vô sản. Đạo luật năm 1934 quy định việc thành lập khắp nơi các "nhà lao động" (Work houses), nói là để giúp công ăn việc làm cho người nghèo, giải quyết nạn lang thang và lưu manh hóa trong xã hội. Nhưng các "nhà lao động" chỉ là sự thí nghiệm trong thực tế lý thuyết phản động của Mantuyt (Malthus) về cái gọi là "nạn nhân mãn". Người ta tống những người đói khổ, thất nghiệp vào một thứ trại tập trung, ở đó vợ chồng phải sống xa nhau, trai gái không được đi lại với nhau và mọi người phải chịu đựng một chế độ hết sức khắc nghiệt về làm việc, ăn uống và đối đãi. Rất nhiều người đã chết trong những tổ chức như thế. "Nhà lao động" là một biện pháp trắng trợn của giai cấp thống trị nhằm thủ tiêu bộ phận "dân số thừa" trong xã hội, buộc giai cấp công nhân phải thừa nhận bất cứ điều kiện lao động nào. Nhân dân Anh gọi đó là những nhà ngục Bastiow của người nghèo". Trong tác phẩm Tình cảnh giai cấp công nhân Anh, xuất bản lần đầu tiên năm 1845, sau khi đã phân tích thực chất của đạo luật 1834, Enghen đi đến kết luận: "Và như thế người ta tuyên bố rằng giai cấp vô sản ở ngoài nhà nước và ngoài xã hội. Người lao động công khai nói rằng người vô sản không phải là người và không cần phải đối đãi với người vô sản như đối với người. Nhưng chúng ta có thể yên tâm tin tưởng ở những người vô sản của vương quốc Anh, họ sẽ tự mình phục hồi lấy quyền làm người của họ"(1). Phong trào Hiến chương, sôi nổi từ 1836 đến 1854, là biểu hiện cao nhất của đấu tranh giành "quyền làm người" đó của giai cấp công nhân Anh ở giữa thế kỷ 19.
Cuộc đấu tranh xã hội đã tạo ra một khí thế mới cho nền văn học Anh vào những năm 30 và 40 của thế kỷ trước. Phong trào Hiến chương đã đưa hàng loạt nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà hùng biện có tài, xuất thân từ công nhân. Sáng tác của họ được đăng trên báo chí Hiến chương lúc bấy giờ: Ngôi sao phương Bắc (The Northern Star), Bạn dân (The Friend of the People), Thông báo hiến chương (The Chartist Circular), Người cộng hòa đỏ (The Red Republician), Ngôi sao tự do (The Star of Freedom), Tờ báo của nhân dân (People’s Paper)... Nền văn học Hiến chương hừng hực tinh thần chiến đấu là tiếng nói của quần chúng làm cách mạng. Các tác giả công nhân cố gắng tìm một phương pháp sáng tác mới, tiến tới một chủ nghĩa hiện thực mới. Họ đưa vào truyền thống của nền văn học dân chủ Anh cuối thế kỷ 18, nhất là của Uyliam Gođuyn (William Godwin, 1756 - 1836) và Tômax Pên (Thomas Paine 1737 - 1809). Sáng tác của họ cũng gắn liền với thơ ca nhân dân Anh, với tác phẩm của các nhà văn lãng mạn cách mạng vĩ đại Bairơn (Byron, 1788 - 1824) và Senli (Shelley, 1792 - 1822). Mặc dầu trong thực tế sáng tác, vấn đề phương pháp nghệ thuật đối với họ vẫn chưa giải quyết và họ chưa đi đến chỗ tạo ra những tác phẩm lớn, những đại biểu xuất sắc của nền văn học Hiến chương, như Ecnext Jonx (Ernest Jones) Uyliam Jêmx Lintơn (William Jamex Linton), Giêran Maxi (Gerald Massey) đã đóng góp một phần rất quan trọng vào sự phát triển của nền văn học dân chủ và cách mạng Anh giữa thế kỷ 19.
Không phải chỉ có các nhà văn Hiến chương, những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến đấu chống giai cấp tư sản, mới đặt vấn đề đấu tranh xã hội trong tác phẩm của mình. Những sự kiện lớn lao trong đời sống xã hội Anh lúc ấy đã đi vào tác phẩm của các nhà văn thuộc nhiều khuynh hướng, nhất là các nhà văn hiện thực. Phong trào Hiến chương đã vạch trần cái mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư sản, khiến cho ngòi bút các nhà văn hiện thực sắc sảo thêm gấp bội trong sự phê phán trật tự đương thời. Trong văn học Anh chưa bao giờ những đại biểu của giai cấp thống trị đả kích qua những hình tượng sắc nét như thế. Vấn đề vai trò của nhân dân, vị trí của những người lao động bình thường trong xã hội được đặt ra trong văn học Anh rõ rệt hơn trong bất cứ nền văn hóa nào của châu Âu lúc ấy. Mối căm giận đối với giai cấp tư sản và quý tộc, đối với những lý thuyết phản động của chúng, sự thông cảm sâu sắc đối với những kẻ nghèo hèn, những người bị áp bức và bóc lột trong xã hội tạo nên cái nội dung nhân đạo cơ bản của các tác phẩm hiện thực lúc bấy giờ. Mặc dầu các nhà văn thực hiện không phải lúc nào cũng tỏ ra hiểu đúng mục đích và tính chất cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân - thái độ của họ đối với phong trào Hiến chương nhiều khi rất mâu thuẫn - tác phẩm của họ có giá trị lớn chính là ở chỗ đã miêu tả rất chân thực tình cảm của nhân dân, so sánh bằng nghệ thuật nguyên nhân của những xung đột xã hội, phê phán không thương tiếc giai cấp thống trị, tạo ra những hình tượng nhân vật tích cực xuất thân từ nhân dân lao động. Khó mà quan niệm được sáng tác của Dickenx, Thackơrê, Thackơree, Gaxken, Brônti nếu không có phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân lúc ấy. Không phải tình cờ mà những tác phẩm ưu tú nhất của họ lại xuất hiện vào những năm cao trào của phong trào Hiến chương: Dômbi và Con (1847) của Dickenx, Hội chợ phù hoa (1848) của Thackơrê, Meri Bactơn (1848) của Gaxken, Jên Erơ (1847) của Saclôt Brônti. Cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đã quy định nội dung của một số tiểu thuyết hiện thực lớn: Meri Bactơn (Mary Barton) của Saclôt Brônti, Thời buổi khó khăn (Hard Times, 1854) của Đickenx. Qua tất cả những tác phẩm đó có thể nhìn thấy đấu tranh cách mạng trong xã hội đã ảnh hưởng to lớn như thế nào đối với nền văn học tiến bộ lúc ấy.
Salôt Brônti sinh trưởng trong gia đình một mục sư nghèo ở quận Yorsiơ (Yorkshire) miền Băc nước Anh. Ông bố, Patric Brônti, xuất thân là nông dân Ái-nhĩ-lan, lúc trẻ đã từng làm thợ dệt, cố gắng lắm mới có chút học vấn để trở thành linh mục. Câu chuyện của gia đình Brônti không lấy gì làm vui. Sáu chị em Saclôt sớm mồ côi mẹ. Nghèo túng đã khiến Patric, một ông bố độc đoán, nghiêm khắc và có phần nào ích kỷ, đưa bốn người con gái lớn vào trại mồ côi của nhà chung ở Côwan Britgiơ (Cowan Bridge). Trại này chuyên môn làm việc đào tạo nữ gia sư cho các gia đình quyền quý trong vùng. Những năm sống ở đó là những năm khủng khiếp. Chế độ tàn khốc dưới "ánh sáng" của Chúa đã làm mòn mỏi và giết chết nhiều em gái trong trại. Hai người chị cả trong gia đình, Saclôt đã nhiễm bệnh lao và lần lượt chết. Sự thật về trại Côwan Britgiơ sẽ được dựng lại sau này trong tiểu thuyết Jên Erơ, qua sự miêu tả trại Lôut (Lowood). Trong cái chết của bé Hêlen Bơc (Helen Burns) mà tác giả kể lại với một giọng đầy đau thương và căm giận trong tác phẩm, chúng ta có thể đoán thấy cái kết thúc bi thảm của những người chị Salôt.
Linh mục Patric đành phải rút các con ra khỏi trại. Lúc bấy giờ gia đình còn lại ba chị em Saclôt, Êmily, Anna, và một người con trai là Patric Branoen (Patric Brawell). Mấy chị em Brônti đều là những người có tài. Ngoài năng khiếu về văn học chung cho cả mấy người, Saclôt và Branoen còn biết vẽ đẹp, và Êmily, Anna đặc biệt có khiếu về âm nhạc.
Họ đều ham mê văn thơ và bắt đầu sáng tác từ bé. Là con nhà nghèo, không được học tập như ý muốn, họ bắt buộc phải tự học, đọc rất nhiều sách để tự bồi dưỡng cho mình về mặt kiến thức và nghệ thuật. Branoen có cộng tác với Saclôt viết một số chuyện hoang đường về một xứ sở tưởng tượng là Angria, nhưng con đường của Branoen không xa. Chàng chóng biến thành một người ăn chơi, trụy lạc và chết một cách thảm thương. Ba chị em Saclôt, Êmily và Anna sau này đều trở thành những nữ sĩ nổi tiếng trong văn học Anh.
Nhưng những bước đầu của Saclôt trên con đường sáng tác không lấy gì làm may mắn. Năm 1837, khi mới 21 tuổi, Saclôt gửi đến cho nhà thơ nổi tiếng lúc bấy giờ là Rôbơt Xaothi (Rebert Southey, 1774-1843)(1) một bài thơ của mình. Trong bức thư trả lời, Xaothi nói với cô rằng văn học không phải là chuyện của đàn bà, vì nó sẽ làm cho họ sao lãng đi công việc nội trợ!
Để sinh sống, Saclôt phải làm gia sư cho một người chủ xưởng ở Yorsiơ. Năm 1842, nàng cùng em là Êmily đi sang Bỉ, học ở một trường lưu trú Bruyxen. Họ cố học - nhất là tiếng Pháp - với cái hoài bão sau này về Anh có thể mở một trường lưu trú độc lập. Nhưng ý muốn đó đã không thực hiện được. Họ không có phương tiện vật chất đầy đủ, lại không có quan hệ gì với các gia đình quý tộc và tư sản trong vùng: không có một ai đến học ở cái ngôi nhà lụp xụp của một linh mục nghèo nông thôn. Hoàn cảnh đó càng làm ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn và tư tưởng mấy chị em Brônti. Chán nản và tuyệt vọng trong thực tại, ước mơ một cuộc đời hoạt động không thể có, là tâm lý chung của họ lúc bấy giờ. Trong một bức thư gửi cho bạn ngày 24 tháng 3 năm 1845, nói về quê hương mình, Saclôt viết: "Tôi có cảm giác như chúng tôi đang bị chôn sống ở nơi đây. Ôi! Ao ước biết bao nhiêu được ra đi, được làm việc và sống một cuộc đời trọn vẹn!". Nàng cho cái nhà của mình là "một ngôi mộ lớn có nhiều cửa sổ" và có lúc đã phải kêu lên: "Hỡi những người Anh! Hãy nhìn vào con cái của các người! Biết bao nhiêu người trong bọn họ đang lả đi trước mắt các người vì khổ đau và bệnh tật! Cuộc đời đối với họ quả thật chỉ là một sa mạc buồn tênh..."(1)
Nhưng trong những lời than ấy không phải chỉ có tuyệt vọng, ở đó đã nảy mầm một sự phản kháng thầm kín chống lại xã hội bất công, hắt hủi những con người có tâm hồn độc lập, muốn ngẩng đầu lên cao, muốn bảo vệ nhân phẩm của mình, muốn sống bằng sức lao động của bản thân mình.
Năm 1846, ba chị em Brônti xuất bản tập thơ đầu tiên của họ, lấy bút danh đàn ông là Cơrơ, Êlix và Actơn Ben (Currer, Ellis Acton Bili). Tập thơ không thành công, nhưng họ không hề nản chí. Năm 1847, vẫn dưới bút danh đó, ba chị em Brônti gửi đến Luân Đôn những tiểu thuyết đầu tay của mình. Tác phẩm Emily, Trên cao lộng xuống (Wuthering Heights) và của Anna Anex Grây (Agnes Gray) được nhà xuất bản nhận. Saclôt không may mắn bằng: cuốn Người giáo viên (The Professor) bị từ chối. Nhưng Saclôt gửi tiếp ngay cuốn thứ hai, Jên Erơ và cùng năm đó (1847), ba tiểu thuyết của ba chị em ra đời. Mấy chị em Brônti nổi tiếng từ đấy.
Nhưng thắng lợi trên con đường sáng tác không làm cho đời sống của họ dễ dàng hơn. Hoàn cảnh thiếu thốn và cực nhục kéo dài đã làm mỏi mòn những tài hoa đang độ nở. Tiếp theo sau là cái chết của người em trai, Êmily và Anna lần lượt chết vì bệnh lao, năm 1848 và 1849, Saclôt còn lại trơ trọi một mình. Sức khỏe của bà cũng sút kém. Nhưng cuộc sống đã dạy cho bài học kiên cường và quyết tâm. Năm 1849, bà cho xuất bản cuốn Sơcli (Shirley) miêu tả cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân ở miền Bắc nước Anh đầu thế kỷ 19. Tiểu thuyết Sơcli là một bước phát triển mới của văn tài Saclôt Brônti: nó đánh đấu khuynh hướng của tác giả muốn trực tiếp biểu hiện cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng. Trong văn học Anh đó là tiểu thuyết duy nhất nói về cuộc khởi nghĩa của những người công dân phá máy (Framebreakers), thường gọi là những người Lơđaite (Luddites) theo tên của người công nhân đầu tiên đứng ra kêu gọi phá hoại máy móc để biểu lộ sự phản kháng của mình. Nhưng viết về những sự kiện xảy ra trong một quá khứ không xa (1842-1844), vào sơ kỳ của phong trào công nhân Anh, chỉ là một cách để phát biểu ý kiến về cuộc đấu tranh giai cấp sôi nổi đang diễn ra xung quanh bà lúc ấy. Sau đó bà đi Luân Đôn và được dịp làm quen với một số nhà văn tiến bộ lúc ấy, trong đó có Thackơrê và Elizabet Gaxken(1).
Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Saclôt: Vilet (Villete), ra đời vào năm 1853. Tác giả kể chuyện một cô giáo ở trường lưu trú Bruyxen. Tiểu thuyết này có nhiều nét tự truyện.
Năm 1854, bà lấy chồng, ông Nicôn (Nicholls). Nhưng hạnh phúc lứa đôi thật ngắn quá. Năm 1855, Saclôt Brônti chết, lúc bà 39 tuổi. Giới phê bình tư sản, trong lúc than khóc cho cái "tài hoa mệnh bạc" của ba chị em Brônti, cho đó là kết quả của một số hoàn cảnh khó khăn đối với tâm lý "sầu bi", "tinh vi đến bệnh hoạn" của các nữ sĩ. Sự thật thì cái chết của mấy chị em Brônti là tấn bi kịch thường xuyên của những con người trung thực, nghèo khổ, nhưng muốn sống độc lập trong xã hội tư bản chủ nghĩa.
Không phải tình cờ mà vấn đề trung tâm những tiểu thuyết của Saclôt Brônti lại là vận mệnh của những người đàn bà, phản kháng lại chế độ tư sản bằng tất cả tâm hồn "nổi loạn" cùa mình. Mặc dầu Saclôt Brôti tự xem mình là kẻ đi theo con đường của Thackorê (bà đề tặng cuốn Jên Erơ in lần thứ hai cho tác giả Hội chợ phù hoa). Tác phẩm của bà gần với Dickenx hơn. Ở bà, tình cảm như trào ra đầu ngòi bút. Tác giả không nén nổi những rung động sôi nổi của lòng mình, nhất là khi nói đến số phận hẩm hiu của "những người nhỏ bé" trong chế độ tư sản tàn khốc và bất công. Và cũng như trong trường hợp của Dickenx, trong chủ nghĩa hiện đại của Saclôt có khá nhiều nhân tố lãng mạn chủ nghĩa.
Jên Erơ là chuyện của một người đàn bà, do một người đàn bà kể lại, Saclôt Brônti đã để lại trong đó rất nhiều tâm huyết của mình. Nhiều đoạn trong tiểu thuyết là tự truyện của bản thân tác giả. Sức hấp dẫn của tác giả chính là ở chỗ nó được xây dựng trên những chất liệu rất thực, rất "sống" bằng những tình cảm xuất phát từ đáy lòng của người cầm bút. Nhưng ở nơi nào Saclôt dùng tưởng tượng thay cho thực tế thì nơi đó bà không thành công. Chủ nghĩa hiện thực không nhất quán trong toàn tác phẩm.
Vấn đề trung tâm trong Jên Erơ là vấn đề địa vị của người phụ nữ trong xã hội tư sản. Saclôt Brônti kiên quyết đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ trong tình yêu, trong đời sống gia đình, trong lao động xã hội. (Trong thời đại Brônti chưa thể nói đến sự bình quyền của phụ nữ về chính trị, ngay phong trào Hiến chương cũng chưa đặt ra quyền bầu cử đối với phụ nữ), về địa vị của người phụ nữ trong quan hệ xã hội, với nam giới, quan điểm của Saclôt Brônti gần giống với quan điểm của nữ văn sĩ Pháp Giorgơ Xăng (George Sand, 1804-1876), mà bà rất mến phục. Và cũng như Giorgiơ Xăng, trong tác phẩm của mình, Saclôt Brônti không tách rời vận mệnh và cuộc đấu tranh của những người phụ nữ ra khỏi vận mệnh và cuộc đấu tranh của những tầng lớp nghèo khổ, bị áp lực trong xã hội.
Jên Erơ, nhân vật chính của tác phẩm, chịu đủ mọi thứ cực nhục trên đời, trước hết là vì nghèo. Mồ côi bố mẹ, trong tay không có một chút của cải nào, Jên được một người cậu ruột mang về nuôi. Cậu chết, Jên phải ở với mẹ, bà Rit. Nhưng những ngày sống nhờ ở nhà bà là một chuỗi ngày đau khổ. Bị hắt hủi và ngược đãi, là cái đối tượng chơi đùa, hành hạ của mấy đứa con ngỗ nghịch và độc ác của bà Rit, Jên cảm thấy như sống giữa những người xa lạ, giữa "những người thù địch". Trong cái gia đình ấy, đọc sách là một tội lỗi và không tuân theo ý muốn của bà Rit hoặc con bà - dầu đấy là một ý muốn rất phi lý và độc đoán - hoặc hành động để tự bảo vệ cũng có thể bị tống giam vào một căn phòng tối, bỏ mặc cho đói và khát. Gia đình bà Rit là hình ảnh thu nhỏ của cái xã hội đầy rẫy bất công và tàn ác.
Nhưng trong tâm hồn bé bỏng của cô gái lên mười đã nẩy ra một tinh thần phản kháng mãnh liệt. Ý thức sống độc lập, không chịu luồn cúi, đã sớm hình thành trong đầu óc Jên, Jên tự cho mình là một người "nô lệ nổi loạn" vì hiểu rằng mình đang tiến hành một cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức của những người xung quanh. Những lời đanh thép ném vào mặt "ân nhân" - tức bà Rit - là những lời tố cáo: "Bà nghĩ tôi là kẻ không có tình cảm và tôi có thể sống không cần đến tình thương, không cần đối xử tử tế, nhưng tôi không thể nào sống như vậy được, còn bà là người nhẫn tâm... Người ta cứ tưởng bà là người phúc hậu, nhưng thực ra bà rất xấu và tàn ác. Chính bà là kẻ giả dối!" (Chương IV)
Dĩ nhiên người ta không chịu nổi sự "nổi loạn" của Jên Erơ. Và nếu như nhốt một đứa bé vào buồng tối để trừng trị nó chưa đủ thì người ta sẽ nghĩ đến những nhà tù, có tổ chức hơn, ở đó trẻ con tha hồ chết dần chết mòn một cách rất ngoan đạo, tức là trại tế bần, trại mồ côi, "nhà lao động", nhan nhản khắp nước Anh sau đạo luật phản động 1834.
Vấn đề thiếu nhi là một trong những vấn đề của xã hội nước Anh những năm 30 và 40 thế kỷ trước. Không lấy làm lạ rằng rất nhiều tác phẩm văn học hồi ấy đề cập đến chế độ khắc nghiệt của nhà trường, đến số phận đen tối của lớp người trẻ tuổi. Đickenx là người đặc biệt chú ý đến vấn đề này. Ôlivơ Tuýt (Oliver Twist, 1837), Nicôla Nickơnbi (Nicholas Nichkleby, 1838), Đêvít Côpơfin (Đavi Copperĩield, 1850), trong những khía cạnh khác nhau, đều lên án chế độ giáo dục lúc bấy giờ. Trong Hội chợ phù hoa (Vanity Fair, 1948) của Thackorê, ngay ở chương đầu, chúng ta đã thấy thái độ của Sacpơ Rêbecca đối với trường lưu trú nữ sinh Chixwich Môn như thế nào. Nàng giận dữ ném trở lại cuốn từ điển lưu niệm của nhà trường: ra đi đối với nàng, là thoát khỏi "ngục tối". Jên Erơ của Saclôt Brônti cũng là một đóng góp quan trọng trong việc vạch trần bộ mặt thật của những tổ chức từ thiện, những trại trẻ trong tay Giáo hội nhằm giết chết "những người thừa" của xã hội, hoặc ít nhất cũng giết chết phần lành mạnh và tốt đẹp trong con người để biến nó thành một thứ nô lệ cho giai cấp thống trị. Trại Lôut trong Jên Erơ là một tổ chức như thế nào. Saclôt Brônti qua kinh nghiệm bản thân đã vẽ nên nhũng bức tranh xác thực đến rùng rợn của cái nhà trường, trong đó Jên sẽ sống đến lúc trưởng thành, nghĩa là cho đến lúc có đủ khả năng vào giúp việc ở những gia đình quyền quý.
Chế độ khổ hạnh và khắc nghiệt của trại Lôut đã bóp nghẹt nhiều tâm hồn ngây thơ con trẻ. "Phải trừng trị phần xác để cứu lấy phần hồn", đấy là luận điệu lừa bịp của tên thầy tu quản trị. Hêlen Bơc đã chết một cách yên lành, nhẫn nhục, bên cạnh Jên Erơ. Em là nạn nhân của một chế độ vô nhân đạo, của những lý thuyết cực kỳ phản động của giáo hội.
Nhưng nếu Hêlen là hiện thân của tinh thần ngoan đạo, an phận thì Jên Erơ của chúng ta không như thế, Jên luôn luôn phản ứng - mà phản ứng kiên quyết - đối với những bất công xung quanh mình. Jên nói với Hêlen: "Nếu người ta lúc nào cũng tử tế và vâng lời thì chỉ tổ làm cho kẻ ác cứ tha hồ được thể. Chúng sẽ chẳng bao giờ e dè gì cả, và như vậy, thì bao giờ chúng thay đổi được. Trái lại chúng sẽ ngày càng trở nên quá quắt. Khi nào bị đánh đòn một cách vô lý ta cần phải chống cự lại thật táo bạo vào. Tôi cam đoan phải làm như thế - chống cự mạnh đến mức làm cho kẻ đánh đập chúng ta kệch hẳn". (Chương IV).
Rõ ràng, cái triết lý ấy không hợp với khẩu vị của giai cấp thống trị. Cái tinh thần quật cường của Jên Erơ đã làm giới phê bình tư sản hoảng hốt. Tờ Tam cá nguyệt san (Quarterly Review) tháng 12 năm 1848 đăng một bài đả kích kịch liệt tác phẩm của Saclôt Brônti. Người viết bài cho rằng Jên Erơ là một người quá ư "kiêu hãnh" và "bạc tình", tiểu thuyết Jên Erơ là một "cuốn sách chống thiên chúa giáo". Đáng chú ý là ngay giới phê bình tư sản cũng không thể nào không nhận thấy mối liên quan nội tại giữa các tác phẩm hiện thực và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân nước Anh và châu Âu lúc ấy. Cũng bài đó trong tờ báo trên kia khẳng định rằng Jên Erơ là "con đẻ của con người cũng như của Thượng đế ở nước ngoài và đang khuyến khích sự nổi loạn của bọn Hiến chương trong đất nước chúng ta". Thiết tưởng lời phê phán hậm hực đó của một tờ báo tư sản phản động cũng đủ bảo đảm giá trị tư tưởng lớn lao của tác phẩm Jên Erơ!
Tinh thần phản kháng và ý chí độc lập là nét tâm lý cơ bản trong Jên Erơ. Nàng chinh phục cảm tình của độc giả chính bằng cái bản chất ngoan cường đó. Để thoát khỏi trại Lôut, Jên tự mình đi mình đi tìm việc ở ngoài. Nàng đến làm cô giáo dạy trẻ ở lâu đài Thornơfin. Ông chủ Rôchextơ đâm ra yêu nàng, và nàng cũng không kém thiết tha trong mối tình đáp lại. Nhưng ngay trong tình yêu - Jên Erơ cũng đòi hỏi một thứ bình đẳng. Nàng kiên quyết từ chối mọi thứ quà tặng quý giá mà người yêu cho mình, luôn luôn nhắc rằng nàng là một cô gái nghèo và không muốn thay đổi địa vị của mình chỉ vì trở thành người yêu của một kẻ giàu sang. "Tôi là một người tự do với một ý chí độc lập", nàng nói với Rôchextơ (Chương XXIII). Khi vỡ lẽ rằng không thể lấy được Rôchextơ, nàng bỏ ra đi, mặc dầu hai người vẫn còn yêu nhau Rôchextơ, chia sẻ với chàng một cuộc đời êm đẹp, nhưng bất hợp pháp, biến thành một thứ tình nhân vĩnh viễn của người yêu. Bán rẻ nhân phẩm và trinh tiết, trở thành nô lệ và đồ chơi của người khác - dầu người ấy có là người yêu đi chăng nữa - đối với nàng vẫn còn ghê rợn hơn cả cuộc đời gió bụi, gian truân trước mặt. Hình ảnh của Jên Erơ, hôm qua còn phơi phới trong hạnh phúc tuyệt đỉnh của tình yêu, hôm nay đã trở thành người bơ vơ lỡ bước, lang thang đi tìm việc để nuôi thân, không những làm cho chúng ta xúc động mà còn làm cho chúng ta kính phục. Nếu như nàng chỉ cần một chút hạnh phúc dễ dãi! Nhưng sa đọa. Kiêu hãnh và tự trọng, nàng xây dựng cuộc đời mình bằng lao động trung thực và dũng cảm. Trong phần cuối cùng của tác phẩm, những may mắn của số phận khiến nàng trở nên giàu có và tìm ra được những người thân thích, nhưng hoàn cảnh mới không hề thay đổi con người nàng. Rôchextơ đã tàn phế, nhưng lý do ngăn cách hai người không còn nữa. Jên Erơ trở lại với người yêu, nguyệt đem cuộc đời mình xây lại cái hạnh phúc đã mất.
Trong sự miêu tả của Saclôt Brônti, cô gái tên Jên Erơ nghèo khổ cao hơn hẳn những người thuộc tầng lớp tư sản và quý tộc xung quanh. Tình yêu nàng trong trắng, tâm hồn nàng dũng cảm và vị tha. Hình tượng của Jên đẹp và cao thượng chính là vì nàng không tuân theo cái luân lý ích kỷ, vụ lợi, cái triết lý tiền bạc đang ngự trị trong xã hội lúc ấy. Ngòi bút đả kích của Saclôt Brônti đặc biệt sắc sảo khi miêu tả những vị khách quý đến chơi bời, nghỉ ngơi ở lâu đài Thornơfin của Rôchextơ. Trong cái xã hội tư sản và quý tộc ấy, dưới cái bề ngoài choáng lộn, chỉ là những tâm hồn rỗng tuếch, giả dối, không có lấy một chút chân tình. Giữa bọn họ với nhau chỉ có một cái có giá trị, đó là 38a9 tiền. Cô tiểu thư Blăngsơ Ingram là hình ảnh đối lập của Jên Erơ. Cô ta ve vãn Rôchextơ là tỏ tình với cái gia sản kếch xù mà Rôchextơ đang quản lý. Khi biết rằng ông chủ lâu đài Thornơfin không giàu có như cô tưởng, thế là cô cắt đứt một thứ tình duyên. Nếu như Jên Erơ xem hôn nhân là sự kết hợp của những tâm hồn tự do thì đối với bọn Ingram, đó chỉ là một sự mua bán kiếm chác, về phương diện này, tấn bi kịch của cuộc đời Rôchextơ cũng có một giá trị tố cáo lớn. Rôchextơ là nạn nhân của một sự tính toán trong gia đình, là vật hy sinh của bố và anh dùng để giữ gìn tài sản và kiếm thêm tiền của. Trong bài tính của họ, hạnh phúc của Rôchextơ không phải là điều đáng chú ý. Tác giả lên án những luật lệ tư sản về hôn nhân và gia đình, khiến cho con người mất hết nhân phẩm, lại tha hóa triệt để và biến thành một vật đổi chác trong xã hội.
Về phương diện này, hình tượng Rôchextơ có ý nghĩa tích cực trong tác phẩm. Hành động của chàng, trong tất cả cái phức tạp của nó, là một sự phản ứng đối với môi trường xung quanh. Chàng có học được một số thủ đoạn của giới tư sản và lớn lên, nhưng trong bọn họ, chàng là người duy nhất biết tôn trọng cuộc sống của tâm hồn, biết ước mơ hạnh phúc chân chính, biết khinh bỉ những quy luật bỉ ổi đang chi phối xã hội thượng lưu.
Phê phán chế độ tư sản, tác giả đồng thời phê phán cái công cụ đắc lực nhất của nó, giáo hội. Điều đáng chú ý là đứng trước sự thật của xã hội lúc ấy, Saclôt Brônti, cô con gái mộ đạo của một vị linh mục, không thể nào chống lại cái triết học lừa phỉnh, cái luân lý giả dối và tàn khốc mà hàng ngày bọn tay chân của nhà thờ vẫn truyền bá.
Tiểu thuyết Jên Erơ, có thể thấy được mối liên hệ giữa Nhà thờ và giai cấp thống trị như thế nào, bà Rit muốn tống cổ đứa cháu gái ngoan cố ra khỏi nhà, muốn trừng trị nó một cách đích đáng hơn, nghĩ ngay đến thầy tu Brôckơn-hơc, quản trại Lôut. Mà trại Lôut chỉ là sự kết hợp rất khéo léo trong thực tế của Thiên chúa giáo và chủ nghĩa Mantuyt, lý thuvết phản động nhất của giai cấp thống trị dùng để tiêu diệt nhân dân lao động lúc bấy giờ. Và sau này linh mục Xanh Giôn thuyết phục Jên Erơ cùng với mình đi Ấn Độ để truyền đạo, nhưng việc đó có nghĩa gì khác hơn là thực hiện chính sách ngu dân ở thuộc địa bằng tôn giáo?
Brôckơn-hơc thuộc vào loại nhân vật phản diện đậm nét trong tác phẩm. Saclôt đã vẽ hình tượng của hắn bằng những nét tập trung rất sắc. Hắn là điển hình của tầng lớp thầy tu phản động trong xã hội Anh nửa đầu thế kỷ 19, khoác áo Chúa, Brôckơn-hơc là tên cái ngục ở trại Lôut, là thủ phạm của sự đầu độc tinh thần và cái chết của nhiều em trong trại. Hắn là thứ sát nhân được chính quyền công nhận trong xã hội.
Đại diện thứ hai của nhà thờ trong Jên Erơ là Xanh Giôn. Mặc dầu Xanh Giôn xuất hiện trong tác phẩm dưới những màu sắc sáng sủa hơn, không giống như Brôckơn-hơc, nhưng thực chất của hắn cũng dần dần lộ ra. Hắn biết che đậy những tính toán ích kỷ bằng những lời lẽ rất văn hoa, hùng biện mà hắn đã thuộc lòng trong cái nghề đi ru ngủ tinh thần của hắn. Hắn đem những tình cảm chân thực của con người lệ thuộc vào những danh từ rỗng tuếch, những khái niệm khô khốc của tôn giáo. Hấn đề nghị Jên Erơ lấy hắn để đi Ấn Độ truyền đạo mà không cần một chút tình yêu nào hết. Theo hắn nói, đó là chung sức gánh vác cái "nghĩa vụ thiêng liêng" mà Đấng bề trên đã giao phó cho hai người! Cuồng tín và giả dối là đặc điểm của Xanh Giôn. Phản ứng của Jên Erơ đối với những lời lẽ đường mật của hắn chứng tỏ rằng nàng rất hiểu tâm địa của hắn.
Tuy nhiên, thái độ của Saclôt Brônti với tôn giáo trong Jên Erơ khá phức tạp. Nếu như ở một chỗ nào đó, tác giả qua Jên Erơ, tỏ ra nghi ngờ sự tồn tại của Chúa và kịch liệt lên án những hoạt động thực tế của giáo hội, thì ở những chỗ khác, cô con gái của mục sư Patric tỏ ra chưa vượt khỏi một số ảo tưởng về tôn giáo. Trong một mức độ nhất định, bà đã lý tưởng hóa cái "sứ mệnh cao quý" của những người truyền đạo như kiểu Xanh Giôn. Hình tượng nhân vật Xanh Giôn chứa một mâu thuẫn rõ rệt: trong chương cuối của tiểu thuyết, tác giả ra tìm cách "phục hồi danh dự cho hắn".
Chính cái tinh thần không triệt để này đã hạn chế phần nào sức mạnh của tác phẩm, ảnh hưởng đến nội dung cấu tạo của nó và phương pháp nghệ thuật của tác giả. Chủ nghĩa hiện thực phê phán của Saclôt Brônti gắn liền với một thứ chủ nghĩa lãng mạn đặc biệt. Trữ tình là một đặc trưng quan trọng của phong cách tác giả. Chúng ta bắt gặp trong Jên Erơ nhiều bức tranh nhiên nhiên đơn sơ nhưng tinh vi và tuyệt đẹp. Mác đã chú ý đến tài mô tả thiên nhiên của Saclôt. Trong thời gian ở vùng ngoại ô Mansextơ (Manchester), Mác đã viết cho con gái mình là Jenni về "những ngọn đồi phủ một làn khói mờ mờ xanh mà Cơrơ Ben (tức Saclôt Brônti - N.D) đã từng mê say ca ngợi". (Thư ngày 10 tháng 6 năm 1869)(1).
Tiểu thuyết của Saclôt Brônti chứa chan tình cảm, dạt dào những xúc cảm của bản thân tác giả. Bà rất xa cái lạ của Thackơrê, cái khách quan bình tĩnh của Banzăc, Zôla. Người kể chuyện trong tác phẩm - nhân vật chính Jên Erơ - như không nén nổi lòng mình, chốc chốc lại kêu lên: "Hỡi độc giả!"; nhưng cũng khó mà phân biệt rằng đấy là tiếng kêu của người kể chuyện hay của bản thân tác giả. Người đọc như được mời đi thẳng vào thế giới tâm tình của nhân vật để cùng chia sẻ buồn vui với họ. Nhiều trang trong tiểu thuyết Jên Erơ sôi nổi tình cảm, hừng hực tinh thần chiến đấu và nhân đạo chủ nghĩa, giống như đã được viết trong truyền thống lãng mạn cách mạng của Bairơn và Senli.
Tuy nhiên những nhân tố lãng mạn chủ nghĩa trong phương pháp nghệ thuật của Saclôt Brônti không phải lúc nào cũng có tác dụng tích cực. Cũng như trong đại bộ phận tiểu thuyết của Đickenx, Saclôt cố tìm một "kết thúc vui vẻ" (happy end) cho tác phẩm của mình. Jên Erơ trở về với Rôchextơ mù lòa nhưng tự do. Cuộc tái hợp này có một vị bùi ngùi đặc biệt. Không phải vì chúng ta thấy rằng cô gái anh hùng kia lại hy sinh một lần nữa, nhưng vì cái thế giới của họ bây giờ nhỏ bé quá chừng. Cái tổ ấm này hình như tự nó có đủ sức tồn tại, không cần gì phải liên hệ với xã hội bên ngoài. Những vấn đề xã hội to lớn đặt ra ở đầu tác phẩm giờ đây thu tóm lại trong một căn nhà thôn dã, trong đó sống hai tâm hồn yêu nhau. Tác giả dựng lại "giấc mộng vàng" của thời đại lãng mạn chủ nghĩa, vì chưa thể thấy được con đường đấu tranh cho tự do và hạnh phúc của nhân dân trong thực tế. Vấn đề xã hội đã biến thành vấn đề tâm lý, đấu tranh xã hội đã biến thành đấu tranh tự do bên trong của từng người trong khuôn khổ của một chế độ tư sản. Không lấy làm lạ rằng để xoa dịu những đau khổ của Jên Erơ, tác giả đã dùng đến một số biện pháp giả tạo. Jên đã đấu tranh một cách cô độc, lẻ loi, hạnh phúc cuối cùng của nàng là kết quả của nhiều tình cờ gộp lại. Tình cờ mà nàng trở nên giàu có, tình cờ mà nàng tìm được bà con thân thích, tình cờ mà người yêu của nàng bỗng trở thành tự do. Ở đây Saclôt Brônti đã không chú ý đến tính quy luật trong sự phát triển của thực tại xã hội, là cái cống hiến thẩm mỹ quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện thực so với những trường phái văn học trước đó.
Chủ nghĩa lãng mạn còn để lại một số dấu vết khác nữa trong tiểu thuyết của Saclôt Brôti. Những bí mật của lâu đài Thornơfin - những tiếng rú giữa đêm khuya, ngọn lửa tự nhiên bốc cháy trong phòng ông chủ, bóng ma vào xé cái mạng lưới của Jên ngay trong đêm trước ngày làm lễ thành hôn, và tất cả những cái đó gắn liền với hình ảnh một người đàn bà điên dại - chứng tỏ rằng tác giả chịu ảnh hưởng không ít của loại "tiểu thuyết gôtic"(1) rất phồn thịnh ở Anh vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Saclôt Brônti lại còn ưa miêu tả sự việc huyền bí mà lý trí con người không giải thích được: những giấc mộng báo tin, những linh cảm kỳ lạ, Jên Erơ và Rôchextơ ở cách xa nhau mấy chục dặm mà vẫn nghe tiếng gọi văng vẳng của nhau... Ngay các nhà phê bình tư sản cũng cho rằng những nhân tố thần bí ấy chỉ làm hạ giá trị hiện thực của tác phẩm. Phân tích Jên Erơ, Lơguy và Cazamian nói đến "trí tưởng tượng phần nào giả tạo và bệnh hoạn" của tác giả và cho rằng đó là những chỗ "ít đạt" nhất của tác phẩm(1). Nhà nghiên cứu văn học Anh Đere Traverxi (Derek Traverssi) cũng than phiền rằng với sự xuất hiện của Rôchextơ và người vợ điên loạn của y, với cách "khai thác bộ máy lãng mạn thần bí" này, tác phẩm Jên Erơ chìm sâu vào một thế giới lúng túng và phi lý(2).
Dĩ nhiên những nhược điểm đó trong tư tưởng và phương pháp nghệ thuật của nhà văn không quyết định giá trị tác phẩm của Saclôt Brônti. Tiểu thuyết Jên Erơ phơi phới tình người, chứa chan tinh thần phản kháng mãnh liệt chống lại những tệ nạn xã hội của chế độ tư sản, viết bằng một ngòi bút chân thực và điêu luyện, là một tác phẩm có tiếng vang lớn ở Anh và châu Âu hồi giữa thế kỷ 19, đang được chúng ta ngày nay nghiên cứu và thưởng thức.
Nguyễn Đức Nam
Cước chú: Phần lớn các chú thích trong sách là của người dịch, ngoài ra còn một số chú thích của Nhà xuất bản ghi (N.X.B) và sử dụng tài liệu chú thích của bản in Anh văn, do Nhà xuất bản Ngoại văn Mátxcơva ấn hành, năm 1954.
1. K.Mác và F.Enghen: Về nghệ thuật. TL Matxcơva 1957, tr. 529 (tiếng Nga)
2. V.L Lênin: Toàn tập, T. 29 tr. 282 (tiếng Nga)
1. K. Mác và Enghen - Về nước Anh, Matxcơva 1952, tr. 291 (tiếng Nga)
1. Nhà thơ thuộc phái lãng mạn tiêu cực, hồi bấy giờ thường gọi là "các thi sĩ miền hồ" (lakistes).
1. Lịch sử văn học Anh. Viện hàn lâm khoa học Liên Xô. Tập 3, Matxcơva 1955, trang 352 (tiếng Nga).
1. Elizabet Gaxken sau này trở thành bạn thân của Saclôt Brônti và là người đầu tiên viết tiểu sử tiểu sử của bà (The life of Charlotte Bronte, 1857).
1. K.Mac và F.Enghen. Về nghệ thuật T.T. Matxcơva 1957, tr. 529 (tiếng Nga).
1. Tiểu thuyết Gotic là loại tiểu thuyết lãng mạn, chuyên miêu tả những sự việc rùng rợn, những cuộc phiêu lưu kỳ ảo, những đại biểu xuất sắc nhất của loại tiểu thuyết này là Anh Radcliffe (1764 - 1832), M.G. Lewis (1775 - 1818), C.R. Maturin (1782 -1824).
1. E.Legouis, L.Cazamian. Histoire de le literature anglaise. Paris, 1964, tr. 1088.
2. Xem bài của Derek Traversi viết về mấy chị em Bronti, trong Pelican Guide to English Literatura, Quyển 6: From Dickens to Hardy. 1960, tr. 258.