Lịch Sử Tình Yêu Chương 6


Chương 6
Rắc rối của việc tư duy

Nếu Litvinoff ho ngày càng nhiều khi năm tháng trôi qua - chứng ho khan làm cả cơ thể ông lẩy bẩy, khiến ông phải gập người lại, buộc ông không thể ra bàn ăn, từ chối các cuộc điện thoại, khước từ những lời mời đi nói chuyện thi thoảng gửi tới - thì không phải chủ yếu do ông ốm yếu mà bởi vì ông có một điều muốn nói ra. Càng ngày ông càng khao khát nói điều ấy, và điều ấy càng trở nên không thể nói. Đôi lúc ông hoảng hốt tỉnh dậy từ cơn mơ. Rosa! ông sẽ hét lên. Nhưng trước khi những từ ấy bật ra khỏi miệng, ông sẽ cảm thấy bàn tay cô đặt trên ngực mình, và khi nghe tiếng nói của cô - Chuyện gì thế? Có gì không ổn vậy, anh yêu? - ông sẽ mất hết lòng dũng cảm, tràn đầy nỗi sợ hãi về những hậu quả. Và thay vì nói điều mình muốn nói, ông lại bảo: Không có gì đâu em. Chỉ là ác mộng thôi, rồi đợi tới lúc cô ngủ lại ông mới đẩy chăn và bước ra ngoài ban công.

Hồi còn trẻ, Litvinoff có một người bạn. Không thân nhưng là một người bạn tốt. Lần cuối ông trông thấy người bạn này là khi ông rời Ba Lan. Khi ấy người bạn đứng ở một góc phố. Trước đó cả hai đã mỗi người đi một hướng, nhưng cả hai đều ngoái lại nhìn người kia bước đi. Một lúc lâu, họ đứng yên ở đó. Người bạn nắm chặt chiếc mũ trước ngực. Anh giơ tay lên chào Litvinoff và mỉm cười. Rồi anh kéo vành mũ sụp xuống che hai mắt, quay đi và với hai bàn tay không, biến vào đám đông. Cho tận tới giờ, không một ngày nào trôi qua mà Litvinoff không nghĩ về khoảnh khắc ấy, hay người bạn ấy.

Vào những đêm không thể ngủ nổi, đôi lúc Litvinoff vào phòng viết và lấy ra cuốn Lịch sử tình yêu của mình. Ông đã đọc lại chương thứ mười bốn, “Thời kỳ Dây,” nhiều lần tới mức bây giờ bìa sách tự động mở tới đó.

Có rất nhiều từ bị lạc. Chúng rời khỏi miệng và đánh mất lòng dũng cảm, vật vờ vô mục đích cho tới lúc bị quét vào một máng nước như những chiếc lá rụng. Vào những ngày mưa bạn có thể nghe tiếng đồng thanh của chúng lướt qua rất nhanh: Emlàmộtcôgáiđẹp!Làmơn đừngđiEmcũngtinngườiemlàmbằngthuỷtinhEmchưa baogiờyêuaiEmnghĩmìnhthậtnựccườiThalỗichoem…

Có một thời, không có gì là lạ khi dùng một sợi dây để dẫn đường cho các từ ngữ bởi nếu không, chúng ta đi chệch trên đường tới đích. Những người nhút nhát mang theo một cuộn dây nhỏ trong túi, nhưng những kẻ được coi là to mồm cũng cần tới cuộn dây không kém, bởi phàm những ai hay bị tất thảy mọi người tình cờ nghe thấy lại không biết làm thế nào để khiến một người đặc biệt nghe được điều mình nói. Khoảng cách hữu hình giữa hai người dùng một sợi dây thường nhỏ; đôi lúc khoảng cách càng nhỏ, càng cần dùng tới dây.

Việc gắn những chiếc ống vào đầu hai sợi dây xuất hiện muộn hơn nhiều. Một số người nói điều này liên quan tới sự thôi thúc không thể cưỡng lại của việc ép vỏ sò, ốc vào tai để nghe tiếng vọng của biểu đạt đầu tiên trên thế giới - nay vẫn tồn tại. Những người khác bảo rằng việc này bắt đầu bởi một người đàn ông cầm một đầu sợi dây được thả dần căng ngang đại dương từ tay một cô gái bỏ sang Mỹ.

Khi thế giới lớn dần lên và không có đủ dây để giữ cho những điều người ta muốn nói khỏi biến mất vào khoảng mênh mang, điện thoại được phát minh.

Đôi khi không có độ dài nào của dây đủ dài để nói ra điều cần nói. Trong những trường hợp như thế, tất cả những gì sợi dây có thể làm, dù nó có hình thức thế nào, là truyền đi sự im lặng của người nói.

Litvinoff bật ho. Bản in trong tay ông là bản sao của bản sao của bản sao của bản sao của bản gốc mà bây giờ không còn tồn tại, ngoại trừ trong đầu ông. Không phải “gốc” như cuốn sách trong ý tưởng mà một nhà văn tưởng tượng ra trước khi ngồi xuống viết. Bản gốc tồn tại trong đầu Litvinoff là sự ghi nhớ về bản viết tay bằng tiếng mẹ đẻ của ông, bản ông đã cầm bằng hai tay vào ngày lần cuối cùng ông nói lời tạm biệt với người bạn. Khi ấy họ đều không biết đó sẽ là lần cuối cùng. Nhưng trong tim mình, từng người đều tự hỏi liệu chăng sẽ như thế.

Hồi ấy Litvinoff là nhà báo. Ông làm cho một nhật báo, chuyên viết cáo phó. Đôi lúc vào những buổi tối sau khi làm việc xong, ông đến một quán cà phê đầy những khách là nghệ sĩ và các nhà triết học. Vì không biết nhiều người ở đó, Litvinoff thường chỉ gọi một món đồ uống, vờ đọc một tờ báo ông đã đọc hết và lắng nghe những câu chuyện xung quanh mình:

Ý tư‑ởng về thời gian ngoài những gì ta biết thật không thể chấp nhận được!

Marx, tay đểu cáng của tớ.

Cuốn tiểu thuyết tiêu rồi!

Trướ‑ c khi tuyên bố sự thống nhất của mình, chúng ta phải xem xét kỹ…

Giải‑ phóng chỉ là biện pháp giành lấy tự do; nó không đồng nghĩa với tự do!

Mal‑evich hả? Gã kiêu căng nhà tớ còn thú vị hơn thằng dở người đó.

Và đó, bạn tôi ạ, là rắc rối của tư duy!

Đôi khi Litvinoff thấy chính mình không đồng tình với lập luận của ai đó, trong đầu ông hình thành một lời phản bác rất hay.

Một đêm ông nghe thấy tiếng nói từ phía sau: “Chắc chắn phải là bài báo hay đây - anh đã đọc nó suốt nửa tiếng rồi.” Litvinoff nhảy dựng, và khi nhìn lên, gương mặt quen thuộc của người bạn cũ thời thơ ấu đang nhìn xuống ông mỉm cười. Họ ôm lấy nhau và quan sát những thay đổi thời gian đã ghi dấu trên dung mạo của nhau. Litvinoff luôn cảm thấy gần gũi với người bạn này, ông hồi hộp muốn biết việc bạn mình đã làm trong vài năm trước đó. “Làm việc, như mọi người khác,” người bạn trả lời và kéo một chiếc ghế. “Còn việc viết lách của cậu?” Litvinoff hỏi. Bạn ông nhún vai. “Đêm yên tĩnh. Chẳng ai quấy rầy tớ. Con mèo của bà chủ đến ngồi vào lòng tớ. Thường thì tớ ngủ quên ngay tại bàn mình và tỉnh dậy khi con mèo bỏ đi lúc có dấu hiệu đầu tiên của ánh sáng ban ngày.” Và rồi, chẳng hề có lý do nào, cả hai cùng bật cười.

Từ đó trở đi, mọi tối họ đều gặp nhau ở quán cà phê. Với nỗi khiếp sợ ngày càng tăng, họ bàn về những bước tiến của quân đội Hitler và những hành động mà người ta đồn là thực hiện nhằm vào người Do Thái, cho tới khi họ sợ đến mức không thể thốt nên lời. “Mà có lẽ nói chuyện gì vui vẻ hơn đi nhỉ,” rốt cuộc người bạn sẽ nói thế, và Litvinoff sẽ vui sướng chuyển chủ đề, háo hức thử nghiệm một trong những luận thuyết triết học của ông đối với người bạn cũ của mình, hoặc tham khảo ý kiến bạn về một kế hoạch kiếm tiền nhanh chóng liên quan đến vớ phụ nữ và chợ đen, hoặc mô tả cô gái xinh đẹp sống cách nhà ông một con phố. Bạn Litvinoff, đến lượt mình, thỉnh thoảng cho Litvinoff xem một số phần việc ông đang thực hiện. Những điều nho nhỏ, một đoạn chỗ này, chỗ kia. Nhưng Litvinoff luôn xúc động. Chỉ đọc xong trang đầu tiên ông đã nhận ra rằng từ lúc cả hai cùng là học sinh với nhau đến giờ, bạn ông đã dần trở thành một nhà văn thực sự.

Vài tháng sau, khi người ta biết rằng Isaac Babel đã bị cảnh sát mật của Nga giết, Litvinoff được giao nhiệm vụ viết cáo phó. Đó là nhiệm vụ quan trọng và ông đã dành nhiều tâm sức cho nó, cố gắng tạo nên giọng văn thích hợp cho cái chết thương tâm của một nhà văn vĩ đại. Ông ở lại nơi làm việc đến tận nửa đêm, nhưng khi đi bộ về nhà dưới cái lạnh ban đêm, ông mỉm cười một mình, tin rằng bản cáo phó là một trong những bài viết tốt nhất của mình. Những bài viết ông phải thực hiện thường mỏng và tầm thường, ông phải thêm thắt thứ gì đó với một số lời khen ngợi quá mức, những câu sáo rỗng, những nhận xét giả tạo về danh tiếng để tưởng nhớ tới cuộc đời người quá cố, phóng đại cảm giác mất mát trước cái chết của họ. Nhưng lần này không thế. Lần này cần phải nâng mình cho đúng tầm với bài viết, phải chật vật tìm kiếm ngôn từ dành cho một người đã là bậc thầy về sử dụng từ ngữ, đã dành toàn bộ sự tồn tại của mình để chống lại sự sáo rỗng với hy vọng mang đến cho thế giới một lối tư duy và lối viết mới; nói đúng hơn là một lối cảm nhận mới. Và là người nhận giải thưởng cho những nỗ lực của mình là cái chết do đội xử bắn mang lại.

Ngày hôm sau, bài viết xuất hiện trên báo. Người phụ trách gọi Litvinoff vào phòng và chúc mừng ông về bài viết. Vài đồng nghiệp cũng khen ông. Tối hôm đó, khi gặp bạn ở quán cà phê, bạn ông cũng ca ngợi bài viết. Litvinoff gọi cho hai người một chầu vodka, lòng hạnh phúc và tự hào.

Vài tuần sau, người bạn không có mặt ở quán cà phê như thường lệ. Litvinoff đợi một tiếng rưỡi, sau đó thôi chờ và trở về nhà. Tối hôm sau ông lại đợi và một lần nữa bạn ông không có mặt. Lo lắng, Litvinoff tìm đến căn nhà bạn ông ở. Ông chưa từng tới đó nhưng ông biết địa chỉ. Khi đến nơi, ông ngạc nhiên vì căn nhà lại xập xệ và dơ dáy đến vậy, ngạc nhiên vì những bức tường nhờn mỡ ở lối vào và mùi của thứ gì đó ôi thối. Ông gõ cánh cửa đầu tiên mình gặp. Một phụ nữ mở cửa. Litvinoff hỏi về bạn mình. “Vâng, chắc chắn rồi,” bà nói, “nhà văn lớn.” Bà trỏ ngón tay cái lên trên. “Tầng trên cùng, bên tay phải.”

Litvinoff gõ cửa phải đến năm phút mới nghe thấy tiếng bước chân nặng nề của bạn mình phía bên kia cánh cửa. Khi cửa mở ra, bạn ông đứng đó trong bộ đồ ngủ, tái xanh và mệt mỏi. “Có chuyện gì xảy ra thế?” Litvinoff hỏi. Bạn ông nhún vai và ho, “Cẩn thận, không là cậu cũng nhiễm đấy,” người bạn nói và lê bước trở lại giường. Litvinoff lúng túng đứng trong căn phòng chật chội của bạn, muốn giúp gì đó nhưng không biết phải làm thế nào. Cuối cùng một tiếng nói phát ra từ chiếc gối: “Một tách trà thì hay.” Litvinoff vội vàng ra góc nhà - nơi một cái bếp tạm bợ được dựng lên - và loay hoay tìm ấm đun nước (“Trên bếp ấy,” bạn ông yếu ớt bảo). Trong khi đun nước, Litvinoff mở cửa sổ cho chút không khí lọt vào và rửa chỗ bát đĩa bẩn. Khi mang tách trà còn bốc khói cho bạn, ông thấy rằng bạn đang run lẩy bẩy vì sốt, vậy nên ông đóng cửa sổ và xuống gác để hỏi bà chủ mượn thêm một tấm chăn. Cuối cùng người bạn cũng ngủ. Không biết làm gì khác, Litvinoff ngồi xuống chiếc ghế duy nhất trong phòng và đợi. Sau khoảng mười lăm phút, một con mèo kêu meo meo ngoài cửa. Litvinoff cho nó vào, nhưng khi con mèo thấy rằng người bạn đêm của mình bị ốm, nó bỏ ra ngoài.

Trước chiếc ghế là một cái bàn gỗ. Những trang viết vương vãi trên mặt bàn. Một trang khiến Litvinoff chú ý và, liếc mắt để chắc chắn rằng bạn mình đã ngủ say, ông nhặt nó lên. Chạy hết phía trên cùng trang giấy là dòng chữ: CÁI CHẾT CỦA ISAAC BABEL.

Chỉ khi chúng buộc tội im lặng cho ông, Babel mới phát hiện ra có bao nhiêu loại im lặng đã tồn tại. Khi nghe nhạc, ông không còn nghe các nốt nhạc mà nghe những khoảng im lặng giữa chúng. Khi đọc một cuốn sách, ông dành toàn bộ tâm trí cho các dấu phẩy và chấm phẩy, cho khoảng trống sau dấu chấm câu và trước chữ viết hoa của câu tiếp theo. Ông phát hiện ra những chỗ trong một căn phòng, nơi yên lặng tụ lại; những nếp xếp của các tấm rèm, những chiếc bát sâu lòng của bộ đồ ăn bằng bạc. Khi người ta nói chuyện với ông, ông ngày càng ít nghe những điều người ta đang nói và nghe ngày càng nhiều những gì họ đang không nói. Ông học cách suy luận nghĩa của những im lặng nào đó, việc này giống như xử lý một trường hợp khó mà không có bất kỳ manh mối nào, chỉ dùng trực giác. Và không ai có thể nói rằng ông không thành công trong công việc ấy. Hàng ngày, ông tạo ra toàn bộ những thiên sử thi viết bằng sự im lặng. Ban đầu việc đó khó. Hãy tưởng tượng gánh nặng của việc giữ im lặng khi con bạn hỏi bạn liệu Chúa có tồn tại, hay người phụ nữ bạn yêu hỏi liệu bạn có đáp lại tình yêu của cô ấy. Ban đầu Babel rất muốn dùng chỉ hai từ: Có và Không. Nhưng ông biết rằng chỉ bật ra một từ duy nhất cũng sẽ hủy hoại mất dòng im lặng trôi chảy mong manh.

Ngay cả sau khi chúng bắt và đốt toàn bộ những bản thảo của ông - mà tất cả đều là những trang giấy trắng - ông vẫn không chịu nói. Thậm chí không một tiếng rên khi chúng tặng cho ông một cú thoi vào đầu hay một mũi giày vào chỗ kín. Chỉ ở khoảnh khắc khả thể chịu đựng cuối cùng, lúc đối mặt với đội xử bắn, nhà văn Babel mới đột nhiên cảm nhận được khả năng tồn tại nỗi khiếp sợ của mình. Khi những khẩu súng trường chĩa vào ngực ông, ông tự hỏi phải chăng những gì ông đã coi là sự phong phú của im lặng thực ra là sự thiếu thốn của việc không bao giờ được nghe thấy. Trước đó ông nghĩ rằng những khả năng về sự im lặng của con người là vô tận. Nhưng khi những viên đạn bay vọt khỏi nòng, cơ thể ông lỗ chỗ sự thật. Và một phần nhỏ con người ông bật cười cay đắng bởi, dù sao đi nữa, làm thế nào ông lại có thể quên điều mình luôn biết: Không có gì sánh nổi sự im lặng của Chúa.

Litvinoff ném trang viết xuống. Ông giận điên lên. Làm thế nào mà bạn ông, người có thể thoải mái chọn chủ đề để viết, lại ăn cắp chủ đề mà ông - Litvinoff - đã tình cờ viết một bài mà ông lấy làm tự hào? Ông cảm thấy bị khinh bỉ, bị hạ nhục. Ông muốn lôi người bạn ra khỏi giường và yêu cầu được biết ông ta có ý gì khi viết như thế? Nhưng sau một lúc, ông bình tâm lại và đọc lần nữa, khi làm việc ấy, ông nhận ra sự thật. Bạn ông không hề đánh cắp thứ gì thuộc về ông. Làm thế nào ông ấy có thể đánh cắp được nó chứ? Cái chết của một người không thuộc về ai ngoài chính người đã chết.

Cảm giác buồn bã tràn ngập trong ông. Suốt những năm qua, Litvinoff đã tưởng tượng ông giống bạn mình đến thế nào. Ông tự hào với bản thân vì những điều ông coi là sự tương đồng giữa hai người. Nhưng sự thật là ông giống người đàn ông đang vật lộn với cơn sốt trên chiếc giường cách không quá ba mét kia không nhiều hơn giống con mèo vừa mới bỏ ra ngoài: họ là hai loài khác nhau. Rõ ràng thế, Litvinoff nghĩ. Tất cả những gì cần làm là xem mỗi người đã tiếp cận cùng một chủ đề như thế nào. Ở nơi ông nhìn thấy một trang toàn từ ngữ, bạn ông thấy khoảng trống của những do dự, những hố đen, những khả năng nằm giữa các từ ngữ. Nơi bạn ông trông thấy những đốm sáng, niềm hạnh phúc vì được bay, nỗi buồn vì trọng lực, ông thấy hình dạng cứng nhắc của một con én bình thường. Cuộc sống của Litvinoff được xác định bởi niềm vui trong gánh nặng của thực tại; với bạn ông lại là sự chối bỏ thực tế, với vô số sự việc không thể dự báo trước. Nhìn bóng mình phản chiếu trên cửa sổ tối đen, Litvinoff tin rằng lớp vỏ đã bị lột ra để cho ông thấy một sự thật: Ông là một người bình thường. Một người sẵn lòng chấp nhận hiện thực như vốn có, và bởi thế ông thiếu tiềm năng sáng tạo. Và dù về vấn đề này thì ông đã nhận định hoàn toàn sai, sau đêm đó không gì có thể thuyết phục được ông không tin điều ấy.

Bên dưới CÁI CHẾT CỦA ISAAC BABEL là một trang khác. Với những giọt nước mắt thương cho chính bản thân mình còn vương trên mũi, Litvinoff đọc tiếp.

FRANZ KAFKA ĐÃ CHẾT(1)_

Ông chết trên một thân cây mà ông không thể leo xuống được. “Xuống đi!” họ hét lên với ông. “Xuống đi! Xuống đi!” Bầu yên lặng bao trùm bóng đêm và bóng đêm lấp đầy sự im lặng khi họ đợi Kafka lên tiếng. “Tôi không thể,” cuối cùng ông nói, với vẻ tiếc rẻ. “Sao thế?” họ gào lên. Những vì sao rải đầy nền trời đen. “Vì lúc ấy các người sẽ không còn yêu cầu tôi nữa.” Người ta thầm thì và gật gù với nhau. Họ quàng tay qua người nhau và chạm vào tóc của con cái mình. Họ nhấc mũ chào người đàn ông nhỏ bé, ốm yếu có đôi tai của một loài sinh vật lạ đang ngồi trên thân cây tối thẫm trong bộ vest nhung đen. Rồi họ quay người, bắt đầu trở về những căn nhà nằm dưới vòm lá. Trẻ con được công kênh trên vai các ông bố, buồn ngủ vì được đưa đi xem người đàn ông viết những cuốn sách của mình trên những mảnh vỏ ông đã tước ra từ cái cây ông không chịu leo xuống. Bằng chữ viết tay hoa mỹ, mềm mại, khó đọc. Và họ ngưỡng mộ các cuốn sách đó, họ ngưỡng mộ ý chí cùng sự bền bỉ của ông. Rốt cuộc: ai mà không muốn chiêm ngưỡng sự cô đơn của ông cơ chứ? Lần lượt từng gia đình trở vào nhà sau lời chúc ngủ ngon và một cái nắm tay, đột nhiên cảm thấy biết ơn vì sự đồng hành của những người láng giềng. Cửa khép lại cho những căn nhà ấm áp. Nến thắp lên bên những ô cửa sổ. Cách xa đó, trong cái tổ của mình trên cây, Kafka lắng nghe tất cả: tiếng loạt soạt của quần áo bị ném xuống sàn, của đôi môi run rẩy lướt trên những bờ vai trần, của những chiếc giường cót két dưới sức nặng của sự dịu dàng. Tất cả đều lọt vào vành tai nhọn mỏng manh và lăn rền trong không gian tư duy rộng lớn của ông.

Đêm ấy, một đợt gió lạnh buốt thổi tới. Khi lũ trẻ thức giấc, chúng bước ra cửa sổ và thấy thế giới bị bọc trong băng đá. Một đứa, đứa nhỏ nhất, hét lên vì vui sướng, tiếng hét của nó xuyên thủng bầu yên lặng và làm nổ tung lớp băng bọc ngoài cây sồi khổng lồ. Thế giới bừng sáng.

Họ tìm thấy ông bị đông cứng trên nền đất như một con chim. Người ta nói rằng khi đặt tai mình vào vành tai ông, họ có thể nghe thấy chính mình.

Dưới trang đó là một trang khác có tiêu đề CÁI CHẾT CỦA TOLSTOY, bên dưới nữa là cái chết của Osip Mandelstam - một cái chết nghiệt ngã vào cuối năm 1938 trong một trại trung chuyển gần Vladivostok, và bên dưới trang đó là sáu hay tám người nữa. Chỉ có trang cuối cùng là khác. Trang này viết: CÁI CHẾT CỦA LEOPOLD GURSKY. Litvinoff cảm thấy ớn lạnh trong tim. Ông liếc nhìn người bạn lúc này đang thở một cách mệt nhọc. Ông bắt đầu đọc. Khi đọc hết, ông lắc đầu và đọc lại lần nữa. Và sau đó lại một lần nữa. Ông đọc đi đọc lại, miệng mấp máy các từ như thể chúng không phải thông báo về một cái chết mà là lời cầu nguyện cho sự sống. Như thể chỉ bằng cách nói ra chúng, ông có thể giữ cho bạn mình được an toàn trước thần chết, sức mạnh trong hơi thở của ông giữ cho đôi cánh của thần chết bị ghim lại thêm một lúc, thêm một lúc - cho tới khi thần chết bỏ cuộc và để cho bạn ông yên. Suốt cả đêm Litvinoff trông chừng người bạn, và suốt đêm ông mấp máy môi. Và lần đầu tiên trong quãng thời gian dài mà ông còn nhớ được, ông không thấy mình vô dụng.

Khi trời sáng, Litvinoff nhẹ người khi thấy sắc hồng đã trở lại gương mặt người bạn của ông. Bạn ông đang ngủ giấc ngủ nghỉ ngơi trong quá trình hồi phục. Khi mặt trời lên đến vị trí tám giờ sáng, ông đứng dậy. Hai chân ông tê cứng. Ruột gan ông có cảm giác như bị nạo hết cả ra. Nhưng lòng ông tràn đầy hạnh phúc. Ông gập trang CÁI CHẾT CỦA LEOPOLD GURSKY làm đôi. Và thêm một điều nữa không ai biết về Zvi Litvinoff: trong suốt phần đời còn lại, ông đã bỏ trong túi áo ngực trang viết mà suốt đêm ấy ông đã ngăn không cho thành sự thật, để ông có thể kéo dài thêm một chút thời gian - cho bạn ông, cho sự sống.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/29521


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận